Cần ứng dụng công nghệ na nô vào xử lý môi trường, nhưng phải hiệu quả và thiết thực
(VACNE: 29/5) Đây là ý kiến của các chuyên gia Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) trong buổi tiếp xúc với lãnh đạo Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) vừa diễn ra tại Văn phòng Hội ở Hà Nội.
Phó Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam GS.NGND. Trần Hiếu Nhuệ và GS. NGND. Ngô Đình Tuấn, Ủy viên BCH Hội cùng thân mật tiếp Đoàn, lắng nghe Báo cáo của ông Chủ tịch HĐQT và đánh giá cao những cố gắng của Công ty JVE trong các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất nông nghiệp và thủy sản tại Việt Nam; đồng thời bày tỏ mong muốn Công nghệ Nano Bioreactor mà JVE đang thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây (Hà Nội) sẽ có hiệu quả cao.
Các nhà khoa học của Hội BVTN&MT Việt Nam đều bày tỏ mong muốn và tin tưởng công nghệ này sẽ thí điểm thành công, để triển khai xử lý nước thải, nguồn nước ô nhiễm rộng rãi ở Hà Nội và các địa phương khác.
Tại buổi tiếp xúc này, một số nhà khoa học khác cũng cho rằng: Công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản là công nghệ hiện đại và cũng tương đối dễ hiểu về mặt lý thuyết. Nhưng quan trọng hơn và có khả năng thuyết phục nhất đối với cộng đồng (nhà khoa học, nhà quản lý và nhà nông) trong lúc này, là hiệu quả kinh tế, sự bền vững của công nghệ. Vì thế, rất cần có sự phối hợp nghiên cứu và kiểm chứng khách quan, để nhanh chóng có kết luận chính xác, đưa nhanh vào phục vụ có hiệu quả cho đời sống xã hội.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT công ty JVE cho biết: Công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản là công nghệ: kết hợp giữa máy sục khí Công nghệ Nano và các tấm Bioreactor có tác dụng phân giải các chất gây ô nhiễm, bùn ở tầng đáy, hiệu quả bền vững.
Nguyên lý của công nghệ này là dựa trên khả năng tự làm sạch của môi trường nước, kích hoạt sự hoạt động của các vi sinh vật trong đất, chủ yếu là các vi sinh vật có ích và các thủy sinh khác, gây ức chế và làm giảm số lượng các vi sinh vật có hại gây ô nhiễm trong nước thải, tạo môi trường xúc tác mạnh giúp quá trình sinh trưởng của các vi sinh vật có chức năng xử lý nước và có lợi cho cây trồng, vật nuôi.
Cụ thể là: nhờ công nghệ sục khí, phun ra các bọt khí kích thước siêu nhỏ (micro và nano). Những bọt khí này dễ dàng hòa tan vào nước sông, hồ, tầng bùn đáy, làm phân giải các chất gây ô nhiễm. Do vậy, lượng oxy tan trong nước tăng, hòa tan DO trong nước và tạo môi trường sống cho các sinh vật thủy sịnh.
Công nghệ này đã được triển khai tại sông Onga (Nhật Bản) và nhiều nơi khác trên thế giới từ năm 1994, với kết quả chất lượng nước duy trì “tự động làm sạch” khoảng 25 năm, góp phần mang lại cuộc sống trong lành cho nhân dân.
Ông Chủ tịch HĐQT công ty JVE cho biết thêm: chiều 11/4/2019, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn chuyên gia môi trường do tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản dẫn đầu. Ông Tadashi Yamamura đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ bio-nano, thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Thủ tướng khen ngợi ý tưởng của nhóm chuyên gia; đồng thời đánh giá cao phía Nhật Bản đã vận động kinh phí thực hiện việc này bằng nguồn vốn xã hội hoá./.