Sau mỗi tiết Lập Xuân cây cối lại bật những chồi non, đâu đó khắp nơi đều trải một màu xanh thật đẹp. Những mầm cây như chỉ đợi đến lúc này là bắt đầu cựa mình tách vỏ. Mùa xuân đã về. Mùa Xuân là mùa cho ta ươm sự sống. Mùa Xuân đánh thức những chồi non vươn vai thức dậy sau giấc ngủ vùi của những ngày rét đậm rét hại đi về phía Đông không nhìn thấy được mặt trời. Đặc trưng của mùa Xuân chính là cái màu xanh non ngút ngàn tầm mắt ấy. Chỉ cần đứng từ phía xa trông lại, ai cũng nhận ra rằng đây chính là cái màu xanh rất đặc thù của tháng ăn chơi.
Mỗi khi kể chuyện về mùa Xuân là mẹ lại kể cho ta nghe những câu chuyện của Cỏ. Chưa có mùa nào Cỏ lại mọc nhiều và xanh như mùa Xuân. Cũng chẳng biết từ khi nào ba tiếng "Cỏ mùa Xuân" in sâu trong kí ức và gợi cho ta nhiều suy tư đến thế. Dưới bàn chân ta, cỏ vẫn lặng lẽ hát lên những khúc ca muôn thưở của một kiếp sinh tồn.
Ai đã từng đắm chìm vào mùa Xuân để nghe những tiếng thì thầm của Cỏ mùa Xuân. Chỉ cần một chút hơi ẩm là Cỏ thỏa sức vươn xanh và nơi đâu có Cỏ là nơi đó có tâm hồn. Cỏ muôn hình vạn trạng sống len lỏi khắp nơi, làm sao có thể kể được hết tên gọi và công dụng của các loài Cỏ. Cỏ lau, cỏ lác, cỏ chỉ, cỏ gấu, cỏ gà, cỏ mật, cỏ ba lá...và rất nhiều loại cỏ khác. Cỏ mọc vườn nhà để làm rau ăn, cỏ mọc đồng hoang thì dùng làm thuốc, cỏ mọc nơi công viên được dùng trang trí, cỏ dại mọc bên đường để cho ai đó tinh nghịch vặt hái chơi, cỏ nơi sân bóng được trồng để cho người khác giẫm đạp lên nó... Khoa học đã phải mất bao nhiêu thời gian, công sức để nghiên cứu về Cỏ. Dựa vào phong tục tập quán sinh hoạt canh tác của từng vùng mà có người gọi Cỏ là Rau, có người gọi Cỏ là Cỏ. Tùy vào thành phần dinh dưỡng và giá trị sử dụng của từng loài Cỏ mà có những loài còn được lưu danh mãi đến muôn đời.
Cỏ ơi! Ta đi trong mùa xuân để thấy Cỏ cựa mình. Đưa tay ra hứng từng giọt mưa đêm để lắng nghe xôn xao miền cỏ thức. Cỏ bật chồi non khi những giọt mưa xuân giăng nhạt nhòa mà chẳng đủ làm ướt áo. Đi giữa vùng cỏ non để yêu nhiều hơn những nồng nàn từ lời ru quê Mẹ. Lắng trong màu cỏ non để hiểu kỹ hơn về nhân quả, được mất, sống còn. Đừng ngạc nhiên khi đi trong những vườn cây thuốc và biết rằng sinh tử luôn cận kề bên nhau. Hiểu được vì sao những loài cây cực độc lại phải sống ở ngay bên cạnh những cây có thể hóa giải độ độc của nó. Không phải ngẫu nhiên mà kinh nghiệm dân gian cho rằng, cách nơi Rắn ở 7 bước sẽ có một loài cỏ chữa được Rắn cắn. Ai đã từng đọc tác phẩm của nhà văn Kim Dung mà lại không hỏi rằng từ khi nào mà người Trung Quốc đã tin rằng có một loài cỏ mọc ở đáy Tuyệt Tình Cốc có khả năng chữa lành vết thương tình yêu và làm hóa giải mọi hận thù.
a1.jpg) |
Sức sống của cỏ mạnh mẽ là thế, từng lớp cỏ mọc chen chúc nhau làm cho "chuỗi thức ăn" càng thêm chât chội. Nếu có một ngày được lang thang cùng cỏ, cỏ sẽ kể cho ta nhiều chuyện lắm biết không ? Chuyện những hạt cỏ tự vùi mình dưới vài mét đất để trốn cái lạnh của mùa Đông. Chuyện của những lá cỏ biến thành gai khi dấn thân vào những nơi khắc nghiệt. Chuyện của những loài cỏ sống ở nơi rừng sâu, khi lớn lên sẽ hình thành nên những chiếc rễ to và chắc bám chặt vào đất để hút nước, dinh dưỡng nuôi sống cả những thảm thực vật đang kí sinh trên nó. Những chiếc rễ dài ấy còn đã trở thành những sợi dây rừng vừa to vừa chắc để cho ai đó có thể yên tâm bám vào mà không sợ bị trượt chân. Cỏ kể cho ta về mối quan hệ của kí chủ và kí sinh để nhắc ta phải tự mình nỗ lực vươn lên mà không được dựa dẫm ỷ lại vào người khác.
Khi thời tiết đổi thay, từng giọt dịch nhựa trong cây như chảy chậm hơn trong từng mạch li be, bó dẫn. Cỏ lắng nghe và nghe thấu những biến động từ phía ngoài để tự điều tiết phía bên trong. Cỏ còn kể ta nghe nhiều chuyện lắm. Chuyện một tốp trẻ con nô đùa giẫm nát từng vạt cỏ, chuyện ai đó qua đường tiện tay ngắt vài ngọn cỏ để chơi. Kỳ lạ thay, chỉ vài ngày sau ở bên cạnh những vết ngắt ấy, sẽ bật lên các chồi non và cỏ sẽ kể ta nghe những câu chuyện về "ưu thế ngọn" và "tính toàn năng của tế bào thực vật". Cỏ còn kể câu chuyện về một chú Chó con lon ton chạy vui đùa bên vườn cỏ, nghe tiếng khóc xụt xùi từ một gốc cây, Chó con chạy đến hỏi: "Cỏ ơi! Vì sao cỏ khóc". Cỏ thổn thức rằng: "tại sao người này gọi ta là Rau còn người kia lại gọi ta là Cỏ". Chó con an ủi: "Khóc làm gì chị Cỏ ơi, chuyện của chị cũng giống chuyện của em. Người phương Tây coi Chó là bạn còn người phương Đông lại coi Chó là Chó đấy thôi...".
Câu chuyện ấy đã làm cho ta một lần nữa phải hoài nghi về quan niệm: "thế nào là rau, thế nào là Cỏ". Rồi cứ thế, Cỏ kể ta nghe những câu chuyện về tình yêu đồng loại và những cuộc đấu tranh không cân sức. Câu chuyện về những lần phải ngụy trang mỗi khi nguy hiểm rình rập, để nhắc ta rằng: "đi với bụt mặc áo Cà sa, đi với Ma mặc áo giấy". Cỏ kể ta nghe nhiều lắm về những câu chuyện tương thân tương ái và những ước mơ bé nhỏ nơi vùng cao lớn rộng về một "bữa cơm có thịt". Những cái mang máng, na ná, nôm na thường dễ được chấp nhận hơn những kiến thức cơ bản nhưng lạ lẫm. Những khả năng chống chịu, chu trình chuyển hóa tích lũy dinh dưỡng và những ngày Cỏ nhặt mưa giấu vào trong ngực ấm để đợi mùa xuân...
Cỏ ơi! Ta biết từ nay sẽ phải nhẹ nhàng bàn chân hơn mỗi khi vào vườn cỏ. Có lẽ ai đã từng trải qua những mất mát được thua và sóng gió cuộc đời mới biết lắng nghe tiếng Cỏ. Ta biết rằng những khu vườn hoang sẽ chỉ làm cằn khô, nứt nẻ những tâm hồn. Ta chẳng thể nào quên được cách mà những thảm thực vật đã làm nên những cơn mưa lá. Đó là sự sinh sôi và lớn lên trong trật tự, đó là cách xếp hàng đợi đến lượt thanh toán trong siêu thị, đó là cách biết hài hòa nhẫn nhịn trong từng tầng cao thấp.
Cỏ ơi! Thức đợi mùa Xuân để râm ran cùng Cỏ và nhặt những hạt nắng chiều để cho gió bớt hanh hao. Cỏ giấu yêu thương vào từng lớp lá, để biết chờ mong hạnh phúc ngọt ngào. Cỏ ủ mình nơi ngọn nguồn sỏi đá, đợi 2 sôi 3 lạnh để nảy mầm. Cỏ gói ghém hạt mưa chiều vội vã, để qua bao nông nổi mới hướng về thẳm sâu. Ta biết cách cài từng chiếc lá vào nhau để cùng đón nắng, giữ nước, để những thứ mà ta vất vả mới có được chẳng thể nào trôi tuột đi bởi lũ ống, lũ quét. Ta đã biết đan từng sợi nhớ, rắc từng hạt mong, vun những luống thương và đợi ngày trái yêu kết quả. Sự đan xen ấy giống như những vòng ôm hay chính là sự cân bằng nhiệt giữa hai vật kề nhau để chia sẻ những ấm áp tình người. Cỏ ơi! Hãy yêu thương để xanh mãi với đất trời...
(Quehuongonline)