quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường trong tuần

Thứ Bảy, 23/04/2016 | 07:36:00 AM

Ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức cao; Triển lãm quốc tế về công nghệ năng lượng - môi trường; Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ em; 8 triệu người chết do thiên tai trong 115 năm qua; Kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; Thế giới mất diện tích rừng bằng 1.000 sân bóng mỗi giờ; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần. VIỆT NAM

VIỆT NAM

Ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức cao


Sáng 22/4, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội là 152. Đây là mức phản ánh chất lượng không khí kém, không tốt cho sức khỏe của nhóm nhạy cảm, trẻ em và người già.  Kết quả đo mức độ ô nhiễm không khí của Đại sứ quán Mỹ cho thấy, chỉ số AQI - chỉ số dùng để đánh giá chất lượng không khí và khả năng tác động sức khỏe tại Hà Nội lúc 6h sáng nay (22/4) với mức là 152 – theo Bizlive.


Dựa theo thang đánh giá, đây là mức phản ánh chất lượng không khí kém, không tốt cho sức khỏe đối với các nhóm nhạy cảm như bệnh nhân về hô hấp, tim mạch. Trẻ em, người già được khuyến cáo nên hạn chế vận động, tránh các hoạt động gắng sức ngoài trời để bảo đảm sức khỏe.

10 tỉnh ở miền Tây công bố thiên tai

Chiều 21/4, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ký quyết định công bố thiên tai cấp độ 1 tại huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh. Nắng nóng gay gắt và mặn xâm nhập khiến người dân miền Tây điêu đứng. Hậu Giang là tỉnh thứ 10 ở vùng này công bố thiên tai khi có 1.200 ha lúa bị thiệt hại. Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, một tuần qua, nồng độ mặn trên nhiều tuyến sông, kênh, rạch ở tỉnh này diễn biến phức tạp. Nước mặn đang có chiều hướng tăng cao chưa từng thấy tại một số xã của huyện Long Mỹ, Vị Thủy và trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang. Kết quả quan trắc cho thấy, độ mặn trung bình ở các huyện, thành phố này từ 5,2-13‰, có nơi trên 15‰. Hiện, Hậu Giang có trên 80% diện tích đất nông nghiệp bị nước mặn tấn công khiến trên 1.200 ha diện tích lúa đông - xuân (vụ 2015 - 2016) thiệt hại, 6.000 ha lúa hè - thu không xuống giống được. Một số diện tích cây ăn trái của tỉnh cũng bị ảnh hưởng năng suất.

Như vậy, Hậu Giang là tỉnh thứ 10 ở đồng bằng sông Cửu Long công bố thiên tai. 9 tỉnh công bố trước đó là Tiền Giang (ngày 5/2, thiệt hại 1.021 ha), Bến Tre (15/2, 19.000 ha), Kiên Giang (18/2, trên 54.000 ha), Long An (23/2, 8.651 ha), Sóc Trăng (23/2, 9.505 ha), Cà Mau (29/2, 49.343 ha), Vĩnh Long (9/3, 1.274 ha) và Trà Vinh (10/3, 11.014 ha), Bạc Liêu (31/3, 3.800 ha lúa bị thiệt hại) – theo Zing.

Triển lãm quốc tế về công nghệ năng lượng - môi trường

Hội chợ Triển lãm Quốc tế về Công nghệ năng lượng - Môi trường Hà Nội 2016 (Entech Hanoi 2016) diễn ra từ 09h00 ngày 18/5 đến hết ngày 20/5 tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội với chủ đề: “Công nghệ năng lượng - Giải pháp thân thiện với môi trường”. Đây là triển lãm chuyên ngành năng lượng và môi trường được tổ chức với quy mô gần 200 gian hàng trưng bày với dự kiến sẽ có khoảng 150 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tới đây trưng bày các công nghệ, sản phẩm tiết kiệm Năng lượng và Môi trường đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Thụy Điển, Đài Loan, Nhật Bản, Séc, Anh…

Entech Hanoi 2016 giới thiệu các sản phẩm, công nghệ năng lượng - môi trường gồm các lĩnh vực: Công nghệ và xây dựng là các thiết bị, công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng trong các dây truyền sản xuất công nghiệp, thiết bị nhiệt, công nghệ giám sát (trực tiếp và qua hệ thống GSM); Năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nguồn năng lượng là các thiết bị sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hệ thống phát điện bằng biomass, biogas, xăng sinh học... Công nghệ xử lý chất thải công nghiệp; Xử lý rác thải y tế và Công nghệ xử lý môi trường phục vụ sinh hoạt cũng sẽ được giới thiệu tại hội chợ.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ em

Green Earth (Trái đất xanh) - một chương trình nâng cao ý thức bảo vệ môi trường dành cho trẻ em và các bậc cha mẹ sẽ được tổ chức vào 09h00 ngày 24/4 tại Công viên Bách Thảo, Hà Nội. Đây là sự kiện hưởng ứng Ngày Trái đất 22-4 do hệ thống Giáo dục quốc tế cho trẻ em khởi xướng – theo An Ninh Thủ Đô.

Đến với chương trình, các em sẽ được tham gia nhảy flashmob “Dân vũ rửa tay”, xem trình diễn thời trang từ những “siêu mẫu” nhỏ tuổi từ trường mầm non Canada Maple Bear với những trang phục làm từ các nguyên liệu tái chế, thi vẽ tranh chủ đề “Trái đất xanh trong mắt em”, giao lưu với các MC khách mời, nghệ sỹ hài vui tính… Ngoài ra, Ban tổ chức còn bố trí các khu tạo hình, nghệ thuật, khu khám phá khoa học, khu âm nhạc, khu thể thao… đáp ứng nhu cầu vận động, vui chơi, cảm thụ, sáng tạo của các em. Sự kiện được mở cửa miễn phí.

Một người Việt đến Nam Cực tham gia hành trình chống biến đổi khí hậu

Vào tháng 3/2016, Nguyễn Thị Thùy Vân, chuyên viên bộ phận Tư vấn Tài chính của Deloitte Việt Nam, đã tham gia hành trình “Leadership on the Edge” của Tổ chức 2041 xuất phát từ thành phố cực Nam của thế giới Ushuaia đến châu Nam Cực. Thùy Vân đi cùng với 140 thành viên tiêu biểu khác được tuyển chọn từ hàng ngàn hồ sơ đến từ khắp các quốc gia trên thế giới. Trong hành trình, Vân đã được gặp gỡ, làm quen, hoạt động tập thể với các bạn bè quốc tế xuất sắc và cùng chí hướng. Các chuyên gia cũng được mời đến hành trình để các thành viên hành trình được học và trao đổi về các kỹ năng lãnh đạo, các kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu.

Được sáng lập bởi ngài Robert Swan, đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc, đồng thời cũng là người đầu tiên trong lịch sử đi bộ đến 2 cực của trái đất vào những năm 1980, Tổ chức 2041 là một đơn vị đã vận động không mệt mỏi trong suốt 13 năm qua kể từ khi thành lập năm 2003 để nâng cao nhận thức của thế hệ lãnh đạo tương lai về các vấn đề biến đổi khí hậu, tầm quan trọng của bảo vệ châu Nam Cực trong bảo vệ khí hậu toàn cầu – theo Thanh Niên.

THẾ GIỚI

8 triệu người chết do thiên tai trong 115 năm qua


Theo Thanh Niên, tính từ năm 1900 đến 2015, các đợt thiên tai như bão lũ, động đất, núi lửa phun trào, cháy rừng và nắng nóng đã cướp đi mạng sống của tổng cộng 8 triệu người trên toàn cầu. Cũng trong thời gian đó, các đợt thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế thế giới lên tới 7.000 tỉ USD, trong đó bão và lũ lụt chiếm gần 60%. Những con số trên được công bố tại cuộc họp của Liên minh Khoa học địa chất châu Âu ở Áo ngày 18/4 (giờ địa phương), với sự tham dự của 13.000 nhà khoa học, theo AFP.

Trong đó, nhà nghiên cứu James Daniell tại Viện Nghiên cứu Karlsruhe ở Đức nói rõ hơn phân nửa số nạn nhân tử vong và 38,5% thiệt hại kinh tế là do lũ lụt. Ông Daniell khẳng định lũ lụt là nguyên nhân gây chết người và tổn thất kinh tế nhiều nhất trong 35.000 loại thiên tai trong 115 năm qua. Một loại thiên tai khác gây chết người đáng chú ý là động đất. Trong 115 năm qua, các trận động đất đã cướp đi mạng sống của khoảng 2,3 triệu người, trong đó gần 60% chết do nhà sập, 28% tử vong do sóng thần hoặc lở đất, theo nghiên cứu được công bố tại cuộc họp nói trên.

Nóng lên toàn cầu làm gia tăng các bệnh do muỗi lây truyền

Giới chuyên gia gần dây đã cảnh báo tình trạng nóng lên trên toàn cầu sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho các dịch bệnh do muỗi lây truyền phát triển và lan rộng. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh dịch Zika do muỗi vằn Aedes lây truyền đang diễn biến phức tạp tại khu vực Nam Mỹ trong khi châu Âu và Mỹ đang chuẩn bị đối phó trong trường hợp xuất hiện virus Zika trong mùa Hè này. Theo chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm đến từ Đại học Oxford (Anh) Moritz Kraemer, nhiệt độ tăng cao có thể gây ra nhiều hiểm họa trong đó có tình trạng gia tăng số lượng các loài muỗi – theo VietnamPlus.

Các chuyên gia cảnh báo nhiệt độ cao là môi trường tốt để thúc đẩy quá trình sinh sản của loài muỗi, trứng muỗi cũng phát triển và nảy nở nhanh hơn. Cụ thể, ở nhiệt độ 25 độ C, trứng muỗi cần 2 tuần để nở thành con muỗi trong khi chỉ cao hơn 3 độ C tức là 28 độ C thì chỉ trong 10 ngày quá trình này sẽ hoàn tất. Không những thế, trong điều kiện nhiệt độ cao, quá trình truyền virus từ muỗi sang người cũng nhanh hơn so với khi nhiệt độ thấp, khiến trong một vòng đời một con muỗi mang virus gây bệnh có thể lây lan cho nhiều người hơn, làm gia tăng nguy cơ và số lượng người bị nhiễm virus Zika.

Thế giới mất diện tích rừng bằng 1.000 sân bóng mỗi giờ

Theo Telegraph, thế giới đã mất đi diện tích rừng tương đương 1.000 sân bóng đá mỗi giờ trong 25 năm qua. Các chuyên gia cảnh báo vấn nạn phá rừng là một vấn đề lớn đối với thế giới do tài nguyên rừng đang bị cạn kiệt nhanh chóng. Sau ngày Quốc tế về Rừng 21/3 năm nay, một nghiên cứu cho biết ước tính hiện còn 3.000 tỷ cây xanh trên Trái Đất.Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới, Trái Đất đã mất 1,3 triệu km2 rừng từ năm 1990 tới nay, lớn hơn diện tích quốc gia Nam Phi.

Trong khi vùng Trung Đông và Bắc Phi có tỷ lệ gia tăng diện tích rừng lớn nhất từ năm 1990 đến 2015, thì khu vực Mỹ Latin, Caribe và tiểu vùng Sahara châu Phi mất nhiều diện tích rừng nhất, mỗi khu vực giảm 10%. Khu vực Mỹ Latin và Caribe có diện tích rừng sụt giảm nhiều nhất, 970.000 km2 từ năm 1990 đến 2015. Vùng này có diện tích rừng lớn thứ hai trên thế giới, chiếm 1/4 tổng diện tích rừng toàn cầu. Đến năm 2012, hơn 14% diện tích đất trên thế giới được các quốc gia bảo vệ.Mỹ Latin và khu vực Caribe dẫn đầu tỷ lệ này, với 21,2% tổng diện tích đất được bảo vệ - Theo Vnexpress.

Kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

VietnamPlus đưa tin sáng 22/4, đúng vào Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất, tại trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Sự kiện này quy tụ khoảng 170 đại diện các chính phủ trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 60 nguyên thủ quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đại diện cho Việt Nam tham dự lễ ký kết văn kiện này. Phát biểu khai mạc lễ ký kết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định Hiệp định Paris là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và "là cách thức duy nhất để chúng ta cứu Trái Đất."

Theo ông Ban Ki-moon, Hiệp định Paris kết hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 sẽ tạo ra sức mạnh để biến đổi thế giới. Lễ ký kết được đánh giá là một sự kiện đáng nhớ của ngành ngoại giao quốc tế bởi chưa bao giờ quy tụ được cùng lúc nhiều quốc gia ký kết một hiệp định chỉ trong vòng một ngày như vậy. Kỷ lục trước đó được lập vào năm 1982, khi 119 quốc gia cùng ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Dự kiến, Hiệp định Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Mặc dù chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được các nước phê chuẩn sớm, hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới.

Scotland đi đầu về việc sử dụng năng lượng tái tạo

Scotland đã phá mục tiêu của mình về mức tiêu thụ năng lượng xanh thông qua công bố của Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Vương quốc Anh, cho thấy 57,7% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2015. Đây là một tiến triển rực rỡ để Scotland tiếp tục là nơi đi đầu về sử dụng năng lượng sạch. Sau khi thiết lập một kế hoạch đầy tham vọng để sản xuất toàn bộ nhu cầu điện hàng năm từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030, những con số này cho thấy rằng Scotland đang tăng tốc trên con đường của mình để đáp ứng mục tiêu ý thức sinh thái của nó cho một tương lai xanh hơn.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa tuyên bố rằng vào năm 2020, hơn một phần tư thế giới sẽ sử dụng năng lượng từ những nguồn năng lượng tái tạo. Sự thay đổi tuyệt vời này sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn khi các quốc gia trên khắp thế giới đặt mục tiêu của họ đối với việc phát triển nhiên liệu phi hóa thạch và thúc đẩy các nguồn năng lượng – theo Báo Xây Dựng.

Lần đầu tiên Nga sử dụng Su-34 ném bom phá băng giúp dân chống lụt

Máy bay ném bom Su-34 lần đầu tiên được quân đội Nga sử dụng để thực hiện nhiệm vụ cứu trợ thiên tai. Sputnik ngày 18/4 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo, hai máy bay Su-34 của không quân Nga đã được điều động thực hiện nhiệm vụ ném bom phá các tảng băng trôi trên sông Sukhona, nguyên nhân gây nên trận lụt mùa xuân nghiêm trọng ở vùng Arkhangelsk và Vologda ở tây bắc nước Nga – theo An Ninh Thủ Đô.

Vị bộ trưởng này cũng cho biết thêm, sau khi hàng trăm người dân tỉnh Vologda đã phải rời bỏ nhà cửa do lũ lụt, không quân Nga đã lên kế hoạch tăng cường thêm các máy bay Su-34 để nhanh chóng phá hết băng đang tắc nghẽn trên sông. "Các máy bay đã ném rất nhiều bom để phá hết băng đang tắc nghẽn trên sông Sukhona, giúp giải cứu người dân. Tuy nhiên, chỉ hai chiếc Su-34 là chưa đủ. Chúng tôi đã quyết định tăng cường thêm máy bay cũng như gửi thêm 2.000 binh sĩ và 600 xe đặc chủng để ứng cứu", ông Shoigu khẳng định.

Theo Minnh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem: 1804

Các tin khác

Ngày Quốc tế Trái đất 2024: Đối đầu của hành tinh với nhựa

(24/04/2024 07:28:AM)

Ninh Bình: Chim hoang dã bay rợp trời trong khu du lịch Thung Nham

(23/04/2024 06:10:AM)

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE