quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon rừng ven biển Việt Nam

Thứ Ba, 27/08/2024 | 06:51:00 AM

Các chuyên gia cho rằng thị trường tín chỉ carbon rừng ngập mặn ven biển tại Việt Nam đầy tiềm năng nhưng thực tế vẫn còn mới. Nhà đầu tư muốn mua tín chỉ carbon chất lượng cao vẫn gặp khó khăn về các chính sách, quản trị và cần hoàn thiện cơ sở pháp lý...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại tọa đàm “Chia sẻ cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển”  do Trường Đại học Nông lâm TP.HCM phối hợp Tổ chức Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Viện Nghiên cứu môi trường – Đại học Adelaide (Australia) tổ chức, TS. Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, nhấn mạnh:  “Các hệ sinh thái ven biển và đất ngập nước bao gồm rừng ngập mặn, đầm lầy, thủy triều, cỏ biển… đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu”.

50% TÍN CHỈ CARBON TRÊN THỊ TRƯỜNG ĐẾN TỪ LÂM NGHIỆP

Theo TS. Trần Đình Lý, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rừng ngập mặn và đất ngập nước ven biển có khả năng hấp thụ carbon cao hơn rất nhiều so với các hệ sinh thái khác, đặc biệt là rừng nhiệt đới. Tuy nhiên, thị trường carbon xanh từ các hệ sinh thái này vẫn chưa được khai thác và phổ biến rộng rãi.

“Với tiềm năng lớn trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái ven biển đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường carbon toàn cầu. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin và sự hạn chế trong giao dịch tín chỉ carbon xanh đã gây khó khăn trong việc phát triển các dự án hiệu quả”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM nhấn mạnh.

Còn theo TS. Phạm Thu Thủy, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Đại học Adelaide (Úc), trong vòng 20 năm trở lại đây, khi nói về thị trường carbon, 55% của toàn bộ các giao dịch liên quan tới thị trường carbon trên thế giới đều ở ngành lâm nghiệp. Ngoài giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng còn có tiềm năng hỗ trợ cộng đồng, dân tộc thiểu số, từ đó có giá trị gia tăng về mặt xã hội.

Hệ sinh thái xanh dương (hệ sinh thái biển) gồm hệ sinh thái cỏ biển, rừng ngập mặn và đầm lầy bãi triều.
Hệ sinh thái xanh dương (hệ sinh thái biển) gồm hệ sinh thái cỏ biển, rừng ngập mặn và đầm lầy bãi triều.

“Nghiên cứu cho thấy rừng trên thế giới hấp thụ 15,6 GT Co2 mỗi năm. Lượng này gấp 3 lần lượng khí thải của Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên khoản 8,1 GT rò rỉ chảy lại trong khí quyển do phá rừng, cháy rừng và phá hủy hệ sính thái khác”, TS. Phạm Thu Thủy nhận định.

Bên cạnh rừng ngập mặn, hệ sinh thái xanh dương (hệ sinh thái biển) còn có hệ sinh thái cỏ biển và đầm lầy bãi triều. Hiện hay, tiềm năng hệ sinh thái xanh dương lớn, nhưng số dự án không nhiều.

Tuy nhiên, theo bà Thủy,  đây là  thực trạng chung trên thế giới, các dự án về rừng ngập mặn ven biển tại các quốc gia hiện không nhiều. Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 31 dự án tại các quốc gia trên thế giới.  

“Về rủi ro chính sách cho tín chỉ carbon tại Việt Nam thì việc kinh doanh chắc chắn sẽ có rủi ro tại bất kì ngành nào, kinh doanh carbon cũng không nằm ngoài điều đó. Dù vậy, dưới góc nhìn kinh doanh, càng rủi ro thì càng cơ hội, người nắm bắt cơ hội trước sẽ là người chiến thắng.

Đơn cử, Singapore đang nắm bắt cơ hội này và mua các tín chỉ carbon với giá rẻ. Trong tương lai, xu thế tất yếu là các quốc gia sẽ càng siết chặt về giảm phát thải. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào lâu dài, trên thị trường hiện nay việc nhà đầu tư giảm và ngừng mua mua chỉ chiếm 10% thị phần”.

TS. Phạm Thu Thủy,  Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Đại học Adelaide (Úc).

Một điểm đáng lưu ý mà TS. Phạm Thu Thủy nhắc đến là những quốc gia  có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất trên thế giới nhưng lại không bán được tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn. Khảo sát của CIFOR cho thấy các quốc gia giàu tài nguyên tín chỉ carbon này không tiến hành thương mại carbon rừng ngập mặn là vì họ cho rằng đây là ưu thế, tiềm lực tài nguyên quốc gia và ưu tiên cho những doanh nghiệp trong nước

Cùng với đó, qua quá trình nghiên cứu, bà Thủy cho rằng thương mại carbon rừng không chỉ phụ thuộc vào tiềm năng của mỗi quốc gia, mà hiện nay việc mà nhà đầu tư cần nữa chính là sự ổn định về hành lang pháp lý và sự hỗ trợ.

Theo TS. Phạm Thu Thuỷ, thị trường tín chỉ carbon hiện nay chủ yếu đi theo mô hình tư nguyện, đầu tư cho các hoạt động bồi hoàn trong tương lai. Giá bán tín chỉ carbon rừng ngập mặn cao hơn rất nhiều so với dự án trên cạn, dù vậy không có các số liệu cụ thể cho từng giao dịch.

Hiện, trên thế giới có 5 nước mua tín chỉ carbon nhiều nhất gồm Thụy Sĩ (15%), Mỹ (6%), Đức (3%), Hà Lan (3%) và Pháp (3%). Có 58 quốc gia bán tín chỉ carbon nhiều nhất. Trong đó, châu Phi có Kenya, Uganda; châu Mỹ Latinh có Peru, Colombia, Brazil; châu Á - Thái Bình Dương có Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar. Giá trung bình của 1 tín chỉ carbon toàn cầu là 11,2 USD/tấn. 

Thị trường carbon hiện nay các nhà đầu tư lớn chủ yếu đến từ các ngành giao thông và vận chuyển logistics, công nghệ thông tin, nhà máy sản xuất, công ty dược phẩm, dịch vụ và các đơn vị nghiên cứu.

Dù vậy, TS. Phạm Thu Thủy nhận định trong 31 dự án tín chỉ carbon rừng ngập mặn trên thị trường hiện nay, người dân không được hưởng lợi và đây là thách thức lớn nhất của thị trường khi chưa có các chế lợi ích rõ ràng.

TIỀM NĂNG LỚN CẦN SONG HÀNH VỚI CHÍNH SÁCH

Về tài nguyên rừng ngập mặn tại Việt Nam, TS. Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng Bền vững (VFCO), cho biết hiện nay rừng ngập mặn ở Việt Nam có tổng diện tích khoảng 200.000 ha, 80% phân bố ở phía Nam tại vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện trạng phân bố rừng ngập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện trạng phân bố rừng ngập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

“Diện tích rừng ngập mặn chỉ chiếm 1% diện tích rừng toàn quốc, nhưng lượng carbon trong rừng ngập mặn lớn hơn so với các loại rừng khác. Chẳng hạn, 200.000 ha nhưng tổng lượng carbon lưu trữ trong rừng ngập mặn chiếm khoảng 1,5% tổng lượng carbon trong rừng, tương đương khoảng 8,7 triệu tấn carbon”, ông Phương cho biết.

Đồng tình, TS. Phạm Thu Thủy cho rằng Việt Nam có nhiều ưu thế phát triển thị trường carbon trong lâm nghiệp. Theo đó, tiềm năng thị trường carbon có giá trị cao như đa dạng sinh học thứ 16 trên thế giới; 25 triệu người nghèo dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng; diện tích và chất lượng rừng ngập mặn, rừng trên cạn tiềm năng; có thể tiến hành nhiều loại hình dự án (trồng mới và tái trồng rừng).

Bên cạnh đó, mặc dù tiềm năng cao tín chỉ carbon của rừng ngập mặn tại Việt Nam cao nhưng thực tế thị trường còn mới. Nhà đầu tư muốn mua tín chỉ carbon chất lượng cao vẫn gặp khó khăn về các chính sách và quản trị và cần hoàn thiện cơ sở pháp lý.

Đồng thời, cần nghiên cứu và thu thập số liệu, thẩm định kiểm chứng các chi phí và lợi ích liên quan đến thể chế, xã hội và môi trường mà tín chỉ carbon rừng mang lại.

Mặt khác, theo PGS.TS Viên Ngọc Nam, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, một trong những thách thức nữa của rừng ngập mặn tại Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói là hiện tượng nước biển dâng cao dẫn đến hiện trạng hệ sinh thái thay đổi như giảm diện tích rừng và thành phần đa dạng các loài. Cùng với đó là vấn đề sạc lở đất ở khu vực này.

Vân Nguyễn (neconomy.vn)

Lượt xem: 481

Các tin khác

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

Bức tranh quản lý rác thải phức tạp tại Việt Nam

(23/09/2024 09:38:AM)

Phân loại rác đúng cách để bảo vệ môi trường

(16/09/2024 07:22:AM)

Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 - Nhiệm vụ nào cần được thực hiện?

(15/09/2024 06:57:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE