quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Hướng du lịch sinh thái phát triển bền vững

Thứ Sáu, 22/08/2014 | 04:38:00 PM

Với những ý nghĩa tích cực, du lịch sinh thái được khuyến khích phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam cũng vậy. Song, do nhận thức chưa đúng, loại hình du lịch này đang phát triển khá ồ ạt, mạnh ai nấy làm, trong khi công tác quản lý còn nhiều hạn chế, yếu kém. Thực trạng ấy đã gây ra không ít hệ lụy.


Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: GIA HUY

Hiểu đúng về du lịch sinh thái

Con người ngày càng có xu hướng tìm về với thiên nhiên như tìm về với cội rễ, cho nên đã lựa chọn loại hình du lịch sinh thái (DLST). Nhưng việc khai thác loại hình này là một thách thức, cũng như cần hiểu sao cho đúng để hành động đúng cũng có quá nhiều vấn đề phải bàn. Vậy DLST là gì? Hiện có rất nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, soi chiếu vào năm đặc điểm khái niệm của DLST mà Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đúc kết, thì đây là loại hình du lịch đòi hỏi những ý nghĩa về bảo tồn, giáo dục và đóng góp cho địa phương ở mức độ cao hơn của loại hình du lịch thiên nhiên (nature tourism - loại hình du lịch với động cơ chính là quan sát và đề cao thiên nhiên) đơn thuần.

DLST, theo đúng nghĩa của nó, không đáp ứng yêu cầu của mọi khách du lịch mà chỉ dành cho những người thật sự lấy giá trị sinh thái làm mục tiêu của chuyến đi. Không chỉ đơn giản là "thưởng thức thiên nhiên" một cách thiếu ý thức, mà đòi hỏi con người phải biết tôn trọng, học hỏi và gìn giữ thiên nhiên. Qua đó, có những hành động cụ thể để bảo tồn thiên nhiên và văn hóa của người dân, đem lại lợi ích kinh tế - văn hóa - xã hội cho cộng đồng địa phương. Khi đó, con người được thưởng thức, thu nhận được những bài học sâu sắc về thiên nhiên, con người và hệ sinh thái.

Nếu hiểu một cách đúng đắn như vậy, thì nhiều mô hình DLST ở nước ta đang đi chệch nghĩa của từ này. Nghĩa là, cũng hướng tới thưởng thức các giá trị thiên nhiên, nhưng hành động của con người lại không tôn trọng, gìn giữ thiên nhiên. Cho nên ở đâu đó, người ta đem thịt thú rừng, chim trời ra làm "sản phẩm du lịch sinh thái", để đãi "thực khách sinh thái". Ở đâu đó, những khu sinh thái nơi khách du lịch đi qua để lại đầy rác, gây ô nhiễm môi trường. Ở nhiều nơi, người ta chặt phá cây rừng, đào đắp thay đổi cảnh quan, hy sinh hệ sinh thái thật để xây dựng hệ sinh thái nhân tạo, giả, hào nhoáng. Nhiều cơ sở không quan tâm tới việc hạn chế ô nhiễm môi trường hay những ảnh hưởng do du lịch đem tới.

Không chỉ hiểu sai và nhận thức chưa đúng về DLST, ngay kiến thức về tự nhiên, môi trường sinh thái cũng là lỗ hổng lớn đối với không chỉ du khách, người tham gia khai thác hoạt động này mà kể cả các nhà quản lý. Bởi thế, người ta khó có thể đánh giá hết giá trị của thiên nhiên, sinh thái và hiểu cách bảo tồn những giá trị đó.

Trách nhiệm không của riêng ai

Việc cần làm ngay, nếu không sẽ muộn, là phải hiểu đúng, hiểu đủ về DLST. Trên cơ sở đó, từ mỗi người tham gia hoạt động DLST đến các cơ quan quản lý cần có những hành động và việc làm thiết thực nhằm giảm thiểu những yếu kém, bất cập tồn đọng, đồng thời thật sự nêu cao trách nhiệm trước cuộc sống và tự nhiên.

Thực tế đáng lo ngại hiện nay là hầu hết các hoạt động DLST còn nặng tính "ăn xổi". Trước hết đối với du khách, không ít người muốn "thưởng thức" cảnh quan và sản vật thiên nhiên nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất và thậm chí là lạ nhất mà không quan tâm tới trách nhiệm của mình trong việc trân trọng, gìn giữ và bảo tồn sinh thái. Còn các công ty, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch và cả người dân địa phương đang khai thác kiệt quệ sản vật thiên nhiên thì chính là thủ phạm phá hoại cảnh quan, đẩy nhiều loại động thực vật tới nguy cơ tuyệt diệt.

Chúng ta cần nhận thức rằng, sinh thái tự nhiên là tài sản và giá trị chung, không ai có quyền làm tổn thương. Những kiểu "khai thác và thưởng thức" thiên nhiên một cách vô trách nhiệm như đã đề cập, cần được lên án trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời Nhà nước cần có cơ chế phạt nặng những hành động phá hoại sinh thái, nhằm nâng cao ý thức khai thác gắn với bảo vệ môi trường.

Một thách thức lớn trong phát triển DLST là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Ở nhiều nơi, hoạt động DLST mang tính tự phát, không đúng sinh thái mà nhiều năm vẫn được hoạt động, không bị nhắc nhở. Vai trò của các nhà quản lý ở đâu? Có thể nói, chính việc hạn chế về nhận thức, sự buông lỏng về quản lý, cùng với việc thiếu chế tài, đã làm nảy sinh những cách làm thiếu tổ chức và suy nghĩ ngắn hạn, dẫn tới những hành động phá hoại thiên nhiên.

Thực tế cũng cho thấy, nếu được quản lý tốt, hoạt động DLST sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, thông qua việc đem lại thu nhập phục vụ công tác bảo tồn, cũng như lợi ích cho cộng đồng. Ngay tại các vườn quốc gia, các khu bảo tồn, phát triển DLST cũng giúp thực hiện chức năng giáo dục của các cơ sở này.

Hướng tới phát triển bền vững

Với tiềm năng to lớn về tự nhiên, cùng với nhu cầu thực tế của cuộc sống, phát triển DLST là tất yếu và chắc chắn ngày càng được mở rộng tại Việt Nam. Làm sao để phát triển DLST một cách bền vững là một bài toán khó, nhưng không phải thiếu cách giải, nếu ngay bây giờ, ý thức và trách nhiệm du khách, người kinh doanh, cộng đồng địa phương và cả cơ quan quản lý ở các cấp đều được nêu cao.

Tiếp theo, hàng trăm điểm DLST mọc lên không đúng tiêu chuẩn cũng như khái niệm nhân văn của loại hình này, cần được điều chỉnh. Cùng đó là những hành động cấp thiết nhằm bảo tồn hệ sinh thái của hàng trăm điểm khác trên cả nước đang có nguy cơ và bị phá hoại một phần.

Một vấn đề khác cũng vô cùng quan trọng là trang bị kiến thức về môi trường, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên và gìn giữ hệ sinh thái cho những cơ sở kinh doanh, người quản lý điểm đến và cả du khách. Họ cần hiểu những giá trị thiên nhiên và sinh thái tại địa phương mình, những rủi ro tiềm tàng cũng như những tác động tích cực và tiêu cực của du lịch đối với hệ sinh thái.

Cuối cùng, việc điều tiết khai thác, điều tiết lợi ích giữa các bên cũng cần được chú trọng. Các hiệp hội du lịch, câu lạc bộ DLST nên đứng ra làm trọng tài, các cơ quan truyền thông góp phần vào việc giám sát, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ chất lượng cũng như giá trị thật của các điểm DLST. Đó cũng là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm những hoạt động DLST sai trái, góp phần định hướng cho loại hình du lịch này phát triển bền vững.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) năm 2002 đã làm rõ khái niệm về du lịch sinh thái thông qua năm đặc điểm: - Tất cả các loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, với mục tiêu chính của chuyến đi của khách du lịch là quan sát và trân trọng tự nhiên cũng như các văn hóa truyền thống lưu truyền tại khu vực tự nhiên đó.

- Có các hoạt động giáo dục và diễn giải các giá trị của tự nhiên và văn hóa bản địa.

- Thông thường (nhưng không nhất thiết) được tổ chức theo nhóm nhỏ, do các nhà kinh doanh du lịch chuyên môn về sinh thái thực hiện. Tại các điểm du lịch sinh thái, người trực tiếp cung cấp các dịch vụ du lịch thường là các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương.

- Giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên và văn hóa - xã hội.

- Hỗ trợ duy trì những giá trị của thiên nhiên được khai thác cho phát triển du lịch thông qua việc: Tạo ra lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương, chính quyền và cơ quan quản lý và bảo tồn khu vực thiên nhiên; tạo việc làm và cơ hội việc làm và thu nhập cho cộng đồng địa phương; nâng cao nhận thức của cả người dân và khách du lịch về bảo tồn các tài sản thiên nhiên và văn hóa.

Theo Nhân Dân

Lượt xem: 1938

Các tin khác

''Xanh hóa'' du lịch, khách muốn có chuyến đi giảm ''dấu ấn'' môi trường

(16/04/2024 06:06:AM)

Vào Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) ngắm các loài chim đặc hữu

(14/04/2024 07:07:AM)

Du lịch Net Zero: Xu hướng mới của ngành du lịch

(11/04/2024 05:47:AM)

Du lịch di sản: Kết nối để phát triển bền vững

(09/04/2024 08:17:AM)

Trao "hộ chiếu xanh" khi du lịch xứ dừa

(29/03/2024 07:37:AM)

Đắk Lắk: Du lịch thân thiện với voi

(18/03/2024 06:47:AM)

Côn Đảo sẽ kiên quyết: Nói không với đốt hàng mã tại các di tích

(08/03/2024 05:56:AM)

Lâm Đồng: xây dựng một môi trường du lịch xanh và bền vững

(26/02/2024 04:52:AM)

Bình Thuận: “Lá phổi xanh” trong lòng thị trấn

(23/02/2024 07:14:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE