quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Mai vô thường

Chủ Nhật, 24/04/2011 | 08:42:00 PM

Ngắm mai vàng Yên Tử lại nhớ đến bài Thiền thi “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư đời Lý Nhân Tông. Hoa mai mà không phải hoa mai, đó là lẽ trời đất phải thay đổi để không thay đổi vậy.

 
 
Dr. Cà Xáy -  VACNE


1.Đại sư Mãn Giác (滿覺 1052-1096) tên tục là Nguyễn Trường, thông cả Nho, Phật, nhưng chú tâm vào Thiền học. Khi lên ngôi, vua Lý Nhân Tông ban cho Nguyễn Trường hiệu Hoài Tín. Sau đó, Hoài Tín dâng biểu xin xuất gia. Vua Lý Nhân Tông hết sức kính nể nên dựng chùa Giáo Nguyên thỉnh Thiền sư làm trụ trì.


 
Năm 1096, cuối tháng 11, Thiền sư gọi đệ tử đến nghe bài kệ, sau này được biết dưới tên “Cáo tật thị chúng”, rồi hóa, lúc đó mới 45 tuổi. Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) là một bài Thiền thi nổi tiếng thời Lý, một tuyên ngôn triết học ẩn dưới hình thức nghệ thuật. Bài thơ mượn cảnh để nói lên một nguyên lí Thiền học quan trọng nhất có tên là nguyên lí vô thường : thực tại thay đổi liên tục, chỉ có thay đổi liên tục mới là không thay đổi.
春去百花落
春到百花開
事逐眼前過
老從頭上來
莫謂春殘花落盡
庭前昨夜一枝梅
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
 
Có bệnh bảo mọi người
(Thích Thanh Từ dịch)
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.
 
 2. Mai vô thường
Mãn Giác Thiền sư không nói rõ hoa mai trong bài thơ của mình là mai trắng (hạnh mai – họ Mận mơ) vốn có nguồn gốc Trung Quốc, hay mai vàng (họ Hoa hồng) vốn có nguồn gốc phương nam. Thực ra điều đó cũng không quan trọng vì bài thơ chỉ mượn hoa mai để nói lên điều Thiền sư muốn nói với đệ tử.
Tháng tư về thăm Yên Tử, các cụm đại lão mai vàng trên 700 năm tuổi bắt đầu đơm hoa. Khác với mai vàng gốc phương nam có lá non màu phớt đỏ, lá non của mai vàng Yên Tử có màu xanh tơ. Lá non màu đỏ là do chất diệp lục chưa phát triển để tránh cho lá khỏi phải hoạt động quang hợp quá sớm trong bối cảnh thời tiết đầu năm đầy nắng gió miền nam. Yên Tử mùa xuân vẫn lạnh, mưa, đầy mây mù. Lá non vì vậy màu xanh để có thể quang hợp nuôi cây và hoa. Nhà khó thì trẻ con cũng phải kiếm sống vậy.
Vì lẽ đó mai vàng Yên Tử không còn giống y hệt mai vàng phương nam. Thay đổi để tồn tại - đó chẳng phải là nguyên lí vô thường trong bài thơ về hoa mai của Mãn Giác Thiền sư gần ngàn năm trước ?
Vấn đề chỉ là thay đổi cái gì và thay đổi như thế nào. Hơn 700 năm đã qua, mai vàng Yên Tử năm nay vẫn đẹp đến nao lòng !
 
 
 

Lượt xem: 2085

Các tin khác

Hai mươi nghìn

(17/10/2024 04:40:PM)

Doanh nhân là Chiến sỹ

(13/10/2024 11:07:AM)

Cội nguồn tiếng Việt

(03/10/2024 08:56:AM)

Thì đã sao

(28/09/2024 02:18:PM)

Ưu tiên xe ?

(23/09/2024 09:17:AM)

Sợ gì

(19/09/2024 01:16:PM)

Lòng thành VACNE

(16/09/2024 09:21:AM)

Hoãn Lễ

(14/09/2024 06:08:AM)

Tình Thầy nghĩa Bạn

(13/09/2024 07:15:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE