quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Làm giàu nhờ kết hợp sản xuất nông nghiệp sạch và du lịch

Thứ Năm, 20/12/2018 | 07:37:00 PM

Sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch đang là hướng đi bền vững được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân áp dụng nhằm gia tăng lợi ích kinh tế.


Lợi ích nhân đôi

Là địa phương đi đầu trong việc kết hợp nông nghiệp sạch và du lịch, nổi tiếng với những tour miệt vườn, du lịch xanh độc đáo, đến nay Quảng Nam đã đón nhận nhiều trái ngọt của mô hình này.

Theo số liệu từ UBND TP. Hội An, nửa đầu năm 2018, lượng khách tham quan, lưu trú tại phố cổ này ước đạt 2,68 triệu lượt, chiếm 72% tổng lượng khách đến tỉnh Quảng Nam, tăng 69,43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Du lịch nông nghiệp đang được nhiều du khách ưa thích, có tiềm năng phát triển rất lớn

Ngoài Quảng Nam, một số tỉnh khác cũng đã áp dụng mô hình này nhằm gia tăng lợi ích kinh tế.

Ông Trần Huy Đường, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Langbiang Farm (Lâm Đồng) cho biết, doanh nghiệp của ông đã tạo ra thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm nhờ đi theo hướng khác biệt trong đầu tư, đó là vừa trồng rau, củ, quả, hoa, kết hợp với mô hình cà phê để du khách đến tham quan và mua trái cây, rau tại vườn.

Cũng áp dụng mô hình kết hợp nông nghiệp sạch và du lịch một thời gian, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Thỏ Việt (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho hay, các vườn rau hữu cơ của Hợp tác xã thường xuyên được các đoàn học sinh tiểu học đến tham quan, học trồng rau, trải nghiệm làm nhà nông. Sau hai năm hoạt động, lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm mô hình sản xuất của Hợp tác xã ngày càng nhiều. Mỗi lần, số lượng học sinh lên đến 300 - 500 em.

Theo bà Ngọc, đây không chỉ là cách quảng bá, tiêu thụ nông sản sạch hiệu quả, mà còn là mô hình kinh doanh xanh, giúp Hợp tác xã gia tăng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.

Nhìn chung, việc kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch đã đạt những thành công bước đầu, song để mô hình này được nhân rộng, phát triển bền vững thì cần sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân với doanh nghiệp và các sở, ban, ngành. Đặc biệt, phải có sự định hướng đúng đắn, rõ ràng từ nhiều góc độ, trong đó có định hướng phát triển du lịch nông nghiệp nhìn từ góc độ sản phẩm và thị trường.

Việt Nam là đất nước nông nghiệp với hơn 70% nhân lực làm việc trong lĩnh vực này. Với bề dày lịch sử phát triển nông nghiệp đa dạng, mang đặc thù của một quốc gia nhiệt đới, nông nghiệp nước ta đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây, từ chỗ đơn thuần chỉ sản xuất để cung cấp nhu cầu lương thực, giờ đây nông nghiệp đã trở thành một trong những tiềm năng của ngành du lịch.

Dư địa lớn

Khái niệm du lịch nông nghiệp bắt đầu từ châu Âu, mà đầu tiên là ở Italia khoảng năm 1960.

Hơn 40 năm qua, du lịch nông nghiệp phát triển mạnh và ngày càng hoàn chỉnh ở châu Âu, nhất là Italia, Pháp, Hà Lan… Ở châu Á, có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan rất phát triển loại hình du lịch này. Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp lan sang Thái Lan, Malaysia và gần đây nhất là Việt Nam.

Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng trong khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được xác định là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo.

Không chỉ trong định hướng phát triển, mà thực tế nhiều năm trở lại đây, nhu cầu du lịch nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch đang thu hút một lượng khách lớn. Theo Sở Du lịch TP.HCM, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20 - 30%; trong đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao đang được chú ý.

Nhận thấy tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã bỏ tiền đầu tư vào hình thức này.

Có thể kể đến Nông trường nông nghiệp công nghệ cao VinEco Nam Hội An (thuộc quần thể Vinpearl Nam Hội An) gây ấn tượng mạnh bởi kiến trúc độc đáo, cùng những khu vườn nông sản tươi mát, đủ sắc màu… Đây cũng là khu nghỉ dưỡng và khám phá mô hình du lịch - nông nghiệp 5 sao có một không hai tại Việt Nam, đã thu hút nhiều lượt khách du lịch.

Nhận định các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch đã tạo ra những đổi mới mang tính đột phá, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời góp phần phát triển nông nghiệp ở các vùng đô thị, cận đô thị theo hướng sinh thái, bền vững, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, giữa ngành du lịch và nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn.

Đồng thời, phải có những người biết dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp để tạo các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp mang tính đặc thù, hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần có phương thức tiếp thị hiệu quả loại hình du lịch này.

"Với nguồn lực, điều kiện, tiềm năng và xu thế hiện nay thì du lịch nông nghiệp là lĩnh vực rất có triển vọng phát triển trong tương lai", ông Nguyễn Văn Tuấn nói.

NT (Theo Báo Đầu tư)

Lượt xem: 1641

Các tin khác

''Xanh hóa'' du lịch, khách muốn có chuyến đi giảm ''dấu ấn'' môi trường

(16/04/2024 06:06:AM)

Vào Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) ngắm các loài chim đặc hữu

(14/04/2024 07:07:AM)

Du lịch Net Zero: Xu hướng mới của ngành du lịch

(11/04/2024 05:47:AM)

Du lịch di sản: Kết nối để phát triển bền vững

(09/04/2024 08:17:AM)

Trao "hộ chiếu xanh" khi du lịch xứ dừa

(29/03/2024 07:37:AM)

Đắk Lắk: Du lịch thân thiện với voi

(18/03/2024 06:47:AM)

Côn Đảo sẽ kiên quyết: Nói không với đốt hàng mã tại các di tích

(08/03/2024 05:56:AM)

Lâm Đồng: xây dựng một môi trường du lịch xanh và bền vững

(26/02/2024 04:52:AM)

Bình Thuận: “Lá phổi xanh” trong lòng thị trấn

(23/02/2024 07:14:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE