quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Cỏ sĩ

Thứ Bảy, 08/01/2011 | 01:34:00 PM

Vào một chiều cả gió, tôi nghe có tiếng cười lớn ở xóm Sườn Đồi trong câu chuyện giữa một bụi cỏ với cụ Đa Lông – cây Di sản cấp xóm.

  Nguyễn Đình Hòe, VACNE


Hi ! Háo - a -  U? (How are You), Cụ Đa Lông!
 
Có lẽ cụ Đa cao quý vừa được vinh phong là cây Di sản cấp xóm không để ý đến thảo dân. Vì thảo dân có mặt khắp nơi, đông như…cỏ nên chẳng ai buồn để ý. Thảo dân là một bụi cỏ, đại diện cho 668 chi và khoảng 10.035 loài cỏ trong họ Hòa thảo, hay họ Lúa, hoặc cứ gọi thẳng là họ Cỏ (Poaceae) cho đơn giản, thưa cụ. Họ hàng của thảo dân còn được biết dưới danh pháp khác là Gramineae. Tất nhiên thảo dân có tên đàng hoàng. Tên thảo dân là Boby Supachai Cỏ. Nhưng xin cụ đừng nghĩ thảo dân là dân đa quốc tịch.Thảo dân theo trào lưu ca sỹ hiện đại, nên phải ghép một từ tiếng Anh trong tên cho nó “mode”. Nhưng thảo dân còn đi trước cả đám ca sỹ “hot” đó: Thảo dân biết rất rõ nước ta là một thành viên tích cực của ASEAN nên thảo dân còn tự ghép thêm một cái tên rất ASEAN là Supachai. Thế là thảo dân, Mistơ Boby Supachai Cỏ, cư dân xóm Sườn Đồi, đang có vinh dự hầu chuyện cụ Đa Di sản đây!


 

Thực bì Đồng cỏ của thảo dân chiếm khoảng 20% toàn bộ thảm thực vật trên Trái Đất và là họ thực vật quan trọng nhất đối với toàn bộ nền kinh tế của loài người, bao gồm cả các bãi cỏ chăn thả cho gia súc cũng như là nguồn lương thực chủ yếu (ngũ cốc) cho toàn thế giới, kể cả các loại tre, trúc được sử dụng rộng rãi ở châu Á trong xây dựng. Họ hàng thảo dân đã xuất hiện khoảng 65 triệu năm trước, vì các nhà Cổ sinh vật học đã tìm thấy những phần sót lại của lúa và tre trong phân hóa đá của khủng long thời kỷ Phấn trắng.
 
Sự xuất hiện của các dãy núi lớn tại miền tây Hoa Kỳ khoảng 25 triệu năm trước, đã tạo ra một Tân Lục địa thích hợp cho sự tiến hóa của đồng cỏ, và đồng cỏ trở thành ngày càng phổ biến hơn. Sau thời kỳ băng hà đầu kỷ Đệ Tứ, khi con người hiện đại mới là những cụ vượn cụt đuôi lò dò xuống đất, thì các đồng cỏ bắt đầu trở thành cư dân thống lĩnh trên khắp thế giới rồi.
 
Là thực vật có hoa, các loài cỏ chủ yếu mọc tập trung trong các khu vực có lượng mưa hàng năm nằm trong khoảng từ 500 tới 900 mm, nghĩa là trừ vùng sa mạc khô cằn chẳng cây gì mọc được, hễ có chút hơi ẩm là đã thấy họ hàng cỏ nhà thảo dân xuất hiện. Nhờ sự tiên phong đó mà đất hình thành, làm tiền đề cho các loại cây rừng thân gỗ mọc lên. Hệ thống rễ của cỏ lưu niên và các dạng cỏ dại phi-hòa thảo khác tạo thành các tấm thảm kiên cường giữ đất tại chỗ, chống xói mòn, lại còn hấp thụ một lượng khí CO2 khổng lồ giúp làm giảm hiệu ứng nhà kính nữa chứ! Các loại côn trùng, giun,dế, động vật nhỏ, nhất là bọn đào lỗ, sinh sống sâu trong lòng đất, có thể tới độ sâu 6 m, trong các đồng cỏ yên tĩnh trên các loại đất giàu dinh dưỡng. Các dạng động vật không xương sống này, cùng với nấm cộng sinh, làm gia tăng hệ thống rễ, phá vỡ các loại đất đá cứng, làm giầu đất bằng đạm và các loại phân bón tự nhiên khác, giữ lại nước và khoáng chất và thúc đẩy sự phát triển của cả thế giới sinh vật. Có nhiều kiểu đồng cỏ là nơi cộng sinh của nhiều loài thực vật hoang dại, có tới 25 đến 40 loài trên mỗi mét vuông. Cũng theo đó mà lũ động vật ăn cỏ xuất hiện và bành trướng, nghênh nga nghênh ngang, cứ ra vẻ như chúng tự nhiên mà có vậy.
 
Họ hàng thảo dân nổi tiếng đến mức rất nhiều người đã lấy tên Cỏ (tức là Thảo) để đặt tên cho mình: nào là Thanh Thảo (cỏ xanh), Thu Thảo (cỏ mùa thu), Xuân Thảo (cỏ mùa xuân), rồi nào Hiền Thảo, Đức Thảo, Phương Thảo,…Chữ Thảo mỗi khi xướng lên nghe thật…du dương! Như mang âm hưởng của cả đất trời và của mọi thứ đức hạnh tốt lành mà con người mong mỏi. Ngay các bậc Danh nho Hiền nhân Quân tử cũng thường tự ví mình với trúc - một loài trong họ Cỏ đấy thôi. Loài người ngày xưa theo tín ngưỡng phồn thực, hay thờ sinh thực khí (bộ phận sinh dục nam/nữ) để cầu mong nhiều con cái và mùa mạng bội thu, mưa thuận gió hòa. Nay họ hiện đại rồi, không thờ sinh thực khí nữa (xấu hổ chết !). Họ chuyển sang tặng hoa cho nhau. Nhưng hoa là gì thưa cụ Đa? Thực ra hoa cũng chỉ là cơ quan sinh dục của thực vật! Mà phần lớn loài hoa đẹp cũng là thuộc họ Cỏ nhà thảo dân.
 
Vậy mà con người có ai để ý và vinh danh đến họ hàng cỏ nhà thảo dân đâu, họ còn sẵn sàng rẫy cỏ, đốt cỏ, dọn cỏ, dùng tràn lan thuốc diệt cỏ… cả những nơi không cần thiết. May mà dù cố gắng đến đâu con người cũng chẳng làm gì được cỏ. Bạch Cư Dị, một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời nhà Đường đã ca ngợi họ hàng nhà thảo dân bằng những câu thơ bất hủ:
 
 Ly ly nguyên thượng thảo
Nhất tuế nhất khô, vinh
Dã hỏa thiêu bất tận
Xuân phong xuy hựu sinh
Có nghĩa là:
Thảo nguyên cỏ rậm rì
Tươi tốt rồi khô đi
Lửa hoang thiêu bất tận
Xuân đến lại xanh rì
Con người đã ban hành đủ mọi văn bản pháp luật để bảo vệ những rừng, những đa dạng sinh học, chẳng qua là để bảo vệ những loài dễ chết như…cụ Đa thôi, còn với thảo dân, thảo dân chẳng cần chú ý gì đến mớ văn bản phức tạp và khó hiểu ấy. Thảo dân tự vinh danh. Cỏ sĩ vạn tuế, vạn vạn tuế !
Bái bai (Bye Bye) cụ Đa Lông, Sí U (See You).
Boby Supachai Cỏ


Lượt xem: 2756

Các tin khác

Văn hóa

(05/12/2024 05:16:PM)

ÔNG CHÁU CÙNG TRANH VẼ

(01/12/2024 10:12:PM)

Thắng Thua

(19/11/2024 06:03:PM)

Môi trường sang Đông

(09/11/2024 10:54:PM)

Tưởng ... nhàn

(07/11/2024 10:24:PM)

Cố đợi nhé

(06/11/2024 09:28:AM)

Rạn Trào

(03/11/2024 06:02:PM)

BẦU...RÁC

(31/10/2024 09:45:PM)

Thầy và Bệnh và Sách

(19/10/2024 04:28:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE