Vietnamese English
Cây Ba gai (Linh sam Sông Hinh) đầu tiên được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

5/17/2025 5:15:00 PM

(VACNE) - Sáng nay (17/5), tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đã diễn ra lễ công nhận Cây Ba gai (Linh sam - Sông Hinh) hơn 100 năm tuổi là Cây Di sản Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên một cây Ba gai (tên khoa học Trifidacanthus unifoliolatus Merr.), còn được biết đến với tên gọi Linh sam – Sông Hinh, được vinh danh trong hệ thống Cây Di sản Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm danh sách các loài cây quý hiếm của Việt Nam.

Lễ công nhận được tổ chức đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự kiện này mang ý nghĩa tri ân các thế hệ đi trước đã khai phá, giữ gìn vùng đất Tây Nguyên.

Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo VACNE, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk cùng đông đảo nghệ nhân sinh vật cảnh của các tỉnh lân cận và người dân địa phương đến tham dự và tặng hoa chúc mừng.

A group of people standing on a red carpetAI-generated content may be incorrect.

Đại diện VACNE, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã trao Bằng và Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam cho chủ sở hữu cây

Cây Linh sam – Sông Hinh hiện được chăm sóc và bảo tồn tại Vườn cây Đông Phương, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột. Chủ sở hữu cây, Nghệ nhân Trần Vân Bích, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Đông Phương, cho biết đây là niềm vinh dự lớn đối với cá nhân ông cũng như người dân địa phương. “Việc công nhận này không chỉ thể hiện trách nhiệm trong việc gìn giữ nguồn gen quý hiếm, mà còn góp phần quảng bá sự đa dạng sinh học của Việt Nam, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, kinh tế – xã hội của địa phương,” ông Bích chia sẻ. Ông cũng cam kết tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn để chăm sóc, bảo tồn cây trong điều kiện tốt nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện VACNE gửi lời cảm ơn đến cộng đồng địa phương và chủ nhân cây vì đã bảo tồn tốt một loài cây quý có giá trị sinh thái, cảnh quan và văn hóa. Đồng thời, Hội đánh giá cao sự hưởng ứng của người dân Buôn Ma Thuột với phong trào Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, việc công nhận Cây Di sản không chỉ nhằm lưu giữ các "chứng nhân sống" của lịch sử và thiên nhiên, mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, và gìn giữ đa dạng sinh học.

PV. VACNE

Lượt xem : 45