quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Cần ngăn chặn ngay hành vi phá hủy môi trường Biển Đông của Trung Quốc

Thứ Ba, 23/08/2016 | 09:42:00 AM

(VACNE) - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên PetroTimes tại Hội thảo khoa học quốc tế “Quy chế pháp lý Đảo, đá trong luật Quốc tế và thực tế Biển Đông” tổ chức tại TP Nha Trang ngày 16 - 18/8/2016.


PV: Trong phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) có kết luận rằng, tuyên bố của Trung Quốc về các quyền lịch sử liên quan đến tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong “đường chín đoạn” là không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (1992). Xin Giáo sư cho biết tầm quan trọng và thực trạng của môi trường Biển Đông?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Biển Đông là một trong 4 biển có diện tích lớn nhất trên thế giới, có trên 7.000 đảo lớn nhỏ phân bố gần bờ và tập trung thành các quần đảo lớn ở ngoài khơi xa như Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.

Các quần đảo ngoài khơi được cấu thành từ các rạn san hô kế thừa trên nền đá núi lửa cổ, bao gồm các thực thể địa lý như đảo nhỏ (thường dưới 1km2), đá (reef), bãi cạn (shoal) và các vùng nước nông (lagun) trong các rạn san hô vòng (atoll).

can ngan chan ngay hanh vi pha huy moi truong bien dong cua trung quoc
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Rạn san hô (coral reef) là hệ sinh thái quan trọng và dễ bị tổn thương nhất trong đại dương và biển, là “ngôi nhà chung” của khoảng 3.000 loài sinh vật trong Biển Đông. Các rạn san hô là “xưởng sản xuất” cung cấp cho Biển Đông các chất dinh dưỡng, nguồn giống hải sản và các ấu trùng tôm cá… Thêm nữa, trong Biển Đông có một hệ thống dòng chảy mạnh, biến đổi theo mùa gió, là động lực phát tán và lan tỏa các nguồn dinh dưỡng, nguồn giống và ấu trùng hải sản từ các đảo san hô ngoài khơi, đặc biệt là từ quần đảo Trường Sa của Việt Nam ra các vùng của Biển Đông. Nhờ đó Biển Đông nước ta có mức đa dạng sinh học và giá trị bảo tồn cao, có nguồn lợi thủy sản phong phú, giàu có. Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc khẳng định, Biển Đông chiếm tới 1/10 tổng sản lượng cá đánh bắt trên toàn thế giới, và chính Trung Quốc đến năm 2030 sẽ chiếm 40% tiêu thụ cá toàn cầu.

PV: Đề nghị Giáo sư cho biết cụ thể hơn về môi trường biển tác động trực tiếp đến đời sống của ngư dân các quốc gia quanh Biển Đông như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Như tôi đã trình bày ở trên, Biển Đông là một trong những hệ sinh thái biển lớn, rất quan trọng trong khu vực và thế giới. Khoảng 300 triệu dân sinh sống ở 9 quốc gia (Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Campuchia) và 1 vùng lãnh thổ (Đài Loan) quanh Biển Đông có sinh kế phụ thuộc vào nguồn lợi của khu vực biển này. Đặc biệt, thủy sản là nguồn sinh kế hàng ngày của các cộng đồng địa phương ven biển và trên các đảo. Theo đánh giá chung của các nhà khoa học quốc tế, tổng giá trị kinh tế của một hec ta rạn san hô là 350 nghìn USD hecta/năm. Điều này cho thấy rằng, bảo vệ được môi trường biển và các hệ sinh thái của các quần đảo ngoài khơi sẽ đảm bảo được an ninh môi trường và nguồn lợi đa dạng sinh học toàn Biển Đông.

PV: Giáo sư đánh giá như thế nào về các hành động của Trung Quốc đã tác động phá hủy môi trường Biển Đông?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Với tuyên bố chủ quyền đơn phương và yêu sách phi lý của “đường chín đoạn” (còn gọi là đường lưỡi bò) chiếm 80% diện tích toàn Biển Đông, Trung Quốc đã từng bước chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và trên 7 bãi cạn trong cụm đảo san hô Trường Sa của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, những tuyên bố và hành động đơn phương tôn tạo bãi cạn thành các đảo nhân tạo của Trung Quốc gần đây đã và đang đe dọa đến an ninh môi trường và sinh thái trong khu vực Biển Đông.

Tính đến nay Trung Quốc đã mở rộng khoảng 1.500ha “đảo nhân tạo” trên các bãi cạn ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, không chỉ chôn vùi nhanh chóng nhiều ngàn hecta rạn san hô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển nông khác để lấy làm vật liệu tôn tạo thành các “đảo nhân tạo”.

Các hành vi trên của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên vốn có của các bãi cạn, các đá và rạn san hô vòng ở quần đảo Trường Sa, mà còn “cắt đứt” mối liên kết sinh thái giữa các quần đảo với phần còn lại của Biển Đông. Việc làm của Trung Quốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm chính Trung Quốc với số tiền ước tính khoảng 500 triệu USD một năm. Nếu Trung Quốc không dừng hoạt động khai phá và bồi đắp bãi cạn thì thiệt hại càng tiếp tục tăng.

PV: Thưa Giáo sư, với những chứng cứ nêu trên, các nước có quyền lợi liên quan ở Biển Đông và các tổ chức quốc tế cần làm gì để ngăn chặn hành động của Trung Quốc và đã có thể kiện Trung Quốc về hành động phá hủy môi trường Biển Đông hay chưa?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Giáo sư John MeManus (Đại học Miami, Mỹ) đã cảnh báo: “Chúng ta đang tiến tới sự đổ vỡ lớn trong ngành thủy sản và thảm họa môi trường này sẽ ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người. Đã đến lúc hành động ngay bây giờ”.

Không chỉ ngay lập tức ngăn chặn các hành động tôn tạo bãi ngầm và còn phải yêu cầu chính quyền Trung Quốc ngăn chặn ngư dân Trung Quốc khai thác hải sản mang tính hủy diệt trong khu vực Biển Đông đang gây ra suy thoái hệ sinh thái và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài lớn, như: rùa biển, vài loài cá mập, trai tai tượng và các giống khác.

Hành vi gây hại cho môi trường Biển Đông của Trung Quốc đã được Tòa Trọng tài Thường trực phán quyết rõ ràng, khách quan và minh bạch ngày 12/7/2016. Phán quyết này cung cấp các nguyên tắc pháp lý Quốc tế để các quốc gia liên quan trong khu vực Biển Đông và các quốc gia trên thế giới, các tổ chức môi trường trên thế giới và trong khu vực có cơ sở đấu tranh với các hành vi hủy hoại môi trường Biển Đông của Trung Quốc.

Việt Nam và các quốc gia ven Biển Đông cần đầu tư, phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường đánh giá cụ thể, khoa học hơn nữa để có thể đấu tranh bằng pháp lý quốc tế với Trung Quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

 

Nhật Nguyên (thực hiện)/Petrotimes

Lượt xem: 3892

Các tin khác

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

Giảm dấu chân carbon - hướng tới net zero

(06/03/2024 04:46:AM)

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

(21/02/2024 09:11:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE