quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024

Bảo vệ môi trường: điều tiên quyết để xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững vùng nông thôn

Thứ Ba, 14/03/2023 | 02:39:00 PM

(VACNE) - GS.TS. Võ Quý, nguyên Phó Chủ tịch VACNE, người đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động bảo vệ môi trường của đất nước và cho công tác của Hội ta. Kỷ niệm 35 năm VACNE, web Hội xin trích đăng bài báo về 1 trong nhiều lĩnh vực mà cố Phó Chủ tịch rất quan tâm.

A group of men sitting at a table with microphonesDescription automatically generated with medium confidence

GS.TS. Võ Quý (ngoài cùng phía bên phải), đồng chủ trì Hội thảo liên quan đến Dự án Tam Đảo II

I. Môi trường là cơ sở của sự phát triển bền vững vùng nông thôn

Môi trường trong lành và một hệ sinh thái ổn định là điều kiện cơ bản của cuộc sống con người và phát triển bền vững. Các nguồn tài nguyên sinh học, rừng, đất ngập nước và các hệ sinh thái khác đáp ứng những nhu cầu đa dạng của cuộc sống con người, và tạo điều kiện cho con người có khả năng thích ứng với những thay đổi về điều kiện môi trường. Nhưng theo chiều hướng của sự phát triển kinh tế ngày nay, nhất là khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên quý giá như rừng, đất đai và nguồn nước…, đã dẫn đến sự suy thoái các nơi sống (habitat), các hệ sinh thái và làm giảm cơ chế hỗ trợ (dịch vụ) của các hệ sinh thái tại nhiều vùng trên toàn cầu. Hệ quả là sự suy sụp của nhiều hệ sinh thái và nơi sống của các động thực vật hoang dã đã dẫn đến những biến động xã hội chưa từng thấy mà những người nghèo và cộng đồng những người trực tiếp sống dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên – là phải chịu nhiều điều thiệt thòi nhất. Phần lớn tình trạng này đã và đang xẩy ra ở nhiều nước đang phát triển và các nước đang thời kỳ chuyển đổi trên thế giới.

…Bởi vậy cần phải lường trước được những vấn đề về môi trường sẽ xẩy ra không thể tránh khỏi cùng với sự phát triển, và phải tìm mọi cách phòng ngừa để giảm nhẹ tổn thất và có một chiến lược phát triển bền vững kết hợp với sự bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng khôn khéo các nguồn tài nguyên, và có sự tham gia của đại đa số người dân trong cộng đồng.

Với những nước nghèo như Việt Nam, mà cuộc sống của đa số nhân dân phụ thuộc chính vào khai thác các loại tài nguyên thiên nhiên, thì tính bền vững về sinh thái và kinh tế cũng quan trọng như tính bền vững về xã hội trong quá trình phát triển. Cũng vì vậy, nếu sự phá huỷ môi trường, làm tổn hại đến các hệ sinh thái, cơ sở cho sự sinh trưởng của các sản phẩm sinh học, như đất, nước, các quần thể động vật, thực vật, rừng, đất ngập nước, biển và bờ biển, với nhịp điệu như hiện nay thì sự phát triển bền vững không thể thực hiện được.

…Để phát triển bền vững, chúng ta vừa phải đảm bảo và nâng cao được chất lượng cuộc sống của nhân dân, đồng thời lại phải bảo toàn được hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học.

Con người chính là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của thế giới chúng ta, và sự bảo toàn các hệ sinh thái là một phần trong những cố gắng lớn lao để bảo toàn cuộc sống cả loài người, không những cho các tập thể của cộng đồng mà còn cho mỗi cuộc sống quý giá của từng cá nhân. Bất cứ một kế hoạch bảo vệ môi trường thực sự nào cũng đều phải bao gồm những biện pháp nhằm xoá đói giảm nghèo, vì nạn nghèo đói là một trong những nguyên  nhân chính dẫn đến phá hoại môi trường.

II. Một vài kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án môi trường và phát triển tại các vùng nông thôn, miền núi

Các vùng nông thôn ở Việt Nam đang phải đối đầu với một số vấn đề về môi trường trong quá trình phát triển: đất nông nghiệp trên đầu người đang bị giảm, nhiều vùng đất bị suy thoái, xói mòn, nguồn nước ngọt cạn kiệt dần, ô nhiễm ngày càng gia tăng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, và đặc biệt là diện tích che phủ rừng bị giảm sút nghiêm trọng.  

…Kinh nghiệm chứng tỏ rằng trong những trường hợp tương tự, thì công tác bảo vệ theo pháp luật là khó thành công. Đường ranh giới có biển báo (như khu bảo tồn), trạm gác, bắt bớ, tịch thu, giáo dục cũng không thể ngăn cấm họ xâm phạm vào rừng và, nếu không có biện pháp thích hợp để ngăn chặn kịp thời thì rừng vẫn tiếp tục bị suy thoái.

Phải có hệ thống tổ chức mới và cách giải quyết mới, nhằm thỏa mãn được nhu cầu trước mắt của nhân dân mà không gây nguy hại đến mục tiêu lâu dài của việc bảo vệ rừng và nâng cao diện tích rừng. Kinh nghiệm cho thấy rằng: hợp tác với nhân dân địa phương và chấp nhận những yêu cầu cấp bách của họ là biện pháp bảo vệ có hiệu quả hơn là chỉ có biện pháp hàng rào, ngăm cấm, tuần tra và xử phạt.

Đã có những dự án riêng lẻ nhằm giảm nhẹ sức ép của nhân dân lên các tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và thu được một số kết quả khả quan. Từ việc thực hiện các dự án nói trên tại nhiều vùng, nhất là các vùng đệm của các khu bảo tồn (KBT), chúng ta có thể nêu lên một số nhận xét sau đây:

Tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng đang tiếp tục bị suy thoái vì cuộc sống của nhân dân địa phương, những người sống gần rừng, do quá khó khăn mà họ đã phải thường xuyên hay những khi nông nhàn, xâm nhập vào các khu rừng, kể các KBT thiên nhiên để tìm kế sinh nhai. Ngoài nguyên nhân nghèo đói, còn có nhiều nguyên nhân khác nữa, từ phiá ngoài đến như việc buôn bán các sản phẩm từ rừng, nhu cầu về các sản phẩm rừng, nhất là gỗ, củi, việc xây dựng đường sá, các cơ sở hạ tầng, hoặc ở mức độ cao hơn, vĩ mô như chính sách chưa đúng đắn v.v..

Dù nguyên nhân từ đâu, hậu quả của suy thóai môi trường (mất rừng, xói mòn đất, ô nhiễm đất, nước, mất đa dạng sinh học, lũ lụt, hạn hán...) trước tiên ảnh hưởng đến người dân địa phương.

…Vì vậy để động viên được các cộng đồng địa phương tại các vùng sâu, vùng xa giải quyết được những khó khăn trước mắt, khi xây dựng dự án ở đây cần phải lưu ý khởi đầu bằng những hành động nhỏ, giải quyết những việc gì cấp bách nhất mà người dân đang mong đợi.    

1. Đầu tiên nên chọn các họat động trực tiếp và tức khắc cải thiện được cuộc sống thường ngày của người dân (lương thực, nước, sức khỏe, nhà ở, tăng thu nhập…). Hơn ai hết, người dân hiểu rất rõ họ đang cần cái gì;

2. Tạo mọi điều kiện nâng cao nhận thức về thiên nhiên và môi trường, làm cho mọi người hiểu được vấn đề và nguyên nhân gây ra suy thóai môi trường, tài nguyên; tạo cho họ lòng tin là họ có thể tự cải thiện được cuộc sống của họ bằng cách sử dụng một cách hợp lý và lâu dài tài nguyên thiên nhiên (rừng, đất, nước mà họ có).

3. Tạo niềm tự hào về những đặc trưng tự nhiên có một không hai của địa phương (như các loài đẹp và quý hiếm, các loài đặc hữu, các hình thái cây cỏ, các cảnh quan đặc trưng của địa phương...);

4. Lập kế họach hiện thực, với mục tiêu ngắn hạn "thấy được và vươn tới được".  Những kỳ vọng xa xôi, không luận giải được và không hòan thành được sẽ tạo ra sự thất vọng và những cản trở dẫn đến tình trạng trì trệ và mất lòng tin;

5. Tham khảo ý kiến và tôn trọng ý kiến của nhân dân,  nhất là những người hưởng lợi, tránh áp đặt một kế họach cứng nhắc đưa từ trên xuống, nhất thiết không để dân hiểu nhầm là dự án đến thuê họ làm công việc của họ, mà dự án đến hỗ trợ họ giải quyết những khó khăn mà họ đang phải đối đầu;

6. Lôi kéo sự tham gia của phụ nữ vì phụ nữ là lực lượng lao động rất quan trọng ở nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, các dân tộc ít người.

7. Tạo được mô hình tốt cho mọi người noi theo, mô hình đó nên chọn người thực hiện phù hợp (nên lấy ý kiến của dân);

8. Xây dựng tổ chức và phân phối công bằng lợi nhuận trong cộng đồng;

9. Lôi kéo sự tham gia và sự ủng hộ của những nhân vật chủ yếu như các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo, các trưởng bản, các nhân vật cao cấp ở địa phương và sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ chân chính;

10. Các dự án phát triển và bảo tồn thiên nhiên, thực hiện tại các vùng nông thôn, kể cả các vùng đệm KBT, cần phải có sự tham gia trực tiếp của chính quyền và cộng đồng địa phương vì đó chính là công việc của họ, và qua việc thực hiện dự án,  họ cũng được đào tạo, nâng cao hiểu biết và nhất là nâng cao trình độ quản lý. Có như thế kết quả của dự án mới được vững bền

11. Các dự án liên quan đến phát triển bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, tại các vùng nông thôn, miền núi nghèo thường khó giải quyết một cách trọn vẹn trong thời gian 2-3 năm như thường lệ của các dự án hỗ trợ phát triển, mà nên tìm cách kéo dài dự án 10-15 năm , bằng những hành động thiết thực cho đến khi người dân ở đó có hiểu biết đúng đắn về cách sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên tại địa phương mình và tự nguyện tham gia tích cực vào công cuộc bảo tồn thiên nhiên và có được cuộc sống ngày càng ổn định.

12. Sớm ổn định dân số.

Kết luận

…Như đã nói ở các phần trên, Việt nam đang đứng trước những khó khăn trong qúa trình phát triển, do những thảm hoạ về sinh thái gây ra do sức ép dân số, do quy hoạch và quản lý còn kém hiệu quả. Bằng cách học tập kinh nghiệm của các nước khác và phân tích các mẫu hình thất bại và thành công của quá trình phát triển của chính mình, nước ta đã chọn một cách phát triển mới, tập trung vào kế hoạch hoá gia đình, sớm ổn định dân số và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách khôn khéo hơn, để đạt được những mục tiêu phát triển trong đó vấn đề môi trường đóng vai trò quan trọng.

Vì vậy để giải quyết khó khăn nói trên, để bảo vệ được các vùng thiên nhiên đẹp, xây dựng được các vùng nông thôn một cách vững chắc, không phải chỉ là vấn đề giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân ở các vùng của đất nước, nhất là ở các vùng mà cuộc sống của đa số người dân phụ thuộc vào việc khai thác thiên nhiên, thực thi pháp luật, chuyển giao kỷ thuật, tìm vốn đầu tư mà còn phải chú ý đến vấn đề kinh tế-xã hội phức tạp ở đây, mà chủ yếu là tìm các biện pháp hữu hiệu để cải thiện mức sống của người dân, nhất là những người dân nghèo, đồng thời phải nâng cao nhận thức của họ về bảo vệ thiên nhiên và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, kể cả đất, rừng và nguồn nước mà họ có trách nhiệm bảo vệ và họ được quyền quyết định về cách sử dụng tốt nhất cho cuộc sống của họ, con cháu họ và cho cả cộng đồng.

Mấu chốt của thành công trong việc thực thi các dự án phát triển và bảo vệ môi trường là có sự tham gia của cộng đồng. Nhân dân địa phương có quyền xác định vấn đề của họ và những họat động ưu tiên, họ được tham gia trực tiếp vào mọi công việc thực thi dự án và họ được hưởng lợi. Người dân phải nhận thức được trách nhiệm của họ với thiên nhiên - cơ sở của sự phát triển - nhưng họ cũng cần được hỗ trợ để giải quyết các khó khăn trước mắt và họ cũng thấy được họ không bị bỏ rơi trong việc giải quyết các khó khăn mà họ đang gặp phải.

Để đạt được kết quả mong muốn, các dự án ở đây phải được thực hiện với dân mà không phải cho dân.

Lượt xem: 1107

Các tin khác

Hội BVTN&MT Đắk Lắk duy trì nhiều hoạt động hướng về cơ sở

(03/12/2024 02:01:PM)

Hình ảnh Lễ trao giải cuộc thi viết về Cây di sản Việt Nam năm 2024

(28/11/2024 05:49:AM)

Hình ảnh Hội nghi BCH TƯ Hội Bảo vệ TN&MT Việt nam năm 2024

(27/11/2024 07:46:PM)

Công bố danh sách Giải thưởng Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

(26/11/2024 11:14:PM)

Đại diện Bộ Nội vụ và Bộ TN-MT đánh giá cao vai trò cuả VACNE trong xây dựng phát triển bền vững của đất nước

(26/11/2024 04:50:PM)

Hội nghị Ban Chấp hành 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội

(26/11/2024 03:20:PM)

25 tác phẩm được trao giải viết về "Cây di sản Việt Nam năm 2024"

(26/11/2024 03:07:PM)

Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm thiểu đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp

(23/11/2024 06:26:PM)

Thay đổi thói quen "đốt đồng" để giảm ô nhiễm môi trường

(22/11/2024 05:45:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE