quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường trong tuần

Thứ Bảy, 28/11/2015 | 08:00:00 AM

Đề xuất tăng phí nước thải mỗi năm; Trao tặng trạm quan trắc không khí tự động cho Việt Nam; Thu 1.300 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng; UNICEF: Gần 690 triệu trẻ em bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu; Giới trẻ Việt Nam gửi thông điệp BĐKH tới COP21; Thiết bị đo chất lượng không khí "bỏ túi"; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý diễn ra trong tuần.

VIỆT NAM

Đề xuất tăng phí nước thải mỗi năm

“Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM sẽ được thu theo tỉ lệ 10% giá nước sạch (chưa thuế giá trị gia tăng)”. Sở Tài chính vừa đề xuất phương án thu phí như trên để UBND TP trình HĐND TP thông qua, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Theo Sở Tài chính, phương án thu phí nước thải trên đã được nhiều đơn vị liên quan thống nhất. Nếu thu theo mức đề xuất này, giai đoạn 2016-2020, TP sẽ thu phí nước thải được khoảng 2.510 tỉ đồng.


PL TP HCM dẫn thông tin từ Sở Tài chính cho biết theo lộ trình giá nước sạch giai đoạn 2016-2019, giá nước sạch bình quân sẽ tăng từng năm. Cụ thể, năm 2016 giá này là 939 đồng/m3 và lần lượt các năm sau là 1.014 đồng/m3 (năm 2017), 1.095 đồng/m3 (năm 2018), 1.183 đồng/m3 (năm 2009) và 1.277 đồng/m3 (năm 2020). Như vậy, phí nước thải sinh hoạt cũng sẽ tăng tương ứng.

Trao tặng trạm quan trắc không khí tự động cho Việt Nam

Sáng 24/11, Tập đoàn GAMMA của Hungary đã quyết định trao tặng một Trạm quan trắc không khí tự động TVS3 cho Trung tâm Quan trắc Môi trường thuộc Tổng cục Môi trường Việt Nam với trị giá 4 tỷ đồng. Trạm quan trắc không khí tự động TVS3 là một trong dòng sản phẩm các trạm quan trắc TVS của Tập đoàn GAMMA với những ưu thế đặc biệt phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Đây là loại trạm quan trắc tự động không khí, khí thải công nghiệp được sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại bảo đảm tất cả các yêu cầu trong lĩnh vực quan trắc không khí và với nhiều ưu điểm trong việc lắp đặt và vận hành, đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước Châu Âu, ở Hungary hiện đang có trên 600 trạm TVS3 - VOV.VN cho biết.

Trạm TVS3 có thể sử dụng tại tất cả các vị trí như tại khu dân cư, đường phố, hay tại các khu công nghiệp cũng như trong các khu vực bị ô nhiễm nhiều, thậm chí cả ở tận vùng sâu, vùng xa. Trạm TVS3 cấu trúc gọn, cho phép việc xây dựng không yêu cầu quỹ đất lớn, đòi hỏi ít không gian. Trạm TVS3 có kết cấu chắc chắn, hoạt động được trong các hoàn cảnh khắc nghiệt của thời tiết. Hoạt động không bị ảnh hưởng do nhiệt độ hay độ ẩm cao. TVS3 được thiết kế thiết bị chống sét, cấu trúc của trạm được lắp đặt bằng các vật liệu thép chống gỉ, chống hóa chất ăn mòn chất lượng cao đảm bảo an toàn và độ bền trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, mưa bão nhiều tại Việt Nam.

2,5 triệu USD tăng cường khả năng chống chịu thiên tai ở miền Trung

68 xã, phường tại các tỉnh miền Trung gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Hà Tĩnh sẽ nằm trong vùng triển khai Dự án tăng cường khả năng chống chịu thiên tai. Đây là dự án do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với tổng kinh phí 2,5 triệu USD.

Dự án tăng cường khả năng chống chịu thiên tai ở miền Trung trị giá 2,5 triệu USD sẽ được triển khai từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2017. Trên 430.000 người sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Dự án cũng sẽ tiến hành kiểm toán hệ thống cảnh báo sớm và đóng góp hỗ trợ trang bị các thiết bị cảnh báo sớm – theo VOV.

Thu 1.300 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng

Ngày 20/11, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cho biết, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đang trở thành một nguồn tài chính ổn định khoảng 1.000-1.300 tỷ đồng/năm. Nguồn thu này giúp giảm áp lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho lâm nghiệp hàng năm 22-25%.

Với mức chi trả trung bình 250.000 đồng/ha, chính sách này đã bổ sung thêm thu nhập trung bình 1,8-2 triệu đồng/hộ/năm cho gần 349.000 hộ gia đình, cùng hơn 5.700 nhóm hộ, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ gần 5 triệu ha rừng trên toàn quốc. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tới đây sẽ có nhiều cải thiện, lồng ghép nhằm nâng cao hiệu quả, minh bạch, công bằng và bền vững trong việc trả phí DVMTR tại các địa phương – theo Tiền Phong.

Giới trẻ Việt Nam gửi thông điệp BĐKH tới COP21

Tối 25/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1.500 thanh niên, sinh viên đã tham dự Đêm hội nghệ thuật Hành động vì khí hậu Power Up. Đây là sự kiện tiêu điểm hưởng ứng Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP21 sắp diễn ra tại Paris (Pháp) vào ngày 30/11. Cùng chung thông điệp toàn cầu “Hãy giữ nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất và cung cấp tài chính cho việc chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo trước năm 2050,” đêm hội nghệ thuật Hành động vì khí hậu Power Up mong muốn truyền cảm hứng cho cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, các lãnh đạo doanh nghiệp địa phương và nước ngoài về các vấn đề biến đổi khí hậu, năng lượng nói riêng và bảo vệ môi trường.

Tại đêm hội, các bạn trẻ và sinh viên các trường đại học được tìm hiểu thông tin về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường với 4 khu vực là Nhiên liệu hóa thạch, Năng lượng tái tạo, Nghệ thuật và Điện ảnh. Những người tham dự đêm hội còn cùng các nghệ sỹ chụp ảnh với các băngrôn, biểu ngữ và đồng thanh hô các khẩu hiệu kêu gọi các chính phủ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách hạn chế đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, kêu gọi các quốc gia phát triển hỗ trợ thiết thực cho các quốc gia đang phát triển trong quá trình này. Những hình ảnh và đoạn phim này sau đó sẽ được truyền thông rộng rãi trên các kênh toàn cầu, đưa tiếng nói của người dân Việt Nam tới Hội nghị Thượng đỉnh COP21.

THẾ GIỚI

UNICEF: Gần 690 triệu trẻ em bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu


Gần 690 triệu trong tổng số 2,3 tỷ trẻ em trên thế giới đang sống ở những khu vực phải hứng chịu nhiều nhất những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, do đó phải đối mặt với nguy cơ tử vong, nghèo đói và bệnh tật cao. Trong báo cáo công bố ngày 23/11, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết gần 530 triệu trẻ em trong số trên sống tại các quốc gia thường xuyên xảy lũ lớn và bão, chủ yếu ở châu Á. Trong khi 160 triệu em còn lại phải chung sống với nạn hạn hán nghiêm trọng tại các quốc gia châu Phi – TTXVN cho biết.

Theo UNICEF, vùng duyên hải Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe cùng với các đảo trên Thái Bình Dương, vùng Sừng châu Phi và vùng xích đạo ở châu Phi là những khu vực dễ bị tổn thương nhất. Ảnh hưởng của hạn hán đối với nông nghiệp lại dẫn tới tình trạng thiếu và suy dinh dưỡng, là những nguyên nhân gây ra cái chết của khoảng hơn một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trên thế giới. Theo UNICEF, trong số 160 triệu trẻ em sống tại các khu vực bị hạn hán nghiêm trọng, gần 50 triệu trẻ sống tại các quốc gia nghèo, nơi phần lớn người dân có mức sống dưới 4 USD/ngày.

Nhật Bản tăng viện trợ gúp các nước chống biến đổi khí hậu

Theo hãng tin Kyodo, tại cuộc họp với các bộ trưởng của Nhật Bản ngày 26/11, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết nước này sẽ dành 1.300 tỷ yen (khoảng 10,6 tỷ USD) mỗi năm đến năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển chống tình trạng ấm lên toàn cầu. Con số trên tăng so với mức hiện tại trung bình 1.000 tỷ yen/năm, và Thủ tướng Abe sẽ công bố mức viện trợ trên tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tổ chức ở Paris (Pháp) ngày 30/11 tới – TTXVN đưa tin.

Viện trợ của Nhật Bản là một phần trong cam kết của các quốc gia công nghiệp hóa dành 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2020, từ các nguồn lực của chính phủ và tư nhân, để giúp các quốc gia đang phát triển hạn chế phát thải khí nhà kính và ứng phó với tình trạng lụt lội, các đợt nắng nóng và nước biển dâng cao. Bên cạnh đó, Nhật Bản quyết định ủng hộ 1,5 tỷ USD vào Quỹ Khí hậu Xanh của Liên hợp quốc để giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trung Quốc xây nhà máy nhân bản động vật lớn nhất thế giới

Theo Guardian, Xu Xiaochun, giám đốc điều hành của Tập đoàn Boyalife cho biết họ đã đầu tư 31,3 triệu USD để xây dựng nhà máy tại Thiên Tân, thành phố cảng cách Bắc Kinh khoảng 160 km về phía bắc. Nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào năm sau. Nhà máy rộng 14.000 m2, tập trung vào nhân bản bò để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt bò đang tăng vọt ở Trung Quốc. Giá thịt bò ở Trung Quốc đã tăng gấp ba lần, kể từ năm 2000 đến 2013, trong khi nguồn cung luôn thiếu.

Boyalife hy vọng sẽ sản xuất được 100.000 con bò nhân bản chất lượng tốt trong giai đoạn đầu, và tăng lên một triệu con trong giai đoạn hai. Ngoài ra, nhà máy cũng sẽ nhân bản những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. "Điều này sẽ thay đổi thế giới và cuộc sống của chúng ta", Xu nói. "Nó sẽ làm cuộc đời tươi sáng hơn. Do đó, chúng tôi rất hào hứng với dự án này".

Wattway: sản xuất điện ngay từ vỉa hè

Mới đây, Colas - công ty xây dựng của Pháp đã giới thiệu Wattway - công nghệ mới cho phép sản xuất điện từ vỉa hè. Cụ thể, loại vật liệu này sẽ tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời ngay dưới tấm lót vỉa hè và sản sinh ra điện năng. Bên cạnh đó, loại vật liệu này có độ bền, khả năng chịu mài mòn và chống chịu các tác nhân từ môi trường rất tốt. Lớp phủ lên vỉa hè chỉ có độ dày vài mm nhưng có thể chịu được áp lực cực lớn từ người đi bộ cũng như các phương tiện giao thông khác. Nhờ đó hiệu suất của các tấm pin mặt trời tích hợp bên trong Wattway sẽ không bị ảnh hưởng trong thời gian dài.

Quá trình lắp đặt Wattway lên vỉa hè cũng khá đơn giản và không cần quá nhiều nhân lực, máy móc phức tạp. Theo Colas, 20 m2 vỉa hè Wattway sẽ cung cấp điện năng cho một gia đình bình thường sinh hoạt (không bao gồm việc sưởi ấm), còn quãng đường dài 1 km có thể chiếu sáng khu vực công cộng với dân số lên tới 5.000 người. Trong tương lai gần, công nghệ này hứa hẹn sẽ thay thế cho những nguồn năng lượng truyền thống tốn kém và ảnh hưởng nhiều đến môi trường như hiện nay – theo Genk.

Thiết bị đo chất lượng không khí "bỏ túi"

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Melbourne (Australia) đã thiết kế cảm biến bỏ túi có khả năng phát cảnh báo một khi phát hiện chất lượng không khí giảm xuống mức nghiêm trọng. Thiết bị có tên là Atmotube có thiết kế cảm biến bỏ túi, có khả năng phát cảnh báo khi phát hiện chất lượng không khí giảm xuống mức nghiêm trọng đã ra đời. Thiết bị Atmotube có thiết kế hình trụ, làm từ titan và được trang bị cảm biến có khả năng phát hiện sự hiện diện các loại khí như carbon monoxide (CO) và những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) trong không khí, đồng thời đo được cả nhiệt độ và độ ẩm.

Một đèn LED trên mặt trước thiết bị sẽ chỉ báo chất lượng không khí, với các màu sắc khác nhau, thay đổi từ xanh dương sang đỏ, tương ứng chất lượng không khí từ tốt đến ô nhiễm nghiêm trọng. Thiết bị Atmotube cũng có thể kết nối Bluetooth với thiết bị di động và cung cấp kết quả chính xác hơn theo thang điểm 100, dựa trên ứng dụng đi kèm. Ứng dụng này còn có thêm một số tính năng tiện dụng khác, chẳng hạn cảnh báo chất lượng không khí giảm xuống mức dưới ngưỡng – theo Chinhphu.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem: 1895

Các tin khác

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE