Những nguyên lí của thực tại: 3. Nguyên lí Bông bí
Bông bí không phải là bông bí vì nó chính là bông bí. Đây là nguyên lí Thực tại số 3, còn được gọi là nguyên lí “vô ngã”. Tham luận của nữ khoa học gia - tiến sĩ Dương xỉ Nhung đến từ vùng khô hạn Ninh Thuận
Dr. Cà Xáy VACNE
Kính thưa Quý vị,
1.Xin hãy nhìn bông bí này: nó là một bông bí cái xinh đẹp. Nhiều người nhìn thấy nó nghĩ ngay đến món canh cua đồng nấu bông bí non, món bông bí tẩm bột chiên dòn, món bánh xèo bông bí, hay món lẩu mắm có rau bông bí…Chính bông bí vàng rực cũng tự hào về mình nên không ít lần nó rung rinh trên cành xanh một cách tự mãn, rằng nó nếu không là nữ hoàng thì cũng là Đệ nhất phu nhân của khu vườn.
Nhưng nghĩ kỹ: bông bí từ đâu ra mà xinh đẹp vậy?
2.Chẳng khó cũng nhận ra nó còn là sản phẩm của một hệ thống gồm đất, nước, thời tiết và mùa vụ, côn trùng thụ phấn, sâu bệnh, hạt giống, AND di truyền từ họ hàng nhà bí, sự chăm sóc của người trồng, thời gian, ánh nắng mặt trời, và đôi khí còn có sự tham gia của mấy loại hóa chất bảo vệ thực vật nữa…Chỉ một trong những yếu tố trên thay đổi thì bông bí chắc chắn cũng thay đổi : ít thì thay đổi về hình dạng, màu sắc; nhiều thì thay đổi cả kích thước và độ tươi; thậm tệ nữa nó có thể chết yểu hoặc không mọc ra được.
3.Vì thế nó là bông bí và đồng thời không phải là bông bí.Bông bí chỉ là phần nổi, phần thấy được, đo đếm được của một hệ thống rất nhiều điều kiện tạo ra bông bí. Hệ thống đó cũng còn gồm những phần chìm (hay các chiều ngầm) gồm các yếu tố có thể phân tích bằng khoa học được và những yếu tố khác chỉ có thể cảm nhận được. Phần nổi và phần chìm tương tác rất chặt chẽ. Nhưng phần chìm dễ bị bỏ qua khi quan sát bông bí. Vì thế, nếu nhìn nhận thật thấu đáo, Quý vị sẽ thấy cả phần nổi của hệ thống - cái gọi là bông bí, và phần chìm tạo ra nó – cái không phải là nó. Bông bí vừa là chính nó, vừa là sự hiện hữu và đại diện của những cái không phải là nó. Tách bông bí ra khỏi những chiều ngầm của nó, liệu có còn nó không?
4.Trong thực tại, nếu thay bông bí bằng một con người, dù đó là Chí Phèo hay một vĩ nhân, thì ta có thể hoàn toàn theo quy tắc bông bí trên để nói rằng : “Chí Phèo không phải là Chí Phèo, bởi chính anh ta là Chí Phèo”. Người xưa cũng đã từng nói: “thoạt nhìn núi là núi, sông là sông; nhưng lại gần soi kỹ thì núi không phải núi, sông chẳng phải sông; nhưng soi kỹ nữa thì núi lại chính là núi, sông chính là sông” cũng tương tự như vậy.
5. Nếu thay bông bí bằng cái Tôi, cái Ngã, để mà nhiều khi tự hào về mình, để mà nhiều khi tự vênh váo với đời vì được thiên hạ tung hô hay nể sợ, để tự phân biệt rạch ròi giữa Tôi với cô A anh B, thì cũng chỉ đúng nửa phần thôi. Bởi vì cũng như bông bí, cái Tôi trên đời vừa là Tôi, vừa chẳng phải là Tôi. Cái Tôi, còn gọi là cái Ngã, chỉ là sự tạm thời, chỉ là kết quả tương tác của những cái Không - Phải - Tôi nhưng tạo ra Tôi. Vậy Tôi là ai? Ta là ai? Vấn đề này thiên hạ đã suy nghĩ cả ngàn năm mà vẫn còn phải suy nghĩ nữa để có thể tự trả lời. Nhưng câu trả lời thật đơn giản: Chẳng có cái gì là cái Tôi tuyệt đối. Tôi vừa hiện hữu vừa không hiện hữu. Điều này thật mâu thuẫn với những lí thuyết hay niềm tin vào bản thân vĩnh cửu. Nhưng chính vì tin vào việc có cái Tôi tách biệt với cái Không – Phải - Tôi nên người ta vẫn muốn có thuốc trường sinh để không phải chết, dù là chết về mặt xã hội, mặc dù vẫn có thể vẫn sống về mặt sinh học. Và khi phải rời khỏi vũ đài, khi sự kính trọng của người xung quanh với cái Tôi không còn như mong đợi, người ta rất dễ bị trầm cảm hay stress. Vì vậy nguyên lí bông bí còn được các Thiền sư gọi là nguyên lí Vô Ngã. Ở đây Vô vừa là không vừa là có.
6. Cũng như vậy, việc bảo tồn một cây di sản hay một loài động vật quý hiếm, không thể là bảo tồn riêng cái cây hay cái con đó mà quên bảo tồn những cái Không – Phải – Cây, Không – Phải – Con nhưng lại rất quan trọng để giúp cho cái Cây hay Con đó tồn tại, trong đó có văn hóa truyền thống bản địa của cộng đồng đã mấy trăm năm qua chung sống và bảo vệ cây di sản.
Thành phố Nha Trang cứ vào dịp tháng 5 lại tổ chức săn bắt sao biển gai, tên khoa học là Acanthaster planci, sống ở rạn san hô có độ sâu từ 5 - 20 m nước biển. Sao biển gai là loài tàn phá rạn san hô. Trong vòng đời khoảng 3 năm, 1 con sao biển gai có thể ăn hết khoảng 25 mét vuông san hô. Tuy nhiên nếu rạn san hô khỏe mạnh và các loài thiên địch của sao biển gai như ốc tù và, các loài cá chuyên ăn trứng sao biển còn đông đảo thì sao biển gai không thể bùng phát để trở thành mối đe dọa hủy diệt rạn san hô được. Chính sự đánh bắt cạn kiệt các loài thiên địch của sao biển gai đã làm nó bùng phát mạnh, trở thành hung thần của rạn san hô. Năm nay 2011 Khu bảo tồn biển Hòn Mun - Nha Trang có thành tích bắt diệt gần 6000 con sao biển gai. Khu Bảo tồn biển Hòn Mun còn có sáng kiến thu mua 5.000 đồng một con sao biển gai gom về tiêu diệt để động viên phong trào lặn bắt loài thủy sinh vật xinh đẹp này. Rõ ràng sao biển gai không phải sao biển gai vì chính nó là sao biển gai vậy./.
Xin cảm ơn Quý vị
TS. Dương xỉ Nhung
Chú thích
Kính mời Quý bạn đọc xem tham luận số 4: Nguyên lí Vô thường. “Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông” do Triết học gia Văn Trắm, đến từ Sông Thao trình bày