quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường qua “vụ việc Vedan”

Thứ Năm, 23/09/2010 | 02:18:00 PM

Bài viết đề cập đến một số vấn đề pháp lý có liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường và trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp này, có liên hệ với “vụ việc Vedan”.

 
Ts. Nguyễn Văn Phương
UV BCH TW Hội BVTNMT Việt Nam
Đại học Luật Hà Nội
 
         
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng “tràn ngập” các bài viết, bình luận dưới những giác độ khác nhau về sự kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường giữa những người nông dân tại ba tỉnh thành phố (Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh) và công ty TNHH Vedan. Xét cả về tình và về lý thì công ty Vedan phải có trách nhiệm với những thiệt hại do mình gây ra và người dân phải được bồi thường những thiệt hại mà mình gánh chịu. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác nhau về cách thức nhìn nhận và giải quyết vấn đề này.
Bài viết này đề cập đến một số vấn đề pháp lý có liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường và trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp này, có liên hệ với “vụ việc Vedan”.


1. Chủ thể có quyền đòi bồi thường, chủ thể phải bồi thường và vấn đề đại diện
Về bản chất, tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường là tranh chấp ngoài hợp đồng, là tranh chấp giữa chủ thể có hành vi gây tổn hại tới môi trường, gây ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của chủ thể khác.
Chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại là chủ thể bị xâm hại lợi ích hợp pháp.
Theo quy định của Điều 130 Luật bảo vệ môi trường 2005, các loại thiệt hại bao gồm: Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp khác. Theo quy định tại Điều 17 Hiến pháp 1992, Điều 200 Bộ luật dân sự 2005, các thành phần môi trường chủ yếu, trong đó có nguồn nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu và chức năng, tính hữu ích của môi trường là một lợi ích công cộng mà người đảm bảo cho lợi ích này cũng là Nhà nước. Như vậy, chủ thể có quyền đòi bồi thường trong trường hợp này là Nhà nước.
Đối với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp thì chủ thể có có quyền đòi bồi thường là tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.
Theo quy định tại các Điều 93, 127 Luật Bảo vệ môi trường 2005, Điều 624 Bộ luật dân sự 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì chủ thể phải bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường khi thỏa mãn các yếu tố sau: i) có hành vi trái pháp luật; ii) có thiệt hại xảy ra và iii) có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp pháp luật. Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự, chủ thể gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp không có lỗi.   
Với việc Vedan bị lập biên bản vi phạm vào ngày 13-9-2008, hành vi trái pháp luật đã được chúng minh. Các thiệt hại về tài sản của người dân và sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của dòng sông Thị vải và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra cũng đã được cơ quan khoa học chứng minh thông qua kết quả giám định của Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh).
Như vậy, trong vụ việc này, chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại là Nhà nước và tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe do công ty TNHH Vedan có hành vi làm ô nhiễm dòng sông Thị vải gây ra.
Đối với quyền đòi bồi thường thiệt hại của Nhà nước, theo quy định tại Điều 56 khoản 2 Bộ luật tố tụng dân sự, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Theo đó, cơ quan được giao quản lý nhà nước về môi trường theo quy định tại Điều 121, 122 Luật bảo vệ môi trường sẽ đại diện cho Nhà nước đòi bồi thường thiệt hại về môi trường
Đối với các hộ gia đình và cá nhân bị thiệt hai, theo quy định tại Điều 107 Bộ luật dân sự 2005, chủ hộ là người đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ (bao gồm cả trường hợp đòi bồi thường thiệt hại). Các chủ thể này có thể ủy quyền cho người khác đại diện thực hiện việc đòi bồi thường theo quy định tại Điều 139, 142, 143, 144, 145, 146, 147 Bộ luật dân sự 2005. Theo đó, chỉ những người được các chủ hộ bị thiệt hại ủy quyền đại diện thực hiện việc đòi bồi thường thiệt hại mới có tư cách pháp lý tham gia vào việc giải quyết tranh chấp và những người được ủy quyền đại diện này phải thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi được ủy quyền đại diện theo hợp đồng giữa các bên.  
Cũng cần thấy rằng, trong các tranh chấp bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường thì chủ thể bị thiệt hại thường có số lượng rất lớn và thường là yếu thế hơn (về tiềm lực tài chính, hiểu biết về khoa học kỹ thuật môi trường, pháp luật...) so với người gây thiệt hại. Do đó, cần có sự hỗ trợ của cơ quan công quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan khoa học. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này không được can thiệp vào quyền tự định đoạt của các bên trong mối quan hệ tranh chấp về bồi thường thiệt hại, có bản chất pháp lý là mối quan hệ dân sự.   
2. Vấn đề xác định thiệt hại
          Điều 130 Luật bảo vệ môi trường đã liệt kê các loại thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 605 Bộ luật dân sự, theo đó, các thiệt hại phải được bồi thường đầy đủ và kịp thời, Bộ luật dân sự cũng quy định việc xác định thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe.. (từ Điều 608 đến Điều 612). Thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được quy định tại Điều 131 Luật bảo vệ môi trường.
          Theo quy định tại Điều 6 khoản 1, Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 132 Luật bảo vệ môi trường, Nghị quyết 04/2005 NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 17/9/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự về chứng minh, chứng cứ thì các bên phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Chứng minh và đưa ra chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tranh chấp. Do đó, các bên đều có quyền đưa ra những mức thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại khác nhau, phụ thuộc vào ý chí và các chứng cứ thu thập được. Một bên có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận mức độ thiệt hại do bên kia đưa ra. Trong trường hợp các bên không thống nhất được thì phải trưng cầu giám định.
Trong trường hợp phải trưng cầu giám định thì việc lựa chọn cơ quan giám định phải được sự đồng thuận của của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường. Trường hợp không thống nhất được thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định.
Theo những quy định này thì việc trưng cầu giám định thiệt hại trong “vụ việc Vedan” cần có sự đồng thuận của bên bị thiệt hại (Cơ quan nhà nước đại diện cho lợi ích về môi trường, các hộ gia đình bị thiệt hại hoặc người đại điện theo ủy quyền của các hộ gia đình bị thiệt hại) và chủ thể gây hại - Công ty Vedan. Trong trường hợp không thống nhất được thì cơ quan trưng cầu giám định thiệt hại là Tòa án nhân dân thụ lý, giải quyết tranh chấp này. Những giám định thiệt hại không tuân thủ quy định này không trở thành chứng cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp nhưng có thể là căn cứ tham khảo khi các bên tự thương lượng.
3. Trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại
          Theo quy định tại Điều 133 Luật bảo vệ môi trường, việc bồi thường thiệt hại về môi trường được thực hiện theo các phương thức: i) Tự thỏa thuận giữa các bên; ii) Yêu cầu trọng tài giải quyết; iii) Khởi kiện tại tòa án. Cho tới thời điểm này, phương thức giải quyết thông qua trọng tài chưa được xác lập.
Do đó, đối với những thiệt hại về tài sản của người dân trong “vụ việc Vedan” chỉ có thể giải quyết thông qua thỏa thuận giữa các bên và trong trường hợp không thỏa thuận được thì khởi kiện tại Tòa án.
Ngày 10/8 Công ty Vedan đã chấp nhận bồi thường cho những người nông dân tại tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh theo mức mà Viện Tài nguyên và Môi trường đưa ra. Theo quy định tại Điều 162 khoản 1 điểm a Bộ Luật tố tụng dân sự thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại (2 năm) kể từ thời điểm bên có nghĩa vụ thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện. Do đó, trong trường hợp công ty Vedan không thực hiện những cam kết mà mình đưa ra thì những người bị thiệt hại vẫn có thể tiếp tục yêu cầu tòa án giải quyết.
Các văn bản mà đại diện của người bị thiệt hại của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh ký kết với Công ty TNHH Vedan ngày 13/8/2010 được nhìn nhận là biên bản thỏa thuận về bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 130 Luật bảo vệ môi trường. Về phía những người bị hại, người ký kết văn bản phải là những người đại diện hợp pháp được người bị hại ủy quyền. Về phía công ty Vedan, người ký kết phải là người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền. Những chủ thể khác tham gia việc ký kết hoặc ký kết vào văn bản thỏa thuận bồi thường thiệt hại có thể được nhìn nhận là người làm chứng.   
Đối với thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, Điều 181 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định không được hòa giải trong trường hợp yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Theo tinh thần của quy định này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không được thỏa thuận về mức bồi thường với công ty Vedan mà phải khởi kiện tại tòa án.  
4. Một vài vấn đề đặt ra trong “vụ việc Vedan”
Ngày 10/8/2010, Vedan đã chấp thuận bồi thường cho nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh với tổng số tiền là 218,3 tỷ đồng như tính toán thiệt hại của Viện Tài nguyên - Môi trường. Những người đại diện cho nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh đã ký thỏa thuận với đại diện của công ty Vedan về số tiền bồi thường, phương thức, thời gian thanh toán tiền bồi thường ... và việc rút đơn khởi kiện. Do chưa thống nhất được mức bồi thường nên việc ký kết giữa Vedan và đại diện của người bị thiệt hại ở tỉnh Đồng nai chưa được thực hiện. Mặc dù vậy, vấn đề bồi thường thiệt hại giữa những người dân và công ty Vedan dường như đã được giải quyết trên thực tế - ít nhất là đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, quá trình giải quyết cũng phát sinh một số vấn đề pháp lý cần được xem xét, bao gồm những vấn đề đã xảy ra và những vấn đề có thể phát sinh. Các vấn đề được phát hiện trong bài viết này chỉ dựa trên những tài liệu, bài viết đã được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải. Do đó, tính chính xác và giá trị pháp lý của các ý kiến này là một vấn đề còn bỏ ngỏ.
4.1. Một số vấn đề đã xảy ra
          Trong quá trình thực hiện giải quyết tranh chấp giữa những người dân bị thiệt hại và công ty Vedan, có một số vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến việc thực hiện trên thực tế hoặc dự định thực hiện trên thực tế. 
Thứ nhất, sự ủng hộ của cơ quan nhà nước về tiền tạm ứng án phí cho người bị hại
Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có dự kiến sẽ ứng tiền án phí cho nông dân kiện Công ty Vedan. Đây là việc làm, xét về tình, là cần thiết và là động lực củng cố cho người dân bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, xét cho cùng, nguồn tài chính của Quỹ bảo vệ môi trường cũng như từ ngân sách của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều là nguồn ngân sách nhà nước. Việc chuyển tiền từ nguồn ngân sách nhà nước này sang một mục khác cũng thuộc ngân sách nhà nước dường như không đạt được mục đích của các quy định về tạm ứng án phí trong Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án 2009. Bên cạnh đó, đây chưa phải là phương án duy nhất để có thể bảo đảm cho người dân thực hiện quyền khởi kiện của mình. Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án 2009 có quy định (Điều 11, Điều 14) về những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc miễn một phần tiền tạm ứng án phí. Như vậy, trước khi cần có sự hỗ trợ tài chính của cơ quan nhà nước, người dân có thể sử dụng những khả năng pháp lý này.
Thứ hai, sự tham gia của cơ quan hành chính nhà nước và Hội nông dân vào quá trình giải quyết tranh chấp
Như đã trình bày ở trên, đối với những tranh chấp bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường, người bị hại là người dân thường có vị thế yếu thế hơn so với người gây hại. Do đó, cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan nghiên cứu. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này phải dựa trên lợi ích của người dân và không thể xâm phạm tới quyền tự định đoạt của các đương sự trong mối quan hệ dân sự.
Sự tham gia của cơ quan quan lý nhà nước cũng như của Hội nông dân không nên và không được can thiệp quá sâu vào quyền định đoạt của các bên tranh chấp. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa những người dân bị thiệt hại với công ty Vedan là tranh chấp dân sự. Các ý kiến, kể cả bằng hình thức văn bản, của cơ quan hành chính nhà nước được nhìn nhận là những gợi ý, những ý kiến của người thứ ba trong quan hệ tranh chấp nhằm tìm ra những phương án giải quyết chứ không phải là những quyết định mang tính chất quyền lực buộc các bên tuân thủ.
Hội nông dân được hiểu là tổ chức đại diện cho lợi ích của người nông dân. Khi lợi ích của người nông dân bị xâm hại thì tổ chức này có trách nhiệm, trong chức năng quyền hạn của mình, giúp hội viên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, diễn biến vụ việc cho thấy, có tình trạng Hội nông dân “chờ đợi ý kiến chỉ đạo” của cơ quan hành chính nhà nước và do đó có thể chưa thực hiện đúng, đủ và hết chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ theo Điều lệ Hội nông dân.
 Thứ ba, kết quả giám định của Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)
 Những con số thiệt hại do Viện Tài nguyên và Môi trường đưa ra là kết quả nghiên cứu sau khi thực hiện nhiệm vụ do Tổng cục Môi trường giao. Như vậy, đây chưa phải là tổ chức giám định theo quy định tại Điều 132 Luật bảo vệ môi trường và do đó chưa phải là chứng cứ pháp lý để xác định thiệt hại. Tuy nhiên, kết quả này có thể trở thành tài liệu tham khảo trong quá trình giải quyết vụ việc. Các bên có thể đưa ra những thiệt hại khác nhau cùng với những chứng cứ chứng minh thiệt hại trong quá trình thương lượng. 
Thứ tư, việc tẩy chay hàng hóa của Vedan
Pháp luật chưa có những quy định cụ thể về việc người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa nhằm phản đối những hành vi vi phạm pháp luật của nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc lựa chọn mua sản phẩm hay không mua sản phẩm là quyền của người tiêu dùng. Do đó, “phong trào” tẩy chay hàng hóa của Vedan của người tiêu dùng trong thời gian qua là hành vi hợp pháp. Qua sự việc này, có thể thấy ảnh hưởng rất quan trọng của thái độ của người dân, người tiêu dùng đối với hành vi ứng xử của nhà sản xuất. Tuy nhiên, nếu pháp luật có quy định và những tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có quyền vận động việc tẩy chay hành hóa của những nhà sản xuất có hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì việc giải quyết những vấn đề môi trường cũng như giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực môi trường có thể sẽ có những thuận lợi hơn, với thời gian ngắn hơn. 
4.2. Một số vấn đề có thể phát sinh trong thời gian tới
          Thứ nhất, vấn đề án phí
          Theo quy định tại Điều 18 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án 2009 và Điều 192 khoản 1 điểm c, tòa án sẽ quyết định đình chỉ vụ án khi người người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung công quỹ nhà nước. Như vậy, trong trường hợp những người bị hại tại tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chính Minh, và sau này có thể cả tỉnh Đồng Nai, rút đơn khởi kiện thì theo những quy định này, số tiền tạm ứng án phí đã nộp sẽ bị sung công quỹ nhà nước. Vậy, số tiền tạm ứng án phí đã nộp trong trường hợp thỏa thuận thành và được thi hành thì có lấy số tiền được bồi thường để chi cho khoản tiền đã nộp tạm ứng án phí không?.
Trong trường hợp những người bị hại này tiếp tục khởi kiện và giả sử thắng kiện thì bên phải bồi thường – công ty Vedan sẽ phải chịu án phí. Nếu tình huống này xảy ra thì việc mất một khoản tiền để nộp tạm ứng án phí có thể được coi là thiệt hại của người bị hại. Trong thỏa thuận giữa đại điện của người bị hại của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh với công ty Vedan không thấy đề cập đến vấn đề này.
          Thứ hai, việc chi trả tiền bồi thường
          Với tổng mức tiền bồi thường theo cam kết của công ty Vedan có thể xảy ra tình huống không đủ để chi cho những thiệt hại mà người dân kê khai và đã được các tổ chức, chính quyền “xem xét, xác nhận”. Trong trường hợp này, theo nguyên tắc tự định đoạt, những người bị thiệt hại, nếu ủy quyền toàn bộ cho người đại diện ký cam kết, thì chỉ được nhận theo tỷ lệ tương ứng với mức bồi thường theo thỏa thuận. Tuy nhiên, trong quá trình phân bổ này có thể xảy ra tranh chấp giữa các chủ thể có liên quan.
          Thứ ba, những trường hợp bị thiệt hại và chưa ủy quyền để thương lượng với công ty Vedan
          Văn bản mà công ty Vedan ký kết với những người đại diện được ủy quyền của 1.255 hộ dân bị thiệt hại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và 839 hộ dân của huyện Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh chỉ có hiệu lực với những hộ dân này. Vấn đề có thể phát sinh khi những hộ dân khác (ngoài những hộ nông dân nêu trên) cũng cho rằng mình cũng bị thiệt hại do hành vi vi phạm của Công ty Vedan. Theo nguyên tắc chung thì những người này vẫn có quyền tiếp tục thỏa thuận với Vedan hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định.
          Thứ tư, vấn đề đòi bồi thường sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường
          Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho tới thời điểm này, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường vẫn chưa có động thái nhằm bảo vệ lợi ích công cộng khi mà lợi ích này đã bị xâm hại rõ ràng và đã được chứng minh về mặt khoa học. Các cơ quan nhà nước cần có những hành vi phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích này. Cũng cần nhận thức rằng, đây là nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước trước nhân dân, những người chủ sở hữu đích thực của các nguồn tài nguyên, các thành phần môi trường.  
5. Thay lời kết
          Sau gần 02 năm hành vi vi phạm của công ty Vedan bị phát hiện, vấn đề giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại mới có cơ hội được giải quyết rốt ráo. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần được xem xét và giải quyết thấu đáo trong thời gian tới. Sự việc Vedan cũng có thể là bài học kinh nghiệm cho việc giải quyết những tình huống tương tự trong tương lai. Do đó, cần có những tổng kết và nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới.

Lượt xem: 14446

Các tin khác

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức seminar khoa học về ứng phó sự cố tràn dầu

(22/04/2024 02:51:PM)

Tập huấn tác động của thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp và môi trường

(22/04/2024 01:16:PM)

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 3/2024

(10/04/2024 07:46:PM)

Bốn đơn vị được Hội BVTN&MT Việt Nam tặng Bằng khen “ Vì Môi trường Xanh quốc gia năm 2024”

(10/04/2024 05:50:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE