(VACNE) - Thời gian qua, 1 số ấn phẩm của VACNE và các đơn vị hội viên đã đăng nhiều bài tri ân các vị tiền bối của Hội nhân kỷ niệm 35 năm thành lập (1988 - 2023). Tuy vậy, chúng tôi hiểu rằng, dù có viết bao nhiêu cũng không đủ để nói lời biết ơn tới các vị tiền bối. Không đủ vì không nói được về tất cả các vị tiền bối. Không đủ vì có nhắc tới tên vị này vị kia thì cũng không thể nói hết được sự đóng góp của vị đó cho Hội. Và càng không đủ vì các bài viết không thể nào thể hiện được mức độ tri ân của người viết đối với các vị tiền bối.
Chẳng hạn, bức ảnh chụp ngày Đại hội thành lập Hội của nhà báo Phùng Quang Chính cách đây 35 năm ghi lại được khuôn hình của 16 vị trong Ban Chấp hành đầu tiên của Hội. Đã rất nhiều người xem, người đoán nhưng cũng không nhận diện được hết. Có trường hợp nhận diện được thì lại không tìm ra các tư liệu cần thiết để chia sẻ. Đành nhận lỗi với các vị tiền bối và xin được điểm qua một số nét về các vị sau đây có trên bức ảnh lịch sử nói trên.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thụy khi đó là Vụ trưởng Vụ KHKT Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Nhiều người cho rằng, GS là những người đầu tiên ở Việt Nam viết về vấn đề biến đổi khí hậu, viết về sự gia tăng của mực nước biển và các đại dương ngay từ những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ trước.
Đại tá thủy quân Vũ Phi Hoàng, người Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đầu tiên của Hội. Trung tâm của Đại tá triển khai hoạt động với GTZ ngay từ khi thành lập, xuất bản được nhiều tài liệu và đưa 1 số đợt hội viên sang Đức thăm quan, khảo sát. Trung tâm cũng là 1 trong các đơn vị phối hợp tổ chức 2 lớp tọa đàm/tập huấn cho các cán bộ cấp cao của Việt Nam về môi trường.
PGS.TS Trần Trọng Hựu, đại diện của các luật sư tham gia Ban Chấp hành Hội. Khi đó PGS đang hoạt động cho tạp chí Nhà nước và Pháp luật, đã cùng Hội và các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức Hội thảo đầu tiên về Bảo vệ môi trường bằng pháp luật. PGS.TS Trần Trọng Hựu đã đóng góp nhiều công sức cho đề tài NCKH và sau đó là cho Luật bảo vệ môi trường.
GS.TSKH Vũ Cao Thái, nhà nghiên cứu về thổ nhưỡng tham gia Ban Chấp hành Hội. Cơ duyên là GS trưởng nhóm "Xe Pháo Mã" về thổ nhưỡng tham gia thực hiện Chương trình Điều tra tổng hợp đồng bằng sông Cứu Long từ kế hoạch 5 năm 1976 - 1980. GS là 1 trong 4 tác giả viết báo cáo tổng kết Chương trình được đánh giá cao về tính khoa học và thực tiễn.
Cuối cùng, xin được nhắc tới nhà địa chất Tăng Mười, người đã đóng góp rất nhiều cho việc nghiên cứu địa chất khai thác vùng Đồng Tháp Mười. Khi thành lập, VACNE đã có ngay ý tưởng muốn tập hợp đầy đủ nhất những người đại diện cho các ngành khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau, do đó, sự có mặt của nhà địa chất Tăng Mười là tất yếu.
Rất mong những người có thông tin về những vị vừa nêu, cũng như về những tiền bối khác của VACNE viết bài hoặc cung cấp thông tin cho Hội để tiếp tục có được các bài có chất lượng thể hiện sự tri ân của thế hệ hiện tại đối với các bậc tiền bối của Hội.
Tính từ bên trái sang phải: GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thụy (đứng thứ 2 hàng 1), Đại tá Vũ Phi Hoàng (đeo kính đứng thứ 4 hàng 1), PGS.TS Trần Trọng Hựu (đứng thứ 8 hàng 1), GS.TSKH Vũ Cao Thái (đeo kính đứng thứ 5 hàng 2), ông Tăng Mười (đứng thứ 6 hàng 2)