quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Vất vả ĐTM - chuyện kể trưa nay

Thứ Sáu, 09/08/2019 | 02:22:00 PM

(VACNE) Cách đây khoảng 40 năm, người Việt Nam “ lần đầu tiên” vừa đi dự cuộc họp quốc tế về ĐTM được tổ chức ở Trung Quốc kể rằng: té ra nhiều nước đã có ĐTM từ lâu rồi, minh chứng là các đại biểu trình bày rất nhiều báo cáo thực tiễn và còn cùng hát vang bài ca ĐTM quốc tế mà họ đã thuộc lòng.

Thế là các chuyên gia khi đó, mới cùng nhau tra cứu thảo luận xem ĐTM dịch nghĩa là gì cho sát. Không khác gì việc tìm cách dịch thuật ngữ mà bây giờ ta đã quen gọi là “bền vững”.  Cuối cùng tậm thời  thống nhất dịch từ “assessment” là “đánh giá”. Đến nay, có ý kiến nên dịch là “dự báo” mới đúng. Chuyện đó để khi khác, Người kể chuyện lên tiếng, còn trưa nay, ta nói về khía cạnh ĐTM có vất vả không, hay chỉ là hình thức (làm cho có làm) như báo chí đôi lúc phản ảnh.

Người kể chuyện kém về lý luận, nên chỉ lấy chuyện thật trình bày, thậm chí còn trích dẫn báo chí cho khách quan, nhưng mấy lần trước vẫn còn bị các “thượng đế” rút kinh nghiệm là dài dòng, không đi vào trọng tâm, nên đành “kể” vậy.  Vì chuyện cũ đã lâu, có gì không ổn, không chính xác mong được lượng thứ.

Dạo ấy, ở nước ta hình như cũng có nhiều ĐTM lớn, khó, nên lãnh đạo cơ quan  môi trường phải phân nhau trực tiếp quản lý. Trong số đó có ĐTM cảng nước sâu Quảng Ninh, trung tâm thương mại Tràng Tiền bờ Hồ Gươm Hà Nội,… và đặc biệt ĐTM đường Hồ Chí Minh đoạn qua VQG Cúc Phương.

Trước hết nói về chủ đầu tư, người phải chi tiền để làm báo cáo ĐTM. Có thể tự làm, nhưng thường là thuê. Ở nước ngoài, khoản kinh phí lập ĐTM này chiếm khoảng 0,001 đến 0,05% tổng chi dự án. Là người ta nói thế. Còn ở ta, chẳng ai chi như vậy đâu, kể cả các dự án do nhà nước đầu tư. Thế là cái khó chuyển cho người được thuê làm báo cáo ĐTM. Chính vì thế, tại cuộc họp Hội đồng tầm cỡ, mới có chuyện: một người làm thuê đã phải khai thật rằng, tiền hợp đồng chỉ đủ để đưa một số chuyên gia đi quanh khu vực dự án một vòng. Nói gì đến khảo sát thực địa, lấy mẫu phân tích, đánh giá hiện trạng môi trường, tham vấn cộng đồng,... Mà đây lại là những nội dung bắt buộc phải thực hiện khi xây dựng báo cáo ĐTM. Nhiều hội viên VACNE than thở rằng, có được hợp đồng thực hiện ĐTM đã khó khăn lắm, cùng là may mắn đấy, nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới biết thế nào là vất vả.

cau can Cuc Phuong (2).jpg

Cầu cạn đi qua VQG Cúc Phương

Chuyện này phải có thời gian mới trình bày hết được. Hơn nữa, trong số các thượng đế có mặt trưa nay, nhiều người thừa biết những vất vả mà người được thuê làm ĐTM thường gặp. “Săn” được một hợp đồng làm báo cáo ĐTM đã khó, nhưng người làm thuê không ít khi bị ngi ngờ là “làm theo ý” người chi tiền. Chuyện gì cũng có thể, nhưng có một điều thường không được nhắc đến: người làm thuê kiên quyết không thay đổi những kết luận khách quan, khoa học rút ra từ những dữ liệu có được, mặc dù có thể không phải là điều mà người đặt hàng mong muốn, thậm chí trả lại kinh phí hợp đồng nếu bị ép buộc. Đây là loại khó khăn, vất vả  rất đặc biệt khi thực hiện ĐTM.

Được rồi, chúng tôi nhất trí là làm ĐTM rất vất vả, không hề đơn giản. Nhưng bảo vệ các báo cáo ĐTM thì có phức tạp lắm không? Một vị có vẻ ngoại đạo xen vào hỏi.

Người kể chuyện nhìn ông ta và nói rằng: cũng đang định nói về chuyện này đây. Và lại theo cách là lấy dẫn chứng, lấy ví dụ cụ thể để “hầu” các bác. Câu chuyện bảo vệ ĐTM xảy ra khoảng 20 năm trước là thế này: Bộ chủ quản Dự án trình Bộ KH,CN&MT báo cáo ĐTM. Vì là dự án lớn, nên Hội đồng duyệt gồm gần 20 thành viên. Cả ngày trời họp hành căng thẳng, cuối cùng  Hội đồng không thông qua báo cáo, nhưng chỉ ra những việc cần phải bổ sung, chỉnh sủa của báo cáo. Đặc biệt là các phương án khác nhau để so sánh, cân nhắc. Nửa năm trôi qua, dù rất nỗ lực thực hiện những yêu cầu của Hội đồng, nhưng tại cuộc họp lần thứ 2, vẫn có ý kiến   nhận xét là Bộ gần như đã làm mới báo cáo ĐTM, ngược lại, có vị lại cho là chưa ổn, chưa đáp ứng được yêu cầu của Hội đồng lần trước và thêm một lần nữa Báo cáo ĐTM không được thông qua. Bộ chủ quản sau đó phải tiếp tục hoàn thiện báo cáo, tổ chức chuyến khảo sát thực tế dài ngày cho Hội đồng. Nghe nói lãnh đạo 2 bộ còn phải họp chuyên về việc này. Nửa năm nữa và tại cuộc họp Hội đồng lần thứ 3, báo cáo ĐTM đã được chỉnh sửa rất nhiều. Sau cả năm hoàn thiện mới được thông qua với chỉ vừa đủ số phiếu đồng ý.

Theo một báo cáo tổng kết của cơ quan quản lý môi trường, đâu đó khoảng 10% tổng các báo cáo ĐTM trình duyệt đã  không được phê duyệt. Quá vất vả, phải không các thượng đế. Người kể chuyện đế thêm vào câu chuyện và nói rằng chuyện kể sau đây mới là bài học nặng ký về nỗi “vất vả” của làm ĐTM.

Khi báo cáo ĐTM của dự án nói trên được thông qua, cơ quan quản lý môi trường lại phải tiếp đoàn trên 10 phóng viên đến từ các nước đang hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Có vị nhà báo còn cao giọng tuyên bố: chúng tôi đến để nghe lời giải thích về việc tại sao lại thông qua báo cáo ĐTM của một dự án xâm hại môi trường khu vực mà nước họ đang giúp để bảo tồn, rằng việc này thậm chí sẽ ảnh hưởng đến khả năng: có tiếp tục hỗ trợ, tài trợ nữa hay không. Nhưng khi nghe phía Việt Nam trình bày, đưa ra các hình ảnh, tài liệu về 1 năm với 3 cuộc họp Hội đồng, phân tích sự khác biệt giữa báo cáo lần đầu với báo cáo được thông qua, đặc biệt là việc so sánh các phương án lựa chọn được thực hiện theo yêu cầu của Hội đồng và trả lời hàng loạt câu hỏi đặt ra, các phóng viên, nhà báo nước ngoài đã nắm rõ vấn đề, tỏ vẻ cảm thông với những công việc đã làm liên quan đến ĐTM dự án. Trả lời về mong muốn của phía Việt Nam, họ nói sẽ tìm hiểu và trao đổi với Việt Nam về kinh nghiệm thực hiện ĐTM đối với các dự án tương tự của các nước. Sau khi được biết kết quả cuộc làm việc vùa nói, có thành viên Hội đồng nhận xét là, như vậy là công tác ĐTM của ta đã được “hội nhập quốc tế”. Vất vả thật, nhiều thượng đế cùng thốt lên.

Chưa hết đâu ạ, Người kể vội xen vào. Câu chuyện ĐTM sẽ còn cực kỳ vất vả ở khâu “hậu ĐTM” xin được kể tiếp đây. Nhưng ngay lúc đó ông Chủ quán kêu ầm lên:

Xin lậy các quý khách, hết giờ nghỉ trưa từ lâu rồi ạ. Chừng ấy đã thấy vất vả thế nào rồi, xin các “thượng đế” chiếu cố cho Quán em ạ, để đến trưa mai nhé.

Mọi người đang không biết tính sao thì Người kể chuyện lên tiếng nhất trí với lời khẩn cầu của Chủ quán. Quán mà bị dẹp thì Nghìn lẻ một Trưa cũng chết theo. Đồng ý thôi, đồng ý thôi. Mọi người tán thưởng.

Quán cà phê MT, một buổi trưa giữa tháng 8/2019

Lượt xem: 1469

Các tin khác

QUYẾT BẢO VỆ

(20/04/2024 11:18:PM)

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

CÂY KƠ NIA TRÊN ĐẤT TỔ

(30/03/2024 10:36:PM)

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE