quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Tri thức bản địa trong bảo tồn nguồn gen và vai trò của cộng đồng

Thứ Hai, 23/05/2016 | 11:52:00 AM

(VACNE) - Báo cáo của TSKH Trần Công Khánh và TS. Nguyễn Ngọc Sinh tại Tọa đàm xây dựng diễn đàn đối tác về bảo tồn ĐDSH và sử dụng bền vững dịch vụ Hệ sinh thái, ngày 20/5/2016 tại Hà Nội.

TRI THỨC BẢN ĐỊA TRONG BẢO TỒN NGUỒN GEN

VÀ VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG

Trần Công Khánh, Nguyễn Ngọc Sinh

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)

 

1. Mở đầu

Từ xa xưa, trong quá trình đấu tranh sinh tồn, con người muốn tồn tại cần phải tìm ra nơi cư trú, cách chống đỡ với thiên tai, thú dữ, rắn độc, tìm ra những cây cỏ, cầm thú trong tự nhiên để ăn, mặc và để tự chữa bệnh mỗi khi bị thương tật hoặc đau ốm. Những kinh nghiệm đã thu được từ thực tế cuộc sống khắc nghiệt đó đôi khi phải trả giá bằng cả sinh mạng (vì ăn phải cây độc, nấm độc, con vật độc) được tích luỹ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác gọi là tri thức truyền thống (Traditional knowledge), hay tri thức bản địa (Indigenous knowledge). Gọi là bản địa hay địa phương, bởi vì nguồn tri thức này xuất phát từ người dân địa phương và phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, nơi cư trú của từng bộ tộc hoặc từng dân tộc.

Tri thức bản địa (TTBĐ) là hệ thống tri thức của một tộc người hoặc một cộng đồng ở một khu vực địa lý cụ thể, bao gồm sự hiểu biết, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực liên quan đến sản xuất, phong tục tập quán, tín ngưỡng, sức khoẻ, tổ chức cộng đồng, vv. Nó được hình thành và phát triển trong quá trình sống và lao động của cả cộng đồng, không phân biệt giới tính,  tuổi tác. Nó được lưu giữ bằng trí nhớ và lưu truyền bằng miệng.

Khác với tri thức hàn lâm (Academic knowledge) hay tri thức khoa học là hệ thống tri thức được hình thành chủ yếu bởi các nhà thông thái. Nó được tích luỹ, hệ thống hoá, ghi chép và lưu truyền qua sách vở.

Ở mỗi cộng đồng, TTBĐ cũng biến đổi theo thời gian và qua các thế hệ. Trong quá trình giao lưu với các dân tộc khác và với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, nhiều tập quán có khi cũng bị thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của đời sống hiện tại. Ví dụ, để phòng bệnh tật, đặc biệt bệnh sốt rét ở miền núi, nhiều vùng dân tộc thiểu số đã biết làm vệ sinh môi trường trong thôn bản và quanh nhà ở, biết di rời chuồng trâu bò, lợn gà ra xa nhà, đã có những công trình dẫn nước sạch về từng cụm gia đình, vv. Sự thay đổi này là cần thiết, nó không mâu thuẫn và làm mất bản sắc của từng dân tộc. Ngược lại, nếp sống mới sẽ bổ sung và làm phong phú thêm cho những tập quán truyền thống, làm cho môi trường sống tốt hơn, con người sống khoẻ mạnh hơn và sự phát triển của cộng đồng được bền vững hơn.

Nhiều trường hợp các dân tộc cùng sống trong một cộng đồng, nhưng TTBĐ của mỗi dân tộc vẫn khác nhau. Ví dụ: cây Bình vôi nhị ngắn (Stephania brachyandra Diels, họ Menispermaceae) mọc tự nhiên ở các xã xung quanh thị trấn Sa Pa nhưng mỗi dân tộc ở đây lại có tên gọi và cách dùng khác nhau.

Người cung cấp tin

Tên cây & công dụng

Bà Lý Tà Mẩy            (Dao đỏ, ở Tả Phìn)

Kèng chìn đòi (nghĩa là củ đồng xu). Trị ngứa ngoài da hình đồng xu.

Bà Hoàng Thị Vân  (Giáy, ở Tả Van)

Mạc hản phặc (nghĩa là củ con ngỗng ấp). Cho trâu ăn thì trâu béo.

Ông Vũ Đăng Bình  (Kinh, ở Ô Quý Hồ)

Củ bình vôi. Chữa mất ngủ

   (Nguồn: Trần Văn Ơn, 2004)

Bảng trên cho thấy chỉ 3 dân tộc mà cây Bình vôi nhị ngắn đã có 3 tên gọi và 3 cách dùng khác nhau, do tri thức truyền thống của họ khác nhau. Đó là một thuộc tính của ‘cây thuốc dân tộc’ (Ethno-medicinal plants). Cây thuốc dân tộc bao giờ cũng gắn liền với kinh nghiệm sử dụng (phần phi vật thể) của người dân bản địa. Ở nước ta có 54 dân tộc, nếu điều tra đầy đủ thì một cây thuốc sẽ phát hiện rất nhiều cách dùng khác nhau? Kho tàng kinh nghiệm này thật phong phú và vô giá.

 

2. Tri thức bản địa trong bảo tồn nguồn gen sinh vật

Từ xa xưa, mỗi khi lập buôn làng, các cộng đồng dân tộc đều phải dựa vào rừng nguyên sinh và tìm nguồn nước cần cho sự sống của họ. Rừng là nơi có nguồn gen vô cùng phong phú và đa dạng, đảm bảo cho sự sống của muôn loài. Cây rừng là mái nhà của cộng đồng, mất cây rừng thì đất sẽ bị xói mòn, nguồn nước sẽ bị cạn kiệt, con người và muôn loài sẽ bị huỷ diệt. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ môi trường sống của cộng đồng.

TTBĐ được thể hiện qua các Hương ước và Luật tục của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nó là công cụ quản lý đời sống cộng đồng trong lịch sử hàng ngàn năm qua và đang có tác động to lớn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quản lý,  bảo vệ rừng và tài nguyên sinh học.

Đến nay, TTBĐ đã được công nhận là nguồn tri thức có giá trị cao trong cuộc sống con người và “là cơ sở cho những sáng tạo kế thừa của nhiều ngành khoa học và là mối quan tâm của toàn thế giới. Ngày nay, nhờ có sự trợ giúp của công nghệ thông tin, TTBĐ được biết đến nhiều hơn và trở thành một trong những vấn đề được quan tâm ngày càng rộng rãi.” 

Xin trích một vài dẫn chứng về vai trò của TTBĐ trong bảo tồn nguồn gen sinh vật:

Luật tục Ê Đê về bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước[1]

Từ xa xưa, người Ê Đê đã có quan niệm rất đúng đắn rằng: Còn cây rừng thì còn bến nước, bến nước còn thì buôn làng còn. Vì thế, tất cả người trong buôn phải giữ lấy cây rừng để bến nước của họ sẽ mãi tuôn chảy, mang đến nguồn sống cho người trong buôn. 

Hình 1: Người Ê Đê

Luật tục Ê Đê có 236 điều, quy định trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cá nhân với cộng đồng..., nhằm mục đích tạo nên sự bình đẳng giữa mọi người. Không có sự phân biệt, ưu đãi tầng lớp trên hoặc ngược đãi tầng lớp dưới trong mọi lĩnh vực của đời sống trong buôn làng.

Điều 231: Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K’tơng, cây Kdjar.

Điều 232: Có bao nhiêu con, có bao nhiêu cháu đều phải dạy bằng hết cho chúng: Cấm không được đóng cọc vào cây K’tơng, cấm không được trèo lên cây Kdjar. Phạm điều cấm đó người ta coi ngang với tội chặt đuôi Voi, tội mò vào với vợ tù trưởng nhà giàu, tội thông dâm với vợ của người anh em. Tội đó phải đưa ra xét xử.

“Đi trong rừng thấy cây thẳng không được chặt, thấy cây to không được hạ. Rừng già không được phát rẫy. Rừng có cây to không được làm nương. Mất rừng, con Chồn, con Nhím không còn chỗ để trú, không còn nơi để kiếm ăn. Con người không còn rừng để sống…”

“Làm rẫy không được phát rừng già. Làm nhà không được chặt cây to. Chặt một cây phải trồng bảy cây. Chặt cây to phải chừa cây con. Làm như thế rừng không bị mất. Làm như thế rừng xanh tươi mãi mãi…”

“Chim thú trong rừng ta phải bảo vệ. Thấy chim thú không nên đuổi bắt. Bắt con chồn không được bắt con mẹ. Bắt con chim không được bắt con mẹ. Bắt con cá không được bắt con mẹ. Bắt con thỏ không được bắt con mẹ...”

 

3. Bảo tồn tri thức bản địa

Như đã dẫn ở trên, TTBĐ ở nước ta rất đa dạng và phong phú, nó rất quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, không chỉ trong sản xuất, kinh tế, văn hóa... mà cả trong bảo tồn nguồn gen sinh vật. Nó đã được thừa nhận như một nguồn tài nguyên phi vật thể quan trọng, không kém các nguồn tài nguyên vật thể khác.

Với ý nghĩa như thế nên việc bảo tồn TTBĐ là hết sức cần thiết. Trước đây, trong các dự án về bảo tồn Đa dạng sinh học nói chung, đặc biệt về bảo tồn Tài nguyên cây thuốc, người ta ít (thậm chí không) chú ý đến bảo tồn TTBĐ. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của vấn đề này, xin lấy một ví dụ về ‘cây hoặc con vật làm thuốc’.

Cây/con vật + Cách dùng làm thuốc  =  Cây thuốc/con vật làm thuốc

Như vậy, cây/con vật làm thuốc phải có hai yếu tố cấu thành, đó là cây/con vật (nguồn gen - yếu tố vật thể) và cách dùng làm thuốc (Tri thức sử dụng - yếu tố phi vật thể). Đây là hai mặt của một vấn đề, luôn đi kèm với nhau, nhưng yếu tố thứ hai quan trọng hơn và có tính chất quyết định. Bởi lẽ, các sinh vật quanh ta rất nhiều, nhưng nếu không biết sử dụng chúng để làm thuốc (cũng như các ứng dụng khác trong đời sống như để ăn, để nhuộm, làm công cụ sản xuất, vv.) thì nó chỉ là những sinh vật hoang dã trong tự nhiên. Yếu tố thứ hai này lại dễ mất hơn, bởi vì những người biết sử dụng cây cỏ/con vật làm thuốc thường là các ông lang, bà mế  đã cao tuổi. Những người này có thể ra đi bất cứ lúc nào. Một khi sự hiểu biết và những kinh nghiệm quý báu của họ không được thừa kế hoặc chưa được ghi chép lại thì sẽ mất. 

Với tầm quan trọng như vậy, nội dung của việc bảo tồn có liên quan đến nguồn tài nguyên sinh học phải đề cập đến cả hai yếu tố nói trên.

Để bảo tồn TTBĐ, ngoài người dân là nhân tố chủ yếu, còn cần phải có sự tham gia của Nhà nước và các nhà khoa học.

(i)          Người dân

- Phải có ý thức bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn gen sinh vật bản địa. Một khi không còn nguồn gen này để dùng thì những kinh nghiệm sử dụng chúng trong đời sống cũng sẽ mất theo.

- Những người có TTBĐ trong cộng đồng cần nhận thức được ý nghĩa và giá trị hết sức to lớn của nó, cần được lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ con cháu.

- Ngày nay, thế hệ trẻ cần học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ trước và nên ghi chép lại những kinh nghiệm đó để lưu giữ (vì những người thiểu số lớn tuổi thường không biết chữ).

Hình 2: Múa dân gian của người Cơ Tu ở huyện Nam Giang, Quảng Nam

(ii)        Nhà nước

- Tất cả các cấp chính quyền cần nhận thức được ý nghĩa, lợi ích và tiềm năng của TTBĐ.

- Cần có kế hoạch và kinh phí giúp người dân giữ được nguồn gen sinh vật bản địa còn lại mà người dân đang sử dụng.

- TTBĐ và nguồn gen sinh vật thường liên quan với rừng. Bảo tồn nguồn gen sinh vật không có nghĩa là đóng chặt cửa rừng, không cho phép người dân bản địa sử dụng (tất nhiên phải sử dụng bền vững). Nhà nước vẫn phải khuyến khích và phát triển việc sử dụng nguồn gen quý hiếm trong từng cộng đồng dân tộc ở Việt Nam.

- Tuyên truyền, động viên và giúp đỡ người dân (đặc biệt ở miền núi) đăng ký bản quyền về tri thức truyền thống quý giá của họ.

- Hoàn chỉnh hệ thống luật pháp về bảo vệ đa dạng sinh học nói chung và TTBĐ nói riêng. Chống lại sự khai thác bất hợp pháp tri thức truyền thống trong bất kỳ lĩnh vực nào.

(iii)      Nhà khoa học

-    Khi lập kế hoạch nghiên cứu hoặc trực tiếp tham gia vào các dự án bảo tồn nguồn tài nguyên sinh học nói chung, cần chú ý phải bảo tồn cả TTBĐ. Đó là nguồn ‘ý tưởng ban đầu’ cho các công trình nghiên cứu khoa học - kỹ thuật hiện nay và cả trong tương lai. Riêng đối với nhà khoa học thuộc lĩnh vực y tế, dựa vào TTBĐ trong chăm sóc sức khỏe để nghiên cứu và phát triển thuốc mới là con đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất. Nó giúp cho các nhà khoa học không phải điều tra sàng lọc (screening) từ đầu, một công việc rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

- Cần gắn kết TTBĐ với kỹ thuật hiện đại. Đó là phương pháp tốt nhất để ứng dụng KHKT vào nông thôn và miền núi, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nói chung, và bảo vệ nền văn hoá giàu bản sắc dân tộc ở nước ta.

 

4. Một số kết luận và kiến nghị về việc huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý nguồn gen và TTBĐ

Bắt nguồn từ sự phong phú của đa dạng sinh học và nhu cầu của cuộc mưu sinh, TTBĐ trong cộng đồng nói chung và các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng là một kho tàng kinh nghiệm to lớn và phong phú, một nguồn thông tin quan trọng nhưng còn ít người quan tâm. Bảo tồn TTBĐ là bảo tồn kho tàng kinh nghiệm quý báu, nó sẽ góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân. Vì vậy cần khuyến khích người dân chủ động khai thác hợp lý, hiệu quả hơn kho tàng tri thức của các dân tộc bản địa, phục vụ trực tiếp sinh kế người dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững. Các nhà khoa học có thể dựa vào TTBĐ về y học dân gian ở Việt Nam để khám phá và phát triển thuốc mới, phục vụ cho việc phòng và chữa bệnh, mang lại cuộc sống hạnh phúc không chỉ cho các dân tộc ở nước ta mà còn có thể đóng góp những thuốc mới cho nhân loại.

Quản lý nguồn gen và TTBĐ là sự nghiệp của toàn dân. Theo nghiên cứu của VACNE trong những năm gần đây, cũng như theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để có thể thực sự huy động được sức mạnh của cộng đồng trong lĩnh vực này, cần chú ý thực hiện tốt một số công việc chính dưới đây:

1. Quan tâm việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thường xuyên chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học về nguồn gen, về TTBĐ, về bảo tồn Đa dạng sinh hoc, bảo vệ môi trường, biến kiến thức thành hành động thực tiễn trong cuộc sống thường ngày.

2. Khuyến khích để cộng đồng chủ động thành lập và đưa vào hoạt động các mạng lưới liên kết bảo tồn gắn với sinh kế và nâng cao mức sống cộng đồng như một số các mạng lưới đã phát triển ở Nhật Bản, Thái Lan,... và đang bắt đầu được hình thành ở Việt Nam như mô hình OTOP hoặc OVOP (mỗi bản làng một sản phẩm).

3. Hoàn thiện chính sách, thể chế, luật pháp về bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gen và TTBĐ, lấy cộng đồng làm trung tâm, hướng tới cộng đồng, nâng cao tính chủ động của cộng đồng từ việc phát hiện đến khai thác, sử dụng nguồn gen, TTBĐ và chia sẻ lợi ích một cách công bằng và hợp lý.

4. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến vào công cuộc điểu tra, nghiên cứu ĐDSH, bảo tồn nguồn gen, khai thác, sử dụng hợp lý, khoa học tài nguyên ĐDSH, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cộng đồng và phục vụ sự nghiệp phát triển xanh, phát triển bền vừng đất nước.

5. Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực về lĩnh vực này.

6. Hoan nghênh và kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, về nông – lâm - ngư nghiệp thường xuyên phối hợp với các tổ chức tài trợ nước ngoài tổ chức các hoạt động giao lưu để cộng đồng, các tổ chức Xã hội dân sự (NGO) của Việt Nam, chia xẻ thông tin, học tập kinh nghiệm các nước về bảo tồn ĐDSH và quảng bá sự phong phú của ĐDSH ở Việt Nam, cũng như kho tàng to lớn về TTBĐ ở nước ta.

7. Từng người dân phải tự ý thức được ý nghĩa của nguồn gen và TTBĐ trong cuộc sống thường ngày để có thái độ và hành động đúng đắn đối với tài sản vô giá này trong ứng xử.

 

Tài liệu tham khảo chính

1.      Chiến lược và chính sách bảo tồn Đa dạng sinh học (của Việt Nam). Web BIODIVN, ngày 9/8/2014.

2.      Nguyễn Ngọc Sinh. Đường dài tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. IUCN, Văn phòng Hà Nội in và phát hành 6/2007 (tiếng Anh và tiếng Việt).    

3.      Trần Công Khánh. Cây thuốc dân tộc và vấn đề bảo tồn tri trức bản địa về cách sử dụng cây thuốc.  T/c Dược học, số 10/2000.

4.      Trần Công Khánh, Nguyễn Ngọc Sinh. Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích – Những bài học từ thực tiễn Việt Nam. IUCN, Văn phòng Hà Nội in và phát hành, 6/2005 (tiếng Anh và tiếng Việt). 

5.      Trần Văn Ơn. Khả năng thương mại hoá một số cây cỏ làm thuốc của người Dao Đỏ  ở huyện Sa Pa, Lào Cai. (B/c tại Hội thảo ‘Các sản phẩm địa phương có tiềm năng để nâng cao thu nhập cho các cộng đồng người Dao ở huyện Sa Pa’, 5. 2003).

 

 

 

 

[1] [Nguồn:http://viettems.com/index.php?option=com_content&view=article&id

=701:lut-tc-ee-v-bo-v-rng-t-i-ngun-nc&catid=160:bai-nghien-cuu&Itemid=190]

Lượt xem: 3664

Các tin khác

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 3/2024

(10/04/2024 07:46:PM)

Bốn đơn vị được Hội BVTN&MT Việt Nam tặng Bằng khen “ Vì Môi trường Xanh quốc gia năm 2024”

(10/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn về: “Rủi ro đối với môi trường và sức khỏe từ hoạt động của đốt lộ thiên” tại khu vực phía Nam

(10/04/2024 02:07:PM)

Triển khai Chương trình “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(09/04/2024 05:06:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE