quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn ĐDSH của đất nước

Thứ Hai, 23/05/2016 | 01:46:00 PM

(VACNE) - Báo cáo của TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Tọa đàm xây dựng diễn đàn đối tác về bảo tồn ĐDSH và sử dụng bền vững dịch vụ Hệ sinh thái, ngày 20/5/2016 tại Hà Nội.

HUY ĐỘNG SỰ THAM GIA CỦA CỘNG ĐỒNG

TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC CỦA ĐẤT NƯỚC

TS. Nguyễn Ngọc Sinh

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bài này, để đơn giản, chúng tôi xin được dùng  cụm từ “cộng đồng” để thay cho cách gọi các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, có khi còn gọi là tổ chức dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của cộng đồng dân cư.

Như đã biết, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) được thành lập từ năm 1988. Trong suốt 27 năm qua, Hội luôn phấn đấu theo đúng tôn chỉ và mục đích của mình vì sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước. Quan điểm phát triển  mang tính chiến lược của Hội được thể hiện đơn giản qua thông điệp “Môi trường với Cộng đồng”. Có thể nói mọi hoạt động của Hội đều xoay quanh cộng đồng, cho dù đó là xuất bản một ấn phẩm, tổ chức một cuộc tọa đàm, một hội thảo, hay lớn hơn , phát động một phong trào bảo vệ môi trường. Chính là thông qua các hoạt động của Hội, chúng tôi đã nhận thức được sâu sắc và toàn diện hơn về vai trò của cộng đồng.

Về lý luận cũng như trên thực tế, trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, vai trò của cộng đồng đã ngày càng được chú trọng và cộng đồng cũng đã thể hiện được giá trị của mình. Tuy nhiên, trước tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, đa dạng sinh học xuống cấp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, không thể không nhìn lại xem chúng ta đã thực sự huy động được sức mạnh cộng đồng vào công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học hay chưa. Tổng kết có tính nguyên tắc của Hội chúng tôi cho thấy, nếu Không huy động được sức mạnh cộng đồng tham gia, sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học của chúng ta không thể thành công.

Bàn về công chuyện này hôm nay, phải rất hoan nghênh việc các cơ quan quản lý đa dạng sinh học Nhà nước đã và đang phối hợp với VACNE tổ chức thường niên Tọa đàm bàn tròn về đa dạng sinh học nhân Ngày Quốc tế ĐDSH 22 tháng 5.

 

Ảnh 1: Hội thảo Cộng đồng Bảo vệ môi trườngcủa VACNE tại Đà Nẵng

 

II. SỨC MẠNH CỘNG ĐỒNG

1. Cộng đồng đã sáng tạo hàng loạt mô hình tiên tiến bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học

Những năm gần đây, nghiên cứu về các loại mô hình cộng đồng BVMT, bảo tồn ĐDSH, VACNE đã liên tục phát hiện sự đa dạng về vùng miền, phong phú về quy mô,khả thi về phương thức tổ chức, khá bền vững và đặc biệt là hiệu quả cao về kinh tế - xã hội  và văn hóa của các loại mô hình này. Các hội nghị điển hình tiên tiến hàng năm, các hình thức vinh danh  các tổ chức, cá nhân xuất sắc do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…thực hiện cũng đã thường xuyên biểu dương, công nhận nhiều mô hình cộng đồng tiêu biểu.Bảng dưới đây cho thấy một số loại mô hình phát huy được  vai trò cộng đồng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, vừa bảo vệ môi trường, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế người dân bằng chính những tài nguyên mà họ đang quản lý. Bảng này chưa thể tổng kết hết những mô hình đang hoạt động, cũng chưa đi sâu vào lý giải từng loại mô hình, mà chỉ muốn nói lên sự phong phú, đa dạng của các loại mô hình tiên tiến trong đó vai trò cộng đồng là quan trọng.Đặc biệt, hầu hết các mô hình này đều ít nhiều liên quan đến bảo tồn ĐDSH. Đó chính là biểu hiện của sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn.

 

 

Bảng1 . Một số loại mô hình cộng đồng BVMT và bảo tồn ĐDSH

Số TT

Loại Mô hình

Địa bàn hoat động

1

Làng sinh thái                                        

Nhiều nơi

2

Tổ, đội tự quản vệ sinh môi trường         

Nhiều nơi

3

Hương ước, quy chế BVMT                     

Nhiều nơi

4

Các mô hình PTBV lưu vực sông            

Các lưu vực vừa và lớn

5

Quản lý tổng hợp vùng bờ

Các vùng ven biển

6

Áp dụng sản xuất sạch hơn       

Một số doang nghiệp CN

7

Doanh nghiệp đạt ISO 14.000          

Một số doanh nghiệp CN

8

Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng   

Nhiều nơi

9

Cộng đồng PTBV thích ứng BDKH ven biển                                                         

Dải ven biển

10

Sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rùa biển  

Duyên hải miền Trung

11

Sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rạn san hô    

Duyên hải

12

Trồng rừng ngập mặn ven biển                    

Duyên hải

13

Cộng đồng thích ứng nước biển dâng      

Quảng Ngãi, Bình Định,…

14

Mô hình du lịch đồng quê BVMT              

Nhiều nơi

15

Dịch vụ tắm lá thuốc góp phần bảo đảm sinh kế cộng đồng dân tộc ít người (Dao, Tày,…)                              

Miền núi, Trung du

16

Bảo đảm an ninh khí hậu               

Miền Tây sông Hậu

17

Mô hình ( đặc biệt ) bảo tồn Cây Di sản VN      

Nhiều nơi

18

Thành phố Bền vững          

Đà Nẵng và 1 số thành phố khác

Nguồn: Văn phòng VACNE tổng hợp

 

2. Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, mô hình cộng đồng bảo tồn ĐDSH tiêu biểu

Chúng tôi xin nói về một hoạt động cộng đồng tiêu biểu do Hội chúng tôi phát động và tổ chức thực hiện 6 năm trở lại đây, đó là Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Nhiều bài báo, chương trình phát thanh, truyền hình và cả phim ảnh đã gọi Sự kiện này là nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Cây Di sản và còn hơn thế nữa, đó chính là một trong những nội hàm của nền văn hóa môi trường tiên tiến mà chúng ta cần hướng tới. Hơn 2 nghìn cổ thụ thuộc 90 loài cây đã được công nhận tại 50 tỉnh và thành phố với nhiều “kỷ lục” về tuổi, về chiều cao, về đường kính thân cây, về vẻ đẹp cùng những huyền thoại, truyền thuyết về văn hóa, về lịch sử, về dân tộc, về tôn giáo… Tất cả chẳng những đã gợi mở cho chúng tôi những hướng mới trong điều tra nghiên cứu, củng cố thêm cho chúng tôi niềm tin vào cộng đồng và đặc biệt, đặt ra cho chúng tôi trách nhiệm làm sao để phát huy tốt hơn nữa sức mạnh tiềm tàng của cộng đồng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường,bảo đảm an ninh khí hậu và ở đay là bảo tồn ĐDSH.Trang Web vacne.org.vn gần đây nhất nói về việc vinh danh Cây Di sản ở Tây Giang có thể cho ta thấy việc phát huy sức mạnh cộng đồng trong lồng ghép đa dạng sinh học với các vấn đề kinh tế xã hội.

 

Ảnh 2: Lễ vinh danh Cây Di sản Việt Nam tại Đắk Lắk năm 2014

 

Khung: Tôn vinh Cây Di sản là tôn vinh giá trị cuộc sống của chúng ta

 ( VACNE ) - Đó là thông điệp đã được khắc họa trên các băng giôn treo khắp huyện Tây Giang trong dịp vinh danh 725 cây pơ mu và 2 cây đa là Cây Di sản Việt Nam diễn ra vừa qua.

Trước sự chứng kiến của ông Lê Chí Thanh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Sơn Hải Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc cùng rất đông đảo người dự, ông Bh’ling Mia, Chủ tịch UBND huyện giơ cao Bằng công nhận Cây Di sản do Chủ tịch VACNE và Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam trao trên lễ đài rực rỡ pháo sáng.

Trong bài phát biểu của mình, ông PCT tỉnh Quảng Nam đánh giá việc quần thể pơ mu được VACNE công nhận Cây Di sản Việt Nam không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của riêng huyện Tây Giang, mà còn là của cả tỉnh Quảng Nam.Ông cũng yêu cầu lãnh đạo huyện và bà con bản làng phải bảo vệ thật tốt những cây quý hiếm này, đồng thời cố gắng để  Rừng Cây Di sản có những đóng góp thiết thực vào việc nâng cao đời sống cộng đồng còn đang rất khó khăn hiện nay.

Nét đặc trưng của Lễ vinh danh lần này là lồng ghép, là 3 trong 1, rất gần với thông điệp Ngày Đa dạng sinh học Thế giới năm nay:” Lồng ghép Đa dạng sinh học: Ổn định cuộc sống và sinh kế cộng đồng”. Cùng với việc vinh danh Cây Di sản của VACNE, huyện Tây Giang với hơn 90% dân số là người Cơ Tu còn đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với điệu múa Tăng tung Da da, nghề thổ cẩm và điệu nói lý – hát lý, cũng như Bằng Bảo trợ  của Liên hiệp các tổ chức UNESCO của Việt Nam đối với Giá trị văn hóa của làng Cơ Tu.

Phát biểu khai mạc Lễ vinh danh, ông Bh’riu Liêc, Bí thư huyện ủy đã nói lên nguyện vọng và quyết tâm của Tây Giang là “…lấy văn hóa phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đoàn kết dân tộc,lấy văn hóa phát triển văn hóa, thu hút đầu tư và du lịch…”, khai thác một cách bền vững, hiệu quả thế mạnh của Tây Giang về rừng, về cảnh quan, về văn hóa truyền thống độc đáo và đầy bản sắc.

Chia vui cùng Tây Giang còn có đại diện nhiều huyện trong tỉnh Quảng Nam, đặc biệt có cả huyện Tà Lùng tỉnh Sekong bên nước bạn Lào. Không khí trang trọng, tin tưởng kéo dài tới khuya, tiếp thêm sinh khí mới cho Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, một biểu hiện sinh động của văn hóa môi trường tiên tiến.

Ảnh 3: Nhà bia Cây Di sản Việt Nam tại “Vương quốc Pơ mu” Tây Giang, tháng 5/2016

 

3. Những mô hình cộng đồng bảo tồn ĐDSH thành công với sự hỗ trợ quốc tế (kết quả các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường Thế giới (GEF SGP) ở Việt Nam

Các dự án GEF SGP ở Việt Nam được triển khai từ năm 1999, tính đến hết tháng 12/2015 đã có 150 được thực hiện trên địa bàn 104 xã thuộc 40 tỉnh trên cả nước.Đây là các dự án nhỏ dành cho các tổ chức cộng đồng và các tổ chức NGO địa phương.Lĩnh vực bảo tồn ĐDSH được ưu tiên đặc biệt, nên chiêm tới trên 50% tổng số dự án được triển khai.

Dù nhỏ về quy mô, nhingw các dự án bảo tồn này đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì và ổn định các hệ sinh thái, các cảnh quan thiên nhiên cũng như việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH,tạo động lực để cộng đòng baot tồn ĐDSH tốt hơn, hiệu quả hơn.

Tác động quan trọng của các dự án loại này đã được thừa nhận, cũng klaf sự thừa nhận vai trò cộng đồng trong bảo tồn một khi đã được tổ chức , được hỗ trợ. Nói đến kết quả các dự án GEF SGP ở Việt Nam, người ta thường nhắc tới việc bảo vệ thành công hệ sinh thái núi đá vôi Thài Phìn Tùng ở Hà Giang, hệ sinh thái vùng dừa nước Cẩm Thanh ở Hội An, hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải ở Quảng Nam.

Việc bảo tồn và phát triển thành công một số nguồn gen cũng là những kết quả khả quan của các dự án nhỏ loại này. Giống bò vàng Hà Giang, loài cua đá Cù lao Chàm, giống cây nhuộm màu Mường Khương Lào Cai,cây thuốc Nam của người Chăm Ninh Thuận,… thường được nhắc tới như là những minh chứng cho thành công thuộc lĩnh vực này. Và quan trọng là, đến nay, các mô hình bảo tồn này của cộng đồng vẫn đang phát huy tác dụng cho dù dự án đã kết thúc.

 

III. KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG TRONG BẢO TỒN ĐDSH

Theo một Sáng kiến của cộng đồng đang được thử nghiệm rộng rãi trên thế giới mà nước ta được chọn là một điển hình, VACNE những năm gần đây đã sử dụng khá nhuần nhuyễn công cụ TAI, viết tắt của cụm từ tiềng Anh và được dịch cho dễ hiểu là Sáng kiến tiếp cận quyền môi trường. Theo đó, để cộng đồng có thể phát huy năng lực của mình trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường , cần thiết phải thực hiện đầy đủ, đồng bộ 4 lĩnh vực sau:

-         Bảo đảm thông tin: cộng đồng cần được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến tài nguyên và môi trường của cả nước, của các ngành, các địa phương, của các quy hoạch, kế hoạch, các dự án,…

-         Bảo đảm sự tham gia: người dân được tham gia trên thực tế và bằng các hình thức thích hợp vào mọi hoạt động liên quan đến hoạch định chính sách, ban hành pháp luật, xây dựng quy hoạch, dự án,…liên quan đến tài nguyên và môi trường.

-         Bình đẳng luật pháp:trước pháp luật về tài nguyên và môi trường, mọi công dân đều bình đẳng. Đây là điều khó nhất trong tổ chức thực hiện trên thực tế ở tất cả các nước, nhưng lại đang là vấn đề mấu chốt để có thể quản lý tốt tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với BDKH dựa vào cộng đồng.

-         Tăng cường năng lực: cộng đồng phải thật sự được tăng cường năng lực để đảm đương trọng trách. Có tiềm năng, có số đông, nhưng năng lực kém, tổ chức tồi thì khó có thể có được sức mạnh cần thiết.

Ảnh 4: Hội thảo Quyền tiếp cận Môi trường TAI

Theo cách tiếp cận này, tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV vừa qua, chúng tôi đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến  việc huy động sức mạnh cộng đồng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đối với lĩnh vực bảo tồn Đ DSH đang thảo luận, xin được nêu lên những kiến nghị sau:

1.      Cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia về phát huy vai trò cộng đồng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Chúng ta có không ít các chiến lược khác nhau, nhưng chiến lược cộng đồng như vừa nói, không hiểu vì sao cho tới nay lại không có.

2.      Phải bảo đảm để vai trò cộng đồng được thể hiện trên thực tế ở mọi cấp độ. Nghị quyết số 24 năm 2013của Trung ương cũng như trong nhiều chiến lược đều có những điều khoản khẳng định một cách đầy đủ - rõ ràng - mạch lạc vai trò của các “Đoàn thể Chính trị - Xã hội – Nghề nghiệp và cộng đồng dân cư”. Nhưng các quy định này xuống đến ngành,địa phương (thể hiện trong Kế hoạch hành động của nhiều cấp) thường được thể hiện nhẹ đi nhiều, thậm chí đến các công đoạn thực hiện thì hầu như rất khó thấy.

3.      Cộng đồng cần được tăng cường năng lực, tối thiểu là về những nội dung sau: (a) Năng  lực hiểu biếtTrí lực (b) Năng lực tổ chức cho thành viên tham gia một cách thực sự và chủ động vào các hoạt động bảotồn; (c) Năng lực sáng tạo các mô hình cộng đồng bảo tồn và,(d) Năng lực Giám sát xã hội đối với các hoạt động bảo tồn nói chung.

4.      Ủng hộ một cách thực tế các sáng kiến của cộng đồng trong việc thành lập các mạng lưới hướng tới việc chủ động liên kết trong và ngoài nước để bảo tồn ĐDSH.

5.      Cần duy trì thường xuyên và hoàn thiện, phát huy sáng kiến tổ chức Tọa đàm dạng như đã được Cục Bảo tồn ĐDSH của Bộ TN&MT, Vụ Bảo tồn của Bộ NN&PTNT và VACNE tổ chức 2 năm nay nhân Ngày ĐDSH Thế giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1.      Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh (2015). Vai trò cộng đồng trong ứng phó biến đổi khí hậu – nghiên cứu trường hợp khu miền Tây sông Hậu. Tạp chí Tuyên Giáo, Ban Tuyên Giáo Trung ương, số 8/2015.

2.      Hội BVTN&MT VN (2004) Việt Nam – Môi trường và Cuộc sống. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội

3.      Hội BVTN&MT VN (2006). Nghiên cứu tổng kết một số mô hình phát triển bền vững ở Việt Nam. Dự án Agenda 21 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xuất bản.

4.      Hội BVTN&MT VN  (2007). Cộng đồng với môi trường – Kết quả thử nghiệm phương pháp tiếp cận môi trường của cộng đồng tại Việt Nam.

5.      Hội BVTN&MT VN (2009) Bảo vệ môi trường và Phát triển bền vững. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội

6.      Hội BVTN&MT VN (2012). Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn. NXB Tài nguyên, Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội

7.      Nguyễn Ngọc Sinh (2015). Thay đổi cung cách ứng xử với thiên nhiên, xây dựng  văn hóa môi trường tiên tiến hướng tới phát triển bền vững đất nước. Tạp chí Môi trường, số 2 /2015

8.      Nguyễn Ngọc Sinh (2014). Nhanh chóng xây dựng chiến lược huy động cộng đồng BVMT và PTBV đất nước. Tạp chí Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, số 3/2014.

9.      Nguyễn Ngọc Sinh và Nguyễn Đình Hòe (2015) Nâng cao vai trò cộng đồng trong BVMT và PTBV đất nước. Kỷ yếu Hội nghị Môi trường toàn quốc lần IV, tháng 9/2015.

 

Lượt xem: 2714

Các tin khác

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức seminar khoa học về ứng phó sự cố tràn dầu

(22/04/2024 02:51:PM)

Tập huấn tác động của thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp và môi trường

(22/04/2024 01:16:PM)

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 3/2024

(10/04/2024 07:46:PM)

Bốn đơn vị được Hội BVTN&MT Việt Nam tặng Bằng khen “ Vì Môi trường Xanh quốc gia năm 2024”

(10/04/2024 05:50:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE