quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường trong tuần

Chủ Nhật, 12/11/2017 | 07:03:00 AM

EuroCham công bố sách xanh về Việt Nam; Ra mắt trang thông tin pháp luật về tài nguyên và môi trường; Năm 2017 vẫn thuộc tốp 3 năm nóng kỷ lục trong lịch sử; Thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 129 tỷ USD; Đan Mạch là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng xanh hoàn toàn; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.


 

EuroCham công bố sách xanh về Việt Nam

Khoa học & Phát triển đưa tin ngày 9/11, tại TPHCM, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố sách xanh (Greenbook). Đây là ấn phẩm đầu tiên cung cấp thông tin về ngành năng lượng tái tạo, xử lý nước và rác thải, thành phố thông minh và công trình xanh. Greenbook không chỉ giới thiệu các cơ hội kinh doanh mà còn cung cấp các vấn đề pháp lý về chính sách cũng như khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường kinh doanh xanh tại Việt Nam.


Bên cạnh những câu chuyện thành công của các dự án do các doanh nghiệp thành viên EuroCham và các doanh nghiệp châu Âu khác thực hiện tại Việt Nam, danh mục chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh Xanh ở Việt Nam cũng được giới thiệu trong ấn phẩm. Có nhiều doanh nghiệp thành viên của EuroCham hiện cung cấp các dịch vụ và sản phẩm nâng cao chất lượng môi trường, đời sống, đồng thời cam kết kinh doanh có trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Khi cần thiết, Eurocham sẽ liên hệ các chuyên gia ở Châu Âu hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp chưa có tại Việt Nam.

Ra mắt trang thông tin pháp luật về tài nguyên và môi trường

Vụ Pháp chế bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) vừa chính thức ra mắt trang điện tử pháp luật về tài nguyên và môi trường vào ngày 9/11. Đây là kênh thông tin chính thống về công tác xây dựng và phổ biến pháp luật trên các lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trang web sẽ tập trung vào thông tin liên quan đến pháp chế, bao gồm văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, văn bản của Vụ Pháp chế và các cơ quan ngoài Bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và bộ Tư pháp trong đôn đốc xây dựng, thi hành pháp luật, theo dõi thi hành…

Mỗi tháng, vụ Pháp chế sẽ tổng hợp danh mục các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và bộ TN&MT ban hành trong tháng và đăng trên mục thông cáo báo chí. Ngoài ra, ở đây cũng giới thiệu pháp luật quốc tế, các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực TN&MT; những nghiên cứu trao đổi liên quan đến pháp chế của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý – theo MONRE.

Khánh thành 'Không gian năng lượng sạch' đầu tiên tại Việt Nam

Nông nghiệp Việt Nam cho biết không gian trải nghiệm năng lượng sạch Solar Experience Space (SES) nằm trong khuôn viên trường Đại học Bách Khoa (Q.10, TP.HCM), do công ty Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK) thực hiện. Đây là mô hình trải nghiệm về năng lượng sạch đầu tiên tại Việt Nam dành cho giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên đam mê nghiên cứu, mong muốn học hỏi thêm kiến thức về ngành này. Trung tâm có SES diện tích xây dựng 108m2, tích hợp những ứng dụng, công nghệ liên quan đến năng lượng sạch từ 63 tấm pin năng lượng mặt trời, công suất lắp đặt 16.065 kWp, tổng năng lượng của hệ thống đạt giá trị trung bình 22.832 kWh/ năm.

Kết hợp với giải pháp nước nóng năng lượng mặt trời được lắp đặt đồng thời phía trên mái, đây là không gian đầu tiên đầu tiên vận hành 100% bằng năng lượng sạch tại Việt Nam. Theo số liệu tính toán, không gian này giảm phát thải gần 23 tấn CO2 ra ngoài môi trường mỗi năm. Không gian được chia làm 4 khu vực chính, giúp người xem hiểu về năng lượng sạch từ những thành phần đơn lẻ đến giải pháp hoàn chỉnh. Dự kiến, sau khi đưa vào hoạt động khu trải nghiệm này, SolarBK sẽ tiếp tục nhân rộng dự án trên khắp các trường đại học đào tạo về kỹ thuật trên toàn quốc.

Năm 2017 vẫn thuộc tốp 3 năm nóng kỷ lục trong lịch sử

Trong báo cáo hàng năm công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP23) vừa diễn ra tại Bon, Đức, Tổ chức Khí tượng học Thế giới của Liên hợp quốc cũng cho biết nhiệt độ trung bình từ năm 2013 đến năm 2017 có thể là mức cao nhất kể từ khi áp dụng các biện pháp đo chính xác từ hơn 100 năm qua – theo VnExpress.

Dù không xảy ra hiện tượng El Nino, năm 2017 vẫn đang trên đường "ghi danh" vào tốp 3 năm có nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Báo cáo "Tình trạng Khí hậu Toàn cầu" cũng đề cập đến những hiện tượng thời tiết cực đoan như những cơn siêu bão xảy ra tại khu vực Caribe và Đại Tây Dương, lũ lụt tại Ấn Độ và hạn hán kéo dài ở Somali. Trong khi đó, các vùng băng của Trái Đất tiếp tục bị thu hẹp, đặc biệt là ở Bắc Cực.

Thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 129 tỷ USD

Hội nghị lần thứ 23 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 23) chính thức khai mạc hôm nay (6/11) tại thành phố Bonn của Đức. Biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả đối với con người cũng như nền kinh tế. Theo kết quả một nghiên cứu do các chuyên gia trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tổng hợp, năm ngoái, thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 129 tỷ USD. Con số này được dự báo sẽ còn tăng tiếp tục tăng khi tình trạng biến đổi khí hậu làm gia tăng hạn hán và bão lũ trên thế giới – VOV đưa tin.

Dựa trên 40 chỉ số về sức khỏe và khí hậu, báo cáo cho thấy từ năm 2000-2016, mỗi năm lại có thêm 125 triệu người trên thế giới gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng, đặc biệt người cao tuổi thuộc nhóm người có rủi ro cao. Kể từ năm 2000, năng suất lao động của nông dân giảm 5,3%, chủ yếu do thời tiết nắng nóng tại những nước như Ấn Độ, Brazil khiến sức khỏe của họ giảm sút.

Hội nghị COP23 tại Đức bàn về việc thực thi Hiệp định Paris

TTXVN đưa tin ngày 6/11, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP23) khai mạc tại thành phố Bonn của Đức nhằm thảo luận việc thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm nay thông báo Washington rút khỏi thỏa thuận này. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh các nước đang đối mặt với báo cáo u ám về tốc độ ấm lên của Trái Đất gia tăng, khiến các cơn bão, lũ lụt và những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, ngày càng mang tính hủy diệt hơn.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là hiệp định có phạm vi rộng hơn bất kỳ thỏa thuận về khí hậu nào, được Liên minh châu Âu (EU) và 194 nước ký kết và có hiệu lực từ tháng 11/2016. Thỏa thuận kêu gọi giảm lượng khí thải CO2 với kỳ vọng có thể hạn chế hiện tượng Trái Đất nóng lên, giới hạn mức nhiệt tăng lên so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp chỉ ở quanh mức 2 độ C.

Đan Mạch là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng xanh hoàn toàn

Đi đầu thế giới trong việc phát triển năng lượng tái tạo, hiện Đan Mạch đã có thể dùng điện gió để cung cấp cho toàn bộ nhu cầu sử dụng điện trong cả nước. Châu Âu là một trong những khu vực đi đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có Đan Mạch. Một thống kê về lĩnh vực năng lượng điện tái tạo cho thấy, tỷ lệ điện gió trên toàn hệ thống điện ở châu Âu đã đạt tới mức 1/4 tổng sản lượng điện.

Theo các chuyên gia, có tới 24,6% tổng lượng điện được tiêu thụ ở châu Âu hiện nay là từ điện gió. Một phần nguyên nhân của việc này là xuất hiện một cơn bão trong khu vực, đã làm gia tăng đáng kể công suất phát điện của các nhà máy điện gió. Tuy nhiên, tỷ lệ điện gió ở khu vực châu Âu không thật sự đồng đều. Theo kết quả thống kê, đứng đầu là Đan Mạch với việc điện gió hoàn toàn đủ cho nhu cầu sử dụng điện của người dân. Kế đến là Đức - với 61% nhu cầu; Bồ Đào Nha 44%, Ireland 34%, Áo 33%, Tây Ban Nha 31%, Anh 29%, Hà Lan 25%;...

Nghiền rác điện tử thành bụi nano

Các nhà khoa học thuộc Đại học Rice, bang Texas, Mỹ đã tìm được cách tái sử dụng rác thải điện tử bằng việc nghiền nát bảng mạch thành bụi nano. Họ sử dụng máy nghiền chứa một buồng làm lạnh bằng khí nitơ (để ngăn những vật liệu nhạy cảm với nhiệt tan chảy, quyện lẫn vào nhau) cùng khí argon và một quả bóng thép nhỏ để nghiền nát các bản mạch thành dạng hạt tách rời với kích thước 20-100 nanomet (tóc người có đường kính từ 80.000-100.000 nanomet).

“Các cách xử lý rác điện tử khác là chu trình một chiều, việc đốt hoặc dùng hóa chất để xử lý rác thải gây tốn nhiều năng lượng hơn mà vẫn tạo ra chất thải. Chúng tôi giới thiệu một hệ thống có khả năng phá vỡ mọi hợp chất - ôxít, kim loại, polymer - thành bột đồng nhất và có thể tái sử dụng” - Chandra Sekhar Tiwary - thành viên nhóm nghiên cứu nói. Sau khi nghiền lạnh, các hạt phân tử nano được cho vào nước để phân tách và tái sử dụng.

 

Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem: 1233

Các tin khác

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

Ngày Nước thế giới 2024 - Nước cho hòa bình

(16/03/2024 07:17:AM)

Ngày Khí tượng thế giới 2024 - Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu

(16/03/2024 07:14:AM)

TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển xanh, bền vững

(15/03/2024 06:14:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(14/03/2024 04:16:AM)

Lâm Đồng: Chuyến tàu ''tăng trưởng xanh'' chuyển bánh

(11/03/2024 05:11:AM)

Giữ lại 12.500 ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình)

(08/03/2024 06:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE