quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Hiệu quả từ OCOP ở Quảng Bình

Chủ Nhật, 05/04/2020 | 08:11:00 AM

Dù đang ở bước đầu triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và còn gặp nhiều khó khăn song những kết quả bước đầu ở tỉnh Quảng Bình cho thấy chương trình OCOP đã góp phần khôi phục các nghề truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

 

Hiệu quả từ OCOP ở Quảng Bình

Người dân xã Quang Minh, thị xã Ba Ðồn thu hoạch tỏi.

Sau hơn một năm triển khai OCOP, thị xã Ba Ðồn đã phát triển được năm chuỗi sản phẩm nổi bật. Trong đó, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ tỏi Ba Ðồn được thực hiện ở ba xã Quảng Hòa, Quảng Minh và Quảng Lộc với diện tích gần 19 ha, 213 hộ tham gia. Ðể nâng cao giá trị của cây tỏi, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng 2-9 Ba Ðồn đã thực hiện chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm tỏi củ, tỏi đen, rượu tỏi đen cung cấp cho hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Theo Phòng Kinh tế thị xã Ba Ðồn, tham gia chuỗi liên kết sản xuất, giá trị kinh tế của cây tỏi đạt bình quân gần 100 triệu đồng/ha, cao hơn ba lần so với trồng lúa. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà việc trồng tỏi theo chuỗi giá trị góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng cồn bãi giữa sông Gianh.

Cũng với cách làm tương tự, huyện Bố Trạch luôn chú trọng việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giúp cho khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hộ nông dân thuận lợi, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó tạo nên nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu như nấm sạch Tuấn Linh, rau sạch An Nông, dầu lạc Phong Nha, cao cà gai leo Thanh Bình, hồ tiêu Phú Quý, cam Nông trường Việt Trung. Thành lập năm 2016, Hợp tác xã (HTX) sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch đã thành công trong việc ứng dựng tiến bộ kỹ thuật để trồng các loại nấm và sản xuất các sản phẩm từ nấm theo chuỗi. Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: "Chúng tôi thực hiện dự án phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu giữa HTX với các hộ dân, tổ hợp tác trồng nấm trong tỉnh. Qua đó, tạo việc làm cho hơn 360 lao động ở các địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi lao động gần năm triệu đồng/tháng. Ngoài sản phẩm chế biến từ các loại nấm như nấm mộc nhĩ khô, nấm sò khô, nấm hoàng đế, rượu nấm linh chi, HTX đã sản xuất trà xanh linh chi, trà cà gai leo linh chi. Ðơn vị đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nấm thương phẩm và sản phẩm chế biến từ nấm với Co.opmart ở một số tỉnh miền trung, các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. Sản phẩm trà xanh linh chi của HTX đã xuất khẩu sang Thái-lan và Nga. Gần đây, HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh dùng bã thải nấm để trồng rau má theo quy trình hữu cơ và sản xuất trà thảo mộc rau má túi lọc được thị trường trong khu vực đón nhận. Năm 2019, sản phẩm nấm sạch Tuấn Linh của HTX được Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chọn xây dựng mô hình sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền trung.

Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Hoàng Tiến Cường cho biết, qua rà soát, toàn tỉnh có 189 sản phẩm có nguồn gốc lợi thế địa phương. Cuối năm 2019, tỉnh thành lập hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, kết quả đã xếp hạng 59 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó, 28 sản phẩm đạt từ hai đến bốn sao và 31 sản phẩm đạt một sao.

Dù mới triển khai nhưng chương trình OCOP ở Quảng Bình nhận được sự tham gia của 26 tổ chức kinh tế, trong đó 22 đơn vị có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao trở lên. Ðồng thời, các sản phẩm khi tham gia vào OCOP sẽ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách phát triển ngành nghề nông thôn; đối với các sản phẩm được chứng nhận đạt từ ba sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại từ cấp quốc gia đến quốc tế.

Tuy nhiên, dù sản phẩm sản xuất đa dạng và phong phú, nhưng số lượng sản phẩm đạt tiêu chí OCOP còn thấp, thiếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn năm sao. Các sản phẩm có nguồn gốc, lợi thế địa phương của Quảng Bình chủ yếu đạt ở tiêu chí sức mạnh cộng đồng như: Sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương, nguồn gốc ý tưởng dựa trên sản phẩm truyền thống, sử dụng nguồn lao động địa phương. Ðối với các tiêu chí tổ chức sản xuất, tiếp thị và chất lượng sản phẩm thì mức điểm đạt thấp do hạn chế về bao bì đóng gói và khả năng cạnh tranh, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Nguyên nhân là do việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến chưa cao, sản phẩm còn hạn chế về mẫu mã, chủng loại, chưa kết nối thành chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng, với mục tiêu tạo đột phá trong giai đoạn tiếp theo của chương trình OCOP, tỉnh Quảng Bình đã xác định phải tích cực khơi dậy sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương tham gia OCOP; đồng thời, tiếp tục xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, đến xã bảo đảm đồng bộ, hiện đại và bài bản; có chính sách cụ thể hỗ trợ sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của từng địa phương.

Hương Giang/Nhandan

Lượt xem: 1052

Các tin khác

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

Ngày Nước thế giới 2024 - Nước cho hòa bình

(16/03/2024 07:17:AM)

Ngày Khí tượng thế giới 2024 - Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu

(16/03/2024 07:14:AM)

TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển xanh, bền vững

(15/03/2024 06:14:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(14/03/2024 04:16:AM)

Lâm Đồng: Chuyến tàu ''tăng trưởng xanh'' chuyển bánh

(11/03/2024 05:11:AM)

Giữ lại 12.500 ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình)

(08/03/2024 06:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE