quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Trà San Tuyết cổ thụ xứ Bắc

Thứ Sáu, 03/12/2010 | 03:15:00 PM

Phải là những người may mắn mới có cơ hội được thưởng thức Trà (chè) San Tuyết cổ thụ núi cao xứ Bắc. Đó là giống cây chỉ thị cho một kiểu sinh thái rừng rất đặc biệt và đang mất dần.

 
 
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
 
         Họ hàng của trà tuyết
Cây trà (miền Bắc gọi là chè) dùng để lấy búp non pha nước uống thuộc cùng một loài, còn có tên khoa học là trà Trung Quốc hay trà tàu (Camellia sinensis). Trà tuyết là một biến thể hiếm của loài trà tàu, tên khoa học là Camellia sinensis sanon, vốn mọc bạt ngàn ở miền Bắc Ấn Độ và Tây Tạng (Trung Quốc). Sự xuất hiện của trà tuyết ở vùng cao xứ Bắc có nhiều nguồn khác nhau: do di thực tự nhiên, do người Pháp đem đến trồng ở Bắc Kạn (Chợ Mới) hồi đầu thế kỷ, và cuối cùng do Công ty giống cây trồng Việt Nam đưa từ Vân Nam Trung Quốc về trồng ở Tam Đường (Lai Châu) từ đầu thập kỷ 90. Người vùng cao để phân biệt trà tuyết với trà thường đã gọi trà thường là "chè lùn trung du" hoặc đơn giản hơn là "chè trung du". Trà tuyết (còn gọi là trà San Tuyết)  là tên thông dụng nhất, vì búp non của trà phủ đầy lông tơ trắng như tuyết. Qua những đêm sương giá cuối thu đầu đông, rừng trà tuyết trắng một màu như tuyết phủ. Người Sơn La gọi trà tuyết là "chè tà xùa", lấy theo tiếng H'Mông tà xùa nghĩa là núi cao. Nghĩa Lộ gọi là "chè Suối Giàng". Bắc Kạn, Hà Giang có nơi gọi là chè san, có lẽ xuất phát từ chữ sanon - tên khoa học của chè. Cũng có người giải thích san có gốc từ tiếng Trung Quốc có nghĩa là núi. Trà tuyết uống không chát vì lượng tanin vừa phải, có các chất kích thích thần kinh và tiêu hoá rất tốt, lại hoàn toàn sạch vì không có hoá chất bảo vệ thực vật nên rất được thị trường ưa chuộng.
                 Những vùng trà tuyết xứ Bắc
Trà tuyết là cây rừng thân gỗ thứ thiệt, đường kính 30-40 cm, cao đến 10m. Chúng ưa vùng núi có độ cao từ 1000 đến 1700m, khí hậu lạnh ẩm, nhiều sương gió. Ở xứ Bắc nước ta, trà tuyết gặp ở một số vùng thuộc các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, phía tây dãy Hoàng Liên Sơn thuộc các tỉnh Lai Châu, Nghĩa Lộ, Sơn La và phần lớn là mọc hoang, tạo thành những thảm cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Núi càng cao, gió càng mạnh, sương càng giá, cây trà càng lùn thì trà tuyết càng ngon. Trà tuyết được thu hái quanh năm, nhưng ngon nhất là vào mùa sương giá cuối thu đầu đông. Sương lạnh làm chồi non của trà nhú lên, đầy lông tơ màu trắng và đẫm nhựa. Trà tuyết chỉ hái búp non, không hái lá.
Trà tuyết mọc phân tán, ra chồi rải rác, nên mỗi lần thu hái không được nhiều. Do phải sao chế ngay để giữ chất lượng nên bà con dân tộc phải sao tay trên bếp củi tại bản, tích cóp từng cân một, nhiều dần mới mang đi bán cho xí nghiệp chè. Cũng do cách sao chế thủ công nên nước trà đầu bao giờ cũng có vị ám khói, trà ngon phải từ nước thứ hai trở đi. Trà tuyết ngon pha 6-7 nước vẫn còn đậm đà, nước xanh phớt vàng ong, không đỏ và chóng nhạt nước như trà trung du. Lượng trà tuyết ít, lại được ưa chuộng nên không bao giờ có trà tuyết bán ngoài chợ. Muốn mua trà tuyết phải vào tận bản hoặc đặt hàng với xí nghiệp chè. Có lẽ trà tuyết cổ thụ là món hàng không cần đến công nghệ quảng cáo. Lên chợ vùng cao, bạn có thể mua được trà "tuyết", nhưng đấy là trà tuyết "dởm" đã pha trộn với trà thường.
                 Trà tuyết - sản phẩm của hệ sinh thái rừng đặc thù
Trà tuyết không chỉ ưa khí hậu núi cao, lạnh ẩm mà còn kén đất. Chúng chỉ mọc được trên loại đất rừng feralit vàng đỏ, tầng mùn giàu và nhiều nguyên tố hiếm. Vi khí hậu vùng trà tuyết đặc sản ít phù hợp với sức khoẻ con người. Bắc Yên (Sơn La) có giống trà tà xùa ngon nổi tiếng có hàm lượng nguyên tố hiếm đến 0,5 phần ngàn, nhưng người ở trong vùng trà tuyết dễ bị ốm đau, trẻ sinh ra khó nuôi nên cả vùng không có một bóng nhà sàn. Người vùng cao Sơn La cho rằng uống trà tuyết rất khoẻ, leo núi dai sức, có lẽ trà tuyết đã cung cấp nhiều nguyên tố vi lượng tốt cho cơ thể.
Những vùng rừng suy thoái, vì lẽ đó không còn trà tuyết hoặc chỉ còn lại những loài pha tạp, chất lượng không ngon. Vùng trà tuyết Chợ Mới (Bắc Kạn) có đến trên 20 loài trà tuyết pha tạp, chỉ có duy nhất 1 loài trong số đó có búp đầy lông tơ màu trắng mới là trà thuần chủng.Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bắc Kạn thấy rõ giá trị của trà tuyết, đã đầu tư một dự án trong 3 năm nhằm chọn giống trà thuần chủng, ươm cành và nhân nuôi thêm 35000 cây trà tuyết con ở vùng trà Chợ Mới. Tuy nhiên, việc chọn đúng điều kiện sinh thái rừng thích hợp để trồng cây trà tuyết là việc làm rất khó khăn, vì đất rừng cũng đang suy thoái.
 
          Vĩ thanh
Có lẽ đến một ngày nào đó những sản vật như Trà San Tuyết sẽ mất, cũng như hàng ngàn loài cây trồng vật nuôi đặc hữu và có giá trị cũng biến mất theo đà công nghiệp hóa, nông nghiệp hàng hóa đại trà, thực phẩm công nghệ và biến đổi gen lan tràn,…Có lẽ đến khi đó con người mới ngộ ra niềm hạnh phúc khi được thưởng một chung Trà San Tuyết vùng cao xứ Bắc. Nhưng lúc đó đã muộn mất rồi!
 
 
 

Lượt xem: 3325

Các tin khác

QUYẾT BẢO VỆ

(20/04/2024 11:18:PM)

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

CÂY KƠ NIA TRÊN ĐẤT TỔ

(30/03/2024 10:36:PM)

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE