quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

"Ông thành phố" phủ xanh đồi cát

Thứ Ba, 16/03/2010 | 07:38:00 PM

Vòng vèo qua những con đường đất lủng bủng nước, men theo những dốc núi đầy vẻ hoang vu, những quãng dài đến hàng cây số không có lấy một nóc nhà, tôi mới hiểu tại sao cái ngày “ông thành phố” Lê Duy Nguyên hùng hổ về thôn Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, Huyện Quỳnh Lưu, Tỉnh Nghệ An, xắn quần đến đầu gối, khăn vắt ngang vai để trồng rừng, vợ ông lại giãy nảy: “Ơ! Người ta đua nhau lên phố ở, ông lại dưng dưng chui về cái chốn rừng hoang, đất cỗi ấy mà làm người nhà quê hả!”. Thế mà ông vẫn về, vẫn lầm lụi với đồi hoang núi trọc.

Tác giả: Hồ Viết Thịnh

Người phố ở rừng

Thấy tôi đang tròn mắt nhìn cái "giang sơn" ngút ngàn cây, ông Nguyên đã vội xấn đến gần chỉ tay bên đông bên tây mà nói: "Đấy, chỗ này, chỗ này, chỗ này nữa... mấy năm trước toàn là đất cát hoang hóa cả, thế mà giờ anh thấy đấy, cây đã xanh rợp trời, rợp đất...mà đừng tưởng dễ nhá, mồ hôi đấy, tiền đấy, tâm huyết cả đấy, không có tâm huyết sao mà làm nổi".

Nói rồi ông lại kéo tôi vào cái ngôi nhà sập xệ mà ông gọi là 'trụ sở của công ty", một dãy nhà cấp bốn với hai phòng, nhiều mảng tường đã lên rêu xanh, rêu bạc, trên cả bốn bức tường treo la liệt giấy khen, bằng khen ken dày.

"Ông thành phố" chưa kịp để tôi nhâm nhi hết chén trà đang sóng sánh đã lại bắt đầu nói sôi nổi, hình như nói về rừng là ông sôi nổi thế.

Chả thế mà đang là công chức của trường chuyên Phan Bội Châu tiếng tăm lừng lẫy nhất xứ Nghệ, đang sống quây quần với vợ con ở chốn phồn hoa đô hội, ông đùng đùng về đây, bước miên man trên những đồi cát cằn trơ sỏi đá, mảnh đất mà từ cái thủa hồng hoang nào đó cho tới tận những năm 1990 vẫn được gắn với cái tên vùng đất chết để ấp ủ một dự định "động trời": Biến đất hoang thành rừng xanh.

Nói đây là dự định động trời nghĩ cũng chẳng ngoa, bởi từ trước đến nay, trên cái vùng đất cát bỏng, lại phần phật gió Lào này, cây rừng họa hoằn có sống được cũng chỉ có mấy cây phi lao teo tóc chắn gió, chắn cát thôi, mà cũng đã từ lâu nó đã bị người dân biến thành than, thành cột ăng ten... cả, đó là còn chưa kể ở cái thời ông nhăm nhăm thành lập công ty, đường vào làng chỉ có duy nhất một lối mòn để đi bộ, chạy ngoằn nghèo qua những con núi, tính về độ xa gần thì nó còn cách trung tâm của xã đến cả 5 cây số, tính về đời sống thì đây được coi là nơi bậc nhất về nghèo khó và lạc hậu của huyện Quỳnh Lưu.




"Ông thành phố" vẫn còn nhiều trăn trở với rừng.

Phủ xanh đồi cát

Để thực hiện  giấc mơ rừng của mình, ông Nguyên lên chính quyền địa phương, lên sở lâm nghiệp tỉnh, rồi hạt kiểm lâm huyện xin nhận hơn 1000ha đất, trong đó có trên 40ha là những bãi cát ven biển, số còn lại là đất trống đồi núi trọc.

Năm 1993, sau khi tong tóc chạy đi huy động vốn, bán cả vườn nhà, vay từ bạn bè cho đến ngân hàng, công ty trồng rừng Lê Duy Nguyên - doanh nghiệp đầu tiên về trồng rừng ở nước ta cũng ra đời.

Có đất, có vốn, vấn đề tiếp theo là phải làm sao vận động được nhiều hộ dân tham gia trồng rừng.

Trăn trở mãi,  cuối cùng ông Nguyên cũng giải quyết được bằng một phương thức đến giờ vẫn được coi là một sáng tạo điển hình trong ngành lâm nghiệp. Đó là mô hình "cộng hưởng" - các hộ gia đình vào doanh nghiệp đi làm. Chủ doanh nghiệp sẽ lo đất đai, vốn liếng, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành và bảo đảm đủ gạo ăn cho công nhân\ngày công lao động (1-3kg). Khi rừng có sản phẩm thu hoạch, các hộ công nhân sẽ được hưởng 80% lợi nhuận, chủ doanh nghiệp hưởng 20%. Bằng cách này ông vừa huy động được người dân tham gia trồng rừng, lại có thể gắn trách nhiệm bảo vệ rừng vào từng người.

Sau này khi hoạt động của công ty đã đi vào ổn định, doanh nghiệp đã chuyển đổi sang cơ chế trả lương trực tiếp cho công nhân, thu nhập bình quân của một lao động một tháng là từ 900.000 cho đến 1.800.000 đồng.

Với chỉ tiêu mỗi một năm trồng được từ vài chục cho tới vài trăm ha, đến năm 2008 doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên đã hoàn thành việc phủ xanh đất trống đồi trọc trên toàn bộ diện tích 1000ha được nhà nước giao.

Và cứ theo như con số này, thì có thể nhẩm ra công ty của ông là doanh nghiệp có diện tích rừng nhiều nhất nước ta hiện nay.

Trong rừng của ông, bên cạnh những cây khá phổ biến như: keo lá tràm, thông, bạch đàn, phi lao, trầm gió, sưa (hoàng đàn), sao đen... còn có sự "góp mặt" của 450ha cây lim xanh, loài cây bản địa quý hiếm đang có nguy cơ mất dần, mà theo tính toán của ông "sau 70 năm mỗi cây lim sẽ cho 3 mét khối gỗ, giá mỗi mét khối gỗ lim hiện nay là 20 triệu đồng; số tiền đó nhân 300 cây thì doanh nghiệp đã có 5,4 ngàn tỷ đồng, tương đương với ngân sách của một số tỉnh trong hai ba năm hiện nay".

Để rừng mãi xanh

Mấy năm sau khi cây rừng sống được trên đồi cát, vào năm 2004 trong lần thu hoạch thứ nhất ông đã có trong tay 1,5 tỉ đồng, số tiền không hề nhỏ ở chốn vùng quê heo hút này.

Nhiều người đồ rằng, ông Nguyên sẽ mua một cái ôtô chạy cho nó oách, lại có người kiên quyết, ông sẽ đút tiền vào túi mà đi du ngoạn "qua những miền đất nước"...

Thế mà, cái "ông thành phố" tuổi nghót nghét 60, tóc đã muối tiêu, người còm nhom như cây rừng trước gió ấy đã dùng toàn bộ số tiền có được, lại vay thêm ở ngân hàng, thế chấp cả nhà ở thành Phố Vinh để làm một con đường có chiều dài hơn 18km, mặt đường rộng 6m, đổ cấp phối dày 0,3m nối từ trung tâm xã vào tới tận thôn Đông Hồi. Chưa dừng lại ở đó, ông còn cho làm một con đập ngăn hồ dài 270m, rộng 10m... với  "tổng thiệt hại" cho toàn bộ các công trình này là 11 tỷ đồng. Thật chẳng giống ai.

Nhưng ai tiếc tiền thì tiếc, còn ông thì hoan hỉ lắm, tay ông vừa vẽ vẽ trước mắt tôi vừa nói: "Con đường đó không chỉ phá vỡ sự xa cách của làng, mà còn là đường băng cản lửa, còn cái hồ chứa nước vừa là để sử dụng cho mục đích phòng chống cháy rừng, lại có thể giữ độ ẩm cho rừng. Làm thế rừng mới xanh được".

Tôi hỏi ông: Một số loại cây ông trồng như cây lim xanh thì phải đến 70 năm mới có thể khai thác được, liệu đến lúc đó ông có còn sống để mà hưởng thành quả mà mình đã bỏ bao nhiêu công sức để làm ra không.

Ông cười và nói: "Hưởng thụ của rừng đâu phải cứ xẻ rừng ra mà bán đâu, tôi với anh đứng đây, hít thở không khí trong lành này cũng là đang hưởng thụ của rừng đấy chứ, rồi đời sau, đời sau nữa, con cháu mình lại vẫn được hưởng thụ từ rừng cơ mà".

Tâm huyết với rừng, nhưng ông cũng tận tâm với dân làng, với quê mình không kém. Nhận thấy tỉ lệ người mù chữ trong thôn còn chiếm khoảng 90% dân số, doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên đã cùng với đồn biên phòng 144 Lạch Cờn tổ chức dạy bổ túc văn hoá cho 4 lớp học. Trong các hoạt động đoàn thể, các chương trình từ thiện của địa phương, cứ có khó khăn người ta lại nhớ đến ông Nguyên trồng rừng, và ít khi ông nói lời từ chối.

Người ta bảo, làm kinh doanh là khô khan lắm, nhưng trong ông vẫn luôn rực cháy một tâm hồn nghệ sĩ, ông có thể làm thơ, sáng tác nhạc, ông chơi với không ít giới văn nghệ sĩ ở chốn Hồng Lam này.

Ông còn là đại biểu Quốc Hội khóa X. Quả thật con người này là cả một "tổ hợp" đầy bí ẩn, mà cứ mỗi lần tiếp xúc với ông, người ta lại khám phá ra một điều gì đó thú vị.

Bây giờ ở thôn Đông Hồi, người dân ở đây đã quen gọi những đồi núi bạt ngàn cây ấy là rừng ông Nguyên, còn gọi chủ nhân của nó là "ông thành phố trồng rừng". Lại có người gắn cho ông cái danh hiệu "tỷ phú không tiền", bởi trong gần hai thập kỷ qua, ông đã đổ vào rừng hơn 30 tỷ đồng, nhưng thu lãi được bao nhiêu ông lại "đầu tư tái sản xuất ngay".

Hàng ngàn công nhân của ông nhờ rừng mà đời sống khấm khá hơn, ngôi làng nơi ông dựng nghiệp với rừng cũng vì thế mà đã bước qua cái ngưỡng nghèo đói.

Còn ông, hàng ngày vẫn cứ cưỡi con Min-khơ cũ mèn từ thủa nào lầm lụi đi về trong giang sơn của mình, chăm chút cho từng gốc cây, lo lắng cho những con thú hoang.

Tôi chia tay ông khi gió biển đã bắt đầu thổi đến lành lạnh, bóng đêm cũng dần tràn về phủ lên trên những đồi núi. Ông Nguyên tiễn chúng tôi ra đến tận bìa rừng, không quên dặn với theo: "Sắp tới tôi còn cho làm thêm mấy cái đập nước nữa, mua thêm động vật hoang dã thả vào rừng cho nó phong phú, bổ sung thêm các nguồn cây để tăng đa dạng sinh học và phát triển rừng bền vững..." .

Tôi lại nhớ đến câu nói của một người dân thôn Đông Hồi về "công dân đặc biệt" của làng mình: "Cái ông ấy đấy à, rừng xanh đến mô thì tóc ông bạc đến đó rứa".

(Tuần VIệt Nam, 15/3/2010)

Lượt xem: 2656

Các tin khác

Đà Nẵng: Khi khách "Tây" dọn rác

(23/04/2024 06:07:AM)

''Xanh hóa'' du lịch, khách muốn có chuyến đi giảm ''dấu ấn'' môi trường

(16/04/2024 06:06:AM)

Vào Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) ngắm các loài chim đặc hữu

(14/04/2024 07:07:AM)

Du lịch Net Zero: Xu hướng mới của ngành du lịch

(11/04/2024 05:47:AM)

Du lịch di sản: Kết nối để phát triển bền vững

(09/04/2024 08:17:AM)

Trao "hộ chiếu xanh" khi du lịch xứ dừa

(29/03/2024 07:37:AM)

Đắk Lắk: Du lịch thân thiện với voi

(18/03/2024 06:47:AM)

Côn Đảo sẽ kiên quyết: Nói không với đốt hàng mã tại các di tích

(08/03/2024 05:56:AM)

Lâm Đồng: xây dựng một môi trường du lịch xanh và bền vững

(26/02/2024 04:52:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE