quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Phát triển du lịch không ảnh hưởng đến môi trường là ngụy biện

Chủ Nhật, 29/09/2019 | 12:24:00 AM

(VACNE) – Gần đây dư luận đang có nhiều ý kiến về việc xây dựng dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo” gọi tắt là Tam Đảo II.

Ngay từ năm 2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý cho Công ty Vietnam Parners LLC. (Hoa Kỳ) lập ý tưởng quy hoạch cũng như thuê chuyên gia Hoa Kỳ phác thảo ý tưởng quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái ở 300ha rừng lùn, trên tổng diện tích từ 500-600ha của vùng lõi VQG Tam Đảo (dự án Tam Đảo II). Khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định xây dựng Tam Đảo II thành một tổ hợp vui chơi, giải trí, các nhà khoa học của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã kiên trì lên tiếng phản đối vì sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái cũng như cảnh quan của Tam Đảo chắc chắn sẽ bị phá vỡ nếu dự án được tiến hành. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng nhiều lần tổ chức các hội thảo khoa học và gửi văn bản đến UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng với nội dung chính “Theo pháp luật hiện hành, mọi chủ trương khai thác khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG trong khi thực tế không có công trình quốc gia nào đòi hỏi, là không hợp pháp. Vì thế, dự án (Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Tam Đảo, tức Tam Đảo II) không nên đặt ra để xem xét”. Khi đó, dự án Tam Đảo II đã buộc phải dừng.

Đến nay, vấn đề xây dựng Tam Đảo II lại được đưa ra với tên gọi “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo” do tập đoàn Sun Group thực hiện, Dự án này đang trong quá trình xin Quyết định phê duyệt ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước tình hình đó, Nhóm phóng viên báo Phụ nữ đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về các vấn đề liên quan đến dự án Tam Đảo II.

GS-TS[-]Đặng[-]Huy[-]Huỳnh:"Nói[-]phát[-]triển[-]du[-]lịch[-]không[-]ảnh[-]hưởng[-]đến[-]môi[-]trường[-]là[-]ngụy[-]biện" 

Với hơn 60 năm hoạt động nghiên cứu sinh học và có nhiều công lao trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, khi nói về rừng quốc gia Tam Đảo, giáo GS Đặng Huy Huỳnh đánh giá, đây là khu vực có tính đa dạng sinh học cao với những loài động vật như gấu, khỉ, cầy, cáo và nhiều loài chim khác nhau…

Lý do là, hệ sinh thái thiên nhiên của Tam Đảo gắn liền với cuộc sống của người dân, việc bảo vệ hệ sinh thái thiên nhiên ở trên chính là bảo vệ cuộc sống và hệ sinh thái nhân văn ở dưới. Đó cũng là nơi sinh sống của cư dân ba tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Thái Nguyên.

“Khi làm đường sá, làm khu du lịch, vui chơi, khách sạn, resort… thì chắc chắn lượng khách vào sẽ đông. Muốn xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, dứt khoát anh phải nổ mìn, phải phá rừng làm đường. Việc phá như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến động vật, ảnh hưởng rất lớn” - ông Huỳnh e ngại.

Khi nói về việc cho tới nay, báo chí vẫn chưa tiếp cận được bản báo cáo đánh giá tác động môi trường, GS-TS Đặng Huy Huỳnh cho rằng, đó là biểu hiện của sự không minh bạch. Bởi lẽ, Luật Lâm nghiệp, Luật Phát triển - Bảo vệ rừng, Luật Đa dạng sinh học đã ghi rõ những khu bảo tồn, rừng quốc gia là khu bảo vệ hệ sinh thái chuẩn, bảo vệ sự đa dạng sinh học, môi trường, cũng là bảo vệ cuộc sống của cộng đồng, nên việc thực hiện mỗi dự án đều phải có quy trình rất khắt khe và người dân có quyền kiểm tra, giám sát.

 “Việc họ không cung cấp đầy đủ có nghĩa là không minh bạch. Đảng và Chính phủ luôn có định hướng phải minh bạch. Các vị lãnh đạo đi đâu cũng nói là phải minh bạch, thế nên nếu anh làm dự án đó mà không cho dân biết những cái đó thì cần đặt dấu hỏi. Nếu anh làm rất trong sáng, đàng hoàng thì không sợ bất cứ điều gì cả” - GS-TS Đặng Huy Huỳnh bức xúc.

Nhà khoa học này cũng e ngại, nếu thực hiện dự án trong rừng quốc gia Tam Đảo, sẽ có sự ảnh hưởng lớn tới các loài động vật, hệ sinh thái ở đó. Bởi khi nổ mìn, xây dựng, sẽ phá mất môi trường sống của động vật, chúng sẽ chết đi vì không có thức ăn, không có nơi sống. Sự chết chóc đó có thể còn kéo theo nạn dịch, từ chính động vật hoang dã đến vật nuôi rồi qua cả con người.

Hệ lụy đó phải được nhắc đến bởi nó nằm trong một hệ sinh thái tổng hợp. Vì vậy, theo ông Huỳnh, Nhà nước cần thận trọng khi để phát triển ồ ạt khu du lịch, không nên chỉ nghĩ đến kinh tế mà cần phải nghĩ đến tương lai, đến thế hệ mai sau.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện Tập đoàn Sun Group cho rằng, họ sẽ làm theo mô hình nghỉ dưỡng sinh thái gắn liền với thiên nhiên, sẽ ít gây ảnh hưởng đến môi trường.

Trước ý kiến này, GS-TS Đặng Huy Huỳnh cho rằng: “Đó chỉ là ngụy biện”.

Ông Huỳnh phân tích: “Khi đi thực địa trong rừng, chúng tôi cũng phải dựng một cái lán cho 2-3 người ở. Khi đó, cũng phải chặt vài cái cây nhỏ, làm cái trạm dưới tán rừng thì nó sẽ không ảnh hưởng. Nhưng đây là làm resort, làm khu nghỉ dưỡng, phải có khu vui chơi, hồ nước này nọ thì sẽ phải phá rừng, phá cây. Không thể nào mắc xi măng cốt thép vào cây để làm lên cái nhà hay xây dựng cơ sở hạ tầng được”.

GS-TS Đặng Huy Huỳnh cũng đặt dấu hỏi: nếu làm một dự án ảnh hưởng nhiều như vậy thì luật có cho phép hay không. “Tôi nghĩ luật không cho phép chuyện đó, anh làm được dự án như thế thì anh có lách luật, có phạm luật hay không? Đề nghị cơ quan có trách nhiệm về quản lý, giám sát pháp luật có ý kiến. Nếu không, người ta thấy chỗ này làm được thì chỗ khác cũng sẽ làm. Làm như thế thì cái luật của mình không nghiêm minh, ảnh hưởng đến rất nhiều thứ”.

GS-TS Đặng Huy Huỳnh ưu tư: “Với dự án ở Tam Đảo II, trước đây, các nhà khoa học cũng đã có ý kiến rồi. Nó là lá phổi không chỉ của người dân lân cận mà còn là của thủ đô; hệ sinh thái của Tam Đảo còn liên quan đến khu vực đồng bằng sông Hồng. Giá trị của sự đa dạng sinh học đó vô cùng lớn với con người, hơn cả việc thu lại 5-7 tỷ USD, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay” .

Theo Nhóm phóng viên (báo Phụ nữ)

Lượt xem: 2301

Các tin khác

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE