quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024

Một số phương pháp du lịch Thiền ở Việt Nam

Thứ Bảy, 30/07/2011 | 07:03:00 AM

Xuất phát từ Nhật Bản, Du lịch Thiền (Zentourism) đã lan sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng sự phát triển loại hình du lịch mới mẻ này ở Việt Nam còn rất chậm chạp. Cần có giải pháp phát triển phù hợp.

 
Nguyễn Đình Hòe, VACNE

Một cảnh thiền. Ảnh Internet
Du lịch Thiền – một loại hình du lịch xả stress và thân môi trường -  lần đầu tiên được giới thiệu trên Tạp chí Du lịch Việt Nam từ năm 2007 bởi Nguyễn Đình Hòe (3) và sau đó bởi Đào Minh Ngọc năm 2008 (5) . Đến nay du lịch Thiền vẫn đang bước những bước chậm chạp. Gần đây tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế các quán Cà phê Thiền (Zen Café), Trà Thiền (Zen Tea), Công viên Thiền (Zen Park), hay các Zen Spa trong một số khách sạn lớn thu hút khá đông khách tham gia thường xuyên (5) . Một vài tour du lịch kết hợp Yoga và tọa thiền dưới sự hướng dẫn của các nhà sư cũng đã được được tổ chức ở Nha Trang , Phú Yên, Đà Lạt. Điều đó chưa xứng với khả năng phát triển lọai hình du lịch này ở nước ta. Không ít người cho rằng Thiền chỉ liên quan đến Phật giáo mà quên rằng Thiền còn là lối sống bên ngoài các Phật đường. Chính lối sống này mới là nguồn hấp dẫn du lịch (3, 4) . Muốn phát triển loại hình du lịch vốn mang đến cho các doanh nghiệp du lịch Nhật Bản trên 30 tỷ USD mỗi năm này, thiết tưởng cần làm rõ hơn khái niệm về Thiền và Du lịch Thiền (Zentourism)  và các phương pháp tiến hành.
1.Du lịch Thiền là gì?
Zentourism (ZT) vốn có gốc từ Nhật Bản, dịch sang tiếng Việt là Du lịch Thiền, nhưng chính xác hơn phải gọi là Du lịch Thiền Nhật Bản, vì Zen là Thiền kiểu Nhật Bản, rất khác với Thiền Trung Quốc. Đó là một loại hình du lịch nhằm giúp du khách ít nhiều ”ngộ” được một số nguyên lí Thực tại thông qua hoạt động du lịch. Tài nguyên du lịch của ZT là các không gian, sản phẩm Zen nhân tạo, lối sống Zen của cộng đồng địa phương, các cảnh quan thiên nhiên (bản thân thiên nhiên là Zen), với sự chỉ dẫn của các hướng dẫn viên ZT. ZT là sản phẩm của cả Thiền Nhập thế còn gọi là Thiền đời thường (không liên quan đến Phật Giáo, chùa chiền hay Thiền viện) và Thiền Phật giáo. Có khẳng định điều này mới hiểu được bản chất của Zentourism và mới có thể phát triển Zentourism ở nước ta.
Mục tiêu của ZT là giúp du khách xả stress, cân bằng lại tâm thế. Hiệu quả nhất là ngộ được các nguyên lí Thiền học như vô thường, vô ngã , vô sở cầu, tương cầu và tương tác, cơ duyên, cũng như các nguyên lí hệ thống học khác như bất toàn, gồ ghề, nhiễu loạn (chaos) và cân bằng. Qua đó, du khách có được cái tâm tĩnh lặng, có sức mạnh nội tâm để ứng phó tốt hơn đối với những biến đổi vô thường của cuộc sống. Có đến 10 nguyên lí thực tại. Bạn đọc có thể đọc về các nguyên lí này trên trang web của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (www.vacne.org.vn) mục Tản mạn Môi trường.
2.Thiền là gì ?:
Thứ nhất: Thiền là danh từ (Thiền học), dùng để chỉ một hệ thống các nguyên lí điều khiển sự vận hành và tồn tại của thực tại. Những nguyên lí nào chứng minh được bằng khoa học thì chuyển sang lí thuyết Hệ thống. Kinh Hoa Nghiêm xuất phát từ Ấn Độ và là một trong những cơ sở của triết lí Thiền học. Bản kinh này không chỉ khái quát vũ trụ quan và nhân sinh quan mà còn trình bày về một thế giới duyên khởi của vạn pháp. Nghĩa là, mọi sự vật vũ trụ đều do tương cầu và tương tác chặt chẽ mà thành. Quan điểm của Kinh Hoa Nghiêm rất giống với lí thuyết Hệ thống hiện đại, tạo thành một lối sống mới trong đời sống Phật giáo không chỉ của các nhà sư mà của cả Phật tử tại gia. Nó trở thành lý thuyết hệ thống giúp cho có một cái nhìn tổng hợp về các vấn đề nhân văn và xã hội.
Thứ hai: Thiền là động từ (tu thiền, tập thiền) chỉ cách thức để “ngộ” được các nguyên lí Thực tại. Về lĩnh vực này, cái hai cách thức Thiền: (i) cách xuất gia (có người gọi là cách cực đoan) nằm trong hệ thống Phật đường, và (ii) cách nhập thế là Thiền tập trong xã hội và đời sống hàng ngày theo chủ trương của các phái thiền nhập thế gồm zen (Thiền Nhật Bản) và Trúc Lâm thiền Tông (Thiền Trúc Lâm Việt Nam)
Thiền phái Trúc Lâm và Zen không “cực đoan” như một số Thiền phái Trung Hoa hay các Thiền phái khác của chính Việt Nam có gốc Ấn Độ hay Trung Hoa. Những Thiền phái xuất gia cho rằng người tu thiền không được giảng và học kinh điển vì lẽ làm tăng kiến giải, tăng biện luận, tăng tranh luận,… khó “ngộ”. Vì Thiền thuộc nhóm này là “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tính thành Phật”, nghĩa là “Thiền không viết (và nói) ra được, truyền thụ bằng cách cảm nhận cá nhân khác tất cả các cách truyền thụ khác, Đi thẳng vào tâm thiền sinh, Nếu có cơ duyên mà “ngộ” thì thành Phật”. Thiền Trúc Lâm cũng như Zen Nhật Bản, thuộc nhóm (ii) Thiền Nhập thế, vừa có thể tu tập thiền vừa học kinh điển. Học Thiền Trúc Lâm và Zen, vì thế, không chỉ học kinh Phật (thậm chí không cần học nếu du khách không đi tu) mà còn học đủ thứ kiến thức để làm một công dân tốt. Thiền Trúc Lâm và Zen không chỉ chú trọng vào Thiền định mà chú trọng hơn vào Thiền quán, nghĩa là không chỉ chú trọng vào cảm nhận cá nhân mà cả vào quá trình học tập tu dưỡng (6,7) .
3.Hai phương pháp Thiền:Thiền Định và Thiền Quán
Thiền định:Theo đạo Phật, hành giả nhờ Định (sa. samādhi) mà đạt đến một trạng thái sâu lắng của tâm thức, trong đó toàn bộ tâm thức chỉ chú ý đến một đối tượng thiền định thuộc về tâm hay vật. Tâm thức sẽ trải qua nhiều chặng, trong đó lòng tham dục và stress dần dần suy giảm. Nhờ thiền định, hành giả buông xả lòng tham dục và các hiện tượng bất thiện, nhờ chuyên tâm suy tưởng mà đạt đến tĩnh lặng trong tâm trí. Từ đó hành giả có một cảm giác hỉ lạc và “ngộ” được các nguyên lí vận hành của thực tại. Năng lực nội tâm mạnh lên. Tại Trung Quốc, Thiền định có một ý nghĩa rộng hơn rất nhiều. Nó bao gồm tất cả phép tu như quán niệm hơi thở, Yoga, Nhập tức xuất tức niệm, Tứ niệm xứ... với mục đích làm tâm tỉnh giác, có nguồn gốc từ phép Thiền do Bồ-đề-đạt-ma truyền sang.
Thiền định có những quy định tu tập nghiêm ngặt, thường đi cùng phép tọa thiền. Tọa thiền, nghĩa là ngồi thiền, là phương pháp tu tập trực tiếp đưa đến Giác ngộ. Sau một giai đoạn kiên trì trong vô niệm, hành giả sẽ bỗng nhiên trực ngộ thể tính của mình, đó là tính Không, cái “thể” của vạn vật. Trong một chừng mực nhất định, tọa thiền đối lập với cách thiền quán Công án (đốn ngộ), vì công án là một đề tài nghịch lí, bắt thiền giả phải liên tục quán tưởng để đến một lúc nào đó bỗng chợt phát ngộ nhập. Trong các phái Thiền Phật giáo, có phái nghiêng về công án (Khán thoại thiền), có phái nghiêng về tọa thiền (Mặc chiếu thiền).
Thiền định phù hợp với những người xuất gia, trong số đó kể cả những người ít học. Xuất gia thì không bị cảnh đời quấy rối, ít học thì không bị tư duy logic khống chế. Vì vậy càng ít học càng dễ tu tập Thiền. Với những thiền giả thuộc nhóm này, các Thiền sư không dùng kinh Phật hay sách vở để dạy. Họ phải tự chiêm ngiệm, nhiều khi rất lâu, cuối cùng phải nhờ một công án: đó có thể là một câu trả lời không đâu vào đâu của sư phụ, một tiếng quát hay một cú đánh, cú đá của sư phụ,… thì sẽ “ngộ”. Cách “ngộ” này có vẻ khá đột ngột nên được gọi là “Đốn ngộ”. Các Thiền sư nhóm này khi đã đạt trình độ cao, họ thường thoát li Phật giáo, coi chùa chỉ là chỗ ở, nhiều khi đốt tượng Phật để sưởi hay lấy kinh phật nhóm lửa (7) .Do bản chất tu tập, họ không quen nói nhiều bàn nhiều về Thiền, không viết sách nên ít ai có cơ may biết họ tu tập kiểu gì mà ngộ được . Sau khi ngộ thành Thiền sư, họ vẫn quen kiểu “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” có nghĩa là : Thiền không viết ra được, truyền thụ bằng cách đặc biệt, đi thẳng vào tâm, có duyên thì thành Phật (7,8) .
Thiền quán: Vipassanā có nghĩa là Thiền Quán (hoặc là Thiền Minh Sát Tuệ). Trên hết, đó là một quá trình trải nghiệm của chính mình, dựa trên sự phát triển tỉnh giác một cách có hệ thống và thăng bằng và dần dần (tiệm ngộ). Nhờ cách quán sát và kinh nghiệm lộ trình biến đổi của thân tâm, từ đó tuệ giác phát sinh và soi rọi vào bản chất thực sự của đời sống. Với trí tuệ đạt được nhờ tu tập thiền quán, hành giả có thể sống một đời sống nhẹ nhàng, giảm thiểu được sự bám víu, sợ hãi và quờ quạng hơn với thế giới xung quanh mình. Do đó, đời sống sẽ được định hướng bằng lòng vị tha, từ ái và trong sáng hơn (5) .
Thiền quán phù hợp hơn với những người có học. Vì có học nên đã quen kiểu tư duy logic, hay suy xét bắt bẻ, quen chứng minh và bác bỏ. Khi thất vọng với cuộc sống hiện tại, họ tự giác tìm đến Thiền. Những Thiền giả này cần có thời gian trải nghiệm, cần học tập nghiêm túc những nguyên lí Thực tại đã định hình. Quá trình “ngộ” của họ là quá trình tiến hóa từ từ, được gọi là “tiệm ngộ”. Nhóm Thiền sư (thường là tại gía) này hay viết sách Thiền, giảng dạy về Thiền học như một ngành của Thần học, nhờ đó mà người học Thiền có cái để đọc. Nhiều sách Thiền học hiện nay trên thế giới đều do không ít giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà kinh doanh, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội,… trải nghiệm Thiền mà viết thành. Họ viết dễ đọc, ngôn ngữ hiện đại, nhiều ví dụ sinh động lấy từ trải nghiệm Thiền của họ.
Do đó nói về Zentourism là nói đến hai hình thức Thiền trong đời thường và Thiền Phật giáo. Những loại du lịch kết hợp Yoga, hay du lịch Phật giáo đến thăm các chùa chiền đang diễn ra ở TP HCM hay Nha Trang là loại du lịch Thiền phật giáo. Du lịch Thiền nhập thế hay Thiền đời thường chưa thực sự phát triển ở Việt Nam, nhưng chính loại hình Thiền nhập thế này đang phát triển rực rỡ ở Nhật Bản vì lối sống của người Nhật Bản chính là lối sống Zen (1) .
4.Thiền học và lí thuyết Hệ thống (Systems Theory)
Năm 1956 đánh dấu sự xuất hiện của Tiếp cận Hệ thống với công trình của nhà sinh vật học người Áo Ludwig von Bertalanffy, có tên là "Học thuyết chung về Hệ thống". Tuy nhiên hạn chế của Bertalanphy là chỉ chú ý đến tính tương tác của các yếu tố tạo nên hệ thống mà không chú ý đến tính tương cầu của chúng – điều quyết định để hình thành một hệ thống. Tính tương cầu được gọi là “cơ duyên” trong Thiền. Tích hợp Thiền học với Hệ thống học tạo ra Lí tuyết hệ thống hiện đại.
Tại sao Thiền có nhiều ưu thế như vậy? Thực ra cũng như lí thuyết Hệ thống, Thiền học không phải do con người tạo ra, mà chỉ khám phá ra. Thực chất nó là tổng hợp các nguyên lí của thực tại được phát hiện bằng con đường tâm linh, còn lí thuyết Hệ thống cũng là tổng hợp các nguyên lí thực tại nhưng được phát hiện ra bằng con đường Khoa học. Lí thuyết Hệ thống bao gồm những nguyên lí có thể chứng minh hay bác bỏ được bằng tư duy khoa học. Khoa học công nghệ, theo kết quả của Vật lí hiện đại, chỉ phát huy tác dụng trong khoảng 0,5% vật chất tạo nên thế giới, còn 99,5% vật chất còn lại là vật chất tối và năng lượng đen mà giác quan và thiết bị của con người không tiếp cận được. Vật chất tối và năng lượng đen vẫn hiện hữu và quy định thực tại. May thay, phương pháp Thiền – con đường tìm hiểu thực tại qua tâm linh – với lịch sử trên dưới 3000 năm qua, đã ít nhiều “ngộ” được những nguyên lí thực tại “ngoài khoa học” đó. Vì thế dễ thấy phần lớn các nguyên lí Hệ thống (khoa học) đều gặp trong các nguyên lí Thiền học, nhưng rất nhiều nguyên lí Thiền học vẫn nằm ngoài khoa học Hệ thống (2,4) .
Vậy thì tích hợp các nguyên lí Thiền học với Lí thuyết Hệ thống phản ánh những quy luật của Thế giới thực tại vốn không phải do con người “phịa” ra. “Ngộ” được nó giúp cho chúng ta điều tiết được lối sống, tư duy và hòa nhập tốt với Thiên nhiên Vĩ đại. Ở bất cứ nơi nào và lúc nào con người tự tách ra khỏi Thiên nhiên Vĩ đại đã tạo ra mình, cho phép mình “làm chủ” thiên nhiên theo ý mình thì nơi đó, lúc đó con người phải trả giá mà stress chỉ là một biểu hiện ở mức độ cá nhân. Đó cũng chính là nhu cầu để Zentourism phát triển như một đối cực của lối sống nhanh, tiêu thụ quá mức, sử dụng tài nguyên quá mức và không bền vững – một cách gọi khác là triết lí “Gia trưởng” (4) .
3. Một số phương pháp cơ bản của Du lịch Thiền.
5.1.Thư giãn để tập trung việc nhận diện các nguyên lí của thực tại
Đa số sách vở nhầm lẫn thiền là nỗ lực tập trung. Không! Thiền là “thả lỏng”, không phải “tập trung”. Dù là thiền quán hay thiền định, càng tập trung, tâm càng náo loạn, giống như bạn cố kiểm soát một con ngựa hoang. Không phải nỗ lực tập trung, mà chính từ trạng thái thư dãn bạn đi dần vào tĩnh lặng. Giống như khi tập bơi, càng thư dãn càng dễ nổi,càng bơi được lâu; càng tập trung, càng chóng mệt !
Thiền gồm nhiều phương pháp và mang nhiều nội dung khác biệt. Nên Thiền cũng là phương pháp  của nhiều tôn giáo, của nhiều pháp môn. Thiền có thể là "thuật" bước vào Tâm. Thiền có thể là "Đạo" trong ý nghĩa tự thân của nó. Thiền có thể là “cách tiếp cận” với Chúa trời của một số các tôn giáo phương Tây. Thiền có thể là “cách điều khiển khí lực và năng lượng” của Yoga trong mục đích chuyển hóa tâm linh. Thiền có thể là con đường truy tìm và thể nhập với Phật tính trong đạo Phật, Cuối cùng, Thiền là một lối sống tập trung vào nhận diện các nguyên lí vận hành của thực tại trên cơ sở hòa mình với / và tôn trọng / tính vô thường, vô ngã, vô sở cầu, cơ duyên và tính Không diệu hữu của thực tại sống động. Đấy là Thiền Nhập thế, cội nguồn của Zentourism.
5.2.Thiền trong đời thường: Thiền nhập thế
Zentourism (ZT) gốc từ Nhật Bản. Zen Nhật bản có nhiều nét gần gũi với Trúc Lâm Thiền tông Việt Nam ở triết lí nhập thế, có nghĩa là Thiền nhập thế (Trúc Lâm hay Zen) không khu trú trong các Phật đường mà quan trọng hơn phải đi vào cuộc sống thường ngày. Vì thế mới nảy sinh ra Zentourism mà du khách của nó đa phần là người không đi tu. Trúc Lâm Thiền tông rất gần gũi với Thiền Nhật bản (Zen), vốn cũng xuất hiện ở Nhật vào cùng thế kỷ XIII, khi Thiền đời Tống (T’ian) sang Nhật kết hợp với Thần Đạo Nhật Bản (Shinto) mà thành Zen (1,7) . Tinh thần nhập thế khiến cho Thiền Trúc Lâm cũng như Zen Nhật Bản đóng góp rất nhiều vào việc đào tạo nên con người xã hội, rất quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ một quốc gia nhỏ bé trước thiên tai và ngoại xâm. Chúng ta biết rõ người Nhật Bản là con người xã hội như thế nào trong thảm họa động đất và sóng thần vừa qua .
Thiền nhập thế không kêu gọi mọi người lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh, mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ đến cội nguồn và nghĩa vụ Quốc gia. Tinh thần nhập thế thể hiện rất rõ nét ở bài kệ kết thúc bài phú “Cư trần lạc đạo phú” (Ở Trần gian mà Đắc Đạo) của Trần Nhân Tông: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mích, Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”(Ở trần thế vui đạo hãy tùy duyên, Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền. Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm, Vô tâm trước cảnh thì không cần thiền). Bài kệ phản ảnh chân thực và cô đọng tư tưởng nhất quán của Trúc Lâm Thiền Tông được thể hiện qua bốn điểm:
1. Sống hòa mình với xã hội, không câu chấp.
 2. Hành động tùy cơ duyên, tức là làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên.
3. Tự tin và dựa vào chính mình, không tìm cầu tha lực (lực hỗ trợ bên ngoài).
4. Không nô lệ vào bất cứ cái gì, dù Thiền hay Phật.
Chủ trương nhập thế tích cực như một cương lĩnh mà “Cư trần lạc đạo phú” ghi nhận: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc; Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công”. Có nghĩa là: bất cứ ai sống giữa đời thế tục mà tạo ra phúc đức để độ mình độ người mới đáng trân trọng. Còn ở ẩn giữa rừng núi mà không giác ngộ, không giúp đời thì thật là tai họa đáng trách. Chính tư tưởng này làm cho Thiền phái Trúc Lâm có những đại biểu xuất sắc bao cả gồm tại gia và xuất gia, mà bản thân cuộc đời của Trần Nhân Tông đã chứng minh (6) .
5.3.Ngắm phong cảnh theo phong cách thủy mạc
Các ngôi vườn Thiền Nhật Bản đã có từ rất lâu (thế kỉ thứ 6) nhưng những nét đặc trưng về khung cảnh khô (dry landscape) của kiến trúc vườn Thiền mãi đến thế kỷ 14 mới bắt đầu. Một số vườn Thiền chỉ bao gồm sự kết hợp của các khối đá. Tuy nhiên những điểm nổi bật của một mảnh vườn Thiền Nhật bản thường là (1) :
·        Khung cảnh khô tạo nên một sắc thái giống các tranh vẽ 3 chiều. Mảnh vườn không quá lớn. Vườn Thiền dùng các hiệu ứng tâm lý tạo cảm giác về không gian và khoảng cách như là việc thiết trí các cây bonsai nhỏ làm nền. Các non bộ (hay tảng đá) được đặt cẩn thận gợi cảm của núi non hùng vĩ. Cát được trải thành các dòng chảy nhỏ, tạo ra hình ảnh của nước. Cách bài trí không đối xứng và dùng cây cỏ sắp xếp giản dị và là loại cây dễ tìm. Phản ánh khung cảnh thiên nhiên.
·        Triết lý của vườn Thiền là một sự cố gắng nắm bắt tinh thần hay cốt tủy của thiên nhiên hơn là một sự bắt chước thiên nhiên. Do đó, các mảnh vườn này có thể rất trừu tượng.

 Một Vườn Thiền (Zenpark) Nhật Bản. Ảnh Internet.
Kết quả của việc ngắm phong cảnh - kiến trúc theo phong cách Zen là Thiền khách phải đạt được cái nhìn của một họa sĩ vẽ tranh thủy mạc (Nhật gọi là tranh mạc hội sumiye). Cốt lõi của phong cách này là triết lí góc. Trong các bức thủy mạc, những đối tượng quan sát được bố trí sát các rìa, các góc của bức tranh, để lại một khoảng không gian rộng rãi thường ở trung tâm bức tranh, mờ ảo như phủ một làn sương khói (1) . Cái nhìn thấy được gọi là “Sắc’ (Lão Tử gọi là Đức). Cái không nhìn thấy được, mờ ảo trong tranh, chứa đựng hàng loạt cái sẽ thấy tùy theo trình độ “ngộ” của người xem tranh, là đại diện cho cái gọi là “Không”. Không sinh Sắc; Sắc chính là Không nhưng Không chẳng phải Sắc mà Sắc cũng chẳng phải Không. Không hay Đạo là quy luật khó nắm bắt thấu đáo. Sắc chính là sự vật hiện tượng sinh ra từ Không (từ Đạo), có sinh có diệt, vô thường, vô ngã, vô sở cầu, bất toàn, gồ ghề, tương cầu và tương tác.
Con người trong tranh thủy mạc nếu có cũng nhỏ bé, khiêm tốn, không rõ hình hài. Bởi vì triết lý cơ bản của Zen cho rằng con người và thiên nhiên là một, có chăng chỉ khác nhau về sắc tướng thôi. Thiên nhiên thế nào thì con người thế ấy và ngược lại.
Vì vậy mà cái nhìn Zen khác với cái nhìn trong bức tranh chân dung của phương Tây vốn được gọi là triết lí Gia trưởng (Gia trưởng ở đây là con người), tách con người khỏi tự nhiên và trao cho con người vị thế là chủ của thiên nhiên. Triết lí này cũng còn được gọi là triết lí lấy con người làm trung tâm.
Là đỉnh cao của một xã hộ Zen, Zentourism ở Nhật có nhiều dịch vụ để làm các bài tập Thiền như trà đạo, cắm hoa, ngắm zenpark, ngắm lá đỏ (Momiji), thưởng hoa anh đào uống sake (hanami zake) tập cung đạo, kiếm đạo, nhu đạo (judo), vẽ hay xem tranh sumiye, làm món ăn, các nhà trọ (lữ quán – ryokan) theo phong cách truyền thống, kể cả thăm các ngôi chùa hay thần xã (Jinja) là các ngôi đền Shinto có cổng Torii – cái cổng không bao giờ có cánh cổng(1,2) .
Vì không phải là một xã hội đậm sắc zen như Nhật Bản, nước ta không nhiều khung cảnh thiền cho du khách thưởng ngoạn như ở Nhật Bản. Tuy nhiên với Trúc Lâm Thiền tông, một phái Thiền nhập thế gần gũi với Zen, có lịch sử trên 700 năm qua, Thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ, lối sống Thiền trong xã hội không phải không có. Đó cũng là cơ hội cho phát triển Zentourism ở Việt nam
3.4. Ẩm thực kiểu thiền: ăn uống bằng tâm “biết ơn, vị tha, chia sẻ,” trong tĩnh lặng.
Ai đã từng ăn món tôm chua truyền thống xứ Huế đều không thể quên được. Ở đó có lối sống Thiền của Huế. Người Huế khi làm tôm chua, họ để toàn tâm toàn trí vào tất cả công đoạn chế biến: từ khâu chọn tôm, chọn gia vị, thái gia vị, ngâm tẩm, ủ tôm, đến chọn và chế biến thịt heo luộc, cũng như lúc bày món ăn lên mâm. Những động tác chọn nguyên liệu và chế biến đều mang đậm phong cách Huế: chăm chú, cẩn trọng, không nhanh không chậm, tinh tế và nhẹ nhàng. Đó là một phong cách Huế mang đậm sắc Thiền. Hình như cả núi rừng sông biển Huế, cả cái nắng cái mưa của Huế, cả tấm lòng nhân hậu của người Huế đều lặng thầm hiện hữu trong món ăn này. Tôm chua thay người nói lên tấm tình của Huế. Vì thế dù có ăn món tôm chua ở đâu cũng không ngon như ăn ở Huế. Có lẽ ngoài món tôm chua, cái không khí Huế “Mây gió hiu hiu chiều lặng lặng – Mưa nguồn, chớp biển nắng xa khơi (Tố Hữu)”, cái dáng nhẹ nhàng tần tảo của người phụ nữ Huế, cái “răng, chi, rứa, hỉ” trong ngôn ngữ Huế cũng là một phần của ẩm thực Thiền xứ Huế.
Cùng với sự phát triển Du lịch Thiền (Zentourism) ở nước ta, Trà Thiền đang phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh, Huế và một số địa phương khác. Thiền và Trà gắn bó mật thiết với nhau như một mối liên kết giữa thiên nhiên và tâm thức con người suốt 1700 năm qua. Thiền Trà là sự thăng hoa của mối liên kết ấy, trở thành một nét văn hóa ứng xử với thực tại.
Trà Thiền ít khi uống suông mà thường đi kèm bánh ngọt. Tất cả trà chủ, trà kháchtrà giả (người pha trà) đi đứng, dâng hương (nếu có), pha trà, mời bánh, thưởng trà và ăn bánh đều biểu lộ sự an lạc và thảnh thơi. Thiền Trà không chú ý nhiều đến cách pha trà phức tạp như cách pha trà Trung Quốc, cũng không cầu kì về dụng cụ pha trà, nhưng rất cẩn trọng trong cung cách thưởng trà, vì bản chất của Thiền là giản dị và tự nhiên. Để bảo đảm một không gian đậm chất Thiền thì phải tĩnh lặng. Khi pha trà, trà giả không nói chuyện hay phát tiếng ồn vì tâm phải tĩnh thì pha trà mới ngon. Mục tiêu của Thiền Trà là trà khách phải định tâm vào cái mình đang làm là… uống trà.
Muốn thưởng trà kiểu thiền, người thưởng trà (trà khách) phải thực hiện theo từng bước từ thị giác (nhìn màu trà), khứu giác (ngửi mùi trà) và cuối cùng mới là vị giác (uống trà). Uống Trà Thiền là uống bằng tâm. Sau lời mời của trà chủ, mọi người nâng chén trà lên, cùng uống trà và ăn bánh trong tĩnh lặng. Sau mười phút uống trà và ăn bánh trong im lặng và để tâm vào trà, vị trà chủ sẽ mời mọi người chia sẻ một câu chuyện, hát một bài hát, ngâm một vài câu thơ hoặc đàn một bản nhạc để giúp cho buổi Thiền Trà thêm ý vị. Khung cảnh nghiêm trang nhưng thân mật này đuợc duy trì cho đến phút chót khi trà chủ và các trà giả cảm ơn và tiễn đưa các trà khách ra tận cửa trà đường. Những người quen với Trà Thiền có thể uống một mình (độc ẩm), uống bất cứ lúc nào và bất cứ đâu miễn là giữ vững các yêu cầu của nó: uống bằng tâm, “biết ơn, vị tha, chia sẻ,” trong tĩnh lặng.
3.5.Tĩnh lặng và Hài hước
Hầu hết những người tìm đến ZT là vì họ phát hiện những vấn đề bất an nơi thân tâm, thường xảy trong đời sống hàng ngày. Ví dụ như: bực bội, chán nản, buồn bực, tuyệt vọng, sợ hãi…nó cứ lặp đi lặp lại hoài, nên họ muốn giải quyết chúng. Chính vì vậy mà họ tìm đến Thiền Viện để tu học hoặc tham gia một ZT.
Hãy bỏ qua sự phán xét để có thể thấy được sự vật như chúng là. Sự vật sinh ra có lí do riêng của chúng. Còn tốt - xấu - xinh đẹp - dở hơi – vô tích sự - nguy hiểm – an lành - …là những tính chất do chính chúng ta gán cho chúng. Quán xét sự vật như chúng là giúp ta cảm thụ được những quy luật chung của thế giới – cái gọi là Đạo hay “Không” – bao gồm các tính chất vô thường, vô ngã, vô sở cầu, tương cầu (hay cơ duyên) và tương tác, tính bất toàn và tính gồ ghề,…Khi đã “ngộ” được những nguyên lí  nói trên khi quán sát thực tại, cái đạt được của Thiền khách là sự hài hước và vị tha. “Không có sự hài hước – không có Zen” (1,7) .
3.6.Xả stress: ham muốn một cách không ham muốn
Qua việc thực tập Thiền quán trong một zentour, khi có được sự hiểu biết về tính chất thật của sự vật, chúng ta bắt đầu cởi trói cho chính chúng ta khỏi những ràng buộc tham đắm. Chúng ta tuy còn đòi hỏi, ham muốn nhưng chúng ta sẽ không còn hối tiếc hay chán nản, đau buồn khi chúng ta không được những gì chúng ta muốn.Niết bàn (Nibbana hay Nirvana), là thấu hiểu về “sự ham muốn một cách không ham muốn” bất cứ điều gì có bắt đầu và có kết thúc. Bạn cứ ham muốn, cứ mơ tưởng, cứ hoạch định,..và hãy cố gắng để đạt được chúng, nhưng nếu vẫn không đạt được do các rủi ro bất khả tiên kiến, thì hãy vui vẻ chấp nhận kết quả mà đừng tham đắm. Vì kết quả là cái xảy ra có duyên cớ riêng. Đó chính là cách “ham muốn một cách không ham muốn”. Những nỗi khổ đau của con người đều bắt nguồn từ những ham muốn quá đáng, muốn được hết những gì mình đòi hỏi (cái gọi là tham đắm). Khi chúng ta ngộ được rằng những ham muốn thường hằng cần phải được đặt dưới quy luật bất thường hằng (vô thường), chúng ta bắt đầu thấu hiểu được sự bất tử.
Do đó, nhờ ZT, chúng ta sẽ thấu hiểu rõ ràng về sự vật cũng như tính chất thật của chúng. Chúng ta có thể thấy vẻ đẹp, vẻ cao quý, sự sung sướng, cũng như sự xấu xí, sự đau đớn, nỗi khổ đau, là những trạng thái vô thường. Nếu bạn thật sự hiểu điều này thì bạn có thể chịu đựng tất cả những gì có thể xảy ra cho bạn. Thật ra, bài học của cuộc sống là học chịu đựng những gì chúng ta không thích nơi chúng ta cũng như nơi cuộc sống, để trở nên kiên nhẫn và tử tế hơn và sẽ không quá chú trọng đến những gì bất toàn nơi những cảm nhận. Chúng ta có thể thích ứng và chịu đựng cũng như chấp nhận tính cách đổi thay của sự vật, để không còn bám víu, quá tin tưởng hay quá trông chờ vào chúng nữa. Không còn sự lệ thuộc giữa ta và vật. Không có "của tôi" hay "tôi"... không có gì để bám víu vào hay phải đạt cho được. Đó chính là stres đã được xả. Đó chính là ZENTOURISM, là một kiểu sống xanh thân thiện với môi trường và hội nhập thực tại sống động, và cũng là một loại hình du lịch mới hứa hẹn nhiều thành quả ở nước ta.
 
Chú thích:
1. Horioka, C. và S.W. Holmes. 2004. Thiền trong hội hoạ - Phương pháp tìm hiều nghệ thuật cảm nghiệm thơ Haiku và tranh Mặc hội. Thanh Châu dịch, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Đình Hoè, 2006. Tích hợp Thiền học và Tiếp cận hệ thống - cơ sở bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khu vực Đông Á. Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế "Hướng tới cộng đồng Đông Á - Thách thức và triển vọng". Viện Đông Bắc Á, Hà Nội, 14 - 16/09/2006.
3. Nguyễn Đình Hòe.Du lịch Thiền (zentourism)- Một hình thức Du lịch mới và thân thiện Môi trường. Tạp chí Du lich Việt Nam. 4/2007
4..Nguyễn Đình Hòe..Thiền và Bảo vệ Môi trường. Tạp chí Khoa học và Tổ Quốc số 9/2010
5. Đào Minh Ngọc. Phát triển Du lịch Thiền ở Việt Nam. Tạp chí Du lịch Việt Nam 5/2008
6.. Nguyễn Đăng Thục, 1997. Thiền học Việt Nam. Nxb Thuận Hoá
7.. Suzuki, D.T. Thiền Luận. NXB TP HCM, 2005
8..Phạm Thị Ngọc Trâm. Thiền là gì? Nxb VHTT, Hà Nội, 2004
 
 

Lượt xem: 4912

Các tin khác

Những điểm đến kỳ lạ ở Đông Nam Á

(23/05/2014 09:40:AM)

Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai 2014

(22/05/2014 12:57:AM)

Đậu nành, thực phẩm vàng của thế kỷ 21

(10/05/2014 07:36:AM)

Điện Biên cần thêm xanh, thêm hấp dẫn

(02/05/2014 03:39:PM)

Triển khai dự án phát triển du lịch bền vững tại miền Trung

(25/04/2014 09:44:AM)

Giáo trình Kinh tế và Quản lý môi trường

(24/04/2014 11:04:AM)

Mê Kông lọt top 10 dòng sông du thuyền hấp dẫn nhất thế giới

(19/04/2014 08:57:AM)

Vườn quốc gia Côn Đảo được cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái

(14/04/2014 06:34:AM)

“Không gian xanh” Văn Thánh

(13/04/2014 07:57:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE