Giàu tiềm năng
Theo ông Nguyễn Danh - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 244.605ha có rừng, trong đó có gần 213.860ha rừng thuộc quy hoạch 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất; hơn 30.745ha có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 72.689ha đất thuộc quy hoạch 3 loại rừng. Hiện nay, địa phương đang tích cực triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, giúp công tác quản lý, phát triển rừng bền vững hơn.
Chỉ tính riêng việc cung ứng dịch vụ môi trường rừng, hiện nay, toàn tỉnh có 11 chủ rừng là tổ chức, 43 chủ rừng là UBND cấp xã và 3.086 hộ gia đình, cá nhân cung cấp dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích 151.520ha cho 33 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, chiếm gần 62% diện tích rừng của tỉnh. Trong những đơn vị có sử dụng dịch vụ môi trường rừng, có 11 đơn vị kinh doanh nước sạch, 17 đơn vị sử dụng nước phục vụ sản xuất công nghiệp, 4 đơn vị sản xuất thủy điện, 2 đơn vị kinh doanh du lịch. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục rà soát các đơn vị có sử dụng dịch vụ môi trường rừng để đôn đốc nguồn thu nhằm đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Một góc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.
Thực tế tiềm năng phát triển các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng rất lớn; muốn bảo vệ và phát triển rừng bền vững hơn thì kinh tế lâm nghiệp phải được chú trọng; từ đó mới hiện thực hóa được mục tiêu lấy rừng nuôi rừng. Tuy vậy, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng hiện nay còn một số khó khăn nên người làm nghề rừng vẫn còn lúng túng trong việc tìm ra giải pháp phát triển kinh tế rừng. Để giải quyết bài toán này, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Khai thác tối đa giá trị hệ sinh thái
Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm để phát huy tối đa các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Cụ thể, đối với phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ, tỉnh sẽ từng bước chuyển hóa từ phát triển rừng sản xuất gỗ nhỏ sang phát triển rừng sản xuất gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững; liên kết giữa chủ rừng với doanh nghiệp để phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm gỗ từ khâu trồng rừng đến khâu tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ rừng liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, phát triển sản phẩm để nâng cao giá trị rừng trồng. Đối với phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, tập trung nghiên cứu, chọn lựa các loài cây có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với từng địa phương để phát triển; xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng, tập trung ở các địa phương: Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Vạn Ninh, Ninh Hòa, với mục tiêu đến năm 2030 đạt 255ha; phát triển các cơ sở chế biến lâm sản ngoài gỗ, dược liệu gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với nét đặc trưng của từng địa phương. Đối với phát triển các hình thức nông, lâm kết hợp sẽ thí điểm các mô hình như: Phát triển cây dược liệu, nuôi trồng dưới tán rừng, vườn rừng…; lựa chọn cây trồng phù hợp, áp dụng các biện pháp canh tác hiệu quả, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất; liên kết sản xuất bền vững. Đối với phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa các loại dịch vụ môi trường rừng, nhất là dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ việc hạn chế mất rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ phát triển bền vững tài nguyên rừng…
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí dưới tán rừng, các đơn vị chủ rừng tiến hành xây dựng và triển khai đề án du lịch dưới tán rừng pheo phương án quản lý rừng bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo các quy định liên quan, giảm thiểu các rủi ro từ hoạt động du lịch tác động đến bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học để thúc đẩy phát triển các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa chủ rừng và cộng đồng địa phương để cung cấp các dịch vụ du lịch đặc trưng gắn với giá trị cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đặc trưng; tăng cường quảng bá, giới thiệu các hoạt động du lịch dưới tán rừng, du lịch sinh thái cộng đồng đến với du khách; thu hút các nguồn lực để phát triển bền vững du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong các hệ sinh thái rừng, hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương thông qua việc sử dụng lao động tại chỗ…
Theo ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề án được triển khai hiệu quả sẽ khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh và giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng của tỉnh trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; đảm bảo phát triển hài hòa về môi trường, sinh thái và kinh tế - xã hội; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở gần rừng; huy động các nguồn lực để phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng…
Hải Lăng