quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Không có số liệu vẫn đặt mục tiêu ngăn rác thải nhựa

Thứ Tư, 14/08/2019 | 03:09:00 AM

Đặt mục tiêu Việt Nam tiên phong trong khu vực để ngăn rác thải nhựa đại dương nhưng lại không có số liệu về rác.

 Sáng 13/8, Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Góp ý dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030".

Khong co so lieu van dat muc tieu ngan rac thai nhua
TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp hội Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu bày tỏ ý kiến góp ý vào chương trình hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương mục tiêu 2030 của Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp hội Việt Nam nhận định, Việt Nam là một trong số các quốc gia có số lượng rác thải nhựa lớn trên thế giới và hiện đã nhận thức được các vấn đề nguy hại do rác thải nhựa đại dương gây ra.

 

Hiện Bộ Tài nguyên- Môi trường đã có sáng kiến thúc đẩy nội dung quản lý rác thải nhựa đại dương vào các chương trình quốc tế và đã xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia về rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

 

TS. Phạm Văn Hiếu, đại diện Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo đã trình bày về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

 

Trong đó, cơ quan soạn thảo nêu quan điểm, cần phải quản lý được nguồn rác thải nhựa đại dương tại nguồn, trên đất liền, ở biển... Đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

 

Đặt mục tiêu, đến năm 2025 là giảm thiểu 50% rác thải nhựa đại dương; 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mất hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom; 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

 

Tổng Cục Biển và Hải đảo đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy; chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; hạn chế cơ bản việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm ngyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển.

 

Giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. 

 

Tuy nhiên, kế hoạch hành động không nêu ra bất cứ số liệu nào cho thấy tình hình rác thải nhựa tại Việt Nam hay trên thế giới.


Khong co so lieu van dat muc tieu ngan rac thai nhua
Các chuyên gia tham gia tại tọa đàm.


TS. Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để xây dựng một chương trình quốc gia và thực hiện được kế hoạch này, cần phải có nghiên cứu sâu về nguồn rác thải đại dương, số liệu cơ bản về lượng rác, phân loại rác, nguồn thải rác, quy trình, dòng chảy của rác thải nhựa đại dương

 

Nếu chưa làm rõ các vấn đề này, thì các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra chỉ là công cụ làm cho có, là công cụ đối phó, các biện pháp tuyên truyền suông chứ không đi vào công cụ mạnh hơn, có hiệu quả thiết thực hơn như chính sách và biện pháp kinh tế.

 

TS. Lưu Đức Hải cho rằng, cần nhấn mạnh vào biện pháp khuyến khích ngừng thải rác bằng các công cụ kinh tế.

 

Vị chuyên gia đề xuất sử dụng công cụ pháp luật và kinh tế như thuế môi trường - một công cụ rất mạnh của Nhà nước để quản lý vấn đề này.

 

"Nilon đang bán ở các chợ dân sinh rất rẻ, được đánh thuế quá thấp, giá bán chỉ 50.000 đồng/kg. Người mua hàng sẵn sàng xin và được cho thoải mái. Nếu chỉ tăng giá bán thêm 50.000 đồng/kg nữa, tình hình sẽ khác ngay" - ông Hải nhận định,

 

Cùng với thuế, công cụ khác để quản lý rác thải nhựa là sản xuất vật liệu thay thế. Hoạt động của các đơn vị tái chế này lấy từ nguồn thu của thuế môi trường, sử dụng công nghệ, khoa học sao cho việc tái chế phải bảo vệ môi trường.

 

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Lê Quốc Khánh cho rằng, điều quan trọng nhất trong kế hoạch hành động là việc tổ chức.

 

"Công tác tuyên truyền chỉ ở tầm vĩ mô nhưng người dân thực hiện như thế nào mới quan trọng. Ví dụ, túi nilon được phân phát thoải mái trong các chợ dân sinh. Cần tuyên truyền để làm sao đi tới từng gia đình, người dân. Ở nước ngoài phân loại rác ở từng gia đình nhưng HN, TP.HCM đều "bó tay".

 

Bản kế hoạch cũng thiếu sự tham gia của các tổ chức dân sự, các tổ chức phi chính phủ. Chúng ta chưa làm được mục tiêu "cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc" " - TS. Lê Quốc Khánh nhấn mạnh.

 

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng, một kế hoạch cấp quốc gia có thành công hay không là nằm ở cộng đồng. Thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, được xây dựng từ rất lâu, từng tồn tại trong những năm gần đây trở nên rất khó thay đổi. Nếu sử dụng mệnh lệnh hành chính đơn thuần, ngăn chặn "thô" bằng cách hô hào phong trào thì sẽ không thay đổi được thói quen cố hữu này.


Khong co so lieu van dat muc tieu ngan rac thai nhua
TS. Nguyễn Ngọc Sinh Chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên
và Môi trường Việt Nam (VACNE)


"Ống hút nhựa đã trở thành sáng kiến thế kỷ của Mỹ, đổi đời ngành công nghiệp thực phẩm trên toàn thế giới. Việc chúng ta thay thế tất cả các sản phẩm đó rất khó khăn. Tuy nhiên, không phải là không làm được.

 

Cần tạo thêm điều kiện để các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa, có thể tái chế, đến được tay người tiêu dùng, ưu việt hơn và ủng hộ rộng rãi hơn" - TS. Nguyễn Ngọc Sinh nhận định.

 

TS. Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng, Liên hiệp Hội Việt Nam với hàng trăm tổ chức khoa học, trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng cũng đóng một vai trò lớn trong việc phổ biến kiến thức và tuyên truyền vấn đề này.

 

Theo TS.Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, rác thải nhựa đại dương, đồ nhựa dùng một lần khởi nguồn từ các nước phát triển trên thế giới. Nhưng đặc điểm của rác thải nhựa Việt Nam là túi nilon bởi chai nhựa ở Việt Nam đã bị thu gom triệt để. Các rác thải ra đại dương đều là những vật hết giá trị kinh tế so với tình hình ở Việt Nam. Đây là điều mà kế hoạch hành động không đề cập tới.

 

"Điểm đáng chú ý ở Việt Nam là chúng ta đang tái sử dụng rất triệt để. Màng nilon dày cũng được tái chế, việc thu gom tại các thùng rác, bãi rác ở mức thường xuyên bởi đây cũng là nguồn thu của người nghèo.

 

Nhưng túi nilon mỏng ở các chợ dân sinh không được tái sử dụng hay thu gom. Đây là loại túi phát không, sử dụng bừa bãi. Ở các làng nghề truyền thống cũng không có biện pháp tái xử lý hợp môi trường, không tập huấn, xử lý nước thải...

 

Cùng với đó, Việt Nam vẫn còn tồn tại quan niệm "khuất mắt trông coi", ở đâu có biển, sông, kênh rạch thì có rác nhiều nhất" - TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

 

Vị chuyên gia cho rằng, cần nhận thức Việt Nam đã làm được gì, chưa làm được đến đâu mới có kế hoạch  hành động thực sự.

 

"Các kế hoạch hành động rất sôi nổi khi chúng ta bàn luận nhưng khi đưa ra thực tiễn, nhanh chóng rơi vào quên lãng. Nếu không đưa ra kế hoạch hành động cấp quốc gia thiết thực với Việt Nam - đó là túi nilon, đừng bê nguyên xi các chương trình quốc tế vào Việt Nam.

 

Quản lý rác thải nhựa đại dương không phải là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các bộ. Đây thực tế là nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Đây chỉ là nhiệm vụ chung của các ngành và từ đó có phương án để chung tay hành động" - TS. Hoàng Dương Tùng nhận xét.

 

Ông Tùng cũng cho rằng, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực là một mục tiêu quá tham vọng dù chúng ta mong muốn được như vậy. Ông cho rằng, dừng đưa ra các khẩu hiệu như kế hoạch 5 năm, 10 năm mà cần cụ thể từng năm, hai năm để thực hiện cho rõ ràng và có các kế hoạch.

 

Ví dụ, rà soát quy định, chế tài xử phạt... cần hoàn thiện nhanh trong 1, 2 năm bởi điều này không quá khó khăn.

 

"Ở các quốc gia đang phát triển, họ đặt ra các mục tiêu trong 1 năm, 2 năm, ban hành lệnh cấm chứ không chỉ là "không làm việc gì...". Đây cũng là điểm yếu ở Việt Nam, chúng ta đang áp dụng "thí điểm" quá nhiều" - ông Tùng nhấn mạnh.

 

Bên cạnh đó, việc thiếu sự tham gia của các thành viên liên quan, đặc biệt là các tổ chức cộng đồng, tổ chức phi chính phủ. Thiếu giám sát của cộng đồng, mục tiêu không thể đạt được.

 

TS. Đào Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội địa chất biển cho rằng, bản kế hoạch được xây dựng mà chưa nhận thức đủ và đúng về vấn đề nguy hại từ rác thải nhựa đại dương. Quan trọng nhất là xác định nguồn gốc của rác thải nhựa đại dương là từ ven biển, biển ven bờ và đại dương.


Bên cạnh loại rác thải nhựa hữu hình thì vẫn còn vấn đề vi nhựa - một loại chất thải vô hình gây hại cho các bãi triều, hệ sinh thái san hô, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lợi hải sản.


"Với các mục tiêu mà Tổng Cục Biển và Hải đảo đưa ra, đây chỉ là đặt ra cho có, khi chưa có số liệu cụ thể về rác thải nhựa biển và đại dương ở Việt Nam như thế nào.


Với cách ra nhiệm vụ như thế này sẽ không ai làm được" - TS. Đào Mạnh Tiến cho biết. Vị chuyên gia cho rằng, cần lập bản đồ ô nhiễm rác thải nhựa, vùng biển ven bờ, biển và lạch nhỏ Việt Nam.


Trong khi đó, nhóm chuyên gia thuộc Mạng lưới RÁC (do CECR, Green-Hub, MCD, WWF, GRET, IUCN - các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam khởi xướng năm 2018) cho biết, đánh giá hiện trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam là chưa có.


Các số liệu và hiểu biết về rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam đến nay chưa được Bộ Tài nguyên - Môi trường nắm được và công bố. Cần chú ý rằng, một số tổ chức như IUCN, Green-Hub gần đây đã và đang thực hiện một số nghiên cứu về hiện trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam.


Nhóm chuyên gia đề xuất Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng các chương trình hợp tác song phương về đào tạo nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia; Đặc biệt, có thể xây dựng các chương trình hợp tác đa phương với khối ASEAN, GEF, UN, EU... nhằm huy động nguồn lực quốc tế trong công tác hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư kiểm soát rác thải nhựa và nền kinh tế tuần hoàn.


Kết luận tọa đàm, TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhận định, phải đánh giá được thực trạng, tình trạng, nguồn gốc rác thải trên biển; thực trạng phải nêu đến cụ thể đến chi tiết về các nguồn gốc rác thải nhựa đại dương.


Thực trạng của môi trường biển gồm những gì, xử lý tốt rác thải thì phải xác định nguồn gốc, đối tượng xả rác thải, từ đó dẫn tới các biện pháp xử lý sao cho hiệu quả.


TS. Phan Tùng Mậu cho rằng, một thực tế ở các chương trình hành động là thiếu kinh phí. Tuy nhiên, để một kế hoạch hành động có hiệu quả thì buộc phải cấp kinh phí cho nghiên cứu, xây dựng đề án thì mới ra quyết định.


Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp kinh phí xây dựng đề án về vấn đề này trước khi ra quyết định và kế hoạch hành động.

 

Theo Cúc Phương (Baodatviet.vn)

Lượt xem: 1270

Các tin khác

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

Giảm dấu chân carbon - hướng tới net zero

(06/03/2024 04:46:AM)

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

(21/02/2024 09:11:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE