quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Luangprabăng – Cố đô đất nước Hoa Chămpa

Thứ Hai, 06/12/2010 | 08:19:00 AM

(Vfej.vn)-Thật là sai lầm khi đã ở giữa cái tuổi 60 – 70, khi đã lang bạt kỳ hồ tứ xứ tôi mới vượt 1200 km đường ô tô từ Hà Nội qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh, ngược lên Viên Chăn thăm Luangprabăng (Lào). Người châu Âu quả là tinh đời khi lũ lượt kéo về thăm thành phố di sản văn hóa thế giới bên bờ sông Mê Công chỉ có 5000 dân này.

 

Đi đâu cũng gặp họ, da trắng hồng, từng người, từng đôi, từng nhóm, từng đoàn lang thang, len lỏi khắp nơi ngắm nghía, tìm tòi, khám phá.

 

 

Sông Mê Công phát nguyên từ mãi những ngọn núi chót vót miền Tây Tạng (Trung Quốc) trên đường tìm ra biển Đông, làm thành một phần biên giới thiên nhiên giữa Lào và Mianma, giữa Lào và Thái Lan, qua Campuchia đổ vào Việt Nam tỏa thành bảy chi lưu mà ta cứ gọi mãi là Cửu Long.

 

Cung điện hoàng gia cũ tại Luôngprabăng, hiện nay là bảo tàng (ảnh internet)

 

 

 

Tôi mới chỉ được xem đứt quãng mấy tập trong 68 tập bộ phim truyền hình của đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, mang tên Mê Công ký sự. Nhờ ý tưởng độc đáo, chuyến đi kỳ công của đoàn làm phim mà ta được chiêm ngưỡng những cảnh kỳ vĩ của con sông lớn nhất Đông Nam Á này và đời sống con người hai bên bờ là mảng sống động, phong phú và kỳ thú nhất, tăng thêm sức hấp dẫn của nó.

 

 

Những ai sống ở châu thổ sông Hồng và sông Thái Bình đều dễ dàng phân biệt sự khác nhau giữa đời sống của dân cư trong đê và ngoài đê. Lớp đất đầu tiên của những con đê này được luyện bằng mồ hôi của ông cha ta từ thời nhà Lý, lớp đất trên cũng được nhào nặn bằng mồ hôi những công dân thời đại Hồ Chí Minh, để trị tính đỏng đảnh của dòng sông lúc thì nhu mì đáng yêu như dải lụa đào, khi thì lồng lên như ngựa vía.

 

 

Đoạn sông Mê Công của Lào, của Luangprabăng, của Viên Chăn chảy giữa những dãy núi, hoặc cao nguyên, đất cứng và ổn định, độ dốc cao hơn hẳn miền hạ lưu, nên dù có lũ cũng thoát rất nhanh, không có cảnh tràn bờ ngập lụt, vì thế không cần đê che chắn.

 

 

Đường quốc lộ 13 uốn lượn theo sông, chỉ cách mép sông một quãng bằng vỉa hè rộng. Ngôi chùa Xaythoong bề thế với ba tầng mái, từ trên sườn núi qua cả trăm bậc đổ thẳng xuống con đường ven sông, lại qua cả trăm bậc nữa đổ thẳng xuống mặt sông. Những con thuyền gỗ gắn máy dài thườn thượt như thuyền độc mộc chỉ hai hàng ghế ngồi, có mui che nắng kiên nhẫn chờ khách du lịch sang ngang hay đi dọc sông thăm thác Tặc Xê.

 

 

Tôi ngồi uống nước xoài, ăn lẩu, trên bàn ăn kê ra tận mép sông. Nước Mê Công mùa mưa cũng đỏ phù sa như sông Hồng, cảm giác thơ mộng và thú vị khác hẳn ngồi trên ban công nhà năm tầng nhìn xuống dòng người trôi dưới đường, dù chiều cao cũng tương tự.

 

 

Vậy mà trên đầu tôi vẫn là tán lá xanh của những cây cổ thụ, như nằm võng dưới tán rừng đại ngàn. Cây cổ thụ mọc từ chân bờ dựng đứng dưới kia, từ lưng chừng bờ, từ mép bờ lả ngọn ra sông, xòa che kín vỉa hè thênh thang, ban ngày cho ta thả bộ, buổi tối cho ta ngồi ăn uống thế này. Bao đời nay, sông vẫn cứ thân thiện, gần gũi, chia sẻ, như một phần cuộc sống con người như thế.

 

 

Luangprabăng là thành phố ngã ba sông, nơi sông Nậm Khan giao duyên với sông Mê Công. Di sản văn hóa thế giới này có nhiều điều thú vị. Không một nhà máy công nghiệp. Không một biển cấm xe. Không đèn đỏ. Không một tiếng còi ô tô, xe máy, cả đêm lẫn ngày.

 

 

Mà không chỉ đây, cả Viên Chăn, cả nước Lào đều không dùng còi xe. Lưu lượng xe còn thưa thớt, hệ thống đường sá lại tốt. Nhiều con đường do chính các đơn vị Việt Nam trúng thầu quốc tế thi công. Người dân kể cả dân tộc thiểu số vùng cao (Lào có tới 68 dân tộc thiểu số), lại rất có ý thức khi đi đường.

 

 

Đi từ biên giới phía nam, qua thủ đô, ngược lên Luangprabăng, lên bản Xiêng đa của người Lào Lùm, bản Nậm Kha của người Khơ Mú hơn 900 km, xe không phải phanh gấp lần nào.

 

 

Ở những chặng đường rừng hay cao nguyên, vẫn phóng trên dưới 100 km/h. Dù không phải là đường cao tốc, dù bên đường biển báo giao thông chỉ cho phép đi 70 km/h. Ở nhiều ngày, đi lang thang thăm thành phố, chả gặp người cảnh sát giao thông nào. Nếu so sánh tỉ lệ thì lượng xe máy và ô tô cũng xấp xỉ.

 

 

Dân thành phố, kể cả ở những xóm nhỏ bên đường quốc lộ, nhiều nhà sắm xe ô tô. Giá rẻ không ngờ. Bởi Lào không lắp ráp ô tô trong nước, chỉ nhập thôi nên không lo phải bảo hộ cho hàng sản xuất trong nước.

 

 

Ở Luangprabăng phổ biến là xe bán tải, nội thất cũng sang trọng và sức chứa cũng như một xe con, nhưng có thùng xe tha hồ chở hàng, chở người đầy cũng chả sao và tha hồ để ngoài trời, vỉa hè… qua đêm, không sợ trộm cắp…

 

 

Cố đô này là một cao nguyên giữa bốn bề núi non, thừa rộng cho thành phố du lịch, dù dân số có tăng gấp nhiều lần hiện nay. Dù tăng thế nào thì quá khứ cũng như hiện tại không một tòa nhà nào được cao quá hai tầng.

 

 

Nếu muốn cao hơn hai tầng, xin mời chui xuống đất. Cục Di sản Văn hóa Lào (có người Pháp làm cố vấn) không chỉ quản lí các di sản văn hóa (chùa di sản, nhà di sản, cây di sản, hồ di sản, sông di sản…) mà còn quản lí cả… không gian di sản văn hóa.

 

 

Toàn tỉnh với diện tích 20.026 km2, trong đó rừng là 1946200 ha, đồng cỏ 97000 ha, ruộng 13.000 ha mà diện tích đường giao thông chiếm tới 699.771 ha, trong khi dân số chỉ có 433222 người, tức là 22 người/ km2, với mức tăng dân số 1,7%/ năm. Như thế Lào vẫn là một nước đất rộng người thưa, tốc độ đô thị hóa chưa nóng lên như bên ta, con người chưa bị cái chật chội, náo nhiệt hành hạ.

 

 

Khách du lịch nước ngoài đến cố đô này, không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan nên thơ, chùa chiền cổ kính mà điều hấp dẫn hơn cả là những giá trị văn hóa phi vật thể vẫn còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn. Luangprabăng giáp với Lai Châu ta, vốn là tỉnh kết nghĩa với tỉnh Hà Sơn Bình (cũ).

 

 

Nếu lập được tuyến du lịch Hà Nội – Điện Biên – Luangprabăng, để rồi từ Luangprabăng đi tiếp Băng Cốc thì thật tuyệt. Hôm trước tôi có gặp hai cán bộ sở Du lịch Thương mại Lai Châu sang đây đặt vấn đề liên kết du lịch là thế.

 

 

Đến Luangprabăng khách không thể không thăm bảo tàng Nhà Vua. Khách nước ngoài thì không bắt buộc, nhưng phụ nữ Lào dứt khoát phải mặc váy dân tộc mới được vào. Hai hàng cây thốt nốt cổ thụ lừng lững vút lên trời cao, như hai hàng vệ binh đứng gác trước hoàng cung.

 

 

Có nhiều hiện vật quý giá của một thời quân chủ vàng son, nhưng thế nào khách cũng phải trầm trồ trước bức chân dung nạm ngọc vị vua đầu tiên nền quân chủ và bức tượng Phật bằng vàng đúc. Bức tường này do Srilanca tặng Campuchia, Campuchia tặng lại Lào. Đức Phật giơ hai bàn tay xòe ra, như muốn ngăn chúng sinh hãy dừng mọi dục vọng lại, bởi đấy là nguyên do mọi tội lỗi.

 

 

Đối diện với bảo tàng nhà vua là một ngọn núi đất, trên đó tọa lạc một ngôi chùa tuyệt đẹp. Đứng đấy được phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thành phố cổ kính thơ mộng này. Dưới chân núi, các cụ già mời khách mua những chú chim nhốt trong lồng nhỏ xíu để phóng sinh lấy may.

 

 

Chỉ leo lên mười bậc, không gian đã ướp đầy hương thơm hoa nhà Phật – hoa đại – hoa Chăm pa, quốc hoa của Lào. Nhà chùa nào cũng phải có cây đại. Chùa Hoa Yên – Yên Tử (Quảng Ninh) có những gốc đại cổ thụ trên 500 tuổi, được trồng từ thời nhà Trần.

 

 

“Ngày xưa”, khi sang thăm xứ sở đạo Phật - Ấn Độ, Bác Hồ cũng mang từ Hà Nội đi một cây đại trồng trước một Thánh Gióng đi, làm người Ấn Độ hết sức xúc động (Họ so sánh với việc, trước đó Ngô Đình Diệm cũng thăm Ấn Độ, đã mua một vòng hoa chợ đến viếng).

 

 

Chùa và nhà sư có một vị trí đặc biệt trong đời sống người Lào. Từ lúc sinh ra đến lúc chết và quãng giữa với tất cả mọi biến cố quan trọng trong cuộc sống con người đều có mặt nhà sư, kể cả cúng mồng một và mười lăm (phật lịch chỉ có 15 ngày), cúng giỗ ông bà cha mẹ đều mang lên chùa.

 

 

Người Lào không có ban thờ gia tiên như người Việt. Chùa là nơi lưu giữ mọi dấu ấn đời sống cộng đồng. Ngay cả linh xa cao lênh khênh làm bằng gỗ quý chỉ để chở linh cữu nhà vua đi trên đường phố cho thần dân được chiêm ngưỡng trước khi đi hỏa táng cũng được cất giữ trong chùa.

 

 

Là đất nước của rừng núi nên gỗ đóng một vai trò rất độc đáo trong đời sống. Ở ta, trống được treo ở đình làng. Lào không có đình làng nên trống được treo ở chùa cùng với chuông. Cả trống và chuông đều làm bằng gỗ, (cũng có chuông đồng nhưng phổ biến là chuông gỗ).

 

 

Vì trống và chuông đều làm bằng một khúc gỗ to, rỗng ruột, cũng như thuyền, nghĩa là đều độc mộc, chứ trống không phải làm từ nhiều thanh gỗ cưa xẻ cong cong ghép lại nên không thể nào có những chiếc trống to như trống đại, trống sấm bên ta được.

 

 

Luangprabăng có hẳn một bảo tàng thuyền độc mộc lưu giữ những chiếc thuyền vô địch các cuộc đua thuyền hằng năm trên sông Mê Công dịp tết. Một lần dạo quanh thành phố xinh xắn này, ngang qua một khu nhà rất đẹp, thật ấn tượng khi thấy toàn bộ hàng rào rất dài trang trí bằng những chiếc bánh xe bò gỗ không bao giờ còn thấy lăn bánh trên đường.

 

 

Lào không có biển nên việc khai thác vận chuyển gỗ rất cách rách. Có lẽ vì thế một phần mà những khu rừng gỗ tứ thiết, gỗ thông nổi tiếng còn nhiều, và không bị nạn lâm tặc như ở bên ta. Anh Sổm Lít, trợ lí giám đốc Sở Nông lâm nghiệp tỉnh, cười cười lâm tặc bên ấy mò sang cả rừng Lào trộm gỗ rồi. Mà cái cách ăn trộm của chúng mới tai quái chứ. Trông xa, thậm chí đến gần vẫn thấy rừng xanh tốt, cây nào cây ấy vẫn lừng lững uy nghi giữa rừng già.

 

 

Đến tận nơi, đi vòng quanh gốc mới ngã ngửa người. Kẻ trộm đã ngoạm một miếng ngon nhất, những cây to nhất. Chúng cắt ngang thân cây bằng hai đường cưa vừa bằng đường kính cách nhau 2m. Đoạn, cắt thêm một đường nữa gần đường cưa phía trên, đục ra, vừa đủ để lùa lưỡi cưa xẻ vào, rồi cứ thế xẻ dọc thân cây thành từng tấm. Cây vẫn không đổ, vẫn sống.

 

 

Vậy là việc kiểm lâm ta chống lâm tặc không chỉ bảo vệ rừng ta, mà còn vì rừng bạn. Dù chẳng phải chịu trách nhiệm gì về bọn trộm gỗ ấy, tôi cũng thấy ngượng. Cũng may mà lí do anh tiếp chuyện tôi lại vượt lên trên “chuyện nhỏ nhặt” ấy.

 

 

Tôi là khách mời của Trung tâm Nghiên cứu sinh thái Nhân văn vùng cao thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam. Trung tâm này được mời thực hiện một dự án trong chương trình viện trợ không hoàn lại của ta cho bạn ở ba bản đại diện cho ba bộ tộc Lào Lùm, Lào Thưng và Lào Sủng (đều ở Luangprabăng).

 

 

Trong dự án ấy có việc giao đất, giao rừng cho dân. Tất cả đều thành công ngoài sự mong đợi của bạn. Do vậy dân bản Xiêng đa quyết định giữ tôi và đoàn (trong đó có Sổm lít) ở lại, tối hôm ấy làm lễ buộc chỉ cổ tay cho đoàn, để thể hiện sự quý trọng đặc biệt. 52 sợi chỉ buộc cổ tay tôi đêm ấy vẫn được cất giữ như một kỉ niệm đẹp nhất của tôi về con người và đất nước “vừa là đồng chí, vừa là anh em” này.

 

 

Nguyễn Bắc Sơn

(VFEJ, 5/12/2010)

Lượt xem: 3376

Các tin khác

QUYẾT BẢO VỆ

(20/04/2024 11:18:PM)

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

CÂY KƠ NIA TRÊN ĐẤT TỔ

(30/03/2024 10:36:PM)

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE