Cây đa gần gũi, bình dị mãi là biểu trưng gắn bó của những làng quê Việt, đặc biệt là nông thôn Bắc bộ.
Làng tôi cũng có một cây đa như thế. Xù xì, rậm rạp nhưng lừng lững, uy nghiêm và vô cùng thân thuộc là những tính từ mà người dân làng tôi vẫn tự hào khi nói về cây đa đã có hàng trăm năm tuổi này. Tôi ra đời, lớn lên đã thấy có cây đa đứng đó. Tuổi trẻ của chúng tôi đầy ắp những kỷ niệm khó phai gắn với gốc đa làng. Đó là những trưa hè oi ả cùng nhau tung tăng vui đùa dưới gốc đa với những trò chơi của thời thơ ấu. Đám trẻ lành hiền thì trèo cây hái quả, bẻ lá làm trâu. Mấy thằng “nhất quỷ, nhì ma...” tụi tôi thường đu cành nhảy xuống dòng sông tắm mát hay leo chót vót lên ngọn đa, bắt bọ nẹt bỏ vào áo mấy đứa con gái (bây giờ nghĩ lại còn thấy dại, sao hồi đó chỉ thấy rất bình thường). Ngày ấy, tôi mới học lớp 6 trường làng nhưng đã trộm thích cái Hiền xóm Nam, học trên tôi một lớp, nên hay giấu tụi bạn cùng chơi hái những quả đa chín mọng, ngọt lành, vờ bỏ quên trong ngăn bàn nó...
Bóng mát của cây đa vô hình trung đã trở thành một trong những tụ điểm văn hoá của làng. Đó là nơi tụ họp của bà con không chỉ mỗi khi làng vào đám mà cả những ngày mùa hối hả. Người làng tôi về đây nghỉ ngơi, mời nhau bát nước chè xanh, miếng trầu cánh phượng, vừa hưởng chút gió hiu hiu từ cánh đồng thổi lại, vừa trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, làm quên đi nỗi vất vả và cái nóng như thiêu của buổi chiều hè. Những đêm trăng vằng vặc sáng, gốc đa làng lại là nơi chứng kiến bao nhiêu lứa đôi thuộc nhiều thế hệ của làng tôi tình tự và đằm thắm trao nhau những lời thệ hải minh sơn... Mỗi đợt tuyển quân đầu năm, làng tôi cũng chọn bóng đa cổ kính ấy làm nơi tiễn anh em tân binh lên đường nhập ngũ. Những cô gái chàng trai ngày nào trao duyên, thề ước dưới gốc đa thì giờ đây cũng tại nơi này, họ lại bịn rịn chia tay, hò hẹn ngày về trong ấm nồng nước mắt và dào dạt yêu thương.
Lâu ngày xa quê tôi mới lại có dịp về làng dự đám tang ông bác. Cô Hiền ngày nọ bây giờ đã thành bà hội trưởng hội phụ nữ xã và mới gả chồng cho con gái đầu lòng. Tuy nhiên, bóng đa làng tôi vẫn vậy, vẫn những nốt gồ lên thô tháp của thân cây và cái cành cong cong đổ gập sang hướng bắc ở phía bờ sông, nơi trước kia chúng tôi thường trèo lên đó để buông mình xuống nước. Qua chừng ấy năm mà dường như cây không hề suy suyển, âm thầm thách thức với thời gian. Linh cữu bác tôi đưa qua đây để đi về gồ Mả Cả, đến gốc đa thì có hiệu lệnh thanh la cho cả đoàn dừng lại và sau ít phút tạm nghỉ, ba hồi trống dài được nổi lên tiễn biệt. Dân làng tôi tin rằng dưới bóng đa này là nơi phù hợp nhất để linh hồn người quá cố có thể siêu thoát về miền cực lạc...
|