Vietnamese English
Thương tiếc Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng – Cánh chim đầu đàn, bay không biết mỏi của VACNE

5/21/2025 11:15:00 AM

(VACNE) - Đôi lời tâm tư của Tiến sỹ, Nhà văn Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), thương tiếc Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng.

Tôi tham gia vào nhiều đoàn thể nhân dân, nhưng tổ chức mà tôi gắn bó nhất, tâm huyết nhất là Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Tôi coi tổ chức này là ngôi nhà chung của những người yêu và có trách nhiệm với môi trường thiên nhiên, trong đó có rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của Việt Nam. Đây là những người làm chuyên sâu vể tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và tài nguyên khoáng sản nói riêng.

Trong những nhà khoa học đầu ngành tham gia Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, một trong những nhà khoa học làm tôi khâm phục và nể trọng là Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo nhân dân, Phó Chủ tịch Hội Phạm Ngọc Đăng. Mỗi lần gặp, nhìn dáng người gầy nhưng rắn giỏi, với gương mặt cương nghị của ông, tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Cụ Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông".

Qua hai câu thơ trên, Cụ Nguyễn Công Trứ muốn nói, muốn gửi gắm vào đấng nam nhi, sĩ tử chân chính phải đi bằng hai chân của mình, không dựa dẫm, không xua nịnh, phải học thật, thi thật, phải lấy đức tài làm trọng, phải tự học tập và rèn luyện để trở thành người tài ra giúp dân, giúp nước, được ghi danh vào sử sách, làm rạng rỡ gia đình, dòng họ, làm vẻ vang cho quê hương, đất nước. Cái “danh” mà Cụ Nguyễn Công Trứ nói đến không phải là danh hão, là hư danh, là thứ danh lợi vị kỉ tầm thường. Công danh sự nghiệp phải là tiếng thơm, là những công việc ích quốc lợi dân, là công danh sự nghiệp được đo bằng tầm vóc phi thường, là tài năng, đạo đức xuất chúng. Câu thơ trên đây thể hiện một tâm thế tuyệt đẹp của kẻ tài trai, của đấng nam nhi mang khát vọng cống hiến tài năng, đức độ, công sức cho Tổ quốc.

Tôi xin được dùng hai câu thơ của Cụ Nguyễn Công Trứ để làm quy chuẩn đánh giá sự nghiệp, công lao, sự cống hiến của Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo nhân dân Phạm Ngọc Đăng đối với khoa học nói chung và với khoa học môi trường nói riêng. Ông là người học cao, biết rộng, hiểu sâu, hiểu đúng, nói ngắn, nói chuẩn, luôn bảo vệ chân lí; ông là người thẳng thắn, trung thực, tận tâm với công việc chung, luôn đứng về phía cái đúng.

Tôi có nhiều lần làm việc với Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng. Lần thì, tôi cùng ông đi nghiên cứu đánh giá vai trò của các tổ chức quần chúng các tỉnh miền Trung vfa Tây Nguyên trong tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; lần thì cùng nhau dự các cuộc họp của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; lần thì tham gia trong các hội thảo khoa học và diễn đàn…Qua những lần gặp gỡ và qua nghe Giáo sư Phạm Ngọc Đăng phát biểu, tôi hiểu ông là người “kiệm lời”, người làm nhiều hơn nói, người nói ngắn nhưng chuẩn đến từng câu chữ.

Trong một lần dự Điễn đàn “Doanh nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường vì tăng trưởng xanh quốc gia” được tổ chức vào ngày 22/5/2017, tại Hà Nội. Đại diện của Công ty cổ phần hóa dầu công nghệ cao HI-TEC thành phố Hồ Chí Minh trình bày sáng kiến của mình trong sử dụng các loại sơn sinh thái hoàn toàn thân thiện với môi trường, với câu thông điệp: “Sơn sinh thái 100% tự nhiên – Sơn cho thế hệ xanh”. Sơn sinh thái góp phần không chỉ làm đẹp hơn công trình, mang lại thêm sự thoải mái cho người dùng mà còn là giải pháp tốt để bảo vệ con người, loại bỏ hoàn toàn các tác động xấu của các loại sơn thông thường có chứa nhiều hóa chất độc hại gây ra. Sơn chứa Graphenne + Vôi là sơn thế hệ mới nhất của vật liệu nano. Vôi trong sơn sẽ hấp thụ CO2 hóa đá trở lại, lớp sơn dày lên…”.

Nghe xong vị đai diện Công ty HI-TEC trình bày, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng đặt câu hỏi ngắm gọn, rõ ràng: “Bằng chứng nào để đánh giá sơn sinh thái chứa Graphenne + Vôi sẽ làm cho CO2 hóa đá trở lại, lớp sơn dày lên?”. Vị đai diện Công ty lúng túng, trả lời loanh quanh làm cho mọi người trong phòng họp không hài lòng.

Một lần khác, tôi cùng Giáo sư Phạm Ngọc Đăng làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên về vai trò của các đoàn thể nhân dân trong bảo vệ môi trường (theo quy định tại Chương XV, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014). Một vị lãnh đạo Sở cho rằng, Điều 146 quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư còn có những bất cập, rất khó thực hiện trong thực tế. Đó là, chưa quy định rõ thế nào là cộng đồng dân cư? Trong thực tế, ở cấp thôn/xóm rất khó bầu ra người đại diện cho mình và người đại diện rất khó tiếp cận với doanh nghiệp, rất khó kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp…

Nhận thấy đây là lỗ hổng trong Luật, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng đã yêu cầu nhóm chúng tôi nghiên cứu kỹ để đề xuất vào sửa Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Từ những bằng chứng nghiên cứu từ thực tế, nhóm chúng tôi do Giáo sư Phạm Ngọc Đăng chỉ đạo đã đề nghị và được Quốc hội Khóa 14 thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có khái niệm về cộng đồng dân cư: “Cộng đồng dân cư là cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố hoặc điểm dân cư tương tự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Điều 159, Chương XIII đã quy định rõ hơn về quyền được cung cấp thông tin, quyền được tham vấn, quyền được tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường và quyền được phản biện, kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp đóng trên đia bàn dân cư.

Để làm rõ “chân dung” nhà khoa học chân chính, tôi đã tìm đọc những cuốn sách, những bài viết về Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo nhân dân Phạm Ngọc Đăng. Qua tài liệu cho biết:  Giáo sư Phạm Ngọc Đăng sinh ngày 10/10/1937, tại xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cố đô, bên dòng sông Hoàng Long, một vùng chiêm trũng, vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, vùng đất “sinh vương, sinh thánh, sinh thần”. Giáo sư xuất thân trong một gia đình nông dân có 9 anh chị em (6 trai, 3 gái), dù đông anh em nhưng bố mẹ ông vẫn mong muốn các con được học tập nên người. Năm 1946 - 1949, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng học Tiểu học tại trường Cơ bản Điềm Giang, Ninh Bình; năm 1949 – 1952, học Trung học cơ sở, trường Hoa Lư, Ninh Bình. Giữa lúc đang học lớp 8 thì có đợt tuyển quân, anh thanh niên Phạm Ngọc Đăng không ngần ngại mà lập tức xung phong xin tham gia kháng chiến. Nhưng vì thể trạng yếu, lại sẵn bị bệnh tim mạch nên không được xếp vào đối tượng tuyển quân, anh đành ở lại, tiếp tục chuyên tâm đèn sách. Đó thật là những ngã rẽ mà không ai có thể lường trước, số phận đã khéo xếp đặt để ông được tiếp tục theo nghiệp học hành. Bằng những xuất học bổng hiếm hoi được Nhà nước trao cho học sinh nghèo hiếu học, bằng sự nỗ lực của bản thân, bằng sự động viên của gia đình, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng đã xuất sắc hoàn thành chương trình phổ thông, đại học,  trở thành một trong số những kỹ sư xây dựng đầu tiên của Việt Nam, là giảng viên môn Vật lý kiến trúc trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, rồi làm Chủ nhiệm Khoa, Hiệu Phó, Hiệu Trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Năm 1973, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ và 5 năm sau (năm 1978) luận án Tiến sỹ khoa học, năm 1984, ông được công nhận chức danh Phó giáo sư và năm 1991 là Giáo sư.

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng: Tổng Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Xây dựng - Kiến trúc, Uỷ viên Hội đồng Bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ viên Hội đồng Phát triển bền vững Quốc gia, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hanh Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.

Trong những năm công tác, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng đã nghiên cứu nhiều công trình khoa học, viết sách và báo, trong đó có những tác phẩm được xuất bản ở nước ngoài và đăng tải trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng có một cống hiến có ý nghĩa thực tiễn rất cao. Đó là hoàn thành đề tài “Nghiên cứu xây dựng Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại” (2004-2005), ông cùng cộng sự thực hiện đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo nhân dân Phạm Ngọc Đăng là một trong các vị lãnh đạo có nhiều đóng góp xây dựng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát triển bền vững. Giáo sư là Phó Chủ tịch Hội, kiêm Chủ tịch Hội đồng thi đua, Ủy viên Hội đồng Cây Di sản Việt Nam. Trong mọi công việc của Hội, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng đều tham gia với trách nhiệm cao. Giáo sư luôn là người truyền cảm hứng, truyền năng lượng tích cực cho các thành viên của VACNE.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo nhân dân Phạm Ngọc Đăng – Nhà khoa học đã góp sức giữ hồn cho sự kiện bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam ngay từ ngày đầu; là một trong những cánh chim đầu đàn, bay không biết mỏi cống hiến cho mọi hoạt động của VACNE nói chung, sự kiên bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam nói riêng.

Do có những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu khoa học nên Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo nhân dân Phạm Ngọc Đăng được Đảng và Nhà nước, các ngành, các địa phương trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), năm 1982; Huân chương Lao động hạng Ba, năm 1985; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1987; Được Nhà nước phong tặng Nhà giáo Ưu tú, năm 1988, Nhà giáo Nhân dân, năm 2002. Giải thưởng Môi trường Việt Nam, năm 2004 và nhiều bằng khen của các Bộ: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội...

Vô cùng thương tiếc Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo nhân dân Phạm Ngọc Đăng – Một trong những cánh chim đầu đàn, bay không biết mỏi của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam./.

https://btnmt.1cdn.vn/2020/06/10/anh-3-(1).jpg

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học. Nhà giáo nhận dân Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch VACNE trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho Bộ đội Trường Sa.

TS. Trần Văn Miều

Lượt xem : 59