quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Ngày Tết, liệu có ai thành thật với Miền Trung ?

Thứ Ba, 04/01/2011 | 04:39:00 PM

Ông ta họ Tần, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, vừa có loạt bài báo (dù đã muộn!) được các nhà môi trường đánh giá là thẳng thắn nhất của Trung Quốc bàn về việc họ xây dựng các công trình thủy điện trên sông Lan Thương – đầu nguồn Mê Kông gây nhiều bức xúc cho các nước hạ lưu, trong đó có Việt Nam ta.

Lê Bắc Huỳnh, VACNE
 
Sự thành thật của chuyên gia họ Tần là ở chỗ, người Trung Quốc vốn lâu nay im hơi lặng tiếng về chuyện này, nay thẳng thắn phân tích và xác nhận những lập luận khó nghe của đồng hương về “tỷ trọng nhỏ của nguồn nước Mê Kông khi ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc so với lượng nước khi đổ ra biển”, về “diện tích hồ chứa nhỏ”, về “lượng bốc hơi ít” và về “thủy điện không tiêu tốn nước”. Bao nhiêu năm nay, có ai ngoài nước Tàu tiêu hóa nổi các món này đâu, và cũng có lạ gì với những lập luận đó đâu. Nhưng bây giờ là tự người Trung Quốc họ Tần nói. Chắc chắn là phải vạ rồi. Hồi trước, một vị quan to của cơ quan môi trường cũng thẳng thắn vạch ra nguy cơ hiểm họa môi trường do phát triển quá nóng, đặc biệt xung quanh các dòng sông lớn của Trung Quốc. Nói chưa xong thì hóa chất đã tràn xuống mấy con sông, vận động viên nước ngoài dọa không đến Bắc Kinh dự Olimpic vì ô nhiễm không khí,… Nghĩa là ông quan nọ nói quá đúng. Nhưng rồi đến nay chẳng thấy ông ta nói gì nữa. Còn ông họ Tần, liệu còn bài nào không, đăng vội đi nhé!
          Với tôi, điều sau đây của ông họ Tần là mới: Thủy điện Tiểu Loan là đập vòm cao nhất thế giới, trên 300 mét, công suất phát điện chỉ thua Tam Hiệp, dung tích hồ trên dưới 15 tỷ mét khối, gấp 5 lần cả 3 hồ thường được Trung Quốc nhắc đến là Mãn Loan, Đạt Chiểu Sơn và Cảnh Hồng mỗi khi đối thoại với các nước hạ lưu. Tiểu Loan đã phát điện từ tháng 9 năm 2009 và lúc này có thể vẫn đang tích nước vào cái bụng khổng lồ. Hơn nữa, từ năm 2006, Trung Quốc đã khởi công xây dựng Noa Trât Độ có dung tích tới 23,7 tỷ mét khối nước nằm sát đường biên giới với các nước hạ lưu. Chả cần nói tới chế độ xả nước “tiêu cực”, mấy chục tỷ mét khối nước của những hồ chứa thủy điện được biết đến lúc này cũng đủ làm điêu đứng hạ du, điêu đứng hệ sinh thái lưu vực sông Mê Kông đến chừng nào rồi. Vô can sao được! Nhưng xin cứ xem tiếp các kỳ Thành thật với Mê Kông trên thiennhien.net đi nhé, tôi quay về với đề tài đã, đang và sẽ còn nóng bỏng với chính Việt Nam đây.




          Chả biết lành dữ thế nào mà cái ông Chủ tịch tóc bạc lại giao cho tôi thực hiện nhiệm vụ khá hóc búa là đánh giá tác động của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở Miền Trung, sau co lại còn Bắc Trung Bộ. Thời gian thì gấp gáp, kinh phí lại nhỏ nhoi, yêu cầu lại rất hoành tráng. Ấy vậy mà vẫn phải thực hiện. Hội giao kia mà! May mà có tư liệu điều tra, khảo sát đầy đủ của cơ quan cũ mà tôi có thể làm xong được. Xong rồi bây giờ càng thấy choáng. Quá nhiều vấn đề đã được làm sang tỏ, quá nhiều kết luận đã được đúc rút. Và đều ghê gớm cả. Thảo nào mà công luận rộ lên ầm ầm, phóng viên đôn đảo khắp trên rừng, dưới xuôi. Ngoài Thủ đô, nơi các bộ, ngành đóng cũng không yên. Nhiều vị cấp cao cũng là điểm đến của cánh nhà báo, nhà đài. Rồi lại các tít báo bắt mắt, ảnh phóng sự và phỏng vấn ấn tượng. Nhà đài trung ương, địa phương cũng vào cuộc dài dài. Vậy sự thể ra sao ?
          Thật vắn tắt, những người nghiên cứu chúng tôi thấy thế này. Các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở Bắc Trung Bộ đã và đang mang lại không ít lợi ích, nhưng phải thừa nhận cũng gây ra quá nhiều bức xúc. Có cái đã rõ ràng, có cái còn tiếp tục nghiên cứu, so sánh, rút ra kết luận cuối cùng. Theo thống kê, nhiều hồ chứa thủy điện ở Bắc Trung Bộ có dung tích chết lớn hơn dung tích hữu ích nhiều lần, có khi rất nhiều lần chỉ để tạo đầu nước cao sản xuất được nhiều điện mà không biết cách lợi dụng tổng hợp công trình và nguồn nước. Công trình trong vùng lũ lụt thường xuyên mà chẳng ông chủ nào lo chống lũ cho dân. Mùa mưa công trình gây tăng lũ, mùa khô lại làm cạn kiệt dòng sông. Thật chẳng còn được những lợi ích như vốn công trình phải có. Hàng loạt hồ chứa thủy điện nhỏ và vừa kiểu đường dẫn làm chết vô số các dòng sông. Hồ chứa thủy điện, thủy lợi lại dày đặc, nhiều nơi cứ vài chục cây số vuông lại một hồ chứa, thậm chí, chục cây số trên sông lại thấy một công trình thủy điện. Lưu vực và dòng sông bị băm nhỏ, chặt nát, tàn phá đến tan hoang. Nhiều thị xã, thành phố đông dân còn bị treo ngay trên đầu dăm ba hồ chứa lớn mấy trăm triệu, có khi cả tỷ mét khối nước, lại ở cao dăm bảy tám trăm mét. Sẽ là thảm họa cho người dân và môi trường, cho kinh tế, xã hội nếu có những sự cố về vận hành, nhất là khi vỡ đập. Mà chuyện này đã xảy ra nhiều mấy năm gần đây do chính sự bất cẩn của các chủ đập và do tác động ngày một rõ rệt của biến đổi khí hậu. Việc xây dựng và khai thác các công trình ở Miền Trung đang dẫn đến tổn thất đất, tổn thất rừng quá mức cần thiết, dẫn đến những hậu quả khó lường. Thiên tai lớn (hạn hán thiếu nước, lũ quét, xói mòn, sạt lở đất, lũ lụt lớn,…) gia tăng cùng với nhân tai phá vỡ cân bằng sinh thái, hủy hoại môi trường, làm phát triển kém bền vững…
          Trời ạ, rất không muốn nêu lại những điều này. Nhưng kinh nghiệm mách bảo, sang năm, rồi sang năm nữa, năm sau nữa, chúng ta, công luận vẫn sẽ quay lại câu chuyện tương tự. Khi đó lại vòng vo, lại như là thiếu tư liệu, chưa đủ cơ sở để kết luận, ai bảo thế, ở đây làm gì có chuyện đó, v.v… Đâu phải chỉ có năm 2010 quá đặc biệt mới xảy ra lắm tai ương. Năm nào chẳng thế, không nơi này thì nơi khác, không lúc này thì lúc khác, không chuyện này thì chuyện khác, mức độ khác. Tôi không phải họ Tần như ông chuyên gia Trung Quốc. Cũng chẳng mong được đánh giá là thẳng thắn nhất để làm gì. Chỉ mong sao, giữa những ngày Tết tây và Tết ta này, có ai đó, người trong cuộc ấy, thành thật với Miền Trung. Tôi cho thế đã là may rồi. Vì người trong cuộc nói được những điều thành thật họ sẽ sửa được cái sai. Ích nước lợi nhà, thiên hạ được nhờ, môi trường được lợi.
          Chắc là sẽ có đấy. Người Tàu còn dám thành thật với cả nước ngoài thì sao mình anh hùng là vậy lại không dám thành thật với trời đất, môi trường của mình! Thành thật với tư cách là người đang trong cuộc mới xứng đáng! Thành thật khi đã hoặc sắp ra ngoài cuộc thì kể làm gì! Đấy lại là chuyện khác. Nhanh lên đi, mùa hạn hán, bão lũ Miền Trung lại sắp đến rồi !
 
 

Lượt xem: 1817

Các tin khác

NÓNG BỎNG

(16/07/2024 07:43:PM)

Cả nước

(15/07/2024 10:09:AM)

CỐ LÊN

(08/07/2024 11:07:AM)

CỨU MÔI TRƯỜNG

(24/06/2024 12:43:AM)

Tây Bắc bây giờ

(15/06/2024 05:35:PM)

Chuyện của Trời

(13/06/2024 02:41:AM)

CÂY CỨU

(06/06/2024 07:29:AM)

ĐƯỜNG DÀI

(05/06/2024 07:30:AM)

CHIP PHẦN MỀM

(03/06/2024 06:31:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE