quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

“Lời thì thầm” từ dòng Đăk Bla

Thứ Sáu, 17/07/2020 | 06:47:00 AM

Dòng sông Đăk Bla mang biết bao huyền thoại và cả những câu chuyện tình đẫm nước mắt. Nhưng tiếc thay, mấy năm gần đây dòng sông đang lịm dần giữa mùa nước cạn.


Cầu treo Kon Klor nối hai bờ Đăk Bla, giờ là điểm đến của rất nhiều người


Cầu treo Kon Klor nối hai bờ Đăk Bla, giờ là điểm đến của rất nhiều người.

“Lời thì thầm” của dòng sông

Dòng sông Đăk Bla như dải lụa vắt qua Kon Tum, được hợp lưu bởi nguồn nước từ các con suối và 3 nhánh sông nhỏ là Đăk A Kôi, Đăk Snghé và Đăk Pne bắt nguồn từ dãy Ngọc Linh hùng vĩ, chảy dài 139km và cứ thế ngược về phía Tây trước khi gặp sông Krông Pô Cô ở huyện Sa Thầy nhập làm một thành sông Sê San, chảy qua đập thủy điện Yaly rồi sang lãnh thổ Campuchia để hòa vào dòng Mê Kông đổ ra biển Đông ở phương Nam.

Già A Xếp - già làng của làng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum), một trong những ngôi làng cổ hiếm hoi còn lại của Tây Nguyên nằm bên bờ Đăk Bla, nhìn dòng sông lúc hoàng hôn rồi thủ thỉ, rằng Đăk Bla ngàn đời đã chở che, nuôi sống cho người dân của làng, cũng như của các làng Ba Na khác như làng Pei Đôn, Plei Rơ Hai, Plei Tơ Nghia, làng Kon Jơri… ở hai bên bờ. Dòng sông ấy có lúc mềm mại như mái tóc của người con gái, có lúc lại hung dữ tựa cơn nóng giận của các chiến binh.

Già A Xép kể, từ xa xưa người Ba Na đã gọi dòng sông này là Đăk Krong Plăh - dòng sông nước lớn. Trong tiếng Ba Na, “đăk” là nguồn nước, “plăh” là hung bạo, dữ tợn. Những mùa lũ, dòng sông cồn lên con nước hung hăng cuốn đi biết bao trâu bò, lúa gạo và cả người làng ở hai bên bờ.

Già A Xép kể, người của các làng Ba Na và Gia Rai hai bên sông này vẫn lưu truyền câu chuyện tình diễm lệ nhưng đầy xót xa. Nhiều đời trước, những người đầu tiên đến bên dòng Đăk Bla dựng buôn, lập làng là người Gia Rai và Ba Na. Người Gia Rai lập làng bên hữu ngạn, phía thượng lưu. Người Ba Na lập làng bên tả ngạn, phía hạ lưu. Hai buôn làng vẫn sống chan hòa, yêu thương nhau giữa núi rừng hùng vĩ. Một ngày, chiến tranh nổ ra khắp vùng Tây Nguyên, người làng Gia Rai và người làng Ba Na cũng trở nên thù địch, đánh nhau thường xuyên.

Rồi, một chàng trai người Gia Rai lại đem lòng yêu thương cô gái người Ba Na mà không được buôn làng chấp nhận. Tuyệt vọng, họ hẹn nhau một đêm sáng trăng ra sông Đăk Bla trẫm mình cùng nhau. Ngày hẹn, đôi trai gái lao xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Dòng sông như hiểu được nỗi lòng của đôi trai gái ấy, đã gầm lên những tiếng giận dữ. Đến lúc biết sự việc, người dân hai làng đều hối hận. Cảm động trước tình yêu của đôi trai gái, hai làng quyết định gạt bỏ quá khứ, kết nghĩa anh em, sống lại những ngày tháng chan hòa. Và từ đấy, người làng của những Pei Đôn, Plei Rơ Hai, Plei Tơ Nghia, Kon K’tu… yêu thương lẫn nhau và cùng sống với dòng sông huyền thoại này.

Năm 1994, cầu Kon Klor “chào đời” đã “đánh thức” kinh tế hai bờ, tạo giao thương thuận tiện. Cuộc sống của người dân cũng nhờ đó no đủ, nhộn nhịp hơn. Cầu Kon Klor đã đưa mọi người đến gần nhau hơn và cũng chấm dứt luôn những chuyến đò ngang bằng thuyền độc mộc đã từng bao năm qua lại đôi bờ.

Dòng sông hấp hối

Thời điểm này đang là cuối mùa khô ở Tây Nguyên và con sông Đăk Bla đang trở mình lặng lẽ. Nhiều người đi trên cầu Kon Klor khi nhìn xuống dòng sông chỉ còn thấy những cồn cát trắng. Dòng sông hùng vĩ giờ chảy lặng lẽ, cạn kiệt nguồn nước.

Đầu nguồn sông, Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đã được xây dựng. Nhà máy là dự án bậc một trên hệ thống bậc thang Thủy điện sông Sê San, do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư. Và để có nước chạy máy phát điện, nguồn nước của con sông đã bị chặn lại.

Cách đây hơn 10 năm, khi phối hợp nghiên cứu bước đầu về tác động của Thủy điện Thượng Kon Tum, cả Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum, Viện Tư vấn Phát triển (CODE, một đơn vị nghiên cứu độc lập) đều đưa ra các đánh giá về những tác động bất lợi đối với khả năng phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nước cho khu vực hạ lưu...

Thực tế là với thiết kế của Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum, lượng nước sử dụng phát điện xấp xỉ 30m3/giây, gần gấp đôi lượng nước trung bình năm và gần gấp 3 lần lượng nước trung bình nhỏ nhất vào mùa cạn ở sông Đăk Snghé, dẫn đến khúc sông dài 30 - 35km về phía hạ lưu của sông này sẽ bị cạn kiệt hoàn toàn.

Vài năm gần đây, nhất là vào mùa khô, sông Đăk Bla và các dòng suối ở Kon Tum cũng đã cạn kiệt. Khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước và chuyển dòng, phía hạ lưu sông Đăk Snghé và Đăk Bla bị mất 50 - 60% lượng nước. Sự cạn kiệt ấy, đã khiến dòng sông Đăk Bla chỉ còn là dĩ vãng.

Với già làng A Xép và với nhiều người, những ngôi làng cùng dòng Đăk Bla và sự gắn kết ấy đã trở nên một thứ trầm tích, là trầm tích của văn hóa và lịch sử về một vùng đất đầy ắp huyền thoại. Thời gian đi qua, khi già A Xép già hơn và khi dòng Đăk Bla không còn như xưa nữa, nhưng câu chuyện của ông, của dòng sông chắc chắn sẽ khiến nhiều người không thể nguôi ngoai.

Đăk Bla là niềm tự hào của bao thế hệ, là nỗi thương nhớ của người dân Kon Tum tha phương. Nhưng bây giờ, dòng sông đang hấp hối…

Vài năm gần đây, nhất là vào mùa khô, sông Đăk Bla và các dòng suối ở Kon Tum cũng đã cạn kiệt. Với già làng A Xép và với nhiều người, những ngôi làng cùng dòng Đăk Bla và sự gắn kết ấy đã trở nên một thứ trầm tích, là trầm tích của văn hóa và lịch sử về một vùng đất đầy ắp huyền thoại. Thời gian đi qua, khi già A Xép già hơn và khi dòng Đăk Bla không còn như xưa nữa, nhưng câu chuyện của ông, của dòng sông chắc chắn sẽ khiến nhiều người không thể nguôi ngoai.

M. Ngọc - Đ. Dũng/Dantoc

Lượt xem: 1473

Các tin khác

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

THỜI SỰ

(10/03/2024 11:43:PM)

QUÀ XANH

(09/03/2024 05:16:PM)

NÂNG TẦM KHÁT VỌNG

(07/03/2024 09:24:AM)

AI SAY CỨ VỀ

(04/03/2024 10:37:AM)

Mỗi kỷ niệm - một niềm vui

(01/03/2024 10:32:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE