quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

COP16 và những khuyến nghị với VUSTA/VACNE

Thứ Ba, 01/03/2011 | 03:16:00 PM

VUSTA-Như tin đã đưa, lần đầu tiên Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam có đại diện tham dự Hội nghị của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 16 (COP16) tại Cancun (Mexico). Đó là GS. TSKH Trương Quang Học, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Ông được đoàn Việt Nam phân công tham dự các phiên họp về phát triển và chuyển giao công nghệ. Sau đây là bài viết của GS. TSKH Trương Quang Học dành cho bạn đọc vusta.vn.

 
 
COP 16 đã được tổ chức tại khu nghỉ mát “Cung điện Hằng Nga” (Moon Palace), thuộc thành phố Cancun, Mexico từ ngày 29/11 đến ngày 10/12/2010. Tham dự có khoảng 12.000 đại biểu, gồm 5.200 các quan chức chính phủ đến từ 194 nước, trong đó có 26 người đứng đầu chính phủ, nhiều bộ trưởng, thứ trưởng.
COP 16 rất lớn và đa dạng về số lượng đại biểu tham gia về các chủ đề thảo luận về số lượng các phiên họp cũng như sự phức tạp về các quan điểm chính trị khi thảo luận.
Đoàn đại biểu chính thức của Việt Nam dự COP16 đến Cancun ngày 4/12 (tham gia đàm phán vòng 1- Đàm phán chuyên gia) với 15 người, trong đó có 7 đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 5 đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 1 từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, 1 từ Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam và 1 đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico. Trưởng, phó trưởng đoàn và một số đại diện của các bộ tham dự Hội nghị từ ngày 5/12/2010.
Những thu hoạch và nhận định về COP 16
Hội nghị được chia thành 3 giai đoạn: Từ 29/11 đến 05/12: các cuộc đàm phán cấp chuyên gia; 6-7/12: Cuộc họp cấp Bộ trưởng; 8-9/12: Hội nghị cấp cao.
Hội nghị lần này bao gồm Phiên họp lần thứ 16 giữa các nước tham gia COP16, Phiên họp lần thứ 6 các nước tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP6) và các cuộc họp liên quan đến phần chung giữa các bên, các vấn đề thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu (BĐKH), tìm nguồn tài chính và chuyển giao công nghệ liên quan.
Với rất nhiều cố gắng của các bên tham gia, đặc biệt là Mexico – nước chủ nhà, Hội nghị đã đạt được một số thành công nhưng chưa toàn diện, chưa đạt được một sự đột phá và cũng chưa đưa ra được các kế hoạch cụ thể mang tính ràng buộc pháp lý cho việc cắt giảm lượng phát thải tại các nước và trên toàn cầu.
Thắng lợi lớn nhất của Hội nghị là vào ngày cuối cùng trước khi bế mạc, Hội nghị đã nhất trí (trừ Bolivia) thông qua “Thỏa thuận Cancun” (Cancun Agreement) với các nội dung tương đối cân bằng giữa hai hướng đàm phán (theo Nghị định thư Kyoto - KP và theo Công ước khí hậu - LCA) và giữa các nôi dung trong mỗi hướng đàm phán.
Trong Thỏa thuận, việc thành lập "Quỹ Khí hậu Xanh," (Green Climate Fund) đã được tái khẳng định từ cam kết tại Hội nghị Copenhagen hồi năm ngoái. Theo đó, các nước có lượng phát thải lớn (Liên minh châu Âu - EU, Nhật Bản và Mỹ đã cam kết) sẽ đóng góp tăng dần từ 30 tỷ USD/năm lên 100 tỷ USD/năm từ 2020 để giúp các nước đang phát triển chống lại BĐKH; nhất trí tăng cường một loạt các biện pháp bảo vệ rừng nhiệt đới và thiết lập một “Cơ chế công nghệ” theo đó các nước phát triển chuyển giao công nghệ năng lượng sạch cho các nước nghèo hơn để phục vụ các hoạt động ứng phó và giảm nhẹ BĐKH.
COP 16 đã thống nhất quan điểm hợp tác dài hạn trong ứng phó BĐKH để nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2ºC vào cuối thế kỷ 21; nhưng chưa đưa ra được thời điểm tổng lượng phát thải toàn cầu phải giảm, mà chỉ ghi nhận “càng để lâu thì chi phí cho sự thích ứng càng lớn”.
Tuy Thỏa thuận chỉ được thông qua dưới dạng quyết định của Hội nghị mà chưa phải là điều ước quốc tế nhưng cần được xem như một tiền đề quan trọng để các bên tiếp tục đàm phán, tiến tới một khuôn khổ pháp lý toàn cầu về BĐKH trong giai đoạn tới.
Giống như hội nghị hồi năm ngoái tại Copenhagen, COP 16 năm nay tại Cancun đã không đạt được tiến triển lớn trong việc làm thế nào để gia hạn Nghị định thư Kyoto, sau khi nghị định này hết hiệu lực vào năm 2012 và cũng chưa làm rõ cách thức quyên tiền cho "Quỹ Khí hậu Xanh." Ngoài ra, Hội nghị Cancun cũng chưa giải quyết được đề tài gai góc, đó là chương trình giảm bớt phát thải bởi nạn phá rừng và do rừng xuống cấp (REDD) bởi những bế tắc về vấn đề tìm nguồn tài trợ và cách thức giúp đỡ các nước nghèo trong vấn đề bảo vệ rừng.
Vấn đề phát triển và chuyển giao công nghệ
Trong quá trình ứng phó BĐKH, chuyển giao công nghệ được hiểu là những quá trình phát triển và chia sẽ những công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ cho việc thích ứng với BĐKH giữa các quốc gia. Theo đó, bên cạnh nguồn tài chính, các nước đang phát triển còn cần những công nghệ mới để giảm nhẹ BĐKH – giảm phát thải, ví dụ như sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, công nghệ mới để thích ứng như các công nghệ để phòng chống bão lụt, những dòng cây trồng chịu hạn…
Vì chuyển giao công nghệ là phương tiện thúc đẩy giảm nhẹ phát thải nên được coi là điểm mấu chốt để đạt được một thỏa thuận quốc tế về vấn đề nóng bỏng này.
Phát triển và chuyển giao công nghệ bao gồm những nôi dung sau:
- Nhu cầu chuyên giao công nghệ và đánh giá nhu cầu chuyển giao công nghệ;
- Thông tin về công nghệ;
- Môi trường cho phép để chuyển giao công nghệ hiệu quả;
- Xây dựng năng lực để chuyển giao công nghệ;
- Những cơ chế cho chuyển giao công nghệ.
So với các nội dung khác, phát triển và chuyển giao công nghệ để ứng phó với BĐKH là một nội dung dễ đạt được sự đồng thuận hơn tại Hội nghị. Đã có nhiều phiên họp không chính thức đề thương thảo và các kết luận đã được Hội nghị thông qua tại phiên họp chính thức ngày 4/12/2010.
Đại biểu các nước phát triển có mặt ở Cancun đã đồng ý thiết lập một cơ chế chuyển giao công nghệ để giúp nước đang phát triển tiếp cận được công nghệ sạch, công nghệ giao thông giảm thải khí CO2 cũng như công nghệ tái tạo năng lượng, công nghệ thích ứng... trong đó Việt Nam sẽ được “chia sẻ” một cách công bằng về tài chính cũng như công nghệ.
Để đẩy mạnh các hoạt động phát triển và chuyển giao công nghệ, Hội nghị đã quyết định thành lập một Cơ chế công nghệ (Technology mechanism) để thúc đẩy việc phát triển và chuyển giao công nghệ cho các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ BĐKH do các quốc gia điều hành theo hoàn cảnh và ưu tiên của mỗi quốc gia. Cơ chế công nghệ bao gồm một Ủy ban điều hành công nghệ (Technology Executive Committee - TEC), một Trung tâm và Mạng lưới công nghệ khí hậu (Climate Technology Centre and Network - CTCN). CTCN và TEC sẽ là các tổ chức chính cung cấp tư vấn về các vấn đề công nghệ cho Hội nghị các bên, và CTCN sẽ là “cánh tay” vận hành của cơ chế. TEC gồm 20 thánh viên có nhiệm vụ tiếp tục thực hiện khung chuyển giao công nghệ (technology transfer framework) của Công ước). Trung tâm chuyển giao công nghệ sẽ tạo ra một mạng lưới, tổ chức, sáng kiến công nghệ toàn cầu, khu vực, ngành và quốc gia.
Các điều khoản chi tiết của cơ chế, và một số vấn đề có liên quan khác sẽ còn được tiếp tục thỏa thuận trong thời gian tới, bao gồm:
- Các cơ chế tài chính để xây dựng năng lực, hợp tác nghiên cứu và xác định các công nghệ ưu tiên để chuyển giao.
- Các khía cạnh phi tài chính trong chuyển giao công nghệ như năng lực nghiên cứu, cấu trúc quản trị hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả chuyển giao;
- Sự phối hợp khi có các nguồn chuyển giao công nghệ khác ngoài khuôn khổ của Công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC);
- Đảm bảo sự quan tâm cân đối giữa chuyển giao công nghệ thích ứng và công nghệ giảm nhẹ…
Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng:
1) Trong ứng phó với BĐKH, các nguồn lực từ bên ngoài cũng chỉ có tính chất hỗ trợ, còn nội lực của mỗi quốc gia mới là điều chủ yếu và quyết định;
2) Đối với các nước đang phát triển, bên cạnh những hoạt động thích ứng để hạn chế tổn thất dưới tác động của BĐKH, cũng cần chú ý một cách thỏa đáng tới các hoạt động giảm nhẹ BĐKH (giảm phát thải) để hướng tới một xã hội cacbon thấp – chiến lược phát triển lâu dài chung của toàn thế giới hiện nay. Muốn thế cần phải có sự nhận thức đúng đắn là những việc làm này chính là vì sự phát triển bền vững cho chính đất nước mình hiện nay và lâu dài về sau.
Hoạt động của Đoàn Việt Nam tại COP 16
Vì lực lượng rất mỏng nên phương châm của Đoàn là chia nhỏ và tập trung tham dự một số chủ đề quan trọng theo hai nội dung chính: Công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto (KP). Trong các nội dung liên quan đến UNFCCC, Việt Nam bám sát các phiên thảo luận về thích ứng, giảm nhẹ, cơ chế tài chính và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, các thành viên trong đoàn cũng tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác với các nước trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, trong đó có việc tài trợ cho các dự án đã có hoặc tìm đến các dự án mới.
Đoàn Việt Nam đã rất cố gắng tham gia các hoạt động quan trọng ở tất cả các giai đoạn của Hội nghị:
Tại phiên họp toàn thể, Trưởng đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có bài phát biểu thể hiện quan điểm của Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN-2010 đã đề xuất các sáng kiến, thể hiện lập trường chung của ASEAN về BĐKH và được quốc tế đánh giá cao. Trong đó, đã nhấn mạnh quan điểm kiên trì theo đuổi các nguyên tắc chung của hai khung pháp lý quốc tế chính về BĐKH (Công ước khung về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto) có chỉnh sửa và bổ sung trong mọi cuộc thảo luận tại Hội nghị, đồng thời kêu gọi cần có những cam kết tiếp theo cho Nghị định thư Kyoto sau 2012. Việt Nam cũng nêu lên sự cần thiết phải có một thỏa thuận để giảm nhẹ BĐKH, góp phần tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và nâng cao cuộc sống cộng đồng ở các nước đang phát triển.
Đoàn đã tham gia rất nhiều hoạt động bên lề Hội nghị trong đó có những cuộc họp rất quan trọng như Cuộc họp cấp cao về nông nghiệp trong điều kiện BĐKH; cuộc họp về bảo vệ và phát triển rừng và một loạt các cuộc họp khác nữa. Với các kết quả và kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp vừa qua, được cộng đồng quốc tế đề nghị, Việt Nam đã đồng ý chủ trì tổ chức Hội nghị toàn cầu về nông nghiệp, an ninh lương thực và BĐKH vào năm 2012.
Đoàn Việt Nam đã có 15 cuộc gặp gỡ song phương (với Ngân hàng thế giới, các nước Hà Lan, Mỹ, Ba Lan, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, trưởng đoàn các nước trong khối ASEAN…) nhằm tranh thủ sự ủng hộ, tìm hỗ trợ về tài chính của các nước và tổ chức quốc tế trong việc giúp Việt Nam ứng phó với BĐKH.
Tôi cho rằng những hoạt động của Đoàn rất tích cực và đã có những kết quả khả quan. Tuy nhiên về kinh nghiệm và các kỹ năng thương thảo quốc tế, chúng ta còn nhiều hạn chế và Nhà nước nên có kế hoạch nâng cao năng lực này để chúng ta có thể đóng góp được nhiều hơn nữa với cộng đồng quốc tế, nhất là trong cuộc chiến chống BĐKH.
Đánh giá chung, Hội nghị Cancun có được một số thắng lợi nhưng vẫn chưa đạt được sự nhất trí về một số vấn đề then chốt, đặc biệt là tương lai của Nghị định thư Kyoto sau khi Nghị định này hết hiệu lực vào năm 2012. Theo dư luận của giới khoa học có thể do ba lý do chính:
1) Thế giới trong mọi nền kinh tế đều đang cần nhiều nhiên liệu để thực hiện phát triển kinh tế;
2) Năng lượng hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng rẻ và có hiệu quả nhất hiện nay;
3) Thế giới hiện vẫn chưa có các nguồn năng lượng thay thế thỏa đáng. Với trình độ công nghệ hiện nay, điện gió và điện mặt trời chưa thể cung cấp một lượng năng lượng lớn cho thế giới và triển vọng của chúng còn khá xa. Điện hạt nhân cũng có rất nhiều hạn chế, trong đó có chi phí xây dựng quá cao.
Cuộc đàm phán căng thẳng, khó khăn tại Copenhagen năm 2009 và Cancun năm 2010 cho thấy cộng đồng quốc tế vẫn còn một chặng đường dài nữa với nhiều khó khăn, thách thức trước mắt để đạt đươc một thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý toàn cầu để ứng phó với BĐKH, và vấn đề sẽ còn phải tiếp tục giải quyết ở các COP tiếp theo.

Một số khuyến nghị cho VUSTA và VACNE

Đoàn đại biểu Việt Nam tại COP16.

VUSTA/VACNE có thể làm đầu mối hay tham gia các hoạt động ưu tiên về ứng phó với BĐKH như sau:
a. Nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng về BĐKH, các nhóm đó bao gồm: các cán bộ quản lý và hoạch định chính sách, các đối tượng trong hệ thống nhà trường, cộng đồng …
Các hoạt động nâng cao nhận thức bao gồm:
- Xây dựng và triển khai chiến lược cùng kế hoạch quốc gia, và cho từng bộ, ngành, tỉnh về nâng cao nhận thức BĐKH;
- Xây dựng chương trình cho các loại khóa đào tạo, phù hợp với các đối tượng, các vùng miền;
- Soạn thảo tài liệu và triển khai các loại khóa tập huấn (đào tạo tập huấn viên và trực tiếp cho các nhóm đối tượng, nhất là cho cán bộ hoạch định chính sách, quản lý và cộng đồng);
- Xây dựng và triển khai chiến lược và kế hoạch truyền thông về BĐKH.
b. Xây dựng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng
Với hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ, VUSTA/VACNE có nhiều lợi thế và thuận lợi để triển khai các hoạt động này.
c. Phản biện cho các chiến lược, kế hoạch hành động cấp quốc gia và địa phương về BĐKH
Hiện nay, tất cả các bộ, ngành và các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH (kế hoạch 5 năm và hàng năm). Nguồn kinh phí do quốc tế hỗ trợ cho Việt Nam ứng phó với BĐKH cũng đã lên tới gần 2 tỷ USD (thông báo của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tại Hội nghị Môi trường toàn quốc năm 2010 vừa qua). Để thực hiện có hiệu quả những kế hoạch, chương trình cùng các chương trình/dự án này, việc thẩm định, phản biện là rất quan trọng và có ý nghĩa. VUSTA, VACNE là các tổ chức vừa có chức năng vừa có khả năng đảm nhiệm công việc này.
d. Phát triển và chuyển giao công nghệ
COP 16 đã khẳng định lại tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển để ứng phó với BĐKH. Trước mắt COP 16 khuyến cáo các bên:
- Đánh giá nhu cầu chuyển giao công nghệ cho các cấp từ quốc gia đến địa phương theo hướng dẫn của Công ước theo khuyến cáo của COP 16 (đã có Sách hướng dẫn);
- Góp phần chuyển giao công nghệ;
- Xây dựng phương pháp luận và quy trình kỹ thuật hướng dẫn lồng ghép các yếu tố BĐKH và môi trường vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển
Đây là vấn đề khó và rất quyết định cho công tác xây dựng kế hoạch hiện nay ở Việt Nam. Tại COP 16 đã có một hội thảo về chủ đề này. Nếu xây dựng được phương pháp luận và hướng dẫn kỹ thuật lồng ghép cho các cấp bộ ngành và các loại quy hoạch, kế hoạch thì đó sẽ là một đóng góp rất có ý nghĩa và giá trị thiết thực.
VUSTA và VACNE có vai trò và chức năng thích hợp và có nhiều khả năng tập hợp một đội ngũ chuyên gia lớn mạnh để làm một đầu mối tham gia hoạt động quan trọng nêu trên.    
GS.TSKH Trương Quang Học

(LHH KH&KT VN, 25/2/2011)

 
 

Lượt xem: 1488

Các tin khác

NGẪM

(18/05/2024 02:38:PM)

Hội thảo đặc biệt: NGHỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG - CÓ NÊN THEO VÀ GẮN BÓ?

(18/05/2024 06:38:AM)

Thêm một kênh truyền thông bảo vệ thiên nhiên môi trường phát triển bền vững

(17/05/2024 03:44:PM)

Khẩn trương đăng ký các nhiệm vụ NCKH và Tư vấn PBXH và BVMT

(15/05/2024 06:12:PM)

Đã có gần 90 tác phẩm tham dự cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam

(10/05/2024 11:05:AM)

Chủ tịch VACNE tiếp Đoàn Công ty sinh học BJC của Hàn Quốc

(09/05/2024 01:32:PM)

Miền Bắc đón không khí lạnh từ sáng sớm mai

(07/05/2024 07:14:PM)

Toàn Hội nỗ lực hoàn thành kế hoạch hoạt động 6 tháng đầu năm 2024

(05/05/2024 11:54:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 4/2024

(02/05/2024 09:52:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE