Các tình nguyện viên dự án “Trao đổi Truyền thông về Môi trường khu vực Châu Á” đánh giá cao vai trò của FK và Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam .
Tại cuộc gặp gỡ vừa diễn ra tại trụ sở Hội nhà báo Việt Nam (59 Lý Thái Tổ -Hà Nội), hầu hết các cựu tình nguyện viên Việt Nam và nước ngoài tham gia dự án “Trao đổi Truyền thông về Môi trường khu vực Châu Á” đều đánh giá cao hiệu quả dự án này.

Tình nguyện viên FK đến Kiên Giang
Hiệu quả của Dự án này, không chỉ dừng ở một số bài báo và những kiến thức, trình độ ngoại ngữ, hay kỹ năng sống … mà các tình nguyện viên đã thu được khi tham gia, mà điều lớn lao hơn: thông qua hoạt động này, họ đã xóa dần các rào cản: về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán…để đưa các dân tộc xích lại gần nhau hơn.
Các tình nguyện viên còn khẳng định: có được kết quả này, ngoài yếu tố: vượt khó, tự vươn của mỗi cá nhân tình nguyện viên; còn có vai trò hỗ trợ rất tích cực của Fredskorpset (FK)- tổ chức phi chính phủ của Na Uy, cùng Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) và Mạng lưới không khí sạch (VCAP), thuộc VACNE.
Nhà báo Hoàng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch thường trực VFEJ cho biết: năm 2010, Diễn đàn này chủ yếu tập trung vào Chương trình trao đổi Nam-Nam, do Tổ chức Fredskorpset (Na Uy) tài trợ và Dự án Nâng cao Năng lực Truyền thông về Môi trường do Quỹ Ford tài trợ. Nhờ có các Chương trình, Dự án này, VFEJ tiếp nhận 2 tình nguyện viên Lào và Trung Quốc sang làm việc ở Việt Nam; đồng thời cử 2 phóng viên tình nguyện sang các quốc gia này để họ có cơ hội trao đổi thêm kỹ năng viết báo môi trường qua thực tế.
Cũng nhờ triển khai các dự án này, trong năm qua VFEJ còn tổ chức được nhiều hoạt động khác như: Tổ chức các chuyến điền dã, Hội thảo tại Hải Dương, Quảng Bình viết về ảnh hưởng các cụm công nghiệp tới môi trường, lũ lụt. Kết quả, đã có nhiều tin, bài, hình ảnh..có nội dung tốt được đăng tải trên các phương tiên truyền thông trong nước, góp phần tích cực nâng cao nhận thức cho cộng đồng về môi trường, sinh thái và lịch sử, văn hoá Việt Nam../.
Danh Trường (VP. VACNE)