Ông Tây thuộc Chương trình bảo tồn rùa Châu Á thì cho biết, thông tin về rùa hồ Gươm mà ta đăng trên web Kho Dữ liệu về bò sát là chưa đầy đủ và đã được trang web này khẳng định : "Mô tả về loài còn mơ hồ, nên tình trạng phân loại vẫn gây tranh cãi và quá trình xác nhận đang tiếp tục…"
Phó Hội Viên - VACNE
Hai ông khách quen cao to lực lưỡng vào quán. Chủ quán vui vẻ hẳn lên. Hai ông rẽ ngay vào góc "Bí mật quốc gia". Ai vào lần đầu cũng được chỉ ra chỗ đó, vừa lạ, vừa thích thú, tò mò. Tưởng gì, hoá ra là cái cân. Là để thượng đế xác định xem, cả lòng lẫn thủ được mấy ký. Còn tên gọi Bí mật quốc gia là do học mót Mỹ, nghe đâu bên đó cân nặng và sức khoẻ của Tổng thống là bí mật của quốc gia, chỉ những người có trách nhiệm mới được biết. Hai ông khách quen quay ra, bình thường, chắc không lên cân, hoặc có lên nhưng trong phạm vi cho phép. Làm gì có chuyện xuống cân với các vị này.
- Em chào hai bác. Chủ quán đon đả
- Không dám. Quán ta vẫn đông khách đấy chứ?
- Dạ đông, mấy hôm các bác đi vinh danh Cây Di sản ở Cao Bằng, khách của Quán hay nói nhiều nhất về chuyện công bố Rùa Hồ Gươm là loài mới.
- À, biết rồi. Nghe nói có nhiều ý kiến, một số đã lên mặt web của Hội. có vẻ chưa ổn thì phải.
- Vâng đúng. Lúc này vấn đề khá nhạy cảm. Chủ quán dè dặt.
- Ý kiến tôi là thế này. Ông khách đầu hói giờ mới nói. Nhạy cảm hay không là tuỳ cách đánh giá. Việc Việt Nam ta phát hiện ra 1 loài mới là việc đáng mừng, không có gì phải né tránh. Tôi nhớ hồi phát hiện ra Sao La, giới khoa học nước ta mừng không tả hết. Có mấy ai nhớ tên người phát hiện ra loài này đâu, bàn dân thiên hạ nói chung vui mừng vì ta có Sao La, loài mới, species novum, thế thôi. Cấn cá gì mà có vẻ không đàng hoàng.
- Trời đất ơi, mấy ông không biết chuyện gì à. Chợt 2 người bàn bên xoay ghế ngồi chung với 2 ông to to khách quen. Thì ra là một anh Việt Nam và một ông Tây. Anh Việt Nam nói tiếp: VOV news vừa phát bài "Chuyện Rùa Hồ Gươm và nền khoa học bò ngửa". Nghe chát chúa lắm. Tôi nhớ một con số là trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi giáo sư của chúng ta chỉ công bố được gần 1 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế. Không biết trong lĩnh vực sinh học môi trường, con số đó có lớn hơn không.
- Tôi vừa đọc bài trên tạp chí Russian Journal of Herpetology, tập 18, số 1 năm 2011, trong đó cũng nói về Rùa Hồ Gươm. Ông Tây nói tiếng Việt khá sõi xen vào. Bài báo này đồng nghĩa các tên gọi mới Rafetus vietnamensis và cả Rafetus leloii Ha, sp.nov., 2000 đã đưa ra trước đó với tên một loài cũ là Rafetus swinhoei, nhưng đặc biệt lưu ý đến quá trình công bố loài mới là có vấn đề vi phạm thủ tục về danh pháp sinh vật quốc tế .
Thế là 4 người, cả ông chủ quán là 5 xoay ra trao đổi rôm rả, quên cả mấy ly cà phê G150. Mỗi người đều có các nguồn thông tin của mình. Có người nói hình như cụ giáo sư về động vật cũng chính thức lưu ý về quy trình công bố loài mới. Cụ yêu cầu phải thật thận trọng, phải thật đúng trình tự. Tất nhiên, đây là việc lớn, luôn luôn phải thận trọng về mặt khoa học rồi, chưa nói đến chuyện tâm linh, đến khía cạnh xã hội của sự việc. Có người nêu, sao phải đưa tên lắm người liên quan và ủng hộ vào tên tác giả của loài rùa mới Rafetus vietnamensis thế, có vẻ không hợp lắm với thông lệ, có khi gây phiền hà cho người tra cứu sử dụng. Đây không phải chuyện cứ có tên nhiều tác giả của loài mới nhất là nhiều người học hàm học vị cao là đương nhiên cần, làm như đúng là ta có loài mới rồi. Có hội viên VACNE còn cho rằng, từ kết quả phân tích AND của chỉ 1 cá thể chưa thể đưa ra kết luận được, chưa nói đến quy trình lấy mẫu và phân tích AND đã tiến hành là như thế nào? Ai kiểm tra?.
Ông chủ quán mở máy tính cá nhân, để hiển thị bài về công bố tên mới của Rùa Hồ Gươm. Khá nhiều tin bài. Một bài đăng ý kiến của một GS.TSKH uy tín cho rằng ông "…không dám chắc rùa hồ Gươm là loài hoàn toàn mới". Còn ông Tây thuộc Chương trình bảo tồn rùa Châu Á thì cho biết, thông tin về rùa hồ Gươm mà ta đăng trên web Kho Dữ liệu về bò sát là chưa đầy đủ và đã được trang web này khẳng định : "Mô tả về loài còn mơ hồ, nên tình trạng phân loại vẫn gây tranh cãi và quá trình xác nhận đang tiếp tục…". Cả 5 người đang trao đổi cùng thống nhất là Luật Danh pháp sinh vật không có tính chất pháp lý bắt buộc, nhưng việc tuân thủ những quy tắc và những điều cần lưu ý của Luật này khi đặt tên khoa học cho các taxon sinh vật mới là danh dự và trách nhiệm nghề nghiệp của các nhà phân loại học, cũng như là cơ sở để các nhà khoa học khác có công nhận loài mới hay không.
Ông Tây còn than thở : lịch sử ngành sinh vật học cũng không ít trường hợp một loài “mới” của một, thậm chí một nhóm tác giả nào đó vừa công bố thì đã có nhiều người khác đưa vào phần “Đồng danh -Synonime”, nghĩa là cái loài “mới” ấy thực ra là loài cũ với tên cũ đã biết từ lâu. Tất nhiên mới hay cũ, ngoài quy trình nghiêm ngặt trong việc xác lập thì còn phụ thuộc vào nhiều lí do …trời ơi, như quan điểm khoa học cá nhân, trình độ chuyên môn và thói háo danh của những tác giả loài “mới” nữa.
Thời gian trôi quá nhanh. Chủ quán pha ấm trà Thái Nguyên vừa được biếu, mời cả nhóm dùng trà, rồi ra vẻ sơ bộ kết luận:
- Bây giờ em hiểu rõ hơn rồi. Nếu thực sự có được loài mới thì đa dạng sinh học nước ta càng phong phú hơn. Nhưng việc bảo tồn chắc càng khó nhỉ. Mong sao có giải pháp nhân giống phát triển để con cháu chúng ta được chiêm ngưỡng huyền thoại giữa đời thường. Nhưng loài mới có “mỗi một cụ” thì phải nhân giống theo kiểu nhân bản vô tính hay sao? Liệu cách đó có phạm luật không? Hay cứ mua sâm Caoly về cho “cụ” ăn dài dài để “cụ” thọ thật lâu?
Mọi người đồng tình tán thưởng, hẹn mai lại tới Quán Cà phê Môi trường nói tiếp câu chuyện lý thú này./.
Ngày 24.5.2011