quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Giấc mơ cỏ mật

Thứ Hai, 12/09/2016 | 06:03:00 AM

Trong những giấc mơ chập chờn bên cánh võng, tôi vẫn nghe thoang thoảng đâu đây một mùi hương ấm áp, thân quen. Năm tháng trôi đi, chỉ ký ức tuổi thơ còn ở lại. Để khi trái tim xốn xang hoài niệm, tôi mới định nghĩa được ấy là mùi cỏ mật quê hương…

 



Tuổi thơ tôi lớn lên trên cánh đồng. Nơi đó, màu xanh của lúa, của ngô và của những triền cỏ mướt mềm trải dài bất tận. Mến thương nhau cũng vì trót mê một cung diều sáo. Hay có khi giận hờn là bởi tranh giành nắm đất sét ven đê. Cứ thế, tình bạn ngày càng gắn bó thêm. Qua bao nắng mưa, chúng tôi vẫn hồn nhiên như thảo mộc.


Sau những buổi chiều chăn trâu về muộn, tôi ngửi thấy trên tóc, trên áo mình là mùi rạ rơm cuối mùa âm ẩm, mùi mồ hôi bén nắng nồng nồng, mùi đất bùn còn vương đầy ngai ngái và mùi cỏ mật khô ngòn ngọt, dịu dàng!


Cỏ mật thường mọc ven các chân ruộng cao. Như có một nguồn năng lượng sống dồi dào chảy tràn trong từng nhánh gầy nhỏ nhắn, ngày qua ngày, cỏ mật thảo những nét bút xanh miên man lên khắp bãi bờ. Mùa hè nắng cháy, cỏ mật xòe đám lá nhỏ li ti chắt chiu mấy giọt sương thanh khiết để vượt qua những tháng ngày khắc nghiệt.


Và rồi, sau những chuyến hành trình mải miết, cỏ mật tận hiện cho đời một mùa hoa xinh xắn, tinh khôi. Ở đâu còn đất trống, ở đó cỏ ken dày. Thoáng chút gió đùa đã nghe mùi hương thấm đẫm…


Lũ trâu già ham cỏ mật. Đám mục đồng chúng tôi cũng thích cỏ mật. Mấy đứa chúng tôi tha thẩn dọc các bờ ruộng hái hoa cỏ mật giấu vào túi áo để khi đi chăn trâu về, mùi hương cũng quyến luyến về theo. Mặc kệ cho gió Lào và nắng rát dày vò, cánh đồng vẫn luôn tươi vui bởi những bước chân rộn ràng, nhí nhảnh. Hình như, hồi ấy, chúng tôi không bao giờ biết mặt nỗi buồn. Hễ gặp nhau là đã cười như ngô nổ…


Cánh đồng là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi. Mọi trò chơi đều diễn ra ở đấy. Chán đuổi bắt, trốn tìm, nhảy nụ, tôi nằm bệt xuống triền cỏ xanh đánh một giấc ngon lành. Mùi cỏ mật nồng nàn len lỏi vào giấc mơ tôi. Thế giới cổ tích mở ra trong câu chuyện ai kể còn dang dở? Chàng phò mã đang đi tìm công chúa. Chợt giật mình tỉnh giấc khi tổ kiến lửa dưới chân đồng loạt tấn công. Cả lũ hùa vào lêu lêu cười khúc khích. Mái tóc chàng phò mã “hụt” bỗng hóa thành một tổ chim dính đầy rơm và những sợi cỏ thơm…


Đi qua những ngày như thế, kỷ niệm cứ đầy dần lên. Tuổi thơ đẹp như nụ hoa cỏ mật. Ai thầm thổn thức gọi tên? Cả một miền dĩ vãng dịu êm! Cả một thời yêu thương để nhớ! Đôi ba dòng tản mạn này làm sao có thể kể xiết? Vào một đêm tạm quên đi mỏi mệt, tôi viết ra như cách tâm sự với chính mình.


Xa quê, sống tạm bợ nơi phố chật, đôi lúc thèm đến cháy lòng một mùi hương cỏ mật an nhiên. Nếu được chọn một nơi thật bình yên, tôi sẽ trở về cánh đồng mùa hạ, trở về với cỏ mật thơm tho lấp lánh nắng chiều…


Bên khung cửa sổ, tôi trồng một luống cỏ mật xinh xinh. Để mỗi lần mở cửa ra, thấy nhựa sống tràn vào căn phòng nhỏ và muộn phiền cứ thế tiêu tan. Cỏ thủy chung làm bạn với tôi từ thuở ấu thơ cho đến bây giờ. Cỏ dạy tôi cách sống vô tư và nghị lực. Cuộc đời dẫu có xô bồ đến đâu, mình cũng phải vững tin mà bước tiếp. Hãy là một đám cỏ, gieo màu xanh làm đẹp cho đời: “Tôi sinh ra là cỏ dại ven sông/ Sáng đón bình minh, chiều lặng lẽ tiễn hoàng hôn đi ngủ/ Đời dài rộng biết chừng nào là đủ/ Hãy cứ xanh như lần cuối được xanh…”


Bao lần vấp ngã, tôi lại về gối đầu kề bên ô cửa sổ, để cỏ khẽ khàng xoa dịu nỗi đau, để cỏ thầm thì những chuyện xưa cũ kỹ, để cỏ vỗ về tiếp thêm động lực, để cỏ nhẹ ru một giấc mơ xanh. Đã có cỏ sát vai, dù chuyện gì xảy ra cũng không được khóc!

Phan Đức Lộc (Báo Văn hóa và Đời sống)

Lượt xem: 2655

Các tin khác

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

CÂY KƠ NIA TRÊN ĐẤT TỔ

(30/03/2024 10:36:PM)

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

THỜI SỰ

(10/03/2024 11:43:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE