quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Hệ luỵ từ phát triển ồ ạt thuỷ điện

Chủ Nhật, 25/04/2010 | 08:06:00 AM

(Toquoc)-Sự phát triển ồ ạt các dự án thủy điện tại khu vực miền núi phía Bắc thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy: Chất lượng môi trường bị suy giảm nghiêm trọng, một số vùng du lịch sinh thái bị đe dọa trực tiếp, lượng khách du lịch sụt giảm nhanh. Nhiều dự án thuỷ điện đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép, làm nảy sinh các vụ tranh chấp pháp lý giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương.

 
 
Miền núi phía Bắc có hệ thống sông ngòi dày đặc, độ dốc cao, giàu tiềm năng phát triển thủy điện. Do khả năng sinh lời cao và các chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng của nhiều địa phương trong những năm gần đây đã dẫn đến sự phát triển nóng của các dự án thuỷ điện.
Trong khi môi trường đầu tư phát triển các ngành công nghiệp khác còn thiếu hấp dẫn, thủy điện được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho nền kinh tế địa phương. Phong trào làm thủy điện lan rộng từ Tây Bắc sang Đông Bắc, từ Lào Cai tới Hà Giang, Cao Bằng... Hầu hết các địa điểm có khả năng phát triển thủy điện đều đã được các nhà đầu tư lựa chọn khảo sát, tiến hành các thủ tục đầu tư.
Phát triển ồ ạt, thiếu sàng lọc, nên có không ít nhà đầu tư thiếu năng lực và kinh nghiệm cũng nhảy vào đầu tư thiếu năng lực và kinh nghiệm cũng nhảy vào đầu tư theo phong trào.
Tính riêng tại tỉnh Lào Cai đã có tới 46 nhà đầu tư được UBND tỉnh cho phép lập 84 dự án thủy điện, với tổng công suất khoảng 969,55MW, giá trị đầu tư trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, 12 nhà máy đã hoàn thành, hòa lưới điện quốc gia đạt tổng công suất 57MW. Dự kiến đến cuối năm 2010, sẽ có thêm 23 nhà máy hoàn thành với tổng công suất 538,5MW.
Trong thực tế, nhiều công trình thủy điện khi đưa vào khai thác đã mang lại lợi ích cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của các dự án thủy điện cũng ngày càng thêm nhiều.
Tại Lào Cai, mới có 26/84 công trình thủy điện được khởi công, nhưng tác động tiêu cực của nó đến môi trường đã bộc lộ rất rõ nét. Riêng tại huyện Sa Pa, một trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai, có tới 17 dự án thủy điện được cấp phép. Mặc dù tới nay mới có 4 dự án đang được xây dựng là Nậm Củm (xã Thanh Phú), Sử Pán 1 (xã Sử Pán), Sử Pán 2 (xã Bản Hồ), Séo Chung Hô (xã Tản Van) nhưng đã gây ảnh hưởng xấu tới cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống của người dân bản địa.
Thống kê của Phòng Văn hóa huyện Sa Pa, riêng tại xã Bản hồ, nơi có nhiều mô hình du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách nước ngoài, năm 2008 đón hơn 10.000 lượt du khách, nhưng đến năm 2009, khi công trình thuỷ điện Sử Pán 2 được thi công, lượng du khách đã giảm một nửa.
Gần đây, UBND huyện Sa Pa đã phải lên tiếng kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai cân nhắc việc tiếp tục cho phép triển khai xây dựng các dự án thủy điện khác trên địa bàn.
Nhiều địa phương đã lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khi giấc mơ thủy điện không đẹp đẽ như suy tính ban đầu. Trong khi ngân sách địa phương chưa thu được là bao từ thủy điện, tình trạng khô hạn, lũ lụt đang xảy ra ngày càng nhiều hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp vốn là ngành kinh tế xương sống của nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các nhà khoa học và áp lực xã hội cũng tác động không nhỏ đến việc điều chỉnh chính sách của nhiều địa phương. Tất nhiên khi điều này xảy ra, gánh nặng rủi ro sẽ đổ lên vai doanh nghiệp.
Tại Lào Cai, thủy điện Nậm Xây Nọi 1 (huyện Văn Bàn) do CTCP Đầu tư tài nguyên và năng lượng Lào Cai làm chủ đầu tư đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, do nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, nếu triển khai sẽ ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học. Lẽ ra vấn đề này phải được địa phương nhìn thấy rõ từ trước khi cấp phép đầu tư. 8 dự án khác bị thu hồi vì lý do triển khai chậm. Ngoài ra, có 3 dự án nhà đầu tư chủ động xin dừng đầu tư vì chi phí đấu nối hòa mạng điện quốc gia quá lớn.
So với Lào Cai, bài học thủy điện tại Cao Bằng còn đau đớn hơn nhiều. Riêng trên lưu vực sông Bằng, UBND tỉnh đã cấp phép 3 dự án thủy điện là Hồng Nam, Tiên Thành và Hòa Thuận. Tuy nhiên, khi lập quy hoạch lại để xảy ra sai sót nghiêm trọng, đáy sông thấp hơn so với quy hoạch 9,1m. Khi tiến hành thẩm định thiết kế cơ sở, Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cũng không tổ chức khảo sát thực thực tế nên không phát hiện sai sót này. Nếu tiến hành xây dựng 3 dự án theo đúng thiết kế ban đầu đã được phê duyệt, công trình thủy điện Tiên Thành sẽ bị ngập đến 6m. Còn nếu xây dựng theo phương án mới được chỉnh sửa, phải thay đổi độ cao cột nước dâng của cả 3 nhà máy thủy điện, mực nước dâng của nhà máy thủy điện nằm ở bậc thang trên cùng đã tăng lên 180m, ngang bằng với độ cao mố cầu Bằng Giang, đẩy thị xã Cao Bằng vào nguy cơ ngập lụt. Đó là chưa tính đến lũ quét thường xuyên xảy ra ở lưu vực con sông này.
Cho đến nay, tỉnh Cao Bằng vẫn chưa giải quyết xong hậu quả việc làm tắc trách này, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp. Chủ đầu tư dự án thủy điện Hòa Thuận đã đánh tiếng đưa vụ việc ra tòa, đòi chính quyền tỉnh Cao Bằng bồi thường thiệt hại.
Rõ ràng nếu chủ trương phát triển thủy điện không được đánh giá lại một cách toàn diện, dựa trên cơ sở khoa học tin cậy, cái giá phải trả cho việc phát triển thủy điện ồ ạt trong thời gian qua sẽ còn tăng cao.
Phan Cường
(Tổ Quốc, 24/4/2010)

Lượt xem: 2735

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE