Hội đồng Khoa học xóm Sườn Đồi vừa nhận được bản báo cáo của nữ khoa học gia Lê Ngô với đề tài: “ Tính bền vững của một thế giới không có giống đực”. Vì các ủy viên Hội đồng không biết đánh giá thế nào, nên Cụ Giáo sư Đa Lông - Chủ tịch Hội đồng - đã chuyển báo cáo khoa học này lên trang WEB VACNE nhờ bạn đọc thẩm định giúp.
Nguyễn Đình Hòe VACNE
1.Tên đề tài: Tính bền vững của một thế giới không có giống đực
2. Lí do chọn đề tài;
Trên thế giới hiện nay, các sinh vật cao cấp kể cả con người đều là loài đơn tính nghĩa là phải có đực có cái mới duy trì được nòi giống. Ông Trời sinh ra như vậy cốt để các loài có nhiều cơ hội chọn lựa bạn tình để sinh được nòi giống khỏe mạnh và thông minh hơn cha mẹ. Tuy nhiên vào thời gian đó trên Thượng giới chưa xuất hiện phương pháp Đánh giá Tác động Môi trường (con người gọi là ĐTM) nên ý tưởng của Ông Trời đã không lường trước hết các tác động tiêu cực. Vì các cá thể đực hay cái chỉ là một nửa cá thể hoàn thiện, nên hầu như suốt đời các cá thể đực cái chỉ nghĩ đến chuyện tìm được cái nửa kia của mình Chuyện đực/cái đã tiêu tốn không biết bao tài nguyên và năng lượng, chính là nguyên do dẫn đến suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên ngày càng trầm trọng. Thế giới qua nhãn quan của một loài chỉ gồm toàn con cái (tức là toàn phụ nữ - theo ngôn ngữ con người) sẽ cho chúng ta cách nhìn nhận mới và những giải pháp bất ngờ nhằm cứu lấy Trái Đất – ngôi nhà chung của chúng ta.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Tốn kém tài nguyên, năng lượng và thời gian cho giống đực làm chuyện ve vãn giống cái
Con đực trong thế giới động vật đơn tính luôn phải đẹp để ve vãn con cái, cứ nhìn con sư tử đực, con gà vịt ngan đực (= con trống), các con chim đực, kỳ nhông đực,…mà xem, chúng không có bờm hùng tráng thì cũng có màu hay lông sặc sỡ. Con người …đực thì không được đẹp (con người chỉ gọi mỗi giống cái của họ là phái đẹp thôi) nên phải vất vả để sắm nhà to, xe xịn và kiếm tiền thật nhiều bù vào. Con người đực sẽ khó hấp dẫn con người cái nếu chỉ có trên răng dưới…”vũ khí”. Để có đủ những thứ hấp dẫn con cái, người đực phải sử dụng thật nhiều tài nguyên, năng lượng và thời gian để tạo ra những thứ mà họ gọi là …của cải. Người không có nhiều của cải thì cố trở thành …đại gia bằng việc tốn cả đời để sáng tác (thực ra là tưởng tượng và phịa) ra nhiều ca khúc, nhiều bài thơ nhằm biến một chiếc lá vàng rơi, biến vài làn gió mỏng vô tích sự thành biểu tượng của cái họ gọi là tình yêu. Vì vậy người đực sống cho bản thân họ rất ít, phần lớn cuộc đời của họ chỉ để hấp dẫn con cái. Và họ còn phải ăn thật nhiều, tốn không chỉ cơm hay thịt cá mà cả …bia nữa để có cơ thể to con. Riêng người đực còn phải chịu khó uống đủ thứ rượu ngâm gì gì đó mà họ bảo để cho “một người khỏe hai người vui”. Người đực thật khổ.
3.2.Tốn tài nguyên, năng lượng và thời gian để giống cái ve vãn giống đực
Vì rất sợ cảnh “chồng chềnh như nón không quai, như thuyền không lái như ai không chồng” nên con người cái cũng khổ không kém, hàng ngày họ phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để bôi màu lên bộ mặt mà họ gọi là trang điểm. Nhiều người thích trang điểm như cái mặt nạ khiến cho khi ra đường đến con đực của cô ta (họ gọi là chồng) cũng không nhận ra. Con người cái cũng phải sắm rất nhiều quần áo để thay đổi. Tuy nhiều quần áo nhưng họ lại thích mặc hở hang theo kiểu thiếu vải, chẳng qua là để con người đực bị hút hồn vào những chỗ họ cố tình để hở ra. Tạo hóa sinh ra chân để đi hay chạy, đáng lẽ cứ chạy khỏe đi vững thì là chân đẹp, nhưng vì con đực thích chân dài nên con cái có chân dài được gọi là người đẹp. Họ phải vào bệnh viện tốn tiền thật nhiều để kéo dài chân thêm vài ba cm, hay phải đi giày thật cao gót cho chân có vẻ dài ra. Vì thế họ đi đứng cứ xiêu xiêu vẹo vẹo, thậm chí nhiều cô bước đi lấp nhấp như con chim chìa vôi, cái cách đi mà họ tôn là …yểu điệu thục nữ. Nhiều con cái còn đi phẫu thuật kéo dài chỗ này, cắt ngắn chỗ kia, xén bớt chỗ nọ, làm lồi chỗ khác để vừa mắt con đực, khiến phải chịu đau đớn và tiêu tốn không ít tiền, mà tiền cũng là dạng cô đọng của tài nguyên, năng lượng và cả thời gian.
3.3. Bạo lực gia đình
Nhiều con đực không thỏa mãn với con cái của mình nên luôn đánh đập cắn xé con cái, không chỉ thế mà có con đực còn đổ dầu sôi vào con cái, lôi con cái ra đường lột quần áo bôi vôi. Không ít con cái cũng hành hung con đực ra trò: cắt “vũ khí” của con đực ném xuống ao… Có con đực bắt con cái để làm tình rồi giết luôn con cái để phi tang,…Theo một điều tra xã hội thì trên một nửa số cặp đực/cái có trình trạng bạo lực như vậy. Thử hỏi còn thời gian nào để sống cho đúng nghĩa nữa?
3.4.Chiến tranh và xung đột
Các con đực hay đánh nhau để dành con cái, riêng con người đực thì cố tình tạo ra và tham gia đủ mọi loại chiến tranh, chém giết lẫn nhau hàng loạt, tàn phá, cướp bóc, khiến cho không biết bao nhiêu con cái phải hóa đá làm hòn vọng phu. Lại còn tiêu tốn không biết bao nhiêu của cải để nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí có thể tàn phá môi trường và giết đối phương hàng loạt trong nháy mắt nữa, trong khi còn trên 2 tỷ con người nghèo đói, thiếu ăn thiếu mặc.
3.5. Giết con cái từ trong bụng mẹ
Con người hiện nay rất thích đẻ con trai. Họ nhờ đám thầy thuốc ham tiền mách nước (dù bị luật pháp con người cấm) nên hễ có thai con gái thì phá hoặc đẻ ra con gái thì vứt bỏ cho chết luôn. Người ta tính được rằng đến năm 2025 sẽ có 3 triệu con người đực ở Việt Nam không tìm được con người cái để kết đôi. Điều đó cũng có nghĩa là có 3 triệu con người cái bị giết ngay từ trong bụng mẹ hay bị bỏ rơi cho chết ngay sau khi sinh ra. Nghe nói ở một nước bên cạnh có đến trên 100 triệu con người cái bị giết ngay trong bụng mẹ. Eo ơi khủng khiếp quá! Trên Trái Đất này không có loài nào dã man như loài người!
3.6.Nhận xét bước đầu:
Mọi chuyện dã man, lãng phí tài nguyên, năng lượng, và thời gian chỉ vì chuyện đực/cái khiến cho Trái Đất đang quá sức chịu đựng. Trái Đất đang lâm vào khủng hoảng khiến không còn loài nào có cơ may sống sót. Mọi chuyện chỉ vì Ông Trời trót sinh ra đực cái mà không đánh giá tác động môi trường!. Nếu như muôn loài chỉ có con cái như Lê Ngô chúng tôi thì thế giới thật đơn giản, thật hòa bình, thật cân bằng và thật hạnh phúc. Chúng tôi vẫn sinh con đẻ cái, vẫn sống thanh bình, có một cuộc sống rất chất lượng nhưng thật hợp lý. Bởi vì mỗi các thể trong loài chúng tôi là một cá thể hoàn chỉnh chứ không chỉ là ½ cá thể như các loài đơn tính khác. Cần tìm ra giải pháp để biến muôn loài thành cái hết. Đó là giải pháp cho sự bền vững của Trái Đất mà con người loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra. Có hai giải pháp rất đơn giản dưới đây:
3.7. Giải pháp cho sự bền vững:
· Giải pháp gen: chuyển ghép gen LN (Lê Ngô) cho mọi loài để biến hết thảy các loài thành giống cái; và
· Giải pháp ăn: Đây là kinh nghiệm của con người. Con người rất thích ăn thịt động vật cái: gà mái tơ, vịt mái, tôm trứng, cá trứng, lợn nái… Thậm chí nhiều nơi họ làm vịt đực quay nhưng giả làm vịt cái để lừa người ăn. Kết quả là hiện nay có không ít con đực non (họ gọi là thanh thiếu niên) nhưng đeo đồ trang sức, hành vi ẻn ái để giống con cái cho …”mode”. Cứ đà này, có lẽ dần dần con đực sẽ thành con cái hết.
4. Trích ngang lý lịch khoa học của tác giả
Họ và tên: Lê Ngô; tên đầy đủ: Leiolepis ngovantrii (xin chú ý: có hai chữ i; xem ảnh như một ví dụ); tên phổ thông: Nhông cát; Giới tính: cái (loài người gọi là nữ); Quê quán: Khu bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Quốc tịch : Việt Nam; Tình trạng hôn nhân: độc thân; Tình trạng gia đình: đã sinh đẻ nhiều lứa, toàn con gái (thực ra là con cái); Nghề nghiệp: nghiên cứu Xã hội học Môi trường; Hướng nghiên cứu hiện nay: tìm kiếm giải pháp nữ hóa toàn bộ thế giới sinh vật nhằm cứu Trái Đất; Họ hàng xa: phụ họ Nhông cát Leiolepidinae, chỉ cư trú ở khu vực ASEAN gồm Thái Lan, Myanma, Lào, Campuchia, Indonesia và Việt Nam.
5. Chân dung tự họa (có ảnh kèm theo):
Kích cỡ tương đối nhỏ, chiều dài không tính đuôi khoảng 11cm; có những chấm xanh lá cây ở lưng và đuôi, thường sống ở khu vực bãi cát và rừng bụi ven biển. Thích nghi tốt với rừng khô nhiều cây họ dầu trên nền đất cát ven biển, hay rừng tràm trên vùng đất nhiễm phèn. Lê Ngô hay Leiolepis ngovantrii là loài nhông cát chỉ toàn con cái: cá thể mẹ có thể sinh sản mà không cần con đực ( bố). Nhưng Nhông cát con được sinh ra lại vẫn chỉ có giống cái.Thế giới của Lê Ngô không có và không cần con đực.
Ý kiến riêng của Giáo sư Đa Lông:
Đề tài có giá trị thâm cao về cả mặt khoa học lẫn thực tiễn, đề nghị Hội đồng xem xét cho phép khoa học gia Lê Ngô được mở rộng và nâng cấp đề tài thành luận án Tiến sĩ.