quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Phân loại rác đúng cách để bảo vệ môi trường

Thứ Hai, 16/09/2024 | 07:22:00 AM

Phân loại rác thải đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm.

Khi rác được phân loại chính xác, việc xử lý rác thải trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, góp phần giảm tải cho các bãi rác và hạn chế khí thải độc hại. Nhận thức được tầm quan trọng này, Fulbright sẽ cùng bạn tìm hiểu về quy trình phân loại rác thải đúng cách, cùng những lợi ích to lớn hoạt động này mang lại cho môi trường và cộng đồng qua bài viết dưới đây.

Tại sao phải phân loại rác?

Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt. Năm 2019, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố lượng rác thải toàn cầu đã vượt qua mức 2,01 tỷ tấn mỗi năm và dự kiến sẽ tăng lên 3,4 tỷ tấn vào năm 2050. Tuy nhiên, ở báo cáo gần nhất, con số báo động này có thể lên đến 3,8 tỷ tấn, vượt xa các mức dự báo trước đó. 

Tại Việt Nam, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm  2019, cho biết có 64.658 tấn/ngày (khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày), tăng 46% so với năm 2010.

Ô nhiễm môi trường đã mang lại nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Rác thải không được xử lý đúng cách sẽ gây ra các vấn đề sau:

  • Ô nhiễm nguồn nước: Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, khi không được thu gom và xử lý đúng cách, sẽ xâm nhập vào các nguồn nước, gây ô nhiễm và làm suy giảm chất lượng nước sinh hoạt.
  • Ô nhiễm đất: Chất thải rắn khi chôn lấp bừa bãi có thể làm nhiễm độc đất, ảnh hưởng đến cây trồng và giảm năng suất nông nghiệp.
  • Ô nhiễm không khí: Quá trình phân hủy của rác thải hữu cơ và việc đốt rác thải không kiểm soát làm thải ra các khí độc hại, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
  • Tác động đến hệ sinh thái: Rác thải nhựa và các chất thải không phân hủy khác có thể gây hại cho động vật hoang dã, thảm thực vật và mất cân bằng chuỗi thức ăn tự nhiên.

Ngoài ra, UNEP cũng chỉ ra rằng có khoảng 9% nhựa được tái chế trên toàn cầu mỗi năm, phần còn lại kết thúc ở bãi chôn lấp (79%) hoặc đốt (12%). Báo cáo “Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam – Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” do International Finance Corporation (IFC) công bố vào năm 2020 cũng cho biết tỷ lệ phân loại và tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam còn thấp, chỉ đạt khoảng 10-15%, phần lớn rác thải vẫn đang được chôn lấp hoặc đốt, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Để cải thiện tình trạng này, UNEP khuyến khích các quốc gia đẩy mạnh chương trình phân loại rác thải tại nguồn, nâng cao nhận thức cộng đồng và áp dụng các biện pháp quản lý rác thải tiên tiến. Các chiến dịch nâng cao nhận thức và hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình cá nhân cũng đã và đang được triển khai tại Việt Nam.

Phân loại rác giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy sự phát triển bền vững, góp phần xây dựng môi trường sống xanh sạch đẹp.

Lợi ích của việc phân loại rác

  • Bảo vệ môi trường

Phân loại rác thải giúp giảm thiểu lượng rác thải phải chôn lấp, từ đó giảm ô nhiễm môi trường. Khi rác thải được phân loại đúng cách, các chất thải có thể tái chế như nhựa, giấy, kim loại được tách riêng và đưa vào quy trình tái chế, hạn chế sự lãng phí tài nguyên và giảm lượng khí thải nhà máy từ quá trình xử lý rác thải không hợp lý. Qua đó, góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và duy trì môi trường sống bền vững.

  • Tăng trưởng kinh tế

Việc phân loại và tái chế rác thải không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên mà còn tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Ngành công nghiệp tái chế phát triển sẽ tạo ra nhiều việc làm, từ việc thu gom, phân loại đến chế biến các sản phẩm tái chế. Đồng thời, việc phân loại rác và tái chế cũng giúp giảm chi phí xử lý rác thải, giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu mới của nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp,… 

  • Phát triển xã hội

Phân loại rác thải đúng cách không chỉ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy thói quen sống tích cực. Qua thời gian, mỗi người sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc phân loại rác thải và nhận thức được những tác động đối với môi trường sống. Điều này góp phần xây dựng một xã hội văn minh và có trách nhiệm với môi trường sống xung quanh. 

Hướng dẫn phân loại rác đúng cách

  • Rác thải tái chế

Rác thải tái chế là những loại rác đã qua sử dụng nhưng vẫn còn giá trị sử dụng và có thể được tái chế thành sản phẩm mới. Ví dụ: giấy, bìa cứng, chai lọ thủy tinh, lon kim loại và các loại nhựa.

Hướng dẫn xử lý:

  • Giấy và bìa cứng: Nên được giữ khô ráo và phẳng, không để lẫn với rác thải ướt.
  • Chai lọ thủy tinh: Rửa sạch trước khi cho vào thùng rác tái chế.
  • Lon kim loại: Rửa sạch và nén lại nếu có thể để tiết kiệm không gian.
  • Nhựa: Rửa sạch và phân loại theo mã nhựa nếu có thể.

Rác thải tái chế được phân loại cụ thể thành các nhóm như giấy, thủy tinh, kim loại và nhựa, giúp cho quá trình tái chế diễn ra hiệu quả và bảo vệ môi trường. (Nguồn: iStock)

  • Rác thải hữu cơ

Rác hữu cơ là loại rác thải sinh học, có nguồn gốc từ thực vật và động vật. Ví dụ: thức ăn thừa, vỏ trái cây, rau củ, lá cây, cành cây, cỏ khô, bã cà phê, bã trà, phân động vật,… 

Hướng dẫn xử lý:

  • Thức ăn thừa và vỏ trái cây: Có thể sử dụng làm phân hữu cơ (compost) nếu có điều kiện.
  • Lá cây và bã cà phê: Có thể ủ thành phân hữu cơ.
  • Rác thải hữu cơ khác: Để vào thùng rác hữu cơ riêng biệt để được xử lý theo quy trình sinh học.

Rác thải hữu cơ được phân loại riêng biệt để có thể tái chế thành phân bón tự nhiên nhờ quá trình ủ phân. (Nguồn: Viện Môi trường)

  • Rác thải vô cơ 

Rác thải vô cơ là những loại rác không thể phân hủy sinh học trong môi trường tự nhiên. Chúng có thể tồn tại rất lâu mà không bị vi sinh vật phá vỡ. Một số rác thải vô cơ trong đời sống hàng ngày có thể kể đến như gốm sứ, bóng đèn, túi nilon, các sản phẩm nhựa khó tái chế,… 

Hướng dẫn xử lý:

  • Gốm sứ và bóng đèn: Để riêng và xử lý theo quy định của địa phương như đem đến khu vực chôn lấp hoặc đốt rác thải đúng quy trình.
  • Túi nilon và nhựa khó tái chế: Hạn chế sử dụng, tái sử dụng nhiều lần trước khi thải bỏ.
  • Rác thải nguy hại
Rác thải nguy hại là loại rác thải có chứa các chất hoặc hợp chất có một trong các đặc tính gây nguy hại trực tiếp (dễ cháy, dễ nổ, làm ngộ độc, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm và các đặc tính nguy hại khác), hoặc tương tác với chất khác gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người. Một số rác thải nguy hại trong đời sống hàng ngày thường thấy như pin, ắc quy, hóa chất hết hạn, thuốc trừ sâu, sơn, dung môi,… 

(Kinh tế môi trường)

Lượt xem: 272

Các tin khác

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

Bức tranh quản lý rác thải phức tạp tại Việt Nam

(23/09/2024 09:38:AM)

Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 - Nhiệm vụ nào cần được thực hiện?

(15/09/2024 06:57:AM)

Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1)

(12/09/2024 06:18:AM)

Phát triển giao thông xanh là nền tảng để góp phần xây dựng nền kinh tế xanh

(03/09/2024 05:26:AM)

Kiến trúc xanh - một xu hướng thiết kế tất yếu

(02/09/2024 07:41:AM)

Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon rừng ven biển Việt Nam

(27/08/2024 06:51:AM)

Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon rừng ven biển Việt Nam

(25/08/2024 08:24:AM)

Đẩy lùi rác thải nhựa, vì một đại dương xanh

(21/08/2024 04:46:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE