Dư luận quốc tế bày tỏ hẫng hụt khi COP16 bế mạc tại thành phố Cali, Colombia mà không đạt bất kỳ thỏa thuận nào về lộ trình tăng cường tài trợ cho hoạt động bảo vệ các loài động và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Kéo dài gần 12 giờ so với dự kiến mà các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, Bộ trưởng Môi trường và Phát triển bền vững Colombia, Chủ tịch COP16 Susana Muhamad buộc phải quyết định dừng các cuộc đàm phán để các đại biểu kịp chuyến bay về nước.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Muhamad cho biết: “Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc, vì cuộc khủng hoảng này quá lớn và không thể dừng lại”. Người phát ngôn Ban Thư ký Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (CBD) David Ainsworth cũng khẳng định, hội nghị sẽ được nối lại thời gian tới để xem xét các vấn đề còn tồn đọng.
Khai mạc từ ngày 21/10, COP16 là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 23.000 đại biểu tham dự, nhằm đánh giá và tăng tốc tiến độ đạt được 23 mục tiêu vào năm 2030 được đặt ra tại COP15 ở Canada cách đây hai năm để ngăn chặn sự tàn phá thiên nhiên mà con người gây ra. Các mục tiêu này gồm bảo vệ 30% diện tích đất liền và biển, phục hồi 30% hệ sinh thái bị suy thoái, giảm ô nhiễm và loại bỏ dần trợ cấp nông nghiệp và các khoản trợ cấp khác gây hại cho thiên nhiên...
Ngay từ đầu các cuộc thảo luận, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước sớm nhất trí về cách thức quản lý việc sử dụng dữ liệu tài nguyên di truyền của thực vật và động vật, còn gọi là thông tin trình tự kỹ thuật số về tài nguyên di truyền (DSI) để có thể chia sẻ một cách công bằng những lợi ích thu được. Ông nhấn mạnh, dữ liệu tài nguyên di truyền được số hóa là nền tảng cho các khám phá khoa học và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt đối với các nước đang phát triển sở hữu sự giàu có về đa dạng sinh học.
Đáng tiếc là các cuộc đàm phán về tài trợ cho đa dạng sinh học bị đình trệ ngay cả khi một nghiên cứu mới được công bố trùng với thời điểm diễn ra COP16 cho thấy, hơn 25% số động, thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng; chỉ có 17,6% đất liền và vùng nước nội địa; 8,4% đại dương và vùng ven biển được bảo vệ và bảo tồn. Các cuộc đàm phán bị chia rẽ chủ yếu giữa các quốc gia giàu và nghèo về việc tăng tài trợ và các cam kết khác.
Chủ tịch COP16 đưa ra đề xuất thành lập một quỹ đa dạng sinh học chuyên biệt, nhưng bị Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ và Nhật Bản bác bỏ. Các quốc gia đang phát triển muốn thành lập một quỹ mới, vì họ không được đại diện đầy đủ trong các cơ chế hiện có như Quỹ Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBFF).
Một điểm sáng hiếm hoi tại hội nghị COP16 là việc các nước nhất trí thành lập Quỹ Cali từ các khoản thanh toán mà các công ty phải trả cho việc sử dụng DSI. Theo đó, các bên sử dụng và hưởng lợi thương mại từ DSI phải đóng góp một phần lợi nhuận hoặc doanh thu của họ vào quỹ này. Các lĩnh vực sẽ phải đóng góp gồm các nhà sản xuất dược phẩm, thực phẩm và thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm, công nghệ sinh học và kinh doanh nông nghiệp. Các khoản đóng góp ước tính lên đến hàng tỷ USD từ việc sử dụng dữ liệu di truyền và sẽ được chuyển vào Quỹ Cali. Quỹ sẽ phân bổ một nửa số tiền thu được cho cộng đồng địa phương nhằm duy trì công tác bảo tồn thiên nhiên.