quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Những người bảo vệ san hô ở vịnh Quy Nhơn

Thứ Hai, 13/09/2021 | 07:16:00 AM

Dọn rác, bắt sao biển gai - loài ăn san hô, quan trắc, cắm phao khoanh vùng... là những hoạt động của các tổ bảo vệ san hô ở Quy Nhơn.

Đầu tháng 8, anh Bùi Minh Chương cùng hai bạn chạy thuyền máy và thuyền thúng ở biển Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Đến nơi, họ cắm biển báo "khu vực phục hồi, bảo vệ san hô", đeo kính lặn, cầm theo cây gậy màu xanh nhảy xuống biển.
 
Một lúc sau, anh Chương ngoi lên mặt nước với con sao biển gai trên cây gậy, người trên thuyền thúng đỡ lấy cây gậy có con sao biển gai cho vào thúng.
 
Những[-]người[-]bảo[-]vệ[-]san[-]hô[-]ở[-]vịnh[-]Quy[-]Nhơn
 
Anh Chương bắt sao biển gai ở Ghềnh Ráng, Quy Nhơn tháng 8/2021. Ảnh: Minh Chương
 
Sao biển gai là loài có lông xù xì như nhím, chúng ăn san hô và rất có hại cho sự phát triển của san hô. Sau một buổi bắt sao biển gai, nhóm anh Chương cho chúng vào bao, tập kết ở bãi rác cách xa biển để tránh triều cường cuốn chúng ra trở lại.
 
Chương là thành viên của Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Ghềnh Ráng, một trong bốn tổ bảo vệ thủy sản ở Quy Nhơn được thành lập theo Luật thủy sản 2017. Các tổ này có 220 thành viên là những ngư dân và cả viên chức, công chức ở địa phương. Công việc của họ được ví như những người "giám hộ" cho san hô.
 
Sinh ra trong gia đình làm biển, Chương đang là Chủ tịch Hội nông dân phường Ghềnh Ráng. Từng tham gia chương trình trồng, cấy san hô trong dự án ở khu vực Bãi Xếp năm 2006, anh cho rằng: "Phát triển luôn phải đi đôi với tái tạo, san hô bị hư hại trong lúc khai thác hải sản hoặc du lịch nên cần được bảo vệ, phục hồi".
 
Với diện tích hơn 36.000 ha mặt biển ở các xã phường Ghềnh Ráng, Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu..., từ 15 năm trước, tỉnh Bình Định và TP Quy Nhơn đã cùng các tổ chức phi chính phủ triển khai các chương trình cấy và bảo vệ rạn san hô.
 
Song, phải đến khi Luật thủy sản ra đời, vai trò của tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản mới được ghi nhận chính thức. Khi tổ cộng đồng phường Ghềnh Ráng được thành lập năm 2020, anh Chương là người trực tiếp điều hành.
 
Ngoài bắt sao biển gai, nhóm của anh Chương còn dọn rác bờ biển, thả phao tiêu để khoanh vùng khu vực bảo vệ san hô ở Hòn Nhàn, quan trắc, tuyên truyền người dân bảo vệ hệ sinh thái.
 
Cũng như anh Chương, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở bán đảo Nhơn Hải đã tham gia nhiều chương trình bảo vệ san hô. "Tôi bắt sao biển gai gần mười năm nay. Trước đây tôi bắt theo mùa, nhưng khi tổ thành lập thì bắt định kỳ mỗi tháng hai lần cùng anh em", anh nói.
 
Trong 12 ha san hô do tổ anh Sáng quản lý, có 2,1 ha cần bảo vệ nghiêm ngặt. Tổ đã khoanh vùng, cắm phao tiêu cấm tàu thuyền khai thác thủy sản tại đây.
 
Còn anh Nguyễn Đình Xuân, thành viên Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý cho biết, năm 2014, với vai trò là cán bộ phụ trách thủy sản ở xã, anh từng tham gia Tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản do dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững hỗ trợ.
 
Nay, tổ được nâng cấp thành tổ chức cộng đồng, anh Xuân tiếp tục tham gia với vai trò là thành viên thường trực và đội trưởng đội tuần tra.
 
Mỗi tuần một lần anh cùng đội tuần tra ở Bãi Dứa đi kiểm tra hoạt động tại khu vực khoanh vùng bảo vệ, hướng dẫn du khách không giẫm đạp, bẻ san hô mang về hay bỏ rác thải nhựa xuống biển; ngăn chặn các thuyền đánh bắt dùng thuốc nổ để không ảnh hưởng tới rạn san hô.
 
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, bốn tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng đã được UBND TP Quy Nhơn giao quyền bảo vệ khoảng 46 ha khu vực biển có rạn san hô.
 
Cụ thể, khuvực biển Bãi Dứa tại Nhơn Lý, diện tích hơn 8 ha; khu vực biển phía Tây Hòn Khô Nhỏ ở xã Nhơn Hải, diện tích hơn 12 ha; khu vực biển Hòn Nhàn, phường Ghềnh Ráng, gần 6 ha; khu vực Bãi Trước ở xã Nhơn Châu, hơn 20 ha.
 
Những[-]người[-]bảo[-]vệ[-]san[-]hô[-]ở[-]vịnh[-]Quy[-]Nhơn
Khoanh vùng cắm phao tiêu bảo vệ
rạn san hô ở Quy Nhơn. Ảnh: Xuân Sáng
 
Đa số các thành viên nòng cốt của bốn tổ đều xuất thân từ ngư dân nên họ hiểu rõ, khai thác phải đi đôi với bảo vệ thì mới đảm bảo sinh kế bền vững. Các anh đều làm việc với mong muốn mang lại lợi ích chung cho cộng đồng.
 
Việc bảo tồn san hô được hỗ trợ từ các dự án của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) và một phần kinh phí từ dự án của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD). Trong đó, hoạt động bảo vệ san hô đã khởi đầu tại Nhơn Hải giai đoạn 2015-2018 gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.
 
Hàng năm, MCD cùng Hiệp hội Thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh và UBND TP Quy Nhơn thường xuyên tổ chức các đợt quan trắc san hô ở những khu vực đã giao quyền quản lý.
 
Kết quả quan trắc hồi tháng 6 năm nay cho thấy độ phủ san hô sống tại Bãi Dứa với san hô cứng đạt 62,5%, san hô mềm 13%; Hòn Khô Nhỏ đạt 44,3%, chủ yếu là san hô cứng; rạn ở Hòn Nhàn đạt 31,8%, chủ yếu là san hô cứng; rạn Bãi Trước đạt 23,1%. Độ phủ san hô ở Ghềnh Ráng và Nhơn Châu chưa cao nhưng đã có dấu hiệu phục hồi. Căn cứ tiêu chí đánh giá hệ sinh thái rạn san hô của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên thì hệ sinh thái rạn san hô của Bãi Dứa đạt mức tốt, Hòn Khô Nhỏ đạt mức tương đối tốt .
 
Bà Nguyễn Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định cho rằng, từ số liệu quan trắc, người dân sẽ biết được san hô ở vùng mình quản lý có bao nhiêu san hô hư hại, bao nhiêu san hô mọc mới và gồm những loại gì. "Trong rạn san hô còn có các loại động vật đáy hoặc các loại cá. Nếu như thấy sinh vật biển phát triển lên nhiều loài, chứng tỏ rạn san hô ở đấy được bảo vệ tốt", bà Bình nói.
 
Dựa vào thực tế kết quả quan trắc và giám sát rạn san hô, nhà chức trách có thể phân loại những vùng bảo vệ nghiêm ngặt và những vùng phục vụ du lịch. Tại những nơi được làm du lịch, việc đặt bè nổi cho khách lặn ngắm san hô phải theo hướng dẫn của đội bảo vệ. Ngoài ra, Chi cục thủy sản khuyến cáo khách hạn chế lặn ngắm trực tiếp mà nên sử dụng thảm nổi, thúng đáy kính chèo tay, tránh xâm hại rạn san hô khi thả neo, giẫm đạp. Các bè phải có thùng rác và tổ chức thu gom rác vào bờ, có bảng hướng dẫn du khách thực hiện các quy định bảo vệ san hô.
 
Những[-]người[-]bảo[-]vệ[-]san[-]hô[-]ở[-]vịnh[-]Quy[-]Nhơn
 
Lặn ngắm san hô ở Hòn Khô, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Ảnh: Xuân Sáng
 
Anh Nguyễn Hạ Lào, Phó ban đại diện tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Châu cho biết san hô loại bánh tráng, sừng hươu ngày xưa ở Cù Lao Xanh dày đặc, nhưng sau thời gian bị tàn phá tỷ lệ độ phủ san hô còn rất thấp. "Giờ san hô đang dần phục hồi, nhìn nó nhú lên là tôi thấy rất vui", anh Lào nói.
Ái Trinh - Phạm Linh

(TinMoitruong.vn)

Lượt xem: 873

Các tin khác

Miền Bắc bước vào đợt nắng nóng gay gắt

(26/04/2024 06:46:AM)

Ngày Quốc tế Trái đất 2024: Đối đầu của hành tinh với nhựa

(24/04/2024 07:28:AM)

Ninh Bình: Chim hoang dã bay rợp trời trong khu du lịch Thung Nham

(23/04/2024 06:10:AM)

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE