quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Những nguyên lí của thực tại: 2. Bản chất của Thực tại là gồ ghề

Thứ Ba, 24/05/2011 | 10:52:00 AM

Thực tại luôn luôn gồ ghề méo mó, không có đường thẳng, hình tròn, hình lập phương hay hình cầu tuyệt đối. Gồ ghề tạo ra thiên hình vạn trạng của Thực tại. Gồ ghề là cội nguồn của thi ca, nghệ thuật, tình yêu và là nguyên tắc của Bảo tồn Thiên nhiên. Đây là tóm tắt bản tham luận của ThS - Họa sĩ Bông Lau đến từ núi Đá Bia, tỉnh Phú Yên

 
Dr. Cà Xáy, VACNE
  
Kính thưa Quý vị
1.Các đường cong, hình cầu, hình trụ, hình nón, hình đa giác, hay lục lăng v.v.. chỉ là những trường hợp lý tưởng. Những trường hợp lí tưởng đó có số chiều (còn gọi là thứ nguyên) chẵn. Ví dụ một điểm có thứ nguyên là 0, đoạn thẳng hay đường thẳng có thứ nguyên là 1,0, hình phẳng (ví dụ hình tròn, hình tam giác hay mặt phẳng) có thứ nguyên là 2,0; khối hộp có thứ nguyên là 3,0.
Thực tế trong thiên nhiên lại tồn tại chủ yếu những hình dạng gồ ghề, gãy góc, lồi lõm như đám mây, ngọn núi, bờ biển, con sao biển, thậm chí trái đất, mặt trăng, mặt trời,…và ngay tia sáng cũng cong.Năm 1982, nhà toán học thiên tài Benoit Mandelbrot phát hiện ra môn "Hình học của tự nhiên", còn gọi là Hình học Gồ ghề hay Fractal Geometry. Ông khẳng định rằng : "Các đám mây không phải là hình cầu, các ngọn núi không phải là hình nón". Và chính ông đã là người đã đề xướng từ Gồ Ghề hay "Fractal” để chỉ các đối tượng có hình dáng gồ ghề, không trơn nhẵn trong tự nhiên.




Đó là những hình dạng có thứ nguyên lẻ, không chẵn. Ví dụ hình bông tuyết có thứ nguyên là 1,2618. Hình lá phổi hoặc khối bọt biển có thứ nguyên xấp xỉ 2,7. Chỉ cần thay đổi chút xíu, ví dụ một phần tỉ tỉ tỉ giá trị của thứ nguyên ban đầu là thiên nhiên lại tạo ra một hình dạng khác.Chỉ cần vuốt nhọn và uốn cong đầu chiếc lá chút ít là ông Trời đã tạo ra cây sanh từ cây si.
Trong tự nhiên, Quý vị không thể nào nhặt được một chiếc lá phẳng tuyệt đối: nó không gồ chỗ này thì lõm chỗ kia hoặc khía răng cưa chỗ khác. Quý vị cũng không thể tìm đâu ra một sản phẩm tự nhiên có hình tròn, hình cầu, hình lục lăng, hình nón,… tuyệt đối. Có nghĩa là đại bộ phận nếu không nói mọi thành tạo tự nhiên luôn có thứ nguyên lẻ.
2.Do có thứ nguyên lẻ nên thiên nhiên cực kì đa dạng. Quý vị không thể nào tìm được hai chiếc lá hoàn toàn giống nhau trên cùng một cây. Hai anh em sinh đôi cũng không bao giờ giống nhau tuyệt đối. Bản chất thiên nhiên là xù xì, ghồ ghề và vì thế mỗi sản phẩm của tự nhiên chỉ là một sản phẩm duy nhất. Nếu nó bị tiêu diệt, bị phá hủy có nghĩa là không bao giờ có được nó nữa.
Đặc điểm quan trọng nhất của sản phẩm tự nhiên là dù chia nhỏ đến đâu thì nó vẫn gồ ghề. Ví dụ chia nhỏ một đọan bờ biển ra nhiều lần thì lần nào cũng chỉ được những đoạn bờ gồ ghề. Tính chất đó của vật thể gồ ghề được gọi là “tính bất biến không phụ thuộc tỷ lệ”; nghĩa là dù to hay nhỏ thì vẫn gồ ghề mà thôi. Gồ ghề tạo ra là thiên nhiên, tạo ra thực tại, và chính thực tại có bản chất là gồ ghề.
Vì vậy bảo vệ rừng phải bảo vệ từng gốc cây ngọn cỏ, yêu con phố phải là yêu từng căn nhà, con hẻm…Mỗi gốc cây, ngọn cỏ, căn nhà nhìn riêng có vẻ chẳng có gì đáng chú ý, nhưng nó là duy nhất trên đời nên nó là đẹp nhất. Nếu Quý vị không tin điều này thì cứ nhìn những ngôi nhà trong tranh Phố Phái xem chúng đẹp hay xấu? Chúng rất đẹp vì chúng rất …xấu ! Thị Nở vẫn được coi là mẫu hình của người phụ nữ xấu xí, nhưng hình tượng Thị Nở là duy nhất trên văn đàn Việt Nam. Thị Nở đâu có xấu ! Bởi vì nó phản ánh chân thật, mộc mạc, không tô son vẽ phấn một con người cụ thể. Nếu có chăng cái xấu thì chỉ là những cái giả dối do con người “phịa” ra. Thiên nhiên không biết giả dối. Không có Thị Nở thứ hai trên đời. Và nếu không có Thị Nở - Chí Phèo thì chắc cũng không có Nam Cao.
3.Độ gồ ghề của đường bờ biển giúp cho triệt tiêu năng lượng sóng vỗ bờ và tạo ra các ổ sinh thái đa dạng. Tính đa dạng loài trong một khu bảo tồn thiên nhiên góp phần tạo ra xích thức ăn hoàn hảo hơn và khu bảo tồn có tính đàn hồi cao hơn trước biến động môi trường. Sự đa dạng hoá các lĩnh vực kinh doanh khiến doanh nghiệp không bị phá sản. Việc phân quyền quản lý môi trường cho các cấp địa phương (tỉnh, huyện, xã) làm cho môi trường được quản lý tốt hơn là việc tập trung nhiệm vụ vào cơ quan cấp tỉnh/thành phố như thời gian trước đây. Nhận thức về môi trường khác nhau của các cá nhân tạo điều kiện cho các sáng kiến, giải pháp độc đáo của mỗi cộng đồng v.v…
Đa dạng sinh học và biến động của chúng trong một khu bảo tồn thiên nhiên; quy mô và năng lực bảo vệ môi trường của các ngành trong một tỉnh; mức độ tham gia bảo vệ môi trường của các đoàn thể chính trị tại một địa phương; nhận thức về môi trường của mỗi người trong cộng đồng; độ khoẻ mạnh của các rạn san hô tại một vùng biển, sự khác nhau trong hình dạng và tính các của anh/chị em ruột,...đều cho các hình ảnh về sự gồ ghề của thực tại xã hội
4. Gồ ghề tạo ra sự đa dạng. Đó là cội nguồn vô tận của nghệ thuật, của thi ca, của cái đẹp. Bởi lẽ tia nắng vàng chiều nay khác tia nắng vàng chiều qua, cái lá rơi mỗi lúc một kiểu, và hàng ngàn thác nước trên đất nước ta chẳng có ngọn nào giống ngọn nào. Con người cũng mỗi người một tính cách một hình thể. Xin mời quý vị hãy tạm quên đi những lo toan hàng ngày để ngắm nhìn nụ cười bé thơ mỗi khi mẹ đón tan trường: nụ cười nào cũng hạnh phúc nhưng mỗi cháu cười mỗi kiểu. Ngay vẻ ngập ngừng ngọn gió trên con phố quen cũng chẳng bao giờ giống nhau khiến cho thi hứng mãi vẫn còn:
Ngập ngừng sợi gió mong manh
Để cho cánh én bồng bềnh lãng du
Ngập ngừng lá đỏ chiều thu
Ngập ngừng trái bưởi đánh đu đầu cành
Ngập ngừng bờ cát chông chênh
Ngập ngừng con sóng dập dềnh bãi ngang
Ngập ngừng, ánh mắt Nha Trang
Khiến cho cơn gió lang thang… ngập ngừng.

5. Con người tưởng tượng ra các hình dạng có thứ nguyên chẵn chỉ để cho dễ nhận thức và phân loại mà thôi. Nhưng sau khi tạo ra mô hình lí thuyết để mô phỏng thực tại, thì con người lại vô tình hay cố ý coi thực tại chỉ là đồng nghĩa với mô hình lí thuyết đó. Những hình dạng chệch ra ngoài mô hình lí thuyết được gộp chung vào cái gọi là “dạng lệch chuẩn”. Rất nhiều vật thể, ý tưởng hay hành vi tốt đẹp sau này được coi là hữu ích, nhưng ban đầu khi xuất hiện lại được cho là lệch chuẩn. Nhiều loài sinh vật bị tiêu diệt vì cho rằng chúng vô tích sự hay nguy hiểm cho con người, chúng “lệch chuẩn”.
Ví dụ điển hình của cái “lệch chuẩn mà không lệch chuẩn” là gốm méo Phù Lãng - Bắc Ninh. Khoảng chục năm trước, khi gốm tròn đang chiếm lĩnh thị trường thì người dân Phù lãng bắt đầu sản xuất gốm méo. Những bình, những lọ, những hộp đèn méo mó dẹo dọ. Mỗi sản phẩm gốm Phù Lãng vì thế trở thành duy nhất trên đời. Ngày nay gốm méo Phù Lãng đã chiếm lĩnh thị trường gốm nghệ thuật không chỉ ở trong nước. Gốm méo Phù Lãng chứng minh rằng một cá thể hoàn hảo chính vì nó không hoàn hảo; chính sự không hoàn hảo của mỗi cá thể tạo ra sự hoàn hảo của tổng thể.
Một ví dụ khác là việc vinh danh cây di sản Việt Nam của VACNE. Chỉ có rất ít tiêu chuẩn cứng để xem xét công nhận cây di sản và kích thước tấm bia đá là ổn định, mọi việc đăng kí và tổ chức lễ công nhận là tùy thuộc vào sáng kiến của cộng đồng nơi có cây di sản. Vì thế lễ công nhận cây di sản mỗi nơi tổ chức mỗi kiểu nhưng đều rất cảm động, hào hùng và được cộng đồng tham gia ngày càng đông đảo. Sáng kiến cây di sản Việt Nam của VACNE đã trở thành một phong trào xã hội rộng rãi chỉ sau 1 năm. Đó cũng chính là sự tôn trọng tính gồ ghề của thực tại.
Thừa nhận tính gồ ghề của thực tại khiến chúng ta từ tâm hơn với thiên nhiên và con người, dễ thông cảm và dễ chia sẻ hơn, không có những đòi hỏi quá đáng để rồi sau đó lại thất vọng tràn trề. Các cuộc cãi vã, xung đột hay chiến tranh cũng xuất phát từ việc muốn áp đặt đối phương phải tuân theo một mô hình được phía này hay phía kia cho là chuẩn.
Bởi thế một mô hình bảo tồn thiên nhiên thành công nơi này có thể thất bại nơi khác nếu nó không phù hợp với nơi mới. Một giống cây cho sản phẩm tốt nơi này đưa ra trồng nơi khác có thể không cho thu hoạch.
Nếu chấp nhận thực tại là gồ ghề như Benoit Mandelbrot đã khẳng định trong “Hình học của Tự nhiên”, thì cái gọi là sự tròn trịa, sự thẳng thớm, sự phẳng phiu, sự vuông vắn, sự giống nhau, sự đồng nhất, sự nhất trí tuyệt đối, sự hoàn hảo,…chỉ là mô hình lí thuyết do con người tự nghĩ ra. Nó không phải thực tại. Nó chỉ là công cụ mô phỏng thực tại. Nó rất hữu ích cho việc nhận thức một khía cạnh của thực tại, nhưng nó sẽ là của giả nếu coi những mô hình đó đồng nghĩa với thực tại.Đây cũng chính là cái hạn chế nếu không nói là dở của một lĩnh vực toán học khi nó được áp dụng vào bảo tồn thiên nhiên – lĩnh vực được gọi là Mô hình hóa hay Modeling môi trường.
Xin cảm ơn Quý vị
Th.S Họa sĩ Bông Lau
Ghi chú
Mời Quý Bạn đọc xem tiếp : Tham luận số 3. Nguyên lí Bông bí – “bông bí không phải là bông bí vì nó chính là bông bí” của nữ Khoa học gia Dương xỉ Nhung đến từ vùng cát khô hạn Ninh Thuận.
 
 

Lượt xem: 1768

Các tin khác

Ngày 1 tháng 7

(12/05/2024 02:46:PM)

GHEN TỨC

(11/05/2024 06:35:PM)

EM BÉ HOA BAN

(07/05/2024 11:48:PM)

Ớ ờ

(30/04/2024 04:10:PM)

ĐÓNG PHIM

(29/04/2024 09:33:AM)

QUYẾT BẢO VỆ

(20/04/2024 11:18:PM)

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE