quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cần có Mô hình “Bảo vệ các Nguồn nước Di sản của cộng đồng”

Thứ Ba, 09/09/2014 | 01:18:00 PM

(VACNE). Không phải ngẫu nhiên mà người Việt gọi Tổ Quốc là Đất Nước.. Việc bảo vệ nguồn nước truyền thống của cộng đồng không phải là việc của riêng cá nhân, hay tổ chức nào mà là trách nhiệm chung toàn xã hội. Cần xây dựng và ứng dụng Mô hình “Bảo vệ các Nguồn nước Di sản của cộng đồng”.



 

Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh VACNE

 

Bến nước Ê đê

Hồi 10h00 ngày 09/9/2014 tìm từ khóa “Heritage Water” (Nguồn nước Di sản) trên Google được 274 triệu kết quả trong 0,44 giậy. Tìm từ khóa “Water Heritage” (Di sản Nguồn nước) được 275 triệu kết quả nữa trong 0,50 giây. Vậy Nguồn nước Di sản là gì mà thế giới hội nhập “tưng bừng” như vậy?

1.    Thế nào là nguồn nước di sản của cộng đồng.

Trên thế giới  thuật ngữ  “Nước là di sản” (Water as a Heritage), hoặc Di sản nguồn nước (Water Heritage) đã được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, Canada, Úc và nhất là vùng khan hiếm nước ở Bắc Phi [i]. Năm 2012 một Hội thảo quốc tế đã được tổ chức tại Lille (Pháp) có tiêu đề: Chương trình “Nước là một lọai hình Di sản” (“Water as a Heritage” Programme). Chương trình này kéo dài trong 3 năm (2011 – 2013) [ii] kêu gọi thế giới coi nguồn nước là một loại hình Di sản liên quan đến công đồng chứ không chỉ là một loại hình tài nguyên.

Nguồn nước Di sản không chỉ bao gồm nguồn nước mặt mà cả nguồn nước ngầm, theo nghĩa rộng, là nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và đáp ứng yêu cầu của kinh tế, văn hóa cộng đồng. Theo nghĩa rộng này, các dòng sông cội nguồn của các nền văn minh đều là Nguồn nước Di sản[iii]

Trong bài báo này nhóm tác giả đề xuất Nguồn nước Di sản theo nghĩa hẹp có đồng thời 3 đặc trưng: (i) nguồn nước ăn của cộng đồng, (ii) đã được duy trì trong nhiều đời cho đến hiện nay và (iii) gắn liền với những đặc trưng của văn hóa cộng đồng, thường là ở cấp buôn làng. Nội hàm cụ thể này khiến mô hình “Nguồn nướ Di sản” dễ phát động và dễ quản trị

2.    Một vài ví dụ về nguồn nước di sản của cộng đồng:

Giếng Sữa (Đường Lâm – Sơn Tây). "Giếng sữa" nằm cạnh con đường mòn dưới chân đồi Nghẽn và núi Cấm, thôn Cam Lâm (Đường Lâm, Sơn Tây Hà Nội), tương truyền có từ thời Ngô Quyền. Đó là một giếng nước rất nhỏ và nông, thành được xây bằng đá ong,  rộng chưa đầy 80cm, sâu khoảng hơn 1m, nước trong vắt suốt bốn mùa và luôn đây ắp nước. Ngay cả vào mùa hạn hán những chiếc giếng khác trong làng cạn hết nhưng “giếng sữa” nước vẫn đầy ắp và trong xanh, ngọt lịm. Các bà mẹ sinh con nếu không có sữa cứ đến  xin một chai nước về uống hay nấu cháo ăn thì có sữa ngay.

Giếng Ngọc (Côn Sơn) nằm bên phải đường lên Bàn Cờ Tiên, nơi Nguyễn Trãi đã từng tìm về ở ẩn, Giếng Ngọc không chỉ là niềm tự hào của người dân Côn Sơn mà còn là chốn linh thiêng tìm về của du khách thập phương. Giếng Ngọc nằm dưới chân núi Kỳ Lân là mạch nước ngầm tự nhiên, sâu chỉ chừng 2m nước nhưng từ ngàn xưa truyền lại không bao giờ thấy bị cạn. Nước Giếng Ngọc thường được các sư ở chùa dùng để tắm tượng, mang vào chùa cúng tuần rằm mùng một. Kể cả khi người dân trong vùng nghe tiếng giếng thiêng đến để xin nước về dùng, giếng vẫn quanh năm đầy ắp, trong vắt một cách lạ kỳ.

Suối Rồng (phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn) là một nguồn nước suối nhỏ chảy ra từ vách núi đá của phường Ngọc Xuyên, từ cổ đến nay chưa bao giờ ngừng chảy. Tên “Ngọc Xuyên” cũng có nghĩa là Suối Ngọc. Thời Pháp thuộc, người Pháp đã xây hệ thống bể chứa khá lớn để gom nước suối Rồng làm nước ăn của cả thị trấn. Về mùa đông nước ấm, mùa hè nước mát; đặc biệt nước bao giờ cũng rất trong, đúng như câu vịnh của ông khóa Hữu họ Hoàng Xuân – người Đồ Sơn:“Nước suối Rồng vừa trong vừa mát, Ðường Ðồ Sơn lắm cát dễ đi”. Ngày nay Đồ Sơn đã có nước máy, nhưng nước suối Rồng vẫn được ưu tiên dùng để pha trà, nấu cỗ, đặc  biệt cho các “Ông Trâu” uống trước khi xung trận trong các hội Trọi Trâu nổi tiếng.

Giếng Bá Lễ  (Hội An). Bá Lễ là tên một giếng cổ từ thời Vương quốc Chămpa, hiện ở Hội An. Nước giếng trong, ngọt và mát, mùa khô mực nước có giảm nhưng không bao giờ cạn. Hội An giờ đã có nguồn nước máy, nhưng nước giếng Bá Lễ vẫn không thể thiếu khi người Hội An nấu cỗ. Đặc biệt nếu không có nước giếng Bá Lễ ngâm gạo để làm sợi Cao lầu thì không thể có món Cao lầu đúng nghĩa Hội An.

Bến nước Ê Đê. Người Ê Đê chủ yếu sinh sống ở tỉnh Đắk Lắk. Bến nước Ê Đê là nơi quan trọng nhất của buôn, thường được xây dựng ở nơi có mạch nước sạch chảy ra. Trưởng buôn Ê Đê được dân làng gọi là chủ bến nước (Po Pin Ea), ngoài nhiệm vụ coi sóc các việc chung của buôn, Po Pin Ea còn có nghĩa vụ đặc biệt coi sóc bến nước. Nước pha rượu cần, phải là nước “tươi” lấy trực tiếp từ bến nước, không đun nấu gì mới ngon rượu. Trong khu vực đó, rừng được giữ nguyên, không ai được phép chặt dù là một cây nhỏ. Bến nước luôn được giữ gìn sạch sẽ, không ai có quyền vứt rác làm bẩn, thả gia súc trong khu vực bến nước. Người Ê Đê tin rằng, bến nước cũng có thần linh canh giữ nên hàng năm vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa, họ tổ chức lễ hội để cúng bến nước, gọi là “Ngã yang tringk pin ea”. Lễ hội thường kéo dài ba ngày, chiêng trống rộn ràng để giao lưu với thần và ngày đầu tiên bao giờ cũng dành cho việc sửa đường đi, cầu đứng tắm giặt, ống dẫn nước và dọn dẹp bến nước sạch sẽ phong quang. Bến nước sạch sẽ, được bảo vệ sẽ làm cho buôn làng khoẻ mạnh và cũng là nơi để mọi người dân trong buôn chuyện trò, giao lưu sau một ngày lao động nặng nhọc

Ở rất nhiều buôn Ê Đê hiện nay, do dùng nước giếng khoan hay nước đường ống nên bến nước cũ bị bỏ hoang và lễ hội cúng bến nước cũng dần dần đi vào quên lãng, nhất là trong tâm trí lớp thanh niên trẻ tuổi. Buôn H’Đing, huyện Cư Magar có một bến nước, nhưng do đắp đập làm hồ lấy nước tưới cà phê, bến nước đã chìm trong lòng hồ. Buôn Ko Sier gần thành phố Buôn Ma Thuột có bến nước rất đẹp nhưng nay đã bỏ hoang vì nhà nào cũng ăn nước giếng khoan. Một số người già trong buôn vẫn còn ra bến nước nhưng chỉ để nhớ lại những kỷ niệm khó quên thời bến nước xưa. Buôn Prong, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột vẫn còn một bến nước lớn, nhưng khi trưởng buôn của buôn chết năm 1999, không còn ai được truyền dạy cách tổ chức lễ hội bến nước nữa. Những kiến thức bản địa sống chung với nứi rừng vì thế cũng trôi dần vào quên lãng.

3.    Cần phát động mô hình “Bảo vệ nguồn nước di sản của cộng đồng

Có lẽ còn hàng trăm Nguồn nước Di sản trên khắp Đất nước cần được nghiên cứu và bảo tồn. Người xưa khi tìm đất lập buôn làng bao giờ cũng chọn nơi có nguồn nước sạch và dồi dào. Trong  các kỹ thuật tìm mạch nước của người xưa “bí hiểm” nhất vẫn là đào giếng. Có những nơi bốn phía đều không có hay chỉ có nước bẩn nhưng “các cụ” vẫn tìm được những chỗ đào giếng tốt. Đó là những nguồn nước không bao giờ cạn ngay cả trong những kỳ khô hạn khốc liệt. Chất lượng nước giếng lại rất tốt, từ đó mà phát triển cả một hệ thống ẩm thực mang đậm dấu ấn tri thức bản địa hàng mấy trăm năm qua.

Kỹ thuật tìm nguồn nước để đào giếng của người Việt xưa đến nay vẫn còn là một bí ẩn mà nhiều trường hợp các nhà khoa học thủy văn kỳ tài ngày nay vẫn chưa giải mã được.

Hiện  nay khi nhu cầu nước sinh hoạt được thay bằng nước giếng khoan hay nước đường ống thì không ít Nguồn nước Di sản đã bị các địa phương vội vàng phá bỏ. Các nguồn cấp nước mới nhiều trường hợp không đảm bào cả về khối lượng và chất lượng (thậm chí có nơi còn cạn khô) đã đẩy nhiều cộng đồng vào tình trang thiếu nước sạch. Vào hồi 11h 55 ngày 09/9/2014 vào Google tìm từ khóa “Thiếu nước sinh hoạt” được khoảng 1.010.000 kết quả trong 0,27 giây.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường, Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người chưa có nước sạch để dùng, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém, hàng năm gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ nguồn nước ô nhiễm . Trên thực tế, một số địa phương như xã Hưng Thạnh, Thạnh Tân (Tiền Giang), Duy Hòa (Quảng Nam), các ca nhiễm ung thư, viêm nhiễm ở phụ nữ do sử dụng nguồn nước bẩn chiếm đến gần 40% dân cư toàn xã, có nơi lên đến 50% [iv].

Hy vọng rằng với Mô hình Bảo vệ Nguồn Nước Di sản do VACNE phát động, không chỉ nguồn nước truyền thống quý giá mà cả những đặc trưng văn hóa của cộng đồng liên quan đến Nguồn nước này cũng sẽ được bảo vệ.

 



[i] Abu Dhabi Authority for Culture and  Heritage (1012) Water Heritage in UAE. Abu Dhabi

[ii] WATER AS A HERITAGEL’eau comme PATrimoine (ePAT). The Workshop in Lille, 21-26 May 2012

[iii] WATER AS A HERITAGEL’eau comme PATrimoine (ePAT). Tài liệu đã dẫn

[iv] Phương Thảo (23/5/2013  ).Nước sạch và những con số biết nói. http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/moi-truong/nuoc-sach-va-nhung-con-so-biet-noi-2758848.html

 

Lượt xem: 2149

Các tin khác

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

Giảm dấu chân carbon - hướng tới net zero

(06/03/2024 04:46:AM)

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

(21/02/2024 09:11:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE