quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Cứu hộ gấu ở Đà Nẵng

Thứ Ba, 26/04/2016 | 03:00:00 PM

Ngày 26/4/2016, Tổ chức Động vật Châu Á thực hiện cứu hộ thành công một cá thể gấu ngựa do một chủ doanh nghiệp tại Hòa Vang, Đà Nẵng tự nguyện chuyển giao cho nhà nước.

Gấu cứu hộ là một cá thể cái, nặng chừng 170 kg, khoảng 13 tuổi, được nuôi nhốt từ khi còn nhỏ và gắn chíp quản lý năm 2005. Hộ gia đình chủ nuôi là một doanh nghiệp vận tải thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Khi chủ nuôi có nguyện vọng chuyển giao gấu cho Nhà nước, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã nhanh chóng liên lạc với Tổ chức Động vật Châu Á để kịp thời cứu hộ và đưa gấu về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo.


Đoàn cứu hộ đã quyết định đặt tên cho cá thể gấu ngựa là Châu để kỷ niệm xã Hòa Châu nơi gấu được cứu hộ, đồng thời, Châu cũng có nghĩa quý, để khẳng định gấu Châu sẽ được chăm sóc, quan tâm, yêu mến khi về với Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. Tổ chức Động vật Châu Á đã tiến hành thăm khám sức khỏe cho gấu Châu ngay tại nơi cứu hộ. Tổng quan sức khỏe của gấu tương đối ổn định. Tuy nhiên, do bị nuôi nhốt lâu năm trong cũi sắt, cá thể gấu này cũng có những vấn đề sức khỏe tương tự như rất nhiều các cá thể gấu nuôi nhốt ở các trang trại khác.

Loại bỏ nguyên nhân cá chết hàng loạt do tràn dầu và động đất

Liên quan đến vấn đề cá chết hàng loạt tại nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung trong thời gian qua, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (VAST) đã cử một Tổ công tác để nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân cá chết hàng loạt. Tổ công tác đã tiến hành khảo sát tại hiện trường từ ngày 19/4 đến ngày 24/4 tại các điểm từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế) đồng thời tiến hành đo đạc các thông số tại hiện trường – theo VietnamPlus.

Cụ thể, Tổ công tác đã tiến hành lấy 200 mẫu nước và trầm tích biển; 200 mẫu cá chết tại các điểm Vũng Áng, Đèo Ngang, Cửa Nhật Lệ, Cồn Cỏ, Cửa Tùng, Cửa Việt, Chân Mây và Lăng Cô. Tổ công tác đã tiến hành thu ảnh khu vực nghiên cứu thông qua vệ tinh VNREDSat-1 và ghi nhận lại các hoạt động địa chấn tại khu vực nghiên cứu và các khu vực liên quan. Tìm hiểu các đặc trưng khí tượng, thủy-hải văn, động lực biển tại khu vực nghiên cứu. Kết quả phân tích ảnh vệ tinh VNREDSat-1 và các ảnh vệ tinh khác cho thấy trong khoảng thời gian từ ngày 6/4 đến ngày 24/4 chưa phát hiện các vụ tràn dầu lớn tại khu vực nghiên cứu nên nguyên nhân cá chết do tràn dầu đã được loại bỏ.

Giảm ô nhiễm, đại lộ ở Paris cấm xe hơi một ngày mỗi tháng

Văn phòng thị trưởng Paris, Pháp, cho biết, đại lộ nổi tiếng nhất thủ đô Champs-Elysees sẽ bị cấm xe vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng.  Theo Guardian, lệnh cấm bắt đầu từ tháng 5. Tuy nhiên, trong tháng 5, vì chủ nhật đầu tiên rơi vào ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động, nên thời gian cấm xe sẽ dời sang mùng 8 – VnExpress đưa tin.

Các bảo tàng ở Paris cũng sẽ mở cửa miễn phí cho du khách vào ngày này. Ngoài ra, có 9 tuyến đường mới cũng được quy định là đường dành cho người đi bộ vào mỗi chủ nhật và ngày nghỉ lễ. Đây là quy định mới trong chiến dịch cấm phương tiện giao thông để giảm ô nhiễm cho Paris. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí khiến 42.000 người chết sớm ở Pháp mỗi năm.

Thủy ngân trong không khí có thể xuất phát từ đâu

 Theo một nghiên cứu của Đại học Vermont, Mỹ, thủy ngân có thể tồn tại ở 4 dạng. Kim loại thủy ngân là một chất lỏng màu xám bạc, gây hại cho con người khi tiếp xúc với không khí và được hít vào phổi. Methyl thủy ngân (MeHg) có thể ngấm vào cơ thể khi con người ăn một số loài cá nước mặn và nước ngọt, đặc biệt là loài cá lớn ở đỉnh chuỗi thức ăn, như cá mập, cá kiếm, cá vược và cá chó. Hợp chất thủy ngân vô cơ có thể được tìm thấy trong pin, thuốc uống, thuốc mỡ, thuốc xịt muỗi và một số loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc. Hợp chất này có thể gây hại nếu con người hít hoặc nuốt vào cơ thể - theo VnExpress.

Dạng cuối cùng là thủy ngân phenyl (phenylmercury) thường có mặt trong các loại sơn sản xuất từ nhựa mủ, sơn ngoại thất, bả chống thấm, mỹ phẩm dành cho mắt và dụng cụ vệ sinh cá nhân. Phenylmercury xâm nhập vào cơ thể khi hít vào ở dạng hơi, ngấm qua da hoặc qua đường tiêu hóa. Thủy ngân có thể sinh ra từ hoạt động của các nhà máy điện đốt than đá, lò đốt rác và đám cháy rừng. Ngoài ra, một số đồ vật quen thuộc thường chứa thủy ngân gồm: đèn huỳnh quang, đèn neon, thiết bị sưởi và làm nóng, nhiệt kế, dung môi phòng thí nghiệm và hỗn hợp hàn răng trong phòng khám nha khoa. Việc tiếp xúc với thủy ngân trong thời gian dài dẫn đến run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng tâm lý và viêm lợi.

Trung Quốc: Quan chức quan tâm đến GDP hơn bảo tồn nguồn nước

Theo trang qz.com, kế hoạch nước sạch đô thị Trung Quốc, do Cơ quan Bảo tồn Tự nhiên công bố hôm 18/4 vừa qua, đã phân tích 135 nguồn nước mặt cung cấp cho tiêu dùng của 30 thành phố lớn nhất và phát triển nhanh nhất Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Quảng Châu. Trong số này, 73% “có nồng độ ô nhiễm ở mức trung bình đến cao,” ảnh hưởng đến đời sống của 860 triệu người tại các khu vực đóng góp khoảng 55% GDP cho Trung Quốc năm 2010.

Theo báo cáo, khoảng một nửa nguồn nước bị ô nhiễm ở Trung Quốc là do phân bón, thuốc trừ sâu và chất thải chăn nuôi. Nước thải không được xử lý và chất thải công nghiệp cũng là những nguyên nhân thường gặp. Các lưu vực sông là nơi cung cấp 93% lượng nước uống cho 30 thành phố được điều tra. Nước sinh hoạt được lấy qua một mạng lưới các hồ chứa, kênh rạch và đường ống nước. Hầu hết nguồn nước cung cấp cho đô thị dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng hay đầm lầy để bảo vệ chất lượng nước.

Thải nhiều rác phải trả nhiều tiền để bảo vệ môi trường

Vừa chuyển đến Hàn Quốc vào năm 2012, cô giáo tiếng Anh Michelle Svensson đã rất ngạc nhiên khi biết ở đất nước này, người dân phải phân riêng chất thải thực phẩm và đổ vào thùng rác tập trung ở nơi sinh sống. Cô chia sẻ: “Việc đó thật kinh khủng. Chồng tôi rất ghét đi đổ rác thực phẩm vì nó có mùi khó chịu, thật xấu hổ nếu mang vào thang máy.” Để tránh việc đổ rác phiền phức, vợ chồng cô đã đóng một khoản phí xử lý chất thải thực phẩm 10000 won (tương đương 250.000 đồng) mỗi tháng. Những rác thải này sẽ được tái chế thành bột khô và dùng làm phân bón.

Việc xử lý chất thải thực phẩm là một vấn đề lớn ở Hàn Quốc. Phong trào tái chế rác được chính phủ khởi xướng từ năm 1990, nhằm khuyến khích các gia đình ngừng lãng phí thực phẩm, ít vứt bỏ rác sống để giảm bớt áp lực về việc chôn lấp rác. Thời điểm đó, rác thải đa số đều bị tiêu hủy hoặc đổ xuống biển, còn ngày nay chúng được tái chế thành phân bón hoặc thức ăn gia súc. Theo số lượng của bộ tài nguyên môi trường Hàn Quốc, trong giai đoạn 2008-2014, đất nước này đã cắt giảm lượng rác thải thực phẩm từ 5,1 triệu tấn xuống còn 4,8 triệu tấn. Nhờ hệ thống thu phí xử lý rác thải, chính phủ đã thu về hơn 185 tỉ won để xây dựng các công trình tái chế rác. Lượng rác thải giấy, lon, chai, nhựa, sắt có thể tái chế chiếm 80%, số còn lại sẽ được chôn hoặc tiêu hủy.

Trâu sừng cong đắt nhất thế giới giá 12 triệu USD

Horizon, một trong những con trâu lớn nhất thế giới sống ở Nam Phi với cặp sừng dài 142 cm, có giá đắt nhất thế giới với số tiền lên đến hơn 12 triệu USD. Với trị giá hơn 12 triệu USD, Horizon vượt xa mức giá 2,7 triệu USD của con trâu tên Mystery vào năm 2013. Mỗi thương nhân có 25% quyền sở hữu Horizon và có thể nhân giống nó với 10 con bò cái mỗi năm. Họ cũng có quyền sở hữu mọi con non mà 10 con bò cái đẻ ra. Theo Caters News, Horizon là tài sản thu hút nhiều sự quan tâm và 25% quyền sở hữu nó được bán với giá 3 triệu USD cho thương gia Peter Bellingham ở Nam Phi. Con trâu có giá trị cao như vậy do cặp sừng lớn cùng với bộ gene hoàn hảo và mọi nông dân đều muốn nhân giống từ nó.

Horizon cho con non với chất lượng tốt tới mức nó làm tăng gấp 3 lần giá trị của mọi con trâu cái mà nó thụ tinh. Một con trâu mang thai thông thường có giá trung bình 55.000 USD trong khi con trâu mang thai con của Horizon trị giá hơn 175.000 USD. "Horizon là một con trâu có cặp sừng dài tới mức khó tin trong lịch sử, nó không bị bệnh dịch và là con trâu nhân giống lớn nhất. Một con trâu thông thường có cặp sừng dài 91 - 102 cm, nhưng kích thước cặp sừng của Horizon lên tới 142 cm. Hiếm khi một con trâu truyền lại bộ gene sang đời tiếp theo, đôi khi một con trâu tốt đẻ ra con non không tốt bằng", Piet du Toit, nhà nhân giống 45 tuổi, cho biết. Bellingham, một trong 5 chủ sở hữu khu bảo tồn lớn ở châu Phi mua lại con trâu để thu hút du khách và Horizon cho họ cơ hội nhân giống đàn gia súc lớn nhất và tốt nhất.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem: 2069

Các tin khác

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE