quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Đầu xuân tìm về dòng sông mẹ Mê Kông từ Thượng Lào đến Đồng bằng dông Cửu Long (Phần 1)

Thứ Ba, 05/03/2019 | 03:15:00 PM

(VACNE) - Từ mồng 2 đến mồng 9 Tết Kỷ Hợi (2019) tôi lại tìm hiểu Mekong và 1 số phụ lưu ở Thượng Lào qua chuyến đi 8 ngày (4 ngày “phượt”). Bài ghi chép có thể bổ ích cho những ai yêu quý dòng sông này để cùng chung tay bảo vệ nguồn nước, các hệ sinh thái và tài sản văn hóa vô cùng quý giá của lưu vực Mekong.


Ghi chép và ảnh: Lê Trình (nhân chuyến đi Nước Lào đầu xuân Kỷ Hợi 2019)



Tôi là người yêu môi trường tự nhiên, nhất là sông và rừng. Sông Mêkông (Mekong/Cửu Long Giang; tiếng Thái, Lào có nghĩa là “sông mẹ”) – bà mẹ vĩ đại cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, nông lâm nghiệp, thủy sản, phát triển các hệ sinh thái, nuôi dưỡng trên 70 triệu người với trên 100 dân tộc, bộ tộc và các nền văn hóa trên đất Tây Tạng, Thanh Hải, Vân Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và miền Nam đất Việt – luôn là nguồn cảm hứng của tôi để tìm hiểu rõ hơn những gì đã được thấy qua phim của Phạm Khắc.

Vì vậy hơn 30 năm qua tôi đã khảo sát phần lớn các sông chính ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, sông Se San, Srepok ở Tây Nguyên. Tết Quý Tỵ (2013) tôi đã tìm đến Mekong ở Campuchia, Tết Nhâm Tuất (2018) tôi đã cố gắng lên tận Vùng Tam giác vàng - nơi Mekong đổ vào Đông Dương. Và từ mồng 2 đến mồng 9 Tết Kỷ Hợi (2019) tôi lại tìm hiểu Mekong và 1 số phụ lưu ở Thượng Lào qua chuyến đi 8 ngày (4 ngày “phượt”). Bài ghi chép có thể bổ ích cho những ai yêu quý dòng sông này để cùng chung tay bảo vệ nguồn nước, các hệ sinh thái và tài sản văn hóa vô cùng quý giá của lưu vực Mekong.

“Sông Mêkông dài 4.909 km bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam rồi đổ ra biển Đông. Lưu vực sông Mêkông có tổng diện tích 795.000 km2 trong đó phần hạ lưu nằm trên lãnh thổ của bốn quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây là sông dài thứ 12 và có lưu lượng đứng thứ 10 trên thế giới. Đối với Việt Nam, sông Mekông có một vai trò đặc biệt, nuôi dưỡng hai vùng lớn là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên, với gần 60% tổng lượng dòng chảy hằng năm của Việt Nam và khoảng 23% tổng dân số nước ta ĐBSCL” (Theo UB Sông Mekong Việt Nam).

Tuy nhiên hiện nay là tương lai vùng hạ lưu sông Mekong phải đối mặt với những thách thức rất lớn do suy giảm lưu lượng, gia tăng xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm, suy giảm tài nguyên sinh thái và tác động KT-XH do các công trình thủy điện, thủy lợi, khai thác tài nguyên, phát triển công, nông nghiệp, đô thị ở thượng nguồn và các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì 90% lưu lượng nước Mekong cung cấp cho ĐBSCL là từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia nên mọi hoạt động sử dụng nước và xả thải  ở các quốc gia này đều tác động trực tiếp đến môi trường, tài nguyên và KT-XH ở ĐBSCL.    

      

Bản đồ lưu vực sông Mekong với các đập thủy điện lớn: màu vàng: vùng thượng lưu; màu xanh: vùng hạ lưu (Nguồn: WWF) 

Trong bài này dòng Mekong và các hệ sinh thái, nền văn minh ven sông được mô tả khái quát từ điểm trên cùng (ngã ba biên giới Lào - Thái - Myanmar) dần đến hạ lưu (Luang Prabang, Viênchan (Vientiane), Phnom Penh, Prey Veng, Kampong Cham và ĐBSCL) qua quan sát trực tiếp và hiểu biết của tôi (chỉ có vài câu trong ngoặc kép “…” là trích từ tài liệu tham khảo và thêm 4 ảnh lấy từ internet, có ghi chú từng ảnh) qua các chuyến đi. Thực ra chuyến Kỷ Hợi này tôi phải đi máy bay Sài Gòn – Viênchan - Luang Prabang  sau đó mới thuê xe “phượt” 4 ngày, 3 đêm ở Thượng Lào và các nhánh sông đổ vào Mekong với tổng cộng trên 300 km đường bộ qua các vùng rừng núi hẻo lánh.

1. Mekong tại ngã 3 biên giới Lào- Myanmar – Thái Lan (Vùng Tam giác vàng)

Ngày mồng 3 Tết Mậu Tuất (2018) chúng tôi đến Vùng Tam giác vàng – nơi Mekong sau khi vượt các công trình thủy điện ở Vân Nam Trung Quốc đổ vào Đông Nam Á, làm biên giới tự nhiên của 3 nước Lào - Thái – Myanmar và cũng là nơi từng là thủ phủ của nghề trồng cây anh túc, sản xuất và buôn bán thuốc phiện lớn nhất thế giới. Sông ở đây nằm trên địa hình đồi núi thấp, khá khá rộng (gần như sông Hồng tại Phú Thọ), dòng chảy hiền hòa và trong xanh. Bờ Tây là tỉnh Chieng Rai - Thái Lan là khu du lịch lớn với chùa Phật và nhiều tàu khách; bờ Đông là tỉnh Bokeo cực Tây Bắc nước Lào vắng bóng người và tàu bè nhưng có khu kinh tế mới. Bờ Bắc là đất bang Shan của Myanmar chỉ có bãi bồi, rừng cây và vài nhà nhỏ.

  

 Ngã 3 biên giới trên sông: nhánh bên trái (nằm bên trái cù lao là Myanmar; nhánh phải là Lào; Thái Lan nằm ở hạ lưu về bên phải ảnh ngã 3 này (góc dưới bên trái ảnh.


 Bên phải: Bên bờ phía Thái Lan.

Như vậy, tôi đã gặp Mekong Vùng Tam giác vàng. Từ đây Mekong còn phải vượt qua đoạn đường trên 2.200 km mới về tới Đồng bằng sông Cửu Long! Cảm nhận thật xúc động khi đi tàu trên sông, vục tay xuống dòng nước mát tôi ước tính thời gian các hạt nước này sẽ về đến 8 cửa sông đổ ra Biển Đông!

2. Tại nơi Mekong hợp lưu với dòng Nam Ou

Nam Ou là dòng lớn của Mekong chảy từ biên giới Trung – Lào xuyên suốt tỉnh Phongsaly đến tỉnh Luang Prabang thì hợp lưu với dòng chính Mekông. Sông Nậm Rốm từ Điện Biên cũng là 1 phụ lưu của Nam Ou. Tại ngọn núi đá ngay sau điểm hợp lưu Nam Ou – Mekong có động Pak Ou với 2 động đá vôi lớn. Các hang động này chứa hơn 4.000 tượng Phật cổ có từ hơn 300 năm trước với đủ kích thước (có tượng chỉ cao vài cm; có tượng đến trên 10m) do người dân Lào cất giấu khi kinh đô Luang Prabang bị ngoại xâm. Muốn đến các động này phải đi thuyền từ bản Pak Ou ở bên kia sông hoặc đi tàu thủy du lịch từ TP Luang Prabang mất hơn 3 giờ.

Ngày mồng 6 Tết Kỷ Hợi tôi đã đến nơi hợp lưu Mekong – Nam Ou và vượt sông đến chiêm ngưỡng động Pak Ou.

 

Dòng chính Mekong sau hợp lưu với Nam Ou

Dòng Nam Ou gần điểm hợp lưu với Mekông (phía xa là dòng Mekông).
Trên sông Nam Ou có rất nhiều dự án thủy điện đang được xây dựng và quy hoạch.

Ngày nay động Pak Ou và dòng Mekong tại đây đã là điểm du lịch lớn. Giá trị văn hóa Lào, người dân hiền lành, thực thà; cảnh quan đẹp, thanh bình là nguồn thu hút vài trăm du khách quốc tế mỗi ngày. Đây là điều nước ta chưa làm được với các dòng sông Hồng, Đà, Mã, Hương, Thu Bồn, Đồng Nai, La Ngà, Cửu Long…thơ mộng.

    


Du khách chèo thuyền trên dòng Mekông và cưỡi voi dạo chơi dọc bờ sông. Thật yên bình, lãng mạn; du khách thích thú, cảm giác an toàn, vui vẻ khi đến dòng sông này.




Một cửa hàng tạp hóa trong bản.



Bản Pak Ou tại nơi hợp lưu 2 sông: nhà cửa khang trang, có điện, nước sạch

(Còn tiếp)

Lượt xem: 2937

Các tin khác

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

THỜI SỰ

(10/03/2024 11:43:PM)

QUÀ XANH

(09/03/2024 05:16:PM)

NÂNG TẦM KHÁT VỌNG

(07/03/2024 09:24:AM)

AI SAY CỨ VỀ

(04/03/2024 10:37:AM)

Mỗi kỷ niệm - một niềm vui

(01/03/2024 10:32:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE