quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường trong tuần

Thứ Bảy, 18/10/2014 | 08:34:00 AM

1.450 tỷ đồng thực hiện bảo vệ môi trường năm 2014; Dành 53,23 triệu USD phát triển mô hình khu công nghiệp bền vững; Cảnh báo mực nước biển tăng bất thường trong 150 năm qua;… là trong số những sự kiện môi trường đáng chú ý diễn ra trong tuần.

TRONG NƯỚC

1.450 tỷ đồng thực hiện bảo vệ môi trường năm 2014


Ngày 14/10, lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã báo cáo về tổng chi ngân sách sự nghiệp môi trường của Bộ tại Phiên họp toàn thể lần thứ 9 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.


Theo đó, tổng ngân sách chi cho sự nghiệp môi trường trung ương năm 2014 là 1.450 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ TN&MT dự kiến đề nghị tổng kinh phí năm 2015 là 1.800 tỷ đồng và sẽ ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án chuyển tiếp từ các năm trước.

Dành 53,23 triệu USD phát triển mô hình khu công nghiệp bền vững

Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính khoảng 182.000 tấn/năm, giảm lượng nước thải 6 triệu m3/năm và chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngày 17-10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chính thức khởi động Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng đến mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” với tổng kinh phí 53,23 triệu USD.

Sẽ có ít nhất 45 doanh nghiệp (DN) tiềm năng trong KCN tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ tham gia triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ sạch và sử dụng hiệu quả tài nguyên góp phần chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) mà các DN này hoạt động thành các KCN sinh thái.

Doanh nghiệp Việt Nam tốt nghiệp trại huấn luyện công nghệ sạch

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 17/10 cho biết, lần đầu tiên ở Việt Nam, hai mươi tư doanh nghiệp khởi nghiệp đã tốt nghiệp trại huấn luyện công nghệ sạch. Trại huấn luyện này được thiết kế để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phát triển và mang ra thị trường các giải pháp công nghệ sạch sách tạo, hiệu quả năng lượng và công nghệ thích ứng trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và quản lý nước.

Đây là sáng kiến do Chương trình Công nghệ khí hậu thuộc InfoDev/Ngân hàng Thế giới cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xây dựng nhằm đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp xanh trong vùng và giúp giảm mối đe dọa nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Với sự kết thúc thành công của trại huấn luyện này, chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ và cố vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp công nghệ khí hậu khác thông qua Trung tâm Sáng tạo khí hậu Việt Nam (Vietnam CIC).

70% dân số Việt Nam sẽ đối mặt thảm họa do biến đổi khí hậu

Là một trong những nước chịu ảnh hưởng của thiên tai nhiều nhất trên thế giới, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ thảm họa ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, ước tính 70% dân số sẽ phải đối mặt với những thảm họa gia tăng do tác động từ biến đổi khí hậu.

Thông tin trên được ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đưa ra trong diễn văn trình bày tại Lễ công bố Báo cáo thảm họa thế giới năm 2014 và Hưởng ứng Ngày quốc tế giảm nhẹ thiên tai (13/10) được Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam tổ chức ngày 16/10, tại Hà Nội.

Đỉnh triều cường tại TP.HCM lập kỷ lục lịch sử mới 1,70m

Theo Bản tin dự báo diễn biến thủy triều ngày 11/10 của Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh triều thực đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn và trạm Nhà Bè trên kênh Đông Điền đã ngang bằng và vượt mức đỉnh triều lịch sử là 1,68m được ghi nhận vào ngày 20/10/2013.

Cụ thể, mực nước đỉnh triều đo được tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn đo được vào lúc 18h30 là 1,68 m, ngang bằng mức đỉnh lịch sử; trong khi đó, mức đỉnh triều đo được tại trạm Nhà Bè trên kênh Đông Điền vào lúc 17 giờ là 1,70m, vượt mức đỉnh lịch sử và xác lập mức đỉnh triều mới, vượt mức báo động 3 đến 0,20m (mức báo động 3 là 1,50m). Với mức đỉnh triều lên cao như trên, trong sáng 11/10, nhiều khu vực trũng thấp của các quận 7, quận 8, quận Bình Thạnh... tiếp tục bị ngập sâu trong nước. Nhiều tuyến đường bị ngập từ 0,5 đến 1m như Huỳnh Tấn Phát, Phú Thuận... của quận 7; đường Phú Định, Trương Đình Hội của quận 8; đường An Dương Vương thuộc quận 6 và Bình Tân...

THẾ GIỚI

Hội nghị các nước thành viên Công ước quốc tế về đa dạng sinh học


Ban Thư ký Liên hợp quốc thông báo ngày 15/10, tại thành phố Pyeongchang, Hàn Quốc, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức hội nghị lần thứ 12 các nước thành viên Công ước quốc tế về đa dạng sinh học, với sự tham dự của đông đảo đại diện các quốc gia thành viên công ước trên và các nhà khoa học về môi trường.

Theo các đại biểu, không chỉ động vật hoang dã, ngay cả vật nuôi cũng đang giảm dần sự đa dạng về chủng loài, nòi giống, trong đó có tới 22% các loài vật nuôi đang có nguy cơ không được các thế hệ con người mai sau biết đến. Các đại biểu tham dự hội nghị Pyeongchang có chung nhận định rằng ngoài yếu tố con người, hiện tượng biến đổi khí hậu đã tác động sâu sắc đến sự suy giảm đa dạng sinh học, và kêu gọi các quốc gia, các cộng đồng dân cư và tất cả mọi người cùng chung tay hành động để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học vì một môi trường trong lành, thân thiện, bởi đó chính là lợi ích của các thế hệ con người hiện nay và mai sau.

Cảnh báo mực nước biển tăng bất thường trong 150 năm qua

Các nhà khoa học Australia vừa cảnh báo rằng trong thế kỷ qua, mực nước biển đã dâng cao hơn so với bất kỳ giai đoạn nào khác trong 6.000 năm trở lại đây. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) ở Canbera, cho biết mực nước biển đã tăng 20cm kể từ đầu thế kỷ 20, nguyên nhân chính là do sự nóng lên toàn cầu và sự tan chảy của băng ở Bắc Cực.

Nghiên cứu của ANU phân tích về xu hướng của mực nước biển trong thời gian dài, cho thấy hàng nghìn năm trước nó luôn giữ mức độ ổn định và chỉ tăng lên nhanh chóng trong vòng 150 năm qua, kể từ khi cuộc công nghiệp hóa toàn cầu bùng nổ. Đáng chú ý là các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mực nước biển sẽ tiếp tục tăng trong vài thế kỷ tới, ngay cả khi loài người chúng ta nỗ lực giảm phát thải khí carbon.

Cảnh báo nguy cơ các dòng sông băng ở Peru biến mất

Giới khoa học Peru cảnh báo các dòng sông băng của nước có nguy cơ biến mất do chịu ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo số liệu công bố ngày 16/10 của Cơ qua Quản lý lãnh hải quốc gia của Peru (ANA), hơn 40% sông băng ở nước này đã bị nhấn chìm kể từ năm 1970 do tình trạng biến đổi khí hậu. Peru có hơn 2.600 sông băng chảy qua 20 dãy núi bao phủ diện tích khoảng 2.000km2.

Lầu Năm Góc thừa nhận biến đổi khí hậu đe dọa an ninh của Mỹ

Trong báo cáo công bố ngày 13/10, Lầu Năm Góc đã cảnh báo nhiệt độ Trái Đất ấm lên, hiện tượng băng tan ngày càng nhanh ở Bắc Cực cùng với các tác động khác của biến đổi khí hậu đang đặt ra các nguy cơ đối với an ninh quốc gia và các hoạt động quân sự, cứu trợ nhân đạo của Mỹ.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ biến đổi khí hậu sẽ tạo ra nhiều mối đe dọa bởi nó có khả năng làm trầm trọng thêm các thách thức mà con người đang phải đối mặt, cũng như tạo ra các thách thức mới trong tương lai. Các thách thức này có thể gây ra tình trạng bất ổn tại nhiều quốc gia, khiến dịch bệnh lan tràn, gây ra tình trạng di cư ồ ạt, tạo điệu kiện cho chủ nghĩa cực đoan và khủng bố phát triển.

Theo Mạnh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem: 1834

Các tin khác

Ngày Quốc tế Trái đất 2024: Đối đầu của hành tinh với nhựa

(24/04/2024 07:28:AM)

Ninh Bình: Chim hoang dã bay rợp trời trong khu du lịch Thung Nham

(23/04/2024 06:10:AM)

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE