quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Thạch cơ Điếu tẩu liệt truyện 6. Huỳnh Sơn thạch trận

Chủ Nhật, 19/02/2012 | 07:08:00 AM

Khai đá cảnh, Huỳnh sơn Đại huynh ra tay vét suối. Xóa đói nghèo, Juanna Yếm đào tận diệt san hô.



Dr. Cà Xáy - VACNE



1.Huỳnh Sơn là xóm ven biển bán sơn địa xứ Sườn Đồi, núi ăn ngang ra biển tạo ra nhiều vũng vịnh đẹp, đôi nơi điểm xuyết bởi những khoảnh đồng bằng hẹp hình cánh cung ven bờ. Nghe các nhà địa chất nói thì khoảng 200 triệu năm trước, vùng này đã từng là một dải cung đảo núi lửa giống như quần đảo Nhật Bản ngày nay. Trên dải đảo cổ xưa đó là những thảm rừng cây lá kim mọc rậm rì. Núi lửa phun nhiều đợt, cây chưa cháy hết đã bị vùi trong các lớp bùn cát dưới chân đảo, lâu dần thành những hóa thạch cây, hình thù cổ quái.

Nhiều người xóm Huỳnh Sơn có cái “gu” thích đá cảnh. Có người đào được những gốc cây hóa thạch hình đầu con lân nặng cả tấn, có người tìm được cả thân cây dài  chục mét đã hóa đá. Rồi những chùm quả hóa thạch, nhựa cây hóa thạch, rồi những gì gì hóa thạch. Mà các loại hóa thạch này lại rất khác nhau về thành phần đá dù rằng chúng đều do biến thái cây cối cổ mà ra. Có chùm quả hóa thạch toàn bằng vàng tự nhiên, có gốc cây toàn bằng bạc, bằng thiếc thậm chí bằng hổ phách rất quý. Còn những loại hóa thạch gỗ bằng đá silic, đá andesite hay daxite thì phổ biến, ít quý hơn về thành phần đá nhưng lại rất có giá về cấu trúc vân gỗ hóa thạch.

Nổi lên trong đám đại gia chơi gỗ hóa thạch xóm Huỳnh Sơn là một người được dân chơi tôn là Huỳnh Sơn Đại huynh. Đại huynh có cả một bảo tàng tư nhân về gỗ hóa thạch mà chỉ cần bán 1 gốc cây hóa thạch đã đủ tiền mua một ngôi biệt thự giữa lòng thành phố rồi. Nhưng Đại huynh không bán mà xây bảo tàng để “bảo tồn văn hóa bản địa”. Nhưng do khai quật quá nhiều, tàn phá cảnh quan núi đồi, nên cơ quan bảo vệ môi trường xứ Sườn Đồi cấm khai thác gỗ hóa thạch. Ai phát hiện phải báo cáo chính quyền giữ hóa thạch nguyên vị để phát triển du lịch địa di sản. Nhờ chủ trương đúng đắn này mà dân địa phương cũng sống được, nhờ xin được chân làm hướng dẫn viên du lịch hay các dịch vụ du lịch khác như bán hàng lưu niệm, hàng ăn hay nhà trọ.


2. Nhưng Huỳnh Sơn Đại huynh
lại rất rầu vì đã mấy năm nay bảo tàng cây hóa thạch và đá cảnh của ông không thêm được mẫu vật nào. Trang web “dacanh huynhson.org.sd” có cơ bị đóng cửa vì lâu nay không có bài viết mới.

Một buổi chiều muộn khi Đại huynh chuẩn bị đóng cửa bảo tàng vốn cả ngày không có mấy khách, để đi lai rai giải sầu với mấy chiến hữu trong hội Đá cảnh Huỳnh Sơn thì thấy một cô gái chân dài ăn mạc rất “hot, có vẻ như ở bển mới dề”, cứ mải mê ngắm một gốc cây hóa thạch mà không chịu ra cho. Sốt ruột, Đại huynh lên tiếng “Óe - ra - u  - phờ - rom ? Oắt - kenài - hépu?” (Quý khách người nước nào ạ? Tôi có thể giúp gì cho quý khách chăng?). Bất ngờ cô gái trả lời bằng tiếng Sườn Đồi rất sõi: “Vùng này có nhiều loại đá cảnh quý hiếm, sao bảo tàng của ngài lại nghèo thế này?”. Đại huynh trợn tròn mắt làm con ngươi tí nữa thì văng khỏi tròng. Vì lâu nay có ai dám mở mồm chê bảo tàng của ông, dù chỉ một chữ ! Cô gái tiếp lời “Tôi đâu dám chê mấy cây hóa thạch của ngài, nhưng đấy toàn là hóa thạch của trái đất. Bảo tàng của ngài không có một mảnh đá cảnh thiên thạch nào, dù là một cục bé xíu xấu xí”. Huỳnh Sơn Đại huynh xìu lập tức như trái bóng xì hơi, nghĩ bụng “Trời ạ. Cô nương này ở đâu đến mà thấu tận ruột gan miềng quá xá !”.Ổng nói “Bái phục ! Bái phục. Xin mời quý cô ra tiệm dùng bữa chiều, chúng ta sẽ đàm đạo thêm”.


3. Chọn một bàn ăn nhỏ
khuất trong góc một tiệm ăn rất nhỏ trong một con hẻm rất nhỏ, cô gái chậm rãi lôi từ trong xắc ra tấm ảnh vệ tinh đa phổ phân giải rất cao. Dùng ngón út xinh xắn chỉ trên tấm ảnh, cô gái nói nhỏ nhẹ. “Đại huynh có biết tại sao trên đỉnh núi lại có cái hồ tròn xoe rộng cả chục ha quanh năm không bao giờ cạn không? Đó chính là vết va đập của một tiểu hành tinh thuộc loại quý hiếm trong vũ trụ đâm xuống vùng này trên 30 triệu năm rồi”. Huỳnh Sơn Đại huynh tròn xoe mắt nghe cô gái nói mà cứ như nghe kể chuyện cổ tích: “Từ con hồ này có một dòng suối nhỏ chảy quanh năm xuống chân núi mà không bao giờ cạn. Bao phủ thung lũng suối là một tầng đá trầm tích cổ trong đó lưu chứa rất nhiều mảnh vỡ của tiểu hành tinh”.

- Dựa vào đâu quý cô nói như đinh đóng cột vậy?

- Ông không cần hỏi lí do, thực tế sẽ trả lời giúp tôi.


4. Không rõ
họ trao đổi những gì với nhau trong bữa ăn tối dài 3 giờ đồng hồ mà 6 tháng sau, công ty Cumit co.ltd (công ty kinh doanh rong rozi đã nhắc tới trong Thạch cơ Điếu tẩu liệt truyện 1) liên danh với Hội đá cảnh Huỳnh Sơn đệ trình lên Hội đồng xóm dự án “Nạo vét suối và đắp đập thủy lợi tại suối Huỳnh Sơn phục vụ tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt cho cư dân” kèm theo một khoản “ủng hộ ngân sách địa phương” 2 triệu doli. Xóm Huỳnh Sơn vốn đang phải đối đầu với tình trạng khô hạn thiếu nước mừng rỡ phê duyệt dự án, nhanh chóng giải phóng mặt bằng để giao mặt bằng sạch cho công ty Cumit. Dự án theo kế hoạch thực thi trong 4 năm. 2 năm đầu tiên dành cho lĩnh vực nạo vét suối.

Quả thật Huỳnh Sơn Đại huynh vô cùng kinh ngạc phát hiện được rất nhiều tảng thiên thạch kỳ hình dị tướng có nguồn gốc từ một tiểu hành tinh vốn từ rìa vũ trụ lao xuống trái đất chừng 30 đến 40 triệu năm trước. Bảo tàng đá cảnh tư nhân của ông trở nên nổi tiếng thế giới đến mức chỉ riêng tiền mà các bảo tàng khác thuê đá thiên thạch của ông đi trưng bày cũng đã khiến ông thành triệu phú doli.

Nước bùn rửa đá và nạo vét suối tràn xuống vùng bờ biển làm cho hàng trăm ha đìa tôm (vốn nằm ngay trên nền đá san hô cổ) của dân địa phương chết sạch. Nhiều diện tích rạn san hô ven bờ chết trắng xóa rồi nhanh chóng bị bùn và rong rêu phủ lên. Đơn thư khiếu kiện của dân địa phương gửi các cấp như bướm bay nhưng không được ai giải quyết cả. Những hộ dân nghèo phải khăn gói tha phương, những hộ trung bình khác rơi vào diện tái nghèo đói. Nhiều em gái tuổi vị thành niên xóm Huỳnh Sơn phải ra ven đường bán dâm cho đám thợ của công ty Cumit.


5. Đang khi tình hình
kinh tế xã hội ven biển xóm Huỳnh Sơn như “lửa tắt cơm sôi” cực kỳ bức xúc thì J.Yemdao xuất hiện tại Hội đồng xóm Huỳnh Sơn với bản đề án “Tận thu san hô chết phục vụ xóa đói giảm nghèo”, rằng chỉ cần tận thu đá san hô chết là bán tươi được ngay. Tập đoàn XYZ sẽ đứng ra bao tiêu để “sản xuất vôi bón ruộng” cho khu vực đất chua trồng cà phê có nhu cầu vôi. Khoảng 1000 lao động địa phương sẽ có công ăn việc làm. Cô nói rằng đề án này cũng là để cô tri ân với quê hương vì cô xuất ngoại đã lâu, thấy phải có trách nhiệm gì đó với quê nhà. Một khoản 4 triệu doli “ủng hộ ngân sách địa phương” cũng được tập đoàn XYZ trao tươi ngay cho hội đồng xóm Huỳnh Sơn. Trước tình hình đó, xứ Sườn Đồi đành phải phê duyệt đề án tận thu đá san hô chết của XYZ do hội đồng xóm Huỳnh Sơn đệ trình (nghe nói khoảng 20% khoản tiền do XYZ ủng hộ Huỳnh Sơn cũng đã được chuyển ngược kèm theo bản đề án lên mấy chiến hữu của Huỳnh Sơn trong hội đồng xứ Sườn Đồi).

 2 tháng sau, những container đầu tiên chứa đầy đá san hô đã được xuất đi. XYZ đã thuê trước cả một hòn đảo lớn ngoài Thái Bình Dương để chứa đá san hô dùng dần.


6.Nhưng đúng lúc
đó thì từ khu tái định cư để dành đất cho dự án nạo vét suối Huỳnh Sơn bùng lên hiện tượng khủng khiếp: khá nhiều cháu bé sơ sinh chết ngay khi ra đời do không có hay chỉ có chút ít não. Muốn biết cụ thể thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ.

 


Lượt xem: 1820

Các tin khác

Ớ ờ

(30/04/2024 04:10:PM)

ĐÓNG PHIM

(29/04/2024 09:33:AM)

QUYẾT BẢO VỆ

(20/04/2024 11:18:PM)

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

CÂY KƠ NIA TRÊN ĐẤT TỔ

(30/03/2024 10:36:PM)

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE