quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

Thứ Hai, 18/11/2024 | 08:37:00 AM

Doanh nghiệp cần xây dựng dự án tạo tín chỉ carbon để huy động nguồn lực tài chính khí hậu. Việt Nam có thể giao dịch tín chỉ carbon để tạo ra nguồn tài chính xanh...

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những thay đổi quan trọng toàn cầu đang dẫn tới 3 cuộc khủng hoảng của hành tinh, gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Do đó, "tài chính khí hậu, khi được đầu tư đủ và đúng cách, là con đường dẫn đến công lý khí hậu". 

PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh điều này tại hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh- Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” với chủ đề "Đột phá trong thu hút đầu tư xanh: Cơ hội cho các lĩnh vực mới” diễn ra ngày 15/11 tại Quảng Ninh.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NƯỚC PHÁT TRIỂN VỚI TÀI CHÍNH KHÍ HẬU

Hầu hết lượng khí thải nhà kính đến từ các quốc gia giàu có hơn. Các quốc gia nghèo hơn, với ít nhà máy, ô tô và thiết bị gia dụng đốt nhiên liệu hóa thạch hơn, trong lịch sử chỉ thải ra một phần nhỏ tổng lượng khí thải.

Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992 ban đầu đã đặt nền tảng cho công lý khí hậu: công lý đòi hỏi những người đã đóng góp nhiều hơn vào vấn đề này phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong giải quyết cũng chính là cơ hội để có thể khai thác tài chính khí hậu. 

Năm 2009, các nước phát triển đã nhất trí huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu và cắt giảm khí thải nhà kính, bao gồm nguồn quỹ chảy qua các kênh song phương, khu vực và đa phương, các quỹ tư nhân, thông qua nhiều cơ chế khác nhau, như tài trợ, cho vay và thậm chí là bảo hiểm. 

PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Năm 2022, các nước phát triển đã đạt được mục tiêu này lần đầu tiên, cung cấp 115,9 tỷ USD tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong tổng số này được chuyển đến các nước thu nhập thấp và chỉ khoảng một phần tư cho Châu Phi. Các khoản vay tạo nên hạng mục tài trợ lớn nhất, chủ yếu dành cho các nước thu nhập trung bình.

Năm 2015, các chính phủ đã quyết định đặt ra Mục tiêu định lượng tập thể mới về tài chính khí hậu trước năm 2025, với số tiền ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm, có tính đến nhu cầu, ưu tiên của các nước đang phát triển.

Mục tiêu mới này dự kiến sẽ được thông qua tại COP29 đang diễn ra ở Azerbaijan vào tháng 11/2024. Mục tiêu tài chính mới sẽ chuyển hướng nhiều hơn vào hành động khí hậu cấp thiết ở các nước đang phát triển, hỗ trợ các giải pháp ít carbon, chống chịu với khí hậu trong năng lượng, giao thông và nông nghiệp; đồng thời cho phép các nước đang phát triển tăng cường tham vọng về khí hậu trong vòng tiếp theo của các kế hoạch khi hậu quốc gia, dự kiến vào năm 2025.

Ước tính các thị trường mới nồi và các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, cần gần 2,4 nghìn tỷ USD một năm vào năm 2030 để đạt được các mục tiêu về khí hậu. Con số này gấp 4 lần số tiền hiện đang được đầu tư. Trong số tiền này, khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm sẽ cần đến từ các nguồn tài chính quốc tế, cả công và tư.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, các quốc gia có thể cần chi tới 387 tỷ USD một năm vào năm 2030 và nhiều hơn vào năm 2050 để đáp ứng được yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện tại, con số này mới ở mức khoảng 32- 35 USD đô mỗi năm. Điều này có nghĩa nhu cầu tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu lớn hơn khoảng 18 lần so với mức hiện có.

THÁCH THỨC CHO VIỆT NAM KHI TIẾP CẬN NGUỒN TÀI CHÍNH XANH 

Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, tại hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tuyên bố cam kết mạnh mẽ về việc phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

Do đó, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội từ nguồn tài chính khí hậu và tài chính xanh toàn cầu để phục vụ cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế phát thải thấp. 

Nguồn tài chính xanh phục vụ cho chuyển đổi xanh và chuyển đổi số của doanh nghiệp có thể được huy động từ các nhà tài trợ đa phương, song phương, từ chính phủ đến các cộng đồng, từ các tổ chức phi chính phủ và chính quyền trung ương, địa phương.

Việt Nam cần tận dụng các cơ hội từ nguồn tài chính khí hậu và tài chính xanh toàn cầu để phục vụ cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế phát thải thấp. 

Đáng chú ý, tháng 1/2023, Liên Minh Châu Âu đã chính thức đưa ra quy định tất cả các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải thực hiện báo cáo Phát triển bền vững. Châu Âu đã thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ tháng 10/2023 và bắt đầu từ năm 2026 sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực: sắt thép; nhôm; xi măng; hóa chất phân bón; và hydro, điện, năng lượng. Đây là những ngành hiện đang chiếm 94% phát thải ở châu Âu. Theo đó, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ bị ảnh trực tiếp.

"Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa biết CBAM sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mình như thế nào," ông Thọ cho biết. "Việc các doanh nghiệp cần phải hiểu được các quy định, cơ chế của châu Âu hiện nay là bắt buộc chứ không còn lựa chọn. Đây cũng là cách duy nhất để các doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và thu hút các nhà tư tư châu Âu vào Việt Nam".

Bên cạnh CBAM, châu Âu còn đưa ra quy định về chống đánh bắt thuỷ hải sản (IUU). Ông Thọ chỉ ra rằng từ 2017, Việt Nam đang nhận thẻ vàng IUU. Đặc biệt, từ 1/1/2025 các sản phẩm nông sản xuất khẩu vào châu Âu nếu có nguồn gốc từ phá rừng sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào châu Âu. Quy định này sẽ bao gồm cả lĩnh vực như dệt may. Trong khi Việt Nam nhập khẩu 95% bông từ Trung Quốc, nên nếu có phá rừng thì sản phẩm này sẽ không được xuất khẩu ở châu Âu.

Như vậy có thể thấy, bên cạnh các cơ hội, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong huy động nguồn tài chính xanh. 

NGUỒN TÀI CHÍNH XANH ĐÁNG KỂ TỪ TÍN CHỈ CARBON

Theo PGS. TS. Thọ, Việt Nam có thể giao dịch tín chỉ carbon để tạo ra nguồn tài chính xanh. Ông lấy ví dụ công ty Tesla của Elon Musk mỗi năm thu được 1,7 tỷ USD từ bán tín chỉ carbon, trong khi một công ty khác mỗi năm phải trả 2 tỷ USD vì tiếp tục sản xuất xe xăng. 

Ở Việt Nam, mặc dù thị trường tín chỉ carbon chưa được thành lập, nhưng theo thỏa thuận tại Điều 6 của Thỏa thuận Paris, cho phép có thể kết nối thị trường carbon tuân thủ trong nước với thị trường carbon tuân thủ ở nước ngoài.

Dự kiến thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ được thành lập vào năm 2025 và chính thức đi vào hoạt động năm 2029. Ông Thọ chia sẻ, các nước như châu Âu, Canada, Mỹ, Newzeland, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều sẵn sàng mua tín chỉ carbon của Việt Nam, thậm chí là để dự trữ.

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu - Ảnh 1

Việt Nam đã có Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013 và kéo dài đến năm 2021. Hiện nay, Nhật Bản đang đàm phán để kéo dài đến 2030. Bên cạnh đó, Hàn Quốc là nước thứ hai đã có khung hợp tác về biến đổi khí hậu với Việt Nam. 

Theo ông Thọ, thông qua việc kết nối giữa thị trường tín chỉ carbon trong nước và nước ngoài, sẽ có rất nhiều cơ hội để Việt Nam có thể huy động được nguồn tài chính xanh.

Ví dụ các tỉnh thành Việt Nam hiện nay chưa có Trung tâm xử lý nước thải. Mỗi một dự án xử lý nước thải như vậy ở Tp.Hồ Chí Minh hay Hà Nội cần đầu tư ít nhất là khoảng 1-3 tỷ USD.

"Việt Nam có thể cho phép một nhà đầu tư Nhật Bản hoặc Hàn Quốc vào đầu tư trung tâm đó và họ sẽ nhận lại tín chỉ carbon trong khoảng 10 năm," ông Thọ cho biết. "Chúng ta sẽ có dự án dưới hình thức BOT mới và nhận lại tín chỉ carbon. Với cách thức như vậy, doanh nghiệp sẽ có rất nhiều cách để thực hiện chuyển đổi xanh nếu như có thể tạo ra tín chỉ carbon."

Cũng theo ông Thọ, một dự án tín chỉ carbon sẽ cần thời gian khoảng 18 tháng để thực hiện nghiên cứu tiền khả thi, sau đó xác nhận sẽ tạo ra bao nhiêu tín chỉ carbon. Nếu như theo dự án BOT, nhà đầu tư sẽ vào đầu tư hạ tầng xanh để thực hiện chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi xanh.

"Chúng ta sẽ không mất tiền mà thay vào đó mất tín chỉ carbon trong khoảng 10 năm, sau đó tín chỉ này sẽ thuộc về chúng ta," ông Thọ cho biết. "Như vậy chúng ta có rất nhiều cơ hội để nhận được nguồn tài chính đầu tư xanh, chuyển đổi xanh".

Cụ thể, ông Thọ khuyến nghị doanh nghiệp 4 điểm.

Thứ nhất, doanh nghiệp phải nghiên cứu kiểm kê, báo cáo và xác nhận khí nhà kính.

Thứ hai, cần nghiên cứu các cơ hội để sử dụng các nguồn tài chính xanh để tài trợ cho các dự án chuyển đổi xanh. Muốn vậy, phải hiểu được các cơ chế định giá carbon trên thị trường tuân thủ và kết nối được cơ chế định giá carbon tới việc lựa chọn công nghệ mà doanh nghiệp sẽ chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang năng lượng công bằng. 

Dựa trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ xác định được số tín chỉ carbon tạo ra và sẽ bán trên thị trường tuân thủ. 

Thứ ba, xây dựng dự án tạo tín chỉ carbon để huy động nguồn lực tài chính khí hậu. 

"Trong thời gian tới, tôi hy vọng doanh nghiệp sẽ ý thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng các mô hình tài chính xanh để phục vụ cho đơn vị mình," ông Thọ nhấn mạnh.

(vneconomy.vn)

Lượt xem: 148

Các tin khác

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

Bức tranh quản lý rác thải phức tạp tại Việt Nam

(23/09/2024 09:38:AM)

Phân loại rác đúng cách để bảo vệ môi trường

(16/09/2024 07:22:AM)

Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 - Nhiệm vụ nào cần được thực hiện?

(15/09/2024 06:57:AM)

Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1)

(12/09/2024 06:18:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE