Cột đá thề, giếng ngọc, hạt lúa thần và cây vạn tuế là linh vật của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Cây vạn tuế được trồng trước cửa chùa Thiên Quang cạnh Đền Hạ (ảnh 1).
Nếu cứ hiểu vạn tuế là 10.000 năm thì cây vạn tuế ở Đền Hùng mới đang ở tuổi...thiếu nhi.Theo chú Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng thì cây vạn tuế đến nay mới có được khoảng... 800 tuổi. Chùa Thiên Quang (có nghĩa là đón ánh sáng của trời) được xây từ đời nhà Trần, đến thế kỷ 15 xây dựng lại và được đại trùng tu vào thời nhà Nguyễn.
Du khách trước đây chẳng mấy ai để ý tới cây vạn tuế này nhưng giờ thì khác, ai cũng phải ngước nhìn cây vạn tuế trên...giá sắt (ảnh 2, 3). Gạch đá nhà chùa cũng còn trải qua mấy bận trùng tu mà cây giờ đây mới cần giá đỡ, cũng là sự phi thường.
800 tuổi, cây cần có trụ bê tông làm... gậy chống. Nếu sống thêm 200 năm nữa, cây sẽ được thiên tuế. Nhưng có lẽ vì ước vọng mà người đời gọi loài cây này là vạn tuế. Hôm nay, theo ý nghĩa bộ "tam đa" gồm 3 loại cây quý: sung (phúc), lộc vừng (lộc),vạn tuế (thọ) của người xưa, thì không khỏi bâng khuâng khi nhìn cây lá đã ngả màu (ảnh 4). Các cán bộ Ban quản lý cũng ngậm ngùi cho biết thân cây vạn tuế đã rỗng.
Mấy năm trước đã trùng tu Đền Hạ. Năm ngoái vừa trùng tu Đền Thượng. Còn cụ vạn tuế này chưa biết sẽ “trùng tu” sao đây ?
Chợt nhớ, mới 200 tuổi, cây thiên tuế ở Bến Tre đã được coi là bảo vật của tỉnh, được nâng niu chăm sóc. Nhìn màu xanh thiên tuế vùng đất mới phương Nam càng thương cụ già vạn tuế bạc đầu nơi đất Bắc (ảnh 5)
Ban quản lý Đền Hùng đã rất lo cho cây vạn tuế và cột chống, giá đỡ lúc này là cần thiết nhưng cũng chỉ là...trước mắt. Liệu còn có cách nào tốt hơn là dùng giá sắt, cột bê tông chống đỡ cây vạn tuế ở Đền Hùng ? Từ gốc cây già có thể nhân ra một cây vạn tuế mới ?
QUẢNG HÀ
Tin vui ! Tin vui !
HOAN HÔ VẠN TUẾ
Nỗi lo lắng về cụ vạn tuế Đền Hùng “xuống cấp” đã thật sự không còn nữa khi những ngày qua, bằng sự chăm sóc chu đáo của Ban quản lý di tích, cây vạn tuế 800 tuổi đã lại “đâm chồi nở hoa” (ảnh 6) . Thật kỳ diệu, trong những ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, cả 3 ngọn cây vạn tuế “ngự” trên giá sắt đều nảy lộc tưng bừng (ảnh 7). Đặc biệt hơn, dưới gốc cây, một nhành non xanh mỡ màng cũng đã đội đất vươn lên đón ánh mặt trời (ảnh 8). Chắc chắn vạn tuế sẽ con trường tồn.
TIỂU MAI
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam dưới bóng cây vạn tuế Đền Hùng