quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Đất nước xử lý rác có một không hai trên thế giới

Thứ Sáu, 12/01/2018 | 08:34:00 AM

Đất nước xử lý rác có một không hai trên thế giới

Xử lý rác thải là cơn đâu đầu của bất kỳ nước nào trên thế giới, ấy mà Thụy Điển được coi là quốc gia duy nhất tái sử dụng đến 99% rác thải sinh hoạt, thậm chí họ thiếu rác đến mỗi còn phải nhập khẩu các loại rác thải và vật liệu để làm nguyên liệu để tạo ra sản phẩm mới, hoặc làm nguyên liệu, khí đốt, cung cấp nhiệt.
Thụy Điển lại thiếu rác đến nỗi phải nhập khẩu rác thải, phế liệu từ các nước khác về bởi quốc gia này có hệ thống tái chế rác thải hiện đại bậc nhất thế giới. Nó hoạt động hiệu quả đến nỗi Thụy Điển thiếu rác trầm trọng để duy trì hoạt động của những nhà máy tái chế trong nước. Ở Thụy Điển, những núi rác thải hôi hám gần như không có, tất cả rác thải ra từ các hộ gia đình đều được biến thành thứ khác, hoặc ra sản phẩm mới, hoặc làm nguyên liệu, khí đốt, cung cấp nhiệt.


Rác thải ở Thụy Điển được tái chế đến 99%

Tái sử dụng 99% rác thải sinh hoạt

Trong vòng một thập niên qua, Thụy Điển đã và đang trải qua cuộc cách mạng tái chế chưa từng có. Năm 1975, chỉ có 38% rác thải từ các hộ dân tại quốc gia này được tái chế. Nhưng đến nay, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên chạm mốc tái chế, tái sử dụng 99% rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân.

“Người Thụy Điển luôn quan tâm đến môi trường, luôn cân nhắc việc làm của mình với các vấn đề liên quan đến thiên nhiên. Truyền thông trong nước đã phải tốn khá nhiều thời gian để thay đổi ý thức người dân ý thức" - Anna Carin Gripwall - Giám đốc truyền thông của công ty xử lý rác thải Thụy Điển Avfall Sverig cho biết.

Các trạm tái chế thường bố trí cách những khu dân cư không quá 300 mét. Hầu hết người dân đều phân loại rác có thể tái chế ngay tại nhà và mang nó đến bỏ vào các thùng chứa đặc biệt. Lượng chất thải phải đi đến những bãi tập kết rác vô cùng ít.

Mỗi hộ gia đình Thụy Điển luôn tự động phân loại rác thải mà chẳng cần ai nhắc nhở. Giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, đồ điện gia dụng, pin... thậm chí cả thực phẩm, tất cả đều sẽ được tái sử dụng gần như 100%. Giấy được nghiền thành vụn để tạo ra giấy mới, chai nhựa bị nung chảy để tạo ra vật dụng mới; thực phẩm thừa trở thành phân bón. Người dân Thụy Điển cũng sẽ tự mang những thứ không còn dùng được với kích thước lớn hơn như TV hay đồ nội thất tới các trung tâm tái chế ở ngoại ô thành phố.

Nước bị ô nhiễm cũng được xử lý để có thể uống được. Những xe rác đặc biệt chay khắp các thành phố và thu các thiết bị điện tử không còn sử dụng và các chất thải gây nguy hại như hóa chất. Xe thu gom rác đi trong thành phố được chạy bằng điện hoặc biogas (khí sinh học). Thậm chí đến các hiệu thuốc cũng chấp nhận mua lại thuốc thừa, khiến rác thải y tế ở đây gần như không có.

Ngoài ra, người dân Thụy Điển luôn có xu hướng lựa chọn mua đồ thân thiện với môi trường. Các nhà hàng, cửa tiệm cũng đưa ra nhiều ưu đãi ủng hộ điều đó, như đổi quần áo cũ để được giảm giá, hoặc đổi vỏ chai bia lấy bánh hamburger...

Tro bụi được sàng lọc, một tờ giấy tái chế ít nhất 6 lần…

Là một đất nước lạnh giá nên biện pháp tái chế rác ưa thích của người Thụy Điển là đốt. Trong số 99% rác tái chế, có khoảng 50% sẽ được đốt, tạo thành một nguồn năng lượng mới. Nguồn năng lượng này sẽ được quay vòng, trở thành nguồn nhiệt sưởi ấm cho các tòa nhà trong mùa đông khắc nghiệt. Thậm chí, điện sinh hoạt của họ cũng từ các nhà máy nhiệt điện đốt rác mà ra.

"Đó là một trong những thành tựu lớn nhất, chúng tôi có thể tận dụng nguồn nhiệt từ các nhà máy xử lý rác và phế liệu. Đa số quốc gia khác không làm được điều này, nhiệt cứ theo ống khói mà bay mất. Chúng tôi lại sử dụng nó để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch” - bà Gripwall lý giải.

Các nhà máy tại Thụy Điển hoạt động cực kỳ hiệu quả, qua thời gian trở thành một hệ thống có công suất lớn, thu được lợi nhuận. Năm 2014, Thụy Điển đã phải nhập khẩu tới 2,7 triệu tấn rác chỉ để duy trì hoạt động của các nhà máy.  

Tại Thụy Điển, rác đốt đi vẫn còn tro bụi, chúng chiếm tới 15% khối lượng trước khi đốt. Số tro này sẽ được sàng lọc lại một lần nữa để tận dụng. Kim loại cũng được tái sử dụng, sứ và gốm không cháy được sẽ được tận dụng để xây đường. Cuối cùng, chỉ còn khoảng 1% rác thải không thể sử dụng được nữa, buộc phải đưa ra ngoài môi trường.

Nhiều người thắc mắc rằng việc đốt rác sẽ tạo ra khí thải độc hại cho môi trường, nhưng theo các chuyên gia Thụy Điểnm, do khâu phân loại quá kỹ càng, cộng thêm quy mô nhà máy lớn, đốt ở nhiệt độ cao... nên 99% khí thải không gây độc hại. Dù vậy, lượng khí và nước thải cũng trải qua một lần lọc nữa trước khi giải phóng ra thiên nhiên.

Thành quả của Thụy Điển xuất phát từ việc tuyên truyền ý thức quan tâm đến thiên nhiên vào cuối thế kỷ 20. Từ những năm 1990, Thụy Điển đã tiên phong đánh thuế rất nặng vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời luôn chú trọng vào những nguồn nhiên liệu sạch, dễ thay thế. Đến nay, quá nửa nguồn điện năng ở đất nước này có thể quay vòng.

Hệ thống quay vòng năng lượng tuyệt vời của Thụy Điển cũng vấp phải không ít phản đối vì... tái chế chưa đủ. Các nhà máy giấy tại đây cho rằng một tờ giấy có thể tái chế được ít nhất 6 lần trước khi chính thức trở thành cát bụi và hủy bỏ. Nếu đốt giấy quá sớm, quá trình tái chế có thể bị đình trệ.

Cả quốc gia “vào cuộc”

Weine Wiqvist - CEO của Avfall Sverig luôn ấp ủ rằng Thụy Điển có thể làm được nhiều hơn thế. Mục tiêu của ông là biến 1/2 lượng rác thải sinh hoạt thành năng lượng thông qua việc đốt. Theo ông, việc tái sử dụng vật liệu hoặc sản phẩm đồng nghĩa với việc sử dụng ít năng lượng hơn để tạo ra một sản phẩm mới, so với việc đốt cháy nó và tạo ra một sản phẩm khác hoàn toàn mới. Nói cách khác, mong muốn ông họ là thúc đẩy việc tái chế vật liệu thay vì đốt.

Hans Wrådhe thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thuỵ Điển đang tính đến chuyện tăng thuế đối với việc thu gom chất thải. “Điều đó sẽ giúp gia tăng nhận thức của mọi người đối với vấn đề” - ông khẳng định.

Cùng với các cơ quan chính phủ và các tập đoàn, Wrådhe đã xây dựng một kế hoạch nhằm hướng đến mục tiêu ngăn ngừa phát sinh chất thải, bao gồm cả việc khuyến khích các nhà sản xuất chế tạo các sản phẩm bền vững. Cơ quan chức năng cũng xem xét khấu trừ thuế cho một số dịch vụ sửa chữa.

“Những quảng cáo được chính phủ tài trợ có nội dung thể hiện cách tránh lãng phí thực phẩm cũng có thể giúp giải quyết vấn đề”, ông nói.

Một số công ty tại Thụy Điển cũng bắt đầu tự nguyện tham gia vào cuộc chiến nhằm giảm lượng chất thải. H&M - công ty bán lẻ quần áo đa quốc gia có trụ sở chính tại Thụy Điển hiện đã chấp nhận việc nhận lại quần áo cũ từ khách hàng để đổi cho họ các phiếu giảm giá.

Một công ty khác là Optibag đã phát triển một cỗ máy có thể phân loại các túi chất thải theo màu sắc khác nhau. Mọi người ném thức ăn thừa vào các túi màu xanh lá cây, giấy cho vào túi màu đỏ, trong khi thủy tinh hoặc kim loại thì cho vào một túi khác. Tại nhà máy tái chế, hệ thống của Optibag có thể sắp xếp các túi này một cách tự động, từ đó cắt giảm bớt các trạm phân loại chất thải.

Thành phố Helsingborg ở miền Nam Thụy Điển thậm chí đã lắp đặt các thùng rác công cộng với loa để phát các bài nhạc vui vẻ - tất cả đều vì mục tiêu tái chế. “Không có chất thải - đó là khẩu hiệu của chúng tôi” - ông Wiqvist, Giám đốc Hiệp hội Quản lý và Xử lý chất thải Thụy Điển cho biết “Chúng tôi muốn giữ cho lượng chất thải ở mức thấp nhất và tất cả chất thải nếu có thì đều phải được tái chế bằng mọi cách. Chắc chắn là không có gì tuyệt đối nhưng nó rõ ràng là một ý tưởng hấp dẫn”.

Khánh LY (moitruong.com.vn/TH theo Ngaynay)

Lượt xem: 2490

Các tin khác

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

Ngày Nước thế giới 2024 - Nước cho hòa bình

(16/03/2024 07:17:AM)

Ngày Khí tượng thế giới 2024 - Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu

(16/03/2024 07:14:AM)

TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển xanh, bền vững

(15/03/2024 06:14:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(14/03/2024 04:16:AM)

Lâm Đồng: Chuyến tàu ''tăng trưởng xanh'' chuyển bánh

(11/03/2024 05:11:AM)

Giữ lại 12.500 ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình)

(08/03/2024 06:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE