quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

OCOP- Động lực mới phát triển kinh tế nông thôn

Thứ Sáu, 14/02/2020 | 07:17:00 AM

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020" (OCOP) được xem là giải pháp phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, tạo nên động lực mới trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên, nhận thức của cả cán bộ và người dân còn chưa đầy đủ; việc xác định một số sản phẩm OCOP để chuẩn hóa vẫn chưa xuất phát từ chính nhu cầu của các chủ thể. Nhiều địa phương khi xây dựng đề án, kế hoạch chưa tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, trình tự các bước trong chương trình OCOP. Đây là những vấn đề cần phải nhanh chóng khắc phục để Chương trình OCOP tiếp tục phát huy hiệu quả...


Vú sữa Trường Long, huyện Phong Điền, được TP Cần Thơ chọn là 1 trong 20 sản phẩm chuẩn hóa OCOP trong năm 2020.

Nhận diện "điểm nghẽn"

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 61/63 tỉnh, thành phê duyệt, triển khai đề án, kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP. Đến cuối năm 2019, có 19 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận 900 sản phẩm OCOP (đạt 33,16% kế hoạch), trong đó, có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao, 275 sản phẩm 4 sao và 585 sản phẩm 3 sao. Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 3.300 tổ chức kinh tế đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Đối với vùng ĐBSCL, tất cả các tỉnh, thành đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020 cấp tỉnh, đồng thời xác định những sản phẩm thế mạnh, đặc thù. Trong đó, nhiều sản phẩm chất lượng đã được sản xuất và tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Khảo sát sơ bộ cho thấy, hầu hết địa phương đều xác định được hơn 10 sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để đầu tư và phát triển, trong đó, một số tỉnh có hơn 30 sản phẩm là Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp.

Như vậy, Chương trình OCOP đã có những thành công bước đầu và thể hiện sức lan tỏa trong cộng đồng. Song, việc triển khai thực Chương trình OCOP trên thực tế vẫn tồn tại nhiều bất cập. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Năm 2019, Sóc Trăng có 39 sản phẩm của 21 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được công nhận sản phẩm OCOP từ 3-4 sao. Tỉnh thành lập Cửa hàng Giới thiệu- Liên kết- Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản- An toàn vệ sinh thực phẩm tại điểm du lịch chùa Chén Kiểu (huyện Mỹ Xuyên) nhằm giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, khi triển khai, người dân gặp khó khăn ở khâu giao tiếp, không có "câu chuyện" để dẫn dắt, giới thiệu về sản phẩm của mình. Cho nên, dù sản phẩm có ngon, sạch, bổ nhưng vẫn khó thu hút được khách hàng.

 Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng- Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đánh giá: Thực tế phải nhìn nhận là quá trình triển khai Chương trình OCOP nhận thức và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chưa đồng đều; bộ máy tổ chức thực hiện còn thiếu, yếu và chưa đồng bộ; công tác triển khai các chu trình OCOP chưa vào nề nếp… Bên cạnh một số tỉnh thực hiện tốt: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Bến Tre. Những nơi khác, Chương trình chậm trễ hơn, thậm chí dù đã phê duyệt đề án, kế hoạch nhưng vẫn chưa được triển khai trên thực tế. Nhiều nơi khi xây dựng đề án, kế hoạch còn áp đặt lựa chọn sản phẩm cho giai đoạn 2018-2020, chưa tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc của Chương trình, chưa theo đúng trình tự các bước trong chương trình OCOP. Công tác huy động nguồn lực triển khai Chương trình OCOP còn hạn chế, chỉ tập trung vào nguồn ngân sách triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới mà chưa lồng ghép nhiều từ các chương trình, dự án phát triên kinh tế nông thôn trên địa bàn...

Thay đổi từ nhận thức

Năm 2020, cả nước phấn đấu tiêu chuẩn hóa 3.843 sản phẩm OCOP (tăng 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm đề ra trước đó). Nhiều địa phương cũng lên kế hoạch, vạch lộ trình thực hiện Chương trình OCOP. Tại TP Cần Thơ, thành phố dự kiến tổng kinh phí thực hiện Chương trình OCOP năm 2020 là 243,5 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách 58,9 tỉ đồng, vốn huy động 184,6 tỉ đồng. Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Cần Thơ, cho biết: "Thành phố phấn đấu tiêu chuẩn hóa 20 sản phẩm, dịch vụ hiện có; phát triển và củng cố 20 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; phát triển 1 làng du lịch kết hợp với các sản phẩm của địa phương. Đồng thời, đào tạo 100% cán bộ quản lý nhà nước (cấp thành phố và huyện) tham gia Chương trình OCOP; 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh".

Theo các chuyên gia, hoạt động đào tạo huấn luyện các chủ thể OCOP cần được xem là then chốt giúp Chương trình OCOP đi vào thực chất. Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, Trung tâm Phát triển nông thôn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Hiện nay vẫn còn những cách hiểu không đúng về OCOP, có người hiểu "mỗi làng phải có một sản phẩm" hay "OCOP là dành cho "xã", còn "quận" thì không thuộc chương trình"... Do đó, nếu không thay đổi từ nhận thức thì Chương trình khó đạt được thành công như mong đợi. Chúng ta cần những đơn vị đầu tàu, những điển hình lôi kéo, làm từ từ, chậm mà chắc". Theo Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, việc triển khai OCOP tại một số địa phương nếu chỉ dựa trên nguồn ngân sách là không bền vững. Thay vào đó, phải tận dụng nguồn lực đa dạng từ người dân: tiền mặt, đất đai, vật liệu, nhân công, sở hữu trí tuệ…

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết: "Chỉ còn 1 năm nữa chúng ta sẽ kết thúc giai đoạn đầu tiên của Chương trình (2018-2020). Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta cần nhanh chóng bắt tay vào củng cố hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, thúc đẩy công tác đào tạo, nâng cao năng lực triển khai Chương trình, tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, phát triển mạng lưới tư vấn giúp cho các địa phương làm tốt từng sản phẩm, từng địa bàn. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai chu trình OCOP rộng khắp, sớm tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối giao thương cấp vùng, miền…".

Bài, ảnh: MỸ THANH/Baocantho

Lượt xem: 981

Các tin khác

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE